Chuyện Tết của Bác Hồ

Báo tin tức – Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam đi vào cõi vĩnh hằng cách đây đã hơn 40 năm. Nhớ đến Bác, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ đến những bài thơ chúc Tết của Người mang những tư tưởng lớn, hoài bão lớn và tình cảm sâu nặng đối với đồng bào, chiến sỹ trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tuy nhiên, còn những chuyện vô cùng cảm động về đời sống của Bác trong những ngày Tết đoàn tụ của mọi gia đình Việt Nam thì rất ít người biết đến.

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Xuân Đinh Mùi, 9/2/1967). Ảnh: Tư liệu

Xin hãy bắt đầu bằng Tết kháng chiến chống Pháp đầu tiên – Tết Đinh Hợi năm 1947. Năm 1946, mặc dù là một năm được mô tả như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác, toàn dân ta đã vượt qua khó khăn, thử thách và vững bước đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ để rồi đi tới “9 năm làm một Điện Biên…” như lịch sử đã khẳng định. Theo quyết định của TW, Bác rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến và đêm 13/1/1947, Người đã tới thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Kể từ ngày rời Hà Nội, đây là điểm dừng chân thứ tư của Bác trên đường trường kỳ kháng chiến. Bác ở đây tổng cộng 21 ngày và cũng tại đây, cùng với việc viết thư, điện gửi những người đứng đầu nhà nước và Chính phủ Pháp vừa thuyết phục, vừa đấu tranh nhằm không để cuộc chiến tranh Pháp- Việt xảy ra, Người đã làm bài thơ chúc Tết lần đầu tiên đọc trên sóng phát thanh đêm giao thừa năm ấy.

Ở đây, trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn không thể kể hết, hàng ngày Bác vẫn làm việc và sinh hoạt theo một nếp rất khoa học và chính xác về thời gian đối với từng việc, từng giờ mà Người đã định trước. Chiều 21/1 tức 30 Tết, từ Cần Kiệm, Bác đi Phủ Quốc Oai dự phiên họp tất niên của Chính phủ, sau đó đến Đài Tiếng nói Việt Nam hiện sơ tán ở Chùa Trầm (Chương Mỹ) để đọc thơ chúc Tết. Trời bắt đầu đổ mưa từ trước giờ Ngọ nên đường rất trơn, xe chở Bác chỉ đi được một đoạn thì bị tụt một bánh xuống ruộng. Mấy người phục vụ phải chia nhau vào xóm tìm người ra khênh xe giúp. Kéo được xe lên và đến được địa điểm họp dự họp xong, lúc 22 giờ rưỡi Bác đi đến Đài phát thanh. Lúc này trời càng mưa to, đường lầy và trơn hơn đoạn đến Phủ Quốc Oai. Nhưng xe vẫn lăn bánh trong màn mưa và gió lạnh hun hút thổi. Đọc thơ chúc Tết xong, Bác rời Đài ra về lúc 0 giờ 45 phút. Trời vẫn tiếp tục mưa và mưa ngày càng xối xả. Xe lại sa lầy, anh em phải xuống đẩy. Về cách nhà chừng 2 km, xe tụt cả hai bánh xuống ruộng. Không mượn được người khênh xe vì đang là giao thừa, Bác nói lái xe ngủ lại trông xe, còn mấy Bác cháu cùng xắn quần đội mưa cuốc bộ về nhà “xông đất”. Về đến nhà trời đã gần sáng rõ. Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ đọc 2 bài báo của Butbiên, Bác mới đi nghỉ. Nhưng chưa đầy 7 giờ, Bác đã ngồi khai bút bằng việc sửa cuốn “Vấn đề du kích” Người đã soạn trước đó.

Việc ăn ở của Bác từ ngày sơ tán về đây rất khó khăn. Bác ở tại ngôi nhà của một nông dân nằm chơi vơi giữa sườn đồi. Nhà mới dựng cách đó chưa lâu, vách đất, mái lợp lá mía, gió mùa đông bắc hun hút thổi. Giữa cái lạnh đến ghê người, nhất là mỗi khi cơn gió lùa vào trong nhà, Bác vẫn thanh thản ngồi nghiên cứu và sửa tài liệu theo đúng kế hoạch Người tự đặt ra cho mình trong ngày mồng Một Tết. Bữa cơm của Bác trưa mồng Một Tết cũng giống như những ngày bình thường khác. Chưa đầy 2 bát cơm được đựng trong một âu nhỏ và được ủ nóng. Cơm độn với sắn khô được thái thành những lát nhỏ trộn với gạo và người nấu phải khéo lắm mới bảo đảm cả sắn, gạo cùng chín và dẻo. Thức ăn chỉ có 2 món, gồm mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải được mua ở chợ quê gần đấy. Đây là những món ăn rất quen thuộc đối với Bác khi còn ở Hà Nội. Với khẩu phần ăn quá đạm bạc ấy, anh em rất lo cho sức khỏe của Bác. Nhưng với Bác thì như Người nói: “Khó khăn, vất vả của Bác so với nhân dân và chiến sỹ là không đáng kể”.

Từ Tết kháng chiến chống Pháp đầu tiên, gần 20 năm sau Bác lại có một cái Tết chống Mỹ đầu tiên, tuy điều kiện có khác nhiều so với trước vì một nửa nước đã có hòa bình.

Đó là Tết Ất Tỵ năm 1965, Bác đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sỹ và công nhân sản xuất than tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh chỉ trước đó mấy tháng, vào ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và đây là điểm máy bay Mỹ đã đánh phá. Không ngăn được ý định về cuộc đi thăm Tết này của Bác, nên tỉnh Quảng Ninh và các ngành có liên quan đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón Người. Hiểu điều đó, Bác đã nói với Bí thư Tỉnh ủy ngay lúc mới gặp: “Cố gắng kết thúc mít tinh sớm để mọi người về gia đình đón năm mới và tránh tình huống xấu có thể xảy ra”. Ở đây, Bác muốn nói đến khả năng máy bay Mỹ xâm nhập.

Chiều 1/2/1965, tức 30 Tết Ất Tỵ, Bác về tới Bãi Cháy và khách sạn mà tỉnh bố trí để Người nghỉ lại chỉ cách địa điểm máy bay Mỹ đã đánh phá ngày 5/8/1964 vài trăm mét. Buổi tối hôm đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có ý định mời Bác dự bữa cơm tất niên với cán bộ chủ chốt của tỉnh và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhờ đồng chí Vũ Kỳ xin ý kiến Bác. Nghe xong, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ: “Chú cảm ơn tỉnh và nói Bác đã có cơm mang theo rồi. Bí thư và Chủ tịch muốn ăn cơm cùng Bác thì Bác mời”. Việc mang cơm theo mỗi khi đi làm việc với các địa phương từ lâu đã trở thành nếp quen vì Bác không muốn gây phiền hà và tốn kém cho địa phương. Tuy nhiên, bữa cơm chiều 30 Tết đó vì nể các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bác vẫn ngồi dự, nhưng Người vẫn ăn cơm và thức ăn mang theo từ Hà Nội. Bác còn vui vẻ gắp thức ăn của mình mời Bí thư Tỉnh ủy cùng “thưởng thức hương vị Hà Nội”.

Hơn 11 giờ đêm sau khi dự đón giao thừa với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Bác về phòng nghỉ và cùng đồng chí Vũ Kỳ rà lại chương trình hoạt động của ngày mai. Xong công việc, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Hôm nay, các chú lại không mang cà dầm tương cho Bác”. Cà dầm tương mang đậm hương vị quê hương Nam Đàn là một trong bốn món ăn mặn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của Bác. Và đã có lần khi nhận được một lọ cà dầm tương từ quê gửi ra biếu, Bác đã dặn anh em phục vụ: “Các chú ăn thịt, ăn cá, còn cà thì để phần Bác”. Hương vị “cà dầm tương” đã theo Bác cả khi Người nằm trên giường bệnh. Đó là sáng sớm 2/2/1969, Bác yêu cầu: “Sáng nay, các chú cho Bác một bát con cơm và mấy quả cà”.

Nói chuyện xong với đồng chí Vũ Kỳ, Bác lại ngồi chữa bài nói chuyện ở buổi mít tinh sáng mùng Một Tết cho tới 1 giờ sáng, Người mới đi nằm. Sáng mùng Một Tết, đồng chí Vũ Kỳ mời Bác ăn sáng, Người từ chối và chỉ uống một tách cà phê. Kết thúc cuộc mít tinh, Bác về lại khách sạn, đồng chí Vũ Kỳ mời Bác ăn điểm tâm với lý do chương trình đi thăm của Bác còn dài, Bác phải ăn một chút mới có sức làm việc hết buổi sáng. Bác không những không ăn, mà còn giục đồng chí Vũ Kỳ đi cho kịp thời gian. Bác rời Hòn Gai và về Uông Bí thăm các chuyên gia Liên Xô đang giúp ta xây dựng Nhà máy điện Uông Bí, thăm Đoàn địa chất số 3 đang thăm dò than ở khu vực này, thăm một gia đình nông dân ở HTX Khe Cát, nói chuyện với công nhân mỏ than Vàng Danh và nhân dân thị xã Uông Bí.

Kết thúc buổi sáng mùng Một Tết với một chương trình làm việc dầy đặc cho tới quá trưa Bác mới rời Uông Bí. Biết Bác đói và mệt vì cả buổi sáng chưa ăn gì, trong khi cường độ làm việc rất cao nên lúc chuẩn bị lên xe rời Uông Bí, đồng chí Vũ Kỳ nói nhỏ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi cùng: “Chắc giờ này Bác đã đói và mệt. Đến chỗ nào thích hợp anh chủ động dừng và mời Bác ăn cơm”. Xe ra khỏi địa phận Quảng Ninh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xin phép Bác dừng lại ăn cơm và Người đồng ý. Bữa cơm trưa mùng Một Tết của mấy Bác cháu tại một trường học trên đường đi cũng vẫn là những món ăn mà Người thích được chuẩn bị từ khách sạn. Ngoài ra, còn có thêm hai món tôm, cá tươi do HTX nghề cá Hùng Thắng mới đánh được đêm qua gửi biếu Bác và được các đầu bếp ở khách sạn chế biến khá công phu. Người ăn rất ngon miệng và còn vui vẻ gắp thức ăn cho vợ và con đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi cùng.

***

Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng. Đón xuân Nhâm Thìn nhắc lại câu chuyện về Tết trên đây của Bác giúp mỗi người chúng ta hiểu thêm tình thương bao la và sự hy sinh lớn lao của Người đối với đồng bào, chiến sỹ thiêng liêng và cao quý đến nhường nào. Bác vĩ đại chính là từ những việc làm như thế.

Nguyễn Tử Nên

———————-

Ghi chú: Theo tư liệu của đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký của Bác và có tham khảo thêm tư liệu từ hai cuốn sách: “Chuyện kể về Bác Hồ-Những chặng đường trường kỳ kháng chiến” của Huyền Tím và Tử Nên-NXB Chính trị Quốc gia năm 2000 và “Phong cách Bác Hồ” của Nguyễn Tử Nên – NXB Quân đội Nhân dân năm 2010.

bqllang.gov.vn

Advertisement