Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trí thức yêu nước uyên bác. Người đã có quan điểm khoa học, toàn diện, xuyên suốt về trí thức và đã sớm khẳng định vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp cách mạng.
>> Di chúc của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng
>> Tài chiêu hiền đãi sĩ của Bác Hồ
Sinh thời, Người đã nhận định, trí thức Việt Nam là tầng lớp có học thức, kiến thức, hiểu biết và có tinh thần yêu nước nồng nàn và ý thức dân tộc cao. Trí thức Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong lực lượng cách mạng. Người nói: “Không có những trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Bởi vì để hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, ngoài việc quân sự, ắt phải phát triển kinh tế, cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp. Cần phát triển giao thông vận tải cho nên cần có những kỹ sư thông thạo việc đắp đường, bắc cầu. Cần giữ gìn sức khỏe của nhân dân, cho nên cần có thầy thuốc. Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành, cho nên cần có thầy giáo… Vì lẽ đó, trí thức có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Hồ Chí Minh còn khẳng định, trí thức không những là một bộ phận trong lực lượng cách mạng mà “trí thức còn là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế…”. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được. Người nói: “Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”. Trí thức phục vụ nhân dân bao giờ cũng cần, “kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần, tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại càng cần”.
Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao. (Ảnh minh họa: Tư liệu)
Chỉ vài tháng sau khi đất nước giành được độc lập, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Nhân tài và kiến quốc, và một năm sau, Người lại ra chỉ thị Tìm người tài đức, trong đó, Người nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức”. Người cũng nhận khuyết điểm là không thấy được hết các bậc hiền tài, khiến họ không thể hiến thân phụng sự dân tộc và Người yêu cầu các địa phương phải lập tức điều tra, tìm kiếm “những kẻ hiền năng” “người tài đức” có thể làm những việc ích nước lợi dân để báo cáo Chính phủ.
Trong bối cảnh Chính phủ gặp muôn vàn khó khăn vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã tin tưởng, trao những cương vị quan trọng trong Chính phủ cho trí thức, cả những trí thức đã từng làm việc cho chính quyền cũ và họ đã thực sự bị thuyết phục, bởi lòng yêu thương con người, sự hy sinh vô bờ bến của Người vì một mục đích cao cả là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” .
Nhiều trí thức chỉ gặp Hồ Chí Minh đã bị “chinh phục” hoàn toàn bởi phong thái con người của Bác. Cụ Vũ Đình Hòe đã viết trong Hồi ký :”tôi đã từng nghe bạn bè nói đến Nguyễn Ái Quốc một cách cung kính, nhưng mãi đến Cách mạng tháng Tám thành công mới được giáp mặt với Người tức thì bị chinh phục ngay bởi đôi mắt Hồ Chí Minh”. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nói: “Bác Hồ luôn luôn chăm sóc và hướng dẫn tôi trong hai cuộc kháng chiến, Bác đã cho tôi cái cương vị để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả nhất. Bác luôn là hình ảnh thiêng liêng rất gần gũi với tôi. Trong tâm khảm tôi, một bên là ba má và anh chị tôi, còn một bên là Bác Hồ”. Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng đã viết những dòng rất xúc động về Bác Hồ: “Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”…
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, trí thức Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Có thể kể ra những trí thức làm cách mạng chuyên nghiệp như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai… Những trí thức trong chế độ phong kiến như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; và nhiều trí thức yêu nước khác như: Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Hoàng Xuân Hãn… Hình ảnh cao đẹp của Hồ Chí Minh đã thực sự lôi cuốn và cảm hóa bất cứ nhà trí thức, nhân sĩ có tâm nào.
Xuất phát điểm của Người chính là lòng yêu nước, là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc. Bởi Hồ Chí Minh cho rằng, hễ là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước, vấn đề là biết khơi gợi khuyến khích được lòng yêu nước trong mỗi con người, để họ tự nguyện đóng góp tài sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Dung (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng)