Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh
~ oOo ~
Phần thứ nhất: MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VỀ HỒ CHÍ MINH
Chương I – Một số vấn đề lý luận chung về phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu
II. Phương pháp luận chung của khoa học xã hội và phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh (phương pháp luận chuyên ngành)
Khoa học xã hội là một lĩnh vực hết sức rộng lớn bao gồm rất nhiều ngành (lĩnh vực) và chuyên ngành khoa học khác nhau, thậm chí trong mỗi chuyên ngành lại còn có thể phân nhỏ thành những bộ môn, những chuyên môn hẹp đi sâu nghiên cứu từng mặt, từng khía cạnh của đối tượng, nhưng cùng có chức nǎng chung là nghiên cứu về xã hội và con người. Theo nghĩa rộng, khoa học xã hội bao gồm cả khoa học nhân vǎn. Đây là một nhóm, cũng đồng thời là một hệ thống các môn khoa học về con người và những hoạt động tinh thần của con người, gắn liền với những phương thức đặc thù sáng tạo ra các giá trị tinh thần, vǎn hoá, nghệ thuật… gọi chung là khoa học nhân vǎn.
Chúng ta thống nhất quy ước đặt khoa học nhân vǎn vào hệ thống chung của khoa học xã hội, cũng như nghiên cứu khoa học về Hồ Chí Minh với tư cách là một khoa học chuyên ngành nằm trong khoa học xã hội. Trong một tương lai không xa,” Hồ Chí Minh học” sẽ ra đời và phát triển không chỉ ở nước ta mà sẽ còn được chú ý ở nhiều nước trên thế giới. Chắc chắn sẽ có hàng loạt vấn đề đặt ra phải giải quyết về ngành khoa học này, từ đối tượng, chức nǎng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu, hệ thống khái niệm, phạm trù cho đến những hình thức biểu hiện, những khoa học đảm nhận nghiên cứu từng chuyên ngành hẹp của nó.
Cơ sở lý luận chung nhất để giải quyết những vấn đề đó chính là xác lập mối quan hệ phương pháp luận giữa khoa học xã hội với khoa học chuyên ngành nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Trước hết cần làm sáng tỏ một số vấn đề chủ yếu nhất thuộc về phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội.
Thứ nhất, nghiên cứu khoa học xã hội phải dựa vững chắc và nhất quán với quan niệm duy vật lịch sử. Chủ nghĩa duy vật lịch sử với một hệ thống chặt chẽ các nguyên lý, các tư tưởng khoa học là nền tảng lý luận – phương pháp luận chung của tất cả khoa học xã hội. Đây là nguyên tắc chủ đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình nghiên cứu.
Mỗi nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng như của triết học Mácxít nói chung đều thống nhất trong bản thân nó ý nghĩa bản thể luận và nhận thức luận, đều vừa là nguyên tắc thế giới quan, vừa mang tính chất phương pháp luận. Nó đồng thời biểu đạt về hệ tư tưởng, trong đó có sự gắn bó và thống nhất hữu cơ giữa khoa học và chính trị, tức là giữa tính khoa học và tính đảng. Triết học và tất cả các môn khoa học xã hội, khác về cǎn bản với khoa học tự nhiên trên hai điểm chủ yếu là: Điểm khác thứ nhất là nghiên cứu quy luật và phát hiện ra quy luật xã hội cũng như vai trò của con người, của hoạt động thực tiễn đối với sự vận động, hoạt động của quy luật này. Nó khác xa với sự vận động của tự nhiên, và quy luật tự nhiên là có tính thuần tuý tự nhiên và tự phát.
Điểm khác thứ hai là ngay từ khi ra đời, các khoa học xã hội đều mang tính giai cấp, đều phục vụ lợi ích giai cấp trong cuộc đấu tranh giai cấp. (Khoa học tự nhiên trong hình thức thuần tuý của nó không có tính chất này. Giai cấp hoặc lực lượng xã hội nào đó lợi dụng thành quả khoa học tự nhiên phục vụ cho lợi ích của mình là thuộc về vấn đề khác).
Chính vì vậy, khoa học xã hội không thể và không bao giờ tách rời khỏi chính trị, khỏi hệ tư tưởng. Đấu tranh trong khoa học xã hội không bao giờ thuần tuý mang tính chất học thuật mà thường là gắn liền với hoặc dẫn tới đấu tranh về hệ tư tưởng và quan điểm chính trị. Đối với những nhà khoa học xã hội theo lập trường của chủ nghĩa Mác thì việc nắm lấy chủ nghĩa duy vật và biện chứng về lịch sử là nắm lấy công cụ nhận thức khoa học triệt để và vũ khí sắc bén nhất của đấu tranh về hệ tư tưởng, ý thức.
Đây là một thực tế khách quan được kiến giải tường minh về lý luận và được chứng thực rõ ràng về mặt thực tiễn lịch sử. Nó tuyệt nhiên không phải là một thái độ thiên khiến và lập trường biệt phái như những sự xuyên tạc đã xảy ra. Như Lênin đã tổng kết: Chủ nghĩa duy vật lịch sử do Mác – Ǎngghen sáng lập ra là thành quả vĩ đại bậc nhất của tư tưởng khoa học. Lần đầu tiên nó đem lại trong lịch sử nhân loại một cách kiến giải khoa học hoàn toàn mới mẻ về bản chất của đời sống xã hội và phát hiện ra các quy luật khách quan của lịch sử, cái mà trước đó, xã hội học tư sản đã đẩy nó vào tình trạng hỗn độn, chất đống các sự kiện hoặc làm cho nó trở nên thần bí, có tính chất tôn giáo.
Với quan niệm duy vật và biện chứng về lịch sử, Mác và Ǎngghen đã khắc phục được “ba cái quên” lớn nhất trong lịch sử triết học: quên điểm xuất phát, quên thế giới khách quan của chủ nghĩa duy tâm, và quên không biết đến con người (sự hoạt động của chủ thể) của chủ nghĩa duy vật trước Mác (siêu hình).
Chủ nghĩa duy vật lịch sử đóng vai trò vũ trang phương pháp luận nghiên cứu cho khoa học xã hội. Nó được biểu hiện qua lý luận, học thuyết kinh điển trong di sản đồ sộ và uyên bác này mà trực tiếp và nổi bật là mấy nét tổng quát sau đây: – Vạch ra quy luật chung, phổ biến của mọi thời đại lịch sử là quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.
Trên cơ sở quy luật này, chủ nghĩa duy vật lịch sử nhìn nhận lịch sử như một quá trình lịch sử – tự nhiên. Và lý luận về phương thức sản xuất, về hình thái kinh tế xã hội đã làm sáng tỏ rằng, lôgích của cái tất yếu kinh tế đi xuyên qua mọi biến thiên của lịch sử, xét đến cùng, kinh tế là nhân tố quyết định của lịch sử.
Triệt để và biện chứng hơn, các tác giả kinh điển còn nhìn thấy ở kinh tế cái vai trò quyết định cuối cùng chứ không phải duy nhất. Tư tưởng này phải được coi một trong những chìa khoá đối với người nghiên cứu khi đi vào giải phẫu cái cơ thể phức tạp là xã hội. – Vạch ra quy luật đấu tranh giai cấp như là sự phản ánh về mặt xã hội những mâu thuẫn của quan hệ kinh tế (của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất).
Hơn nữa, chủ nghĩa duy vật lịch sử xem đấu tranh giai cấp là một động lực của sự phát triển xã hội có giai cấp. Dĩ nhiên, đấy là một trong nhiều động lực chứ không phải là động lực duy nhất, vĩnh viễn. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa (theo cách nói của Mác) là có nội dung kinh tế, thâm sâu trong nội dung chính trị của nó. Biện chứng của kinh tế và chính trị, kinh tế và xã hội là biện chứng của phát triển trong cách mạng và trong tổ chức xã hội, kể cả tổ chức đời sống xã hội về lĩnh vực vǎn hoá – tinh thần. – Vạch ra lý luận về vai trò của quần chúng và của cá nhân đối với hoạt động lịch sử van hoá và vǎn minh.
Lý luận này, lần đấu tiên xác lập vị thế chủ động, tích cực của quần chúng lao động (mà tiêu biểu là giai cấp vô sản cách mạng với sứ mệnh lịch sử thế giới của nó) như là một chủ thể của lịch sử. Đó là sự kết hợp giữa vai trò quyết định thuộc về quần chúng với cống hiến có tác dụng to lớn đặc biệt của lãnh tụ và các thiên tài, trong tiến trình lịch sử.
Lý luận này đặt cơ sở niềm tin khoa học vào sức mạnh nhân dân trong cách mạng, đặc biệt là cách mạng vô sản. Nó tôn vinh con người lao động với tầm cao của chủ nghĩa nhân đạo hiện thực. Nó làm sáng tỏ bản chất của sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng giai cấp và nhân loại. Nó vạch ra mối liên hệ biện chứng giữa xã hội và cá nhân, giữa quần chúng và lãnh tụ trong chiến lược phát triển. Nó hướng tới mục tiêu thực hiện sự phát triển tự do và toàn diện của từng cá nhân, và sự phát triển của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển của tất cả, xem đó là mục đích tự thân của lịch sử. – Chủ nghĩa duy vật lịch sử, bao quát mọi sự vận động xã hội hiện thực đã khái quát lên nguyên lý về tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, đồng thời thể hiện tính nǎng động và tính độc lập tương đối của ý thức xã hội.
Gắn liền với nó là lý luận về con người hiện thực mang bản chất xã hội trong tính thống nhất với bản chất sinh học, về biện chứng giữa con người, nhân cách, cá nhân và cá thể với xã hội, với môi trường và hoàn cảnh, chỉ ra quy luật hình thành con người mới trong những thời đại lịch sử mới thông qua cải tạo và xây dựng…
Đó là bốn nét tổng quát cǎn bản nhất của phương pháp luận duy vật lịch sử. Nó cho ta những sợi dây dẫn đường, cho ta kim cỉ nam hành động trong khi tiếp cận và giải quyết các vấn đề về con người, xã hội trong nghiên cứu khoa học xã hội. Thứ hai, nghiên cứu khoa học xã hội trên lập trường mác xít, trên quan điểm và phương pháp biện chứng duy vật đòi hỏi phải xuất phát từ hiện thực khách quan của đời sống vật chất và các quan hệ kinh tế để giải thích trạng thái hiện thực của ý thức tư tưởng và các quan hệ tinh thần.
Nói rộng hơn, người nghiên cứu phải xử lý một cách biện chứng giữa quyết định luận kinh tế với quyết định luận xã hội trong sự phát triển của con người và xã hội. Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859), Các Mác đã từng viết: “Không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thể cǎn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội. Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ…”.
Tư tưởng trên đây của Mác chứa đựng ý nghĩa cực kỳ sâu sắc về tính quy định chế ước lẫn nhau giữa kinh tế và xã hội, về tất yếu kinh tế là cái giá đỡ vật chất cho mọi tất yếu chính trị, xã hội và tư tưởng. Thấu triệt tư tưởng biện chứng này là một đảm bảo phòng ngừa không sa vào duy ý chí, duy tâm chủ quan về lịch sử trong khi giải quyết thực tiễn các nhiệm vụ xã hội. Tư tưởng này còn thấy ở các tác phẩm khác của Mác: Sự thống trị của thực dân Anh ở ấn Độ và Ngày 18 tháng Sương mù của Luy Bônapactơ. Đây là những tá phẩm chứa đựng những luận đề tư tưởng phương pháp luận khoa học với hàm lượng triết học cao, có giá trị và ý nghĩa phổ biến trong nghiên cứu khoa học lịch sử, khoa học xã hội nói chung.
Thứ ba, nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt là nghiên cứu lý luận và lịch sử tư tưởng phải tuân thủ phương pháp hệ thống, phải khảo sát mọi hiện tượng và quan hệ trong sự vận động, phát triển của nó và không nên quên rằng lôgích tư tưởng chỉ là sự phản ánh lôgích hiện thực, là tái hiện cái khách quan trong cái chủ quan mà thôi. Lênin đòi hỏi rằng, toàn bộ tinh thần của chủ nghĩa Mác, tất cả hệ thống của nó đều phải được nghiên cứu với yêu cầu là: Đối với mỗi nguyên lý đều phải khảo sát về mặt lịch sử, có liên hệ với các nguyên lý khác và có kinh nghiệm với kinh nghiệm lịch sử cụ thể.
Chỉ như vậy mới nhận thức được một cách chân thực một tư tưởng khoa học, không chia cắt nó khỏi hoàn cảnh lịch sử, không cắt xén tuỳ tiện hoặc cô lập nó ra khỏi hệ thống để xuyên tạc nó. Mối liên hệ giữa lịch sử và tư tưởng cũng là mối liên hệ giữa đời sống hiện thực với ý thức tư tưởng. ở đó, mọi nghiên cứu về khoa học xã hội đòi hỏi sự thấm nhuần sâu sắc tinh thần tôn trọng thực tiễn, tôn trọng sự thật khách quan, sự “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể”, hướng mọi sự phân tích đối tượng và sự kiện theo quan điểm toàn diện, lịch sử – cụ thể và quan điểm phát triển.
Chính ở đây, Ǎngghen có một chỉ dẫn quan trọng là: “Lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá trình tư duy cũng phải bắt đầu từ đó, và sự vận động tiếp tục của nó chẳng qua chỉ là sự phản ánh quá trình lịch sử dưới một hình thái trừu tượng và nhất quán về lý luận”. Để nắm được bản chất sự vật và phát hiện được quy luật sinh thành, phát triển của nó – mà đây là điểm cốt yếu của nghiên cứu khoa học xã hội, Lênin cho rằng, phải tránh sa lầy vào những chi tiết vụn vặt, biết vạch ra mối liên hệ lịch sử cǎn bản bên trong.
Đó là cái quyết định sự phát triển và tự phát triển. Ông xem nó như là điều kiện quan trọng nhất của nghiên cứu. “Trong vấn đề thuộc về khoa học xã hội, phương pháp chắc chắn nhất và cần thiết nhất để thực sự có được thói quen xem xét vấn đề đó một cách đúng đắn và để không lạc hướng trong rất nhiều chi tiết, hoặc trong rất nhiều ý kiến đối lập nhau, điều kiện quan trọng nhất của một sự nghiên cứu khoa học là không nên quên mối liên hệ lịch sử cǎn bản; là xem xét mỗi vấn đề theo quan điểm sau đây: một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào…”.
Thứ tư, nghiên cứu khoa học xã hội là nghiên cứu xã hội và loài người trong cơ cấu, tổ chức và các mối quan hệ của nó gắn với một thời đại lịch sử nhất định, với một chế độ kinh tế và chế độ chính trị xác định cùng với hệ tư tưởng chi phối xã hội và thời đại đó. Xét đến cùng, lợi ích và quyền lực của con người là điểm nhậy cảm nhất. Đó là vấn đề thường trực trong các quan hệ giai cấp, diễn ra trong xung đột và đấu tranh giai cấp.
Do đó, mọi nghiên cứu về xã hội phải xuất phát từ đời sống hiện thực, từ các quan hệ lợi ích thực tiễn vật chất, từ quan hệ quyền lực kinh tế và chính trị để lý giải các quan hệ tư tưởng và đời sống tinh thần của con người và xã hội trên quan điểm giai cấp. Đi chệch khỏi quan niệm và quan điểm đó không tránh khỏi tính chất duy tâm về lịch sử, tính mơ hồ và sự không tưởng trong việc nhận thức bản chất thực sự của con người và xã hội, của vận động lịch sử.
Về vấn đề này, trong tác phẩm Gia đình thần thánh (1845), Mác đã viết: Tư tưởng một khi đã tách rời khỏi lợi ích thì tự nó sẽ làm nhục bản thân nó. Và, hoạt động của lịch sử bởi con người trước hết là hoạt động sản xuất để thực hiện lợi ích, để tái sản xuất cao hơn các nhu cầu, để giải phóng và tǎng lên quyền lực của con người trước tự nhiên và lịch sử. Chính hoạt động đó đã quy định vai trò của quần chúng. Ông viết: Hoạt động lịch sử càng đi sâu thì khối quần chúng cũng sẽ mở rộng mà hoạt động lịch sử chính là sự nghiệp của họ.
Nhận thức được điều đó là nhận thức được cái cǎn bản, sâu xa của lịch sử tức là nắm sự vật từ gốc và đối với con người, cái gốc chính là bản thân con người. Còn có nhiều điểm khác nữa trong lý luận – phương pháp luận duy vật lịch sử. Song đây là những vấn đề cốt yếu nhất chi phối trực tiếp tới nghiên cứu khoa học xã hội. Đây cũng là những vấn đề cần được vận dụng, cụ thể hoá trong phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Vậy có hay không có một phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh?
Có ý kiến cho rằng: Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh chính là phương pháp luận của các khoa học xã hội. Các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ giác độ khoa học chuyên ngành của mình, vận dụng phương pháp luận của khoa học ấy để nghiên cứu từng lĩnh vực, từng chuyên đề, từng giai đoạn trong cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Tất nhiên, bằng con đường đó, thời gian qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì tình hình cũng không tiến triển hơn được bao nhiêu.
Phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh về cơ bản là thuộc phạm trù phương pháp luận của các khoa học xã hội. Các khoa học xã hội có cơ sở phương pháp luận chung cho nhận thức và hoạt động của nó là triết học Mác – Lênin (chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử). Phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh tất nhiên có vận dụng những nguyên tắc phương pháp luận của các khoa học xã hội như các nguyên tắc tính khách quan khoa học, tính toàn diện, tính hệ thống, nguyên tắc chủ nghĩa lịch sử, v.v. song không đồng nhất với nó.
Mặt khác, phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh, trong hệ thống cấu tạo các cấp độ của nó, cũng bao gồm sự vận dụng phương pháp luận của các khoa học cụ thể, chuyên biệt vào việc nghiên cứu từng lĩnh vực khác nhau trong di sản của Hồ Chí Minh, nhưng không phải là sự cộng lại giản đơn của các phương pháp đó. Vậy, phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh được quy định bởi cái gì? Với trình độ và thành tựu hiện nay của khoa học nghiên cứu về các phương pháp, cho phép chúng ta vượt lên trên quan niệm cho rằng các khoa học chuyên ngành chỉ cần áp dụng phương pháp của phép biện chứng duy vật là đủ, không cần phải phát triển phương pháp luận riêng của mình. Quan niệm rằng chỉ triết học mới có phương pháp luận là quan niệm đã được khoa học vượt qua.
Đa số các nhà khoa học ngày nay cho rằng, đối tượng quyết định phương pháp, và mỗi khoa học cụ thể, mỗi chuyên ngành nghiên cứu có phương pháp luận riêng của nó. Mỗi khoa học cụ thể là cả một hệ thống phức tạp, vừa kết cấu theo phương thẳng đứng, vừa theo phương nằm ngang, và trong mỗi hệ thống, lại có những tiểu hệ thống nhất định. Do đó, triết học không thể đóng vai trò phát hiện và nghiên cứu thay cho các khoa học cụ thể được, nghĩa là không thể xông vào bất cứ lĩnh vực nào và ở đâu cũng có thể đưa ra những kiến nghị đúng đắn, nếu không hiểu tường tận đối tượng đặc thù của khoa học chuyên biệt đó.
Phương pháp luận của một bộ môn khoa học chuyên ngành trước hết phải được khảo sát trên thực tiễn trực tiếp của những công việc nghiên cứu cụ thể chứ không phải bằng cách rút ra một cách hợp lôgích những phương pháp từ những nguyên lý chung của triết học. Trong lĩnh vực phương pháp luận, thứ lý luận suông không gắn liền với đối tượng trực tiếp của một môn khoa học nhất định sẽ chỉ là một việc làm giáo điều và vô bổ. Như đã trình bày ở trên, nghiên cứu Hồ Chí Minh phải biết vận dụng thấu đáo và nhuần nhuyễn những nguyên tắc phương pháp luận chung của khoa học xã hội. Song, sự nghiệp nghiên cứu khoa học về Hồ Chí Minh chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình, nếu nó biết xuất phát từ chính bản thân đối tượng và xây dựng được những nguyên tắc phương pháp luận cụ thể trên cơ sở lý thuyết về đối tượng đó.
Tiểu sử – sự nghiệp – tư tưởng – lý luận,… của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là đối tượng nghiên cứu của chúng ta, một đối tượng có thể nói là đa dạng và phong phú bao gồm trong đó những vấn đề không phải chỉ thuộc về một khoa học mà của nhiều khoa học, không phải chỉ gồm một hệ thống mà nhiều hệ thống. Người vừa là một trong những tinh hoa vǎn hoá nhân loại, vừa là người khai sinh cho một thời đại mới trong lịch sử dân tộc: thời đại Hồ Chí Minh. Người vừa là nhà tư tưởng, nhà lý luận cách mạng, vừa là người tổ chức, vị chỉ huy của cách mạng; vừa là chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, vừa là nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; vừa là nhà chiến lược quân sự, nhà chính trị, nhà ngoại giao,… tài giỏi, vừa là nhà vǎn, nhà thơ, nhà báo,… xuất sắc.
Về phương diện khoa học, Hồ Chí Minh là người mở đường và đặt cơ sở mácxít – lêninít cho sự phát triển của hầu hết các bộ môn khoa học xã hội chủ yếu ở nước ta. Ngay trong mỗi tác phẩm lớn của Người cũng bao gồm nhiều vấn đề, có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau. Bản án chế thực dân Pháp có thể được nghiên cứu từ giác độ của nhà chính trị, nhà sử học, luật học, vǎn học, v.v..
Điều đó có nghĩa là để nghiên cứu tác phẩm của Hồ Chí Minh như một chỉnh thể cần có những công trình cụ thể, liên ngành. Khoa học, sau quá trình phân ngành, cũng đang diễn ra quá trình lập ngành. Nghiên cứu Hồ Chí Minh như là một nhà tư tưởng, nhà lý luận hoặc chỉ nghiên cứu một tác phẩm của Người như một chỉnh thể, cần thiết phải có những công trình liên ngành. Một khi các nhà khoa học cùng nghiên cứu một tác phẩm của Người thì cần có một phương pháp luận chung để làm việc đó. Từ nhu cầu thực tiễn đó, cần phải tìm tòi, trao đổi, tiến tới nhanh chóng xác lập được những nguyên tắc phương pháp luận chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh.
Những nguyên tắc đó, như đã phân tích ở trên, không phải là những nguyên tắc phương pháp luận của khoa học xã hội. Sự nghiệp nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở nước ta đang phát triển như một chuyên ngành nghiên cứu cụ thể, có tổ chức nghiên cứu với những mục đích và nhiệm vụ xác định, có một đối tượng nghiên cứu xác định .
Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh phải xác lập được những nguyên tắc phương pháp luận của mình để giúp nhà nghiên cứu chiếm lĩnh được đối tượng về phương diện lý thuyết cũng như về phương diện thực hành, trên cơ sở đó mà hoàn thành được mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra. Nội dung của vấn đề này sẽ được đề cập đến một cách cụ thể và chi tiết ở chương ll.
PGS, PTS. Hoàng Chí Bảo; GS. Nguyễn Đǎng Mạnh;
Bạn phải đăng nhập để bình luận.