“Tư cách một người cách mệnh”(1) là một trong những vấn đề quan trọng đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Cuốn sách bao gồm 3 mối quan hệ đạo đức, với 23 chuẩn mực cụ thể. Đây chính là những chuẩn mực đạo đức rất sinh động, thiết thực và cụ thể được Người soạn thảo để giảng dạy trong các lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) giai đoạn những năm 1925 – 1926.
Tuy rằng, nội dung tư cách người cách mạng trong thời điểm hiện nay không hoàn toàn giống như giai đoạn cách mạng trước, nhưng trong lúc này, trước sự suy thoái về đạo đức ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả người có chức, có quyền, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng thì những chuẩn mực đạo đức của người cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nêu ra lần đầu tiên cách đây hơn 80 năm vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Đó vẫn là những chuẩn mực mà Đảng ta dựa vào đó để phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để xác định nội dung những phẩm chất và năng lực của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn đầu tiên và không thể thiếu được của người cán bộ cách mạng vẫn là đạo đức cách mạng. “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nhiều chuẩn mực đạo đức cách mạng, nhưng chuẩn mực: “Nói thì phải làm” là một trong những chuẩn mực đạo đức hết sức cơ bản của người cách mạng và lúc sinh thời Người luôn nhắc nhở chúng ta phải thực hiện nghiêm túc, bởi lẽ lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên có quan hệ rất chặt chẽ đến sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng lớn đến quần chúng.
Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư cách người cách mạng bao gồm 3 mối quan hệ đạo đức (quan hệ với bản thân, với người khác và với công việc). Chuẩn mực: “Nói thì phải làm” thuộc loại quan hệ với bản thân. Theo cách nói của Người, tức là: “Tự mình phải: Cần kiệm/ Hoà mà không tư/ Cả quyết sửa lỗi mình/ Cẩn thận mà không nhút nhát/ Hay hỏi/ Nhẫn nại (chịu khó)/ Hay nghiên cứu, xem xét/ Vị công vong tư/ Không hiếu danh, không kiêu ngạo/ Nói thì phải làm/ Giữ chủ nghĩa cho vững/ Hy sinh/ Ít lòng tham muốn về vật chất/ Bí mật”(3). Đây là một chuẩn mực thuộc nhóm đạo đức – ý chí trong quan hệ đạo đức của người cách mạng đối với chinh bản thân mình. Có thể nói, nếu “Đạo đức là cái gốc” thì quan hệ đạo đức đối với bản thân phải là cái gốc của mọi cái gốc. Bởi lẽ, điều cốt lõi trong nhân cách đạo đức của người cách mạng trước hết phải được thể hiện trong quan hệ ứng xử đối với chính bản thân mình.
Vì lẽ đó, chúng ta thấy được chuẩn mực: “Nói thì phải làm” là một lời dạy có giá trị to lớn về mặt lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là phương châm chỉ đạo mọi hoạt động của người cách mạng.
Là người luôn nhất quán với quan điểm về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, chúng ta thấy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem “nói” và “làm” là hai mặt của một quá trình thống nhất có mối quan hệ biện chứng với nhau. “Nói thì phải làm” là yêu cầu có tính nguyên tắc, nhất quán không những chỉ trong hoạt động thực tiễn cách mạng mà cả trong cuộc sống đời thường của Người.
Ngay từ cuối năm 1945, trên cương vị là vị Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú ý ngay tới việc giáo dục đạo đức cách mạng, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực “Nói thì phải làm” cho những người cán bộ cách mạng để họ luôn xứng đáng là những “công bộc” của nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nói thì phải làm” trước hết phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của mọi giai tầng trong xã hội và lợi ích của quốc gia và dân tộc. Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải luôn luôn chú ý khi nói, khi viết điều gì thì phải làm sao để: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nói và làm trước hết vì lợi ích của nhân dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(4).
Thực tế cho thấy, đối với người cán bộ cách mạng, muốn nói hay, viết giỏi đã là việc khó, nhưng để làm được như nói lại là việc khó hơn rất nhiều lần. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ cách mạng phải là những người nói được, viết được và làm được. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích cán bộ cách mạng phải là những người dám nói và dám làm, bất luận trong hoàn cảnh nào họ cũng phải là những người luôn gương mẫu để làm gương cho kẻ khác: “Mình phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái. Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được? Miệng nói tay phải làm mới được”(5) hay “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa”(6). Hoặc “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”(7).
Trong rất nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán những người cán bộ cách mạng thường “nói nhiều làm ít”, hoặc “nói mà không làm”, hay “nói một đằng, làm một nẻo”, thụ động, máy móc, ỷ lại… Người nghiêm khắc phê phán: “Có đồng chí học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ tự cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác – Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí”(8).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nói thì phải làm” còn là một tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực, trình độ và phẩm chất của người cán bộ cách mạng. Người chỉ rõ: “Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không… Không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay”(9).
Là người đầu tiên đề ra “Tư cách một người cách mệnh”, suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và trong cuộc sống đời thường của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương mẫu mực, sáng ngời và sinh động nhất trong việc tuân thủ nghiêm túc những chuẩn mực đạo đức đó, đặc biệt là chuẩn mực “Nói thì phải làm”. Người là sự hiện thân thống nhất biện chứng giữa lời nói và việc làm. Năm 1945, trước nạn đói đang hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài kêu gọi đồng bào ta “Sẻ cơm nhường áo” bằng cách: “Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(10), thì chính Người đã xung phong thực hiện trước tiên.
Trong các bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người cán bộ cách mạng phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để xứng đáng là những “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thì chính Người đã làm gương bằng chính cuộc sống hết mực khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm và thanh bạch của mình. Cuộc sống đó của Người đã thể hiện được điều mà Người luôn tâm niệm là: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”(11).
Nhờ sự quan tâm, giáo dục và tấm gương tuyệt vời của Người trong việc thực hiện chuẩn mực “Nói thì phải làm”, chúng ta thấy tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên đã thực hiện tốt chuẩn mực này trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng và đã góp phần đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Tuy nhiên hiện nay, sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngoài những thành tựu vô cùng to lớn về mặt kinh tế – xã hội, chúng ta phải thừa nhận một cách nghiêm túc rằng, mặc dù đã có rất nhiều cuộc vận động, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được phát động và ban hành nhằm không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, thế nhưng trong thực tế thì những chuẩn mực đạo đức cách mạng, đặc biệt là chuẩn mực “Nói thì phải làm” đã có đề ra nhưng chưa được thực thi như mong muốn. Đây là một sự thật hết sức đau lòng. Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng”(12). Đặc biệt, Đảng ta đã chỉ rõ một “căn bệnh nan y” hiện nay của không ít cán bộ, đảng viên và đang làm xói mòn dần niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đó là tình trạng cán bộ, đảng viên “Chưa thực sự coi trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc, thực hiện nói đi đôi với làm; tình trạng nói nhiều làm ít, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi”(13). Họ chính là những người mà khi viết, khi thuyết giảng trước dân về các vấn đề thì “như ông thánh” nhưng trong thực tế cuộc sống lại chính là những người luôn coi thường kỷ cương, phép nước, thoái hóa, biến chất, chiếm dụng, lãng phí tiền bạc của dân, của nước, sống xa hoa, trụy lạc, luôn tìm mọi cách để mưu lợi cá nhân. Đối với một bộ phận cán bộ có chức, có quyền này, chuẩn mực đạo đức “Nói thì phải làm” chỉ còn là mỹ từ để giúp họ che giấu bộ mặt thật của mình trước cơ quan, đoàn thể, truớc nhân dân.
Đứng trước thực trạng trên, để xây dựng một đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chú ý đặc biệt tới việc nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đó là: “Lấy đạo đức làm gốc, đồng thời bồi dưỡng về kiến thức, trí tuệ, năng lực để làm tròn nhiệm vụ người lãnh đạo, người đi tiên phong trong các lĩnh vực công tác được giao”(14). Để thực hiện được ý tưởng nói trên, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta phát động từ năm 2007 cho đến năm 2011, chúng ta nên lấy chuẩn mực “Nói thì phải làm” làm tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá, tổng kết kết quả cuộc vận động đối với mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng và đoàn thể. “Nói thì phải làm” phải trở thành một hành động thể hiện lương tâm, trách nhiệm của người cán bộ cách mạng trước vận mệnh của Đảng và dân tộc.
Giờ đây, khi mà trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, việc lấy lại lòng tin của nhân dân đối với người cán bộ cách mạng như trước đây, việc làm sao để cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt hiệu quả thiết thực nhất, không có cách nào khác là phải chứng minh bằng những hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên trong công việc và trong cuộc sống đời thường chứ không phải bằng những bài viết, bài nói khuếch trương và hoa mỹ. Trong dân ta có câu nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người cán bộ cách mạng có cương vị càng cao thì đòi hỏi việc thực hiện chuẩn mực “Nói thì phải làm” lại càng phải hơn người bình thường. Tôi tin chắc là chúng ta có thể làm được như thế, xứng đáng là đảng viên của Đảng do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện”.
Để “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không có con đường nào khác là phải tiến hành thường xuyên việc xây dựng nền đạo đức mới xã hội chủ nghĩa cho tất cả mọi người, nhất là đối với cán bộ, đảng viên – những tinh hoa của xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, người dân đang có nhiều bức xúc khi chứng kiến một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nói hay mà làm dở thì việc tuân thủ một cách thực sự nghiêm túc chuẩn mực “Nói thì phải làm” lại càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng để củng cố lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với những người cán bộ cách mạng mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi họ là “cái gốc của mọi công việc”. Nhớ Bác, làm theo lời Bác, chúng ta – những người cán bộ cách mạng thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau hãy ghi lòng tạc dạ lời dạy sau đây của Người: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu”(15).
___________________
1, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H,2000, t.2, tr.260.
2, 8. Sđd, t.9, tr.283, 292.
4, 5, 6, 10. Sđd, t.4, tr.56-57, 101-102, 150, 31.
7, 9. Sđd, t.5, tr.108, 281-282.
11. Sđd, t.7, tr.392
12. Văn kiện Đại hội X của Đảng. Nxb CTQG, H, 2006, tr.65
13. Sđd, tr.273
14. Sđd, tr.133
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.11, tr.136
Theo mattran.org.vn
Huyền Trang (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.