Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh
~ oOo ~
Phần thứ nhất: MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VỀ HỒ CHÍ MINH
Chương I – Một số vấn đề lý luận chung về phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu
III. Mấy khái niệm cần phân biệt trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh từ cách nhìn phương pháp luận
Bàn về phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh, để tránh nhầm lẫn, có một số khái niệm cần làm rõ và sử dụng thống nhất trong nghiên cứu. Vì vậy, cần thiết phải phân biệt: – Phương pháp luận của Hồ Chí Minh, tức là của bản thân đối tượng đang được nghiên cứu. – Phương pháp hệ (methodicat), tức hệ thống các phương pháp được chọn lọc, vận dụng vào nghiên cứu về Hồ Chí Minh, nghĩa là những công cụ tác động vào đối tượng được coi là thích hợp và có hiệu quả nhất. – Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh, ở đây cũng chỉ quy ước như là những nguyên tắc lý thuyết có ý nghĩa chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Mỗi khái niệm này có một nội dung riêng, đồng thời có mối liên hệ với nhau trong việc lĩnh hội, nghiên cứu cũng như giảng dạy, giáo dục, tuyên truyền về Hồ Chí Minh.
1. Phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà lý luận, đương nhiên Người có phương pháp luận của mình. Phương pháp luận của Hồ Chí Minh cũng bắt nguồn từ phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin mà ra, nhưng được vận dụng và chuyển hoá vào thực tiễn Việt Nam, để xử lý, giải quyết những vấn đề do thực tiễn Việt Nam đặt ra.
Đó là phương pháp luận chỉ đạo Hồ Chí Minh trong nhận thức, trong đấu tranh cách mạng, trong các hoạt động lãnh đạo và quản lý, đối nội và đối ngoại mà Người phải xử lý trên cương vị lãnh tụ Đảng và nguyên thủ quốc gia; trong lĩnh vực hoạt động vǎn hoá – tinh thần, sáng tạo vǎn học nghệ thuật; trong vǎn hoá ứng xử của Người với tư cách một con người, như mọi người của đời thường, với tất cả những niềm vui và nỗi buồn, những dằn vặt đau khổ, những suy tư, chiêm nghiệm và hành động trước những hạnh phúc và bất hạnh của cuộc sống.
Không nên quên một thực tế: Người là một nhà tư tưởng, nhà lý luận lớn, nhưng Người không coi học thuyết, chủ nghĩa, triết thuyết là cứu cánh. Người không để lại những trước tác lớn, đơn thuần bàn về lý luận và phương pháp luận. Đặc biệt là Người không dùng ngôn ngữ bác học, vǎn phong hàn lâm để biểu đạt ý tưởng của mình. Người quen nói và viết mộc mạc cho dân mình phần đông còn mù chữ, thất học hoặc học thức còn ít đều hiểu được. Thế nhưng mức độ sâu sắc của các ý tưởng của Người thì ngay các bậc học giả uyên thâm cũng vẫn phải ngạc nhiên.
Giải thích thế nào về mức độ sâu sắc đó ? Cũng như vậy, trong lĩnh vực báo chí, Người là một nhà báo cách mạng nổi tiếng trên nhiều diễn đàn thế giới; trong vǎn học, Người là nhà thơ lớn đã đem vào trong thơ ca không ít những mẫu mực cổ điển. ấy thế mà Người chỉ xem những cái đó như là phương tiện cho tranh đấu; cảm xúc thi hứng của Người lớn lao như vậy, Người cũng chỉ xem nó là chuyện thoáng qua, như đi đường, tiện tay hái một nhành hoa ! Còn ở cương vị lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia, Người vẫn chỉ coi mình là một công dân bình thường, một người lính vâng lệnh quốc gia ra mặt trận phục vụ dân chúng, nếu đồng bào cho nghỉ Người sẽ thanh thản sống trong gian nhà nhỏ để trồng rau, câu cá!
Cũng như vậy, là một chính khách lớn của thế giới, đến ngay kẻ thù cũng phải kính phục và trọng nể, Người vẫn chỉ nhận mình là một người yêu nước, từ chối tất cả mọi huân chương, tước hiệu. Tất cả những điều tưởng như khó hiểu đó đã trở nên rõ ràng khi ta hiểu câu nói của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ǎn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là chỗ lớn lao nhất của Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của Người đã minh chứng cho điều chân thật sau đây: “Mỗi người có một nỗi khổ riêng. Cộng tất cả nỗi khổ đau của mọi người, của muôn nhà thì đó là nỗi đau của riêng tôi”. Đây là chỗ sâu sắc nhất của Hồ Chí Minh.
Chung đúc lại, đủ hiểu vì sao, Hồ Chí Minh làm xúc động và có sức cảm hoá con người mãnh liệt đến như vậy. Phải dựa trên thực tiễn này mới có thể tìm thấy đâu là phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Đó chính là phương pháp luận của sự nghiệp lớn, hành động lớn vì động cơ và mục tiêu cao cả nhất: Phương pháp luận của đấu tranh cách mạng vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội; vì giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại cần lao.
Vì sự nghiệp cao cả đó Hồ Chí Minh nguyện làm tất cả và dâng hiến tất cả. Chữ “DÂN” và “DÂN vận” của Hồ Chí Minh quy tụ tất cả mọi điều ấy. Đó là phương pháp luận của nhà triết học – hành động, nhà chính trị – thực tiễn và lãnh tụ sáng suốt của nhân dân. Người tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin, Người lựa chọn chủ nghĩa xã hội, chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là vì tìm thấy ở đấy con đường tốt nhất, hữu hiệu nhất để thực hành cái đạo lớn lao ấy.
Do đó, có thể hình dung một vài nét trong phương pháp luận của Hồ Chí Minh như sau: – Xuất phát từ thực tiễn dân tộc (đất nước, lịch sử, con người Việt Nam), lấy mục tiêu độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân, hạnh phúc của đồng bào làm chuẩn mực hành vi, thước đo của hoạt động, tiêu chuẩn của chân lý. Xuất phát từ mục tiêu đó mà xử lý hài hoà các mối quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, tự lực và ngoại viện, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa nhân vǎn… – Thống nhất hữu cơ giữa lý luận và thực tiễn.
Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là nắm lấy tinh thần và phương pháp của nó để xử lý độc lập, sáng tạo mọi quan hệ với con người và công việc. – Thấu hiểu quy luật khách quan để hành động đúng đắn và thành công. Kiên trì nguyên tắc kết hợp với mềm dẻo, linh hoạt trong phương pháp. Chiến lược đúng phải có sách lược hay; khoa học kết hợp với nghệ thuật trong việc tạo thời cơ, chớp thời cơ; “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ, kiên quyết không ngừng thế tiến công”; “Biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự”; “Thế và lực trong cách mạng và trong phát triển là ở Đại Đoàn kết”,… – Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội là do nhân dân tự làm lấy dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, mọi điều phải xuất phát từ dân, lấy dân làm gốc. Nói, viết sao cho giản dị, dễ hiểu cốt để quần chúng hiểu ngay và làm được; nắm cái tinh thần của sự vật, đi ngay vào cái cốt lõi của vấn đề.
Ở Hồ Chí Minh, những chân lý lớn của thời đại được hiện ra trong những câu nói giản dị và hàm súc. – Cán bộ là vốn quý của Đảng, của cách mạng. Cán bộ tốt quyết định tất cả. Muốn vậy phải rèn luyện cán bộ trong đấu tranh, hết lòng vì dân, vì nước, diệt trừ chủ nghĩa cá nhân, trau dồi đạo đức cách mạng, phải phát hiện và trọng dụng nhân tài qua thực tiễn và qua sự tín nhiệm của quần chúng,… Đó là một vài nét phác thảo sơ bộ về phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Tuy Người không để lại cho chúng ta một công trình hoàn chỉnh nào về phương pháp luận, nhưng chúng ta có thể nghiên cứu và tìm ra phương pháp luận của Người từ hai hướng: dựa vào câu chữ (sách vở), gọi là tư tưởng – phương pháp; và dựa vào cách làm, lời dặn, gọi là hành động – phương pháp (chữ dùng của giáo sư Lê Trí Viễn).
2. Hệ phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh (tức là các công cụ tác động vào đối tượng). Điều cần nói là, những phương pháp này không tự sản sinh ra, không tách rời chính đối tượng. Mức độ hiểu biết về đối tượng, yêu cầu nghiên cứu đối tượng sẽ quy định việc lựa chọn những phương pháp thích hợp. Đồng thời chủ thể sử dụng phương pháp phải đổi mới chính mình để đổi mới phương pháp đáp ứng yêu cầu tǎng tiến hiệu quả nghiên cứu. Tác dụng của phương pháp chỉ bộc lộ ra mặt tích cực của nó thông qua sáng tạo của chủ thể sử dụng phương pháp đó. Đây vừa là trình độ tư tưởng, nǎng lực khoa học vừa là trình độ kỹ thuật – công nghệ đạt được trong nghiên cứu.
Tất cả các phương pháp và thao tác đã có và thường thấy như: phân tích, tổng hợp, khái quát và trừu tượng hoá, so sánh, hệ thống, điều tra xã hội học, thực nghiệm, nghiên cứu vǎn bản, hiện vật, thống kê, phân loại… đều có thể ứng dụng vào nghiên cứu chung và nghiên cứu loại biệt về Hồ Chí Minh. Cái quan trọng là nghệ thuật lựa chọn và xử lý phương pháp trong nghiên cứu. Có thể nói, toàn bộ triết học thâu tóm vào phương pháp. Mỗi bước tiến về khoa học được đánh dấu bằng một phương pháp mới. Do đó, sáng tạo về phương pháp là một sáng tạo lớn, có tầm cỡ trong nghiên cứu khoa học. Song đến lượt nó, áp dụng phương pháp nào nghiên cứu, lại đòi hỏi ở người nghiên cứu nǎng lực sáng tạo trong việc sử dụng phương pháp. Đòi hỏi ấy đang đặt ra và thử thách các nhà khoa học trong chuyên ngành nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 3. Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh là những nguyên tắc chỉ đạo việc nghiên cứu, mà những nguyên tắc này, ở cấp độ lý thuyết, sẽ được bàn kỹ ở chương sau.
PGS, PTS. Hoàng Chí Bảo; GS. Nguyễn Đǎng Mạnh;
Bạn phải đăng nhập để bình luận.