Anh hùng quân đội và ký ức những lần gặp Hồ Chủ tịch

“Lúc Bác Hồ hỏi tôi đã nói được tiếng Kinh chưa, tôi đáp ‘Dạ, biết nhưng phát âm chưa “đủng dẩu” ạ’, mọi người trong phòng đều bật cười”, trung tá Hồ Vai kể về kỷ niệm vui trong lần đầu tiên được gặp Hồ Chủ tịch.

14 anh hùng quân đội hội ngộ ở thủ đô

Năm 1965, chàng trai 23 tuổi người Pakô Hồ Vai vinh dự cùng đoàn anh hùng miền Nam ra thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người dân tộc thiểu số duy nhất trong đoàn, Hồ Vai được Hồ Chủ tịch quan tâm, nói chuyện nhiều nhất.

Tuy nhiên, kỷ niệm khiến vị trung tá đã gần 70 tuổi không bao giờ quên là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến lại gần ông và hỏi chuyện bằng ánh mắt trìu mến: “Cháu đã biết nói tiếng Kinh chưa?”. Anh Hồ Vai đáp, giọng hơi run: “Dạ, biết nhưng còn chưa ‘đủng dẩu’ ạ”. Câu trả lời của chàng thanh niên Pakô có nước da ngăm đen khiến cả đoàn bật cười vui vẻ.

Với anh hùng Hồ Vai, ký ức những lần gặp Hồ Chủ tịch đều in đậm trong trí nhớ.

Cũng năm đó, Hồ Vai được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hai năm sau, người con của mảnh đất A Lưới (Thừa Thiên Huế) tiếp tục được ra Hà Nội.

“Năm 1967, lúc chiến sự ở miền Nam trở nên ác liệt, trước lúc trở về địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi riêng tôi ra, căn dặn: ‘Cháu là cán bộ chỉ huy, khi làm việc, tiếp xúc với nhân dân phải nhớ điều trái dù nhỏ nhất cùng phải tránh, điều phải thì dù khó khăn mấy cũng phải làm bằng được’. Lời dặn khiến tôi đến bây giờ vẫn nhớ như in từng chữ, từng từ”, trung tá Hồ Vai nhớ lại.

Hoạt động du kích từ lúc 19 tuổi, chàng trai Hồ Vai nhanh chóng trở thành chỉ huy bộ đội địa phương và dân quân du kích tại A Lưới trong khi bộ đội chủ lực đã rút khỏi đây để tránh đối đầu trực tiếp với quân chủ lực địch.

Với lối đánh du kích thông minh và vận động tốt bà con dân tộc thiểu số, Hồ Vai đã biến mảnh đất A Lưới trở thành nỗi khiếp sợ của quân địch. Hơn 30 năm sau chiến tranh, điều khiến ông đau đáu là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông đang bị thương, không thể ra Hà Nội chịu tang. “Người Pakô thương Bác Hồ lắm. Bác mất, nhiều người không ăn, không nói một lời suốt hai ngày liền”, vẫn chất giọng mộc mạc, ông Hồ Vai kể.

Tấm ảnh được trung tá Ngô Thị Tuyển gìn giữ như bảo vật.

Cùng đoàn ra Hà Nội với trung tá Hồ Vai dịp 22/12 còn có nhiều cái tên nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ như đại tá La Văn Cầu; trung tá Ngô Thị Tuyển vác trên vai 2 hòm đạn nặng gần 100 kg (trong khi chị chỉ nặng 42 kg), hay phi công Nguyễn Văn Bảy từng bắn hạ 7 máy bay Mỹ… Tất cả đều hơn một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong đó, câu chuyện về người nữ dân quân nhỏ bé Ngô Thị Tuyển đã trở thành huyền thoại. Bà là người con xứ Thanh vinh dự được 2 lần gặp Hồ Chủ tịch. Giữ gìn tấm ảnh cũ chụp năm 1969 bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh như bảo vật, nữ trung tá ngày nào giờ đã lên chức bà.

Năm 1967, cô dân quân 20 tuổi làng Nam Ngạn (thành phố Thanh Hóa) gặp Hồ Chủ tịch lần đầu và không bao giờ quên hình ảnh vị Chủ tịch nước vẫn chỉ mặc bộ kaki giản dị dù trời rét căm căm. Giữa cuộc gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Cháu nào biết hai chớ hai nên?”. Lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi cạnh cô dân quân Tuyển và khuyến khích cô đứng dậy trả lời.

“Sau một thoáng hồi hộp, tôi nói to: ‘Thưa Bác, hai chớ là chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng, hai nên là nên khiêm tốn học tập, nên gần gũi quần chúng”. Hồ Chủ tịch cười, hỏi mọi người rằng cháu nào làm được như Tuyển không thì mọi người đồng thanh: ‘Thưa Bác, cháu làm được ạ’. Không khí cuộc gặp ấm cúng lạ thường”, bà Tuyển nhớ lại.

Trung tá Nguyễn Thị Chiên là người đã tổ chức đội nữ du kích với tên gọi “Trung đội nữ du kích Nguyễn Thị Chiên”, trực tiếp huấn luyện cho chị em cách đánh du kích, gài mìn, ném lựu đạn, mưu trí tay không bắt địch và cũng là phụ nữ đầu tiên được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Người anh hùng đã vinh dự 6 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ nhất lầu đầu tiên là tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Việt Bắc tháng 5/1952. “Người mặc bộ quần áo nâu, đầu đội mũ lá cọ, chân đi đôi dép cao su… Biết Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị nhưng không ngờ lúc gặp lại thấy gần gũi đến thế”, nữ anh hùng Chiên nhớ lại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với trung tá Ngô Thị Tuyển (trái) và đại tá La Văn Cầu (phải) trong dịp 14 anh hùng hội ngộ ở thủ đô.

Còn đại tá La Văn Cầu vẫn giữ những ký ức không thể nào quên lần được gặp Hồ Chủ tịch tại An toàn khu. Lần đó, ông cùng đồng đội vừa lập chiến công ở chiến dịch Biên giới, vết thương chưa lành. Ông được dùng cơm cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt. Hồ Chủ tịch giới thiệu: “Thực đơn hôm nay có thịt gà Bác nuôi, rau Bác trồng, nên mọi người đều phải ăn hết, tránh lãng phí”.

Ông kể: “Lúc chia tay, Bác đã ân cần căn dặn, trong thời gian dưỡng bệnh vẫn phải tranh thủ học để nâng cao kiến thức”. Sau lần gặp và nghe Hồ Chủ tịch dặn dò “Các cháu tuy tàn mà không phế”, tinh thần của mọi người như được tiếp thêm sức mạnh, phấn chấn và vững vàng hơn để tiếp tục chiến đấu…

Bài, ảnh: Nguyễn Hưng

vnexpress.net

Advertisement