Hồ Chí Minh Một số vấn đề đoàn kết dân tộc trên bình diện quốc tế và kiều bào

Bác Hồ ra tận cảng Hải Phòng đón kiều bào từ Thái Lan về nước - Ảnh quehuongonline.vn

Nói tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết các dân tộc sẽ khiếm khuyết nếu chỉ đề cập đến đoàn kết trong khái niệm dân tộc – tộc người (ethnic) trong phạm vi nội bộ quốc gia mà không đề cập đến tư tưởng của người là đoàn kết dân tộc – quốc gia (nation) với các quốc gia khác trên thế giới và với các Việt kiều, những người có dòng máu Việt Nam nhưng do hoàn cảnh cụ thể nên sinh sống ở nước ngoài, mang quốc tịch của một nước cụ thể trên thế giới.

Nội dung dân tộc, tư tưởng đoàn kết các dân tộc của Hồ Chí Minh trên bình diện quốc gia trong mối quan hệ với quốc tế không có gì khác và mâu thuẫn với tư tưởng đoàn kết các dân tộc trong nước vì mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó của Hồ Chí Minh thể hiện tính nhất quán, biện chứng trong “tư duy chiến lược đại đoàn kết” của Người và cũng từ đó đã hình thành nên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Chính từ lòng yêu nước, thương dân; từ truyền thống văn hoá dân tộc; từ sự “hoà đồng” với bạn bè quốc tế trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài.., đã tạo nên chủ nghĩa nhân văn cao cả đó, yếu tố làm nên cái nền vững chắc của đoàn kết dân tộc trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Đoàn kết dân tộc trên tầm quốc tế của Hồ Chí Minh xuất phát từ luận điểm coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Người ý thức sâu sắc rằng, cách mạng trong nước sẽ khó thành công nếu không có sự đồng tình, ủng hộ của cách mạng và nhân dân các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Đó cũng chính là điểm mạnh và khác biệt giữa Hồ Chí Minh với các chí sĩ yêu nước tiền bối. Người đã khẳng định: “Chính vì biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức mà Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khăn đưa giai cấp công nhân và nhân dân nước ta đến những thắng lợi vẻ vang ngày nay”(1).

Shingo Shibata, nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nhận xét: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người đã phát hiện quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình và tất cả mọi dân tộc đều có thể và cần phải thực hiện nền độc lập tự chủ”(2).

Khi nghiên cứu về tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng: “Suy đến cùng, có đại đoàn kết được hay không, đại đoàn kết đến mức nào tuỳ thuộc vào việc nhận thức và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích phức tạp, chằng chéo giữa: cá nhân – tập thể; gia đình – xã hội; bộ phận – toàn thể; giai cấp – dân tộc; quốc gia – quốc tế”(3). Trong các “cặp quan hệ” trên của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh chúng ta thấy không thể thiếu cặp “quốc gia – quốc tế”. Đó không chỉ là nội hàm trong tư tưởng đại đoàn kết nói chung của Hồ Chí Minh mà còn là trong tư tưởng đoàn kết các dân tộc của Người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc trên phạm vi quốc tế thể hiện rất rõ phạm vi mức độ, quy mô. Với từng đối tượng quốc tế, Hồ Chí Minh vừa có thái độ chung, vừa có thái độ phân biệt riêng theo “cấp độ ngoại giao”, theo giá trị thiết thực vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam và quyền lợi của các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, hữu nghị và phát triển của các dân tộc; vì quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người và của các quốc gia. Từ giác độ đó, chúng ta thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc trên phạm vi quốc tế có những biểu hiện trên những khía cạnh sau:

– Đoàn kết với các quốc gia, dân tộc láng giềng.

– Đoàn kết với các quốc gia Đông Nam Á, châu Á.

– Đoàn kết với các tổ chức, quốc gia trên thế giới.

– Đoàn kết với kiều bào.

Với các nội dung đó, chúng ta có thể nhận thấy tư tưởng của Người với các biểu hiện, nhận thức và họat động trong các mối quan hệ quốc tế vừa phong phú đa dạng, vừa cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu đoàn kết vì độc lập tự do của đất nước, hạnh phúc của đồng bào.

1. Đoàn kết với các quốc gia, dân tộc láng giềng

Người Việt Nam ta có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”, đó là một thái độ sống, một triết lý nhân văn trong văn hoá ứng xử có truyền thống lâu đời của dân tộc. Hồ Chí Minh trên bình diện văn hoá và tầm nhìn chính trị đã ý thức sâu sắc và thực hiện có hiệu quả tốt truyền thống đó trong đặt nền móng và xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt với nhân dân Lào, Campuchia, Trung Quốc, tạo nên thế trận đặc biệt và làm nên hiệu quả cao trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta.

Ngày 3-3-1951, trong Bài nói tại buổi khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh không giấu nổi sự sự sung sướng trước sự đoàn kết của các tổ chức và nhân dân Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao. Có lẽ, ít khi ta bắt gặp một thái độ sung sướng của Hồ Chí Minh đến vậy. Cái căn nguyên dẫn đến sự sung sướng của Hồ Chí Minh chính là sự phát triển của tinh thần và xu thế đoàn kết của các dân tộc ở Đông Dương. Hồ Chí Minh đã dùng các cụm từ biểu hiện những cấp độ phấn khởi, sung sướng mà ít khi ta bắt gặp trong các bài nói, bài viết khác, như: “Tôi rất sung sướng” ở mở đầu bài nói, rồi “sung sướng không thể tả”, “lòng tôi sung sướng vô cùng” và “tôi sung sướng hơn nữa” ở các đoạn tiếp sau.
Vì sao Hồ Chí Minh có những sự sung sướng mà ít khi bộc lộ đó? Phải chăng vì Người đánh giá rất cao kết quả và ý nghĩa của Đại hội Thống nhất Việt Minh – Liên Việt; là vì “trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ của nó đang ăn sâu, lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão”. Phải chăng sự sung sướng của Hồ Chí Minh trước sự kiện trên đây còn là biểu hiện của một dự cảm, của một “mầm mống” quan trọng cho một dự báo thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam trong tương lai không xa.

Điều đó còn là biểu hiện của tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với các nước láng giềng gần gũi. Người nói: “Tôi sung sướng hơn nữa vì từ nay chẳng những là toàn dân Việt Nam đại đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cùng đi đến đại đoàn kết. Tin mừng đại đoàn kết của hai dân tộc anh em ấy do các vị đại biểu Miên – Lào thân hành mang đến cho chúng ta.

Thế là dân tộc Việt đại đoàn kết, dân tộc Miên đại đoàn kết, dân tộc Lào đại đoàn kết. Rồi đây, chúng ta nhất định đi đến Việt – Miên – Lào đại đoàn kết.

Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sức đại đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thật sự”(4).

Người còn nói: “Lào – Việt là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết. Đối với kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đất nước Lào thì Lào lại như một Tổ quốc thứ hai. Tục ngữ có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần” ý nghĩa là như thế”(5).

Đối với nước láng giềng Campuchia, Hồ Chí Minh trân trọng và thành tâm xây dựng, bồi đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Trong điện mừng gửi Vua Nôrôđôm Xuramarít và Hoàng hậu nước Khơme nhân ngày độc lập của Vương quốc Khơme (tháng 11-1956), với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh viết: “Kính chúc nhân dân Khơme, dưới sự lãnh đạo của Quốc vương và Hoàng hậu, thu được nhiều thắng lơi mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước Khơme và trong việc thực hiện chính sách hoà bình, trung lập; chúc tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Khơme càng phát triển”(6).

Đối với tình đoàn kết với nhân dân Trung quốc láng giềng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Hai dân tộc Trung – Việt chúng ta, mấy ngàn năm nay, huyết thống tương thông, chung nền văn hoá, trong lịch sử vẫn được gọi là hai nước anh em; hơn nữa, đất nước liền kề, núi sông kế tiếp, càng như môi với răng che chở cho nhau”.

Sau khi đất nước hoà bình, khi đi thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Cao Bằng (tháng 2-1961), Người nói: “Tỉnh Cao Bằng ở sát Trung Quốc nên cần phát huy tốt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc”(7).

2. Đoàn kết với các dân tộc, quốc gia khu vực Đông Nam Á, châu Á

Sau khi ngừng bắn ở Đông Dương, Uỷ ban Quốc tế vào giám sát hai bên Việt – Pháp trong việc thi hành hiệp định Giơnevơ. Hồ Chí Minh hoan nghênh các đại biểu là người Ấn Độ, Ba Lan, Canađa đã đến thi hành nhiệm vụ. Tháng 8-1954, trong buổi tiếp đoàn của Uỷ ban Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định thái độ của Chính phủ Việt Nam đối với nhân dân Pháp, với nhân dân các nước Đông Dương và Đông Nam Á vì hoà bình. Người phát biểu: “Hoà bình trở lại Việt Nam, chúng tôi sẽ thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Pháp, chúng tôi sẽ đoàn kết chặt chẽ với hai nước Khơme, Lào và các nước Đông – Nam Á để góp phần vào sự nghiệp giữ gìn hoà bình châu Á và hoà bình thế giới”(8).

Đối với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Hồ Chí Minh luôn luôn quý trọng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhân dân ta trong kháng chiến chống ngoại xâm, bày tỏ tình hữu nghị và biết ơn sâu sắc, chân thành. Chính vì lẽ đó mà các nước Đông Nam Á luôn bên cạnh nhân dân và chính phủ Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ, tạo nên hậu thuẫn, sức mạnh tinh thần và vật chất quan trọng góp phần làm nên thắng lợi chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong Điện mừng kỷ niệm lần thứ 10 Hội nghị Băng Đung, Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Inđônêxia rất gần gũi với chúng tôi, đã đứng hẳn về phía chúng tôi và ủng hộ chúng tôi nhiệt liệt và thắm tình anh em nhất. Tôi xin phép được nói lên ở đây sự biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với tình đoàn kết anh em của những người bạn chiến đấu Inđônêxia, của tất cả các chính phủ, các tổ chức và nhân sĩ các nước ở Á, Phi, Mỹ latinh và trên thế giới”(9).

Đối với quốc gia Miến Điện trong khu vực Đông Nam Á, Hồ Chí Minh đã đại diện cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam khẳng định sự gần gũi, tương đồng trên nhiều phương diện tự nhiên và xã hội, là cơ sở của tình đoàn kết lâu đời và bền vững. Trong Bài nói tại cuộc họp báo ở Rănggun (Miến Điện) ngày 16-2-1958, nhân chuyến thăm hữu nghị Miến Điện, Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai nước Việt Nam và Miến Điện đều là những nước ở châu Á có nhiều điểm giống nhau, gần nhau về văn hoá, phong tục tập quán, cũng như về địa lý khí hậu, tài nguyên. Hai nước chúng ta đã trải qua những cuộc đấu tranh gian khổ chống thực dân, giành lấy độc lập dân tộc. Chính phủ và nhân dân Miến Điện đã ủng hộ tích cực nhân dân nước chúng tôi trong lúc kháng chiến và đã cùng với Ấn Độ và nhiều nước Á – Phi khác đóng góp một phần quan trọng vào việc lập lại hoà bình ở Việt Nam. Ngày nay hai nước chúng ta đã độc lập, gắn bó bằng tinh thần Băng Đung, bằng mối tình đoàn kết giữa các dân tộc Á – Phi, hai dân tộc Việt Nam và Miến Điện mong muốn có một nền hoà bình lâu dài để xây dựng một cuộc đời tự do, no ấm, để kiến thiết xứ sở giàu mạnh”(10).

Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh kêu gọi “anh em dân tộc châu Á” thấu rõ sự hy sinh của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh, để ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến. Trong Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới, Hồ Chí Minh viết: “Hỡi anh em dân tộc châu Á!

Gần hai mươi năm trường, thực dân Pháp đang dày xéo nhân dân Việt Nam, gần hai mươi năm trường nhân dân Việt Nam đang hy sinh tranh đấu.

Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Tranh đấu cho tự do độc lập của Việt Nam tức là tranh đấu cho tự do độc lập của đại gia đình châu Á. Trước kia, anh em đã đồng tình với chúng tôi. Từ đây mong anh em càng ủng hộ nữa. Với sự đồng tình và ủng hộ của anh em, cuộc kháng chiến cứu quốc của Việt Nam nhất định thắng lợi”(11).

Hồ Chí Minh dùng thuật ngữ “anh em dân tộc châu Á”, “đại gia đình châu Á” và kêu gọi “sự đồng tình” nhằm thực hiên mục tiêu đoàn kết với các nước gần gũi địa lý và văn hoá tạo nên sức mạnh tổng hợp của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Và cuối Lời kêu gọi trên, Người viết: “Các dân tộc châu Á đoàn kết muôn năm!”…

3. Đoàn kết với các quốc gia, tổ chức trên thế giới

Tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh với các quốc gia trên thế giới trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội là tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước Pháp, Mỹ – những nước đem quân đến xâm lược Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nửa cuối thế kỷ XX; đoàn kết với các tổ chức yêu chuộng hoà bình và các quốc gia chống chiến tranh xâm lược vì hoà bình, tiến bộ và phát triển.

– Với nhân dân chính quốc:

Hồ Chí Minh là lãnh tụ đã tìm ra con đường cứu nước khác các bậc tiền nhân là đến “chính quốc” để tìm hiểu rồi tự tìm cho mình một con đường riêng phù hợp với thực tại và quy luật khách quan. Với tâm hồn và nhân cách lớn, không như một số người, Hồ Chí Minh phân biệt nhân dân chính quốc với tầng lớp thống trị, đại diện cho chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nhân dân chính quốc là những người chân chính, chỉ có giai cấp tư sản với bản chất giai cấp của nó là xâm lược, gây nhiều tội ác đối với nhân dân các thuộc địa.

Trong kháng chiến chống Pháp, Người ý thức sâu sắc giá trị và vai trò to lớn của sức mạnh đoàn kết không chỉ của nhân dân các nước thuộc địa mà còn của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa, giành độc lập tự do cho các dân tộc bị nô dịch. Từng là một chiến sĩ hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sau khi về và trở thành Chủ tịch nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, độc lập có chủ quyền trên trường quốc tế, để tiếp tục sự nghiệp vĩ đại lãnh đạo nhân dân kháng chiến, Người đã nhiều lần kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến, giành độc lập. Trong “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới” ngày 20-6-1947, Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân ở chính quốc Pháp:

“Hỡi nhân dân Pháp!

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp đều chung một lý tưởng: Tự do, Bình đẳng, Bác ái.

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp có một mục đích chung: cộng tác thân thiện và bình đẳng giữa hai dân tộc.

Vận mệnh của nhân dân Việt Nam và vận mệnh của nhân dân Pháp rất quan hệ với nhau. Thế mà bọn thực dân phản động đang hết sức chia rẽ hai dân tộc ta. Chúng quyết tâm hy sinh tiền bạc của nhân dân Pháp và tính mạng thanh niên Pháp để kéo dài cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này.

Chúng tôi rất mong các bạn cùng chúng tôi hành động để ngăn trở bọn thực dân phản động phá hoại cái lý tưởng chung, lợi ích chung, và tình nghĩa của hai dân tộc ta”(1).

Có lẽ trong lịch sử dân tộc ta và trên thế giới ít có người phân biệt “nhân dân Pháp” và “bọn thực dân phản động Pháp”. Đó là thái độ khoa học phân loại một cách khách quan các đối tượng phi nghĩa và chính nghĩa, một nước đi xâm lược và một quốc gia khác bị xâm lược. Đó còn là thái độ chính trị “tỉnh táo” của một nhà chiến lược cách mạng, tầm nhìn của một lãnh tụ trong việc chèo lái con thuyền cách mạng nước ta vượt qua bao ghềnh thác, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Trong cuối lời kêu gọi trên, Hồ Chí Minh viết: “Hai dân tộc Việt- Pháp cộng tác thân thiện trong khối Liên hiệp Pháp!”

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chí Minh “ủng hộ cuộc đấu tranh của người Mỹ da đen” chống lại chính quyền Mỹ đối với chính sách phân biệt chủng tộc, sát hại người Mỹ da đen ở bang Mixixipi, ở Nữu Ước. Người vạch trần tội ác và âm mưu của “Tổng Giôn” và chính quyền Mỹ trước thế giới và nhân dân Mỹ yêu chuộng hoà bình, công lý… đối với nhân dân miền Nam Việt Nam. Không phải chính quyền Mỹ muốn “giúp nhân dân miền Nam giữ quyền tự do” mà “Sự thật là chúng hòng biến đồng bào miền Nam ta thành người “Mỹ da vàng” đi làm nô lệ cho chúng” như chúng thường “múa mồm”. Thái độ của Hồ Chí Minh rất rõ trong việc đoàn kết với người Mỹ da đen ở chính quốc trong khi chính quyền Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam trong những năm sáu mươi của thế kỷ XX. Người viết: “Đoàn thể người Mỹ da đen đã từng tham gia phong trào chống Mỹ xâm lược miền Nam nước ta. Cố nhiên nhân dân Việt Nam ta đồng tình và ủng hộ người Mỹ da đen đòi tự do, bình đẳng. Tuy màu da khác nhau, người Việt Nam da vàng và người Mỹ da đen đều chống lại kẻ thù chung là đế quốc Mỹ hung ác và chắc chắn rằng, chính nghĩa nhất định sẽ thắng, nhân dân miền Nam nhất định sẽ thắng, anh em người Mỹ da đen nhất định sẽ thắng!”(2).

– Với các tổ chức, các quốc gia, phong trào thế giới:

Tư tưởng đoàn kết với các dân tộc trên thế giới của Hồ Chí Minh biểu hiện sinh động trên nhiều phương diện, rộng lớn và bao dung vì chính nghĩa, vì sự hoà bình và phát triển của các dân tộc. Tư tưởng đó thể hiện sự nhận thức, tính biện chứng của Hồ Chí Minh về mối quan hệ mật thiết, không tách rời của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Đoàn kết là yếu tố luôn được Người coi trọng như một điều kiện bắt buộc để bảo đảm cho các mục tiêu vì hoà bình của các dân tộc. Trong Bài nói tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ và bảo vệ hoà bình cuối năm 1964, Hồ Chí Minh bày tỏ thái độ đối với phong trào đấu tranh của nhân dân châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh, mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới: “Hội nghị lịch sử này là kết tinh của mặt trận nhân dân toàn thế giới đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, nhất là đế quốc Mỹ.

Tôi tin chắc rằng: sau Hội nghị quốc tế này, tình đoàn kết vĩ đại và làn sóng đấu tranh của nhân dân toàn thế giới chống chủ nghĩa đế quốc thực dân sẽ dâng cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Mỗi thắng lợi của nhân dân thế giới là một thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Và mỗi thắng lợi của nhân dân Việt Nam cũng là một thắng lợi của nhân dân thế giới”(3).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta luôn nhận được sự ủng hộ của nhân dân Á, Phi, Mỹ latinh. Nhiều hội nghị ba châu đã được tiến hành bàn bạc các nội dung đoàn kết, đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Thông qua diễn đàn này, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam bày tỏ sự cám ơn sâu sắc tới nhân dân Á, Phi, Mỹ latinh và nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Trong Điện gửi Hội nghị đoàn kết nhân dân Á, Phi, Mỹ latinh họp tại La Havan (Cu Ba) đầu năm 1966, Hồ Chí Minh đã khẳng định với sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới thì sự nghiệp chống Mỹ nhất định sẽ đi đến thắng lợi. Người viết: “Dựa vào sức đoàn kết chiến đấu của mình, đồng thời dựa vào sức ủng hộ của nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược và nhất định sẽ thu được thắng lợi hoàn toàn.

Hội nghị nhân dân ba châu họp trên đất Cu Ba anh hùng lần này, có ý nghĩa chính trị cực kỳ quan trọng. Hội nghị sẽ góp phần tích cực vào sự tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, để bảo vệ độc lập dân tộc và hoà bình thế giới”(4).

4. Đoàn kết với kiều bào

Trong trái tim rộng lớn của Hồ Chí Minh, người Việt Nam ở nước ngoài, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Người không chỉ kêu gọi tinh thần yêu nước, đoàn kết hướng về Tổ quốc của Việt kiều để làm cho “lực lượng to” mà “lực lượng to thì quyết thắng lợi” mà còn hơn một lần khuyên họ cần phải đoàn kết với đồng bào các nước.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh không quên chúc Tết một bộ phận người Việt Nam sống xa Tổ quốc. Trong lúc công việc của Chính phủ mới còn rất nhiều bộn bề thì chỉ có trái tim rộng lớn “ôm mọi kiếp người” của Hồ Chí Minh mới có tình cảm và trách nhiệm như vậy. Trong Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

Cùng đồng bào yêu quý ở Lào và ở Xiêm,

Các đồng bào tuy mình cư trú ở nơi đất khách quê người, nhưng lòng vẫn yêu mến cố hương Tổ quốc.

Còn Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế.

Ngày nay, tuy nhờ sự đoàn kết của toàn dân mà nước nhà đã tranh lại quyền độc lập, nhưng chúng ta hãy còn nhiều sự khó khăn, hãy còn phải hy sinh, phấn đấu, mới đi đến sự nghiệp độc lập hoàn toàn. Muốn đạt mục đích đó, chúng ta phải kiên quyết nữa, phải đoàn kết nữa”(5).

Hồ Chí Minh thấu hiểu đời sống xã hội của kiều bào ta ở nước ngoài, thấu hiểu tinh thần dân tộc đối với Tổ quốc Việt Nam – quê hương yêu dấu của họ. Trong bài Kiều bào yêu nước năm 1955, với bút danh C.B, Hồ Chí Minh thấu hiểu và khẳng định: “Kiều bào ta ở trọ các nước tư bản, thường bị uy hiếp hoặc lợi dụng. Nhưng tối đại đa số kiều bào là những người yêu nước, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh cho Tổ quốc.

Vừa rồi, gần 2.000 kiều bào ở Pháp, đủ các tầng lớp, trai có gái có, già có trẻ có, đã ký tên đòi đương cục miền Nam hiệp thương với Chính phủ ta và đòi Chính phủ Pháp phải làm đúng Hiệp định Giơnevơ. Vậy có thơ rằng:

Gửi thân đất khách quê người,
Nhìn về cố quốc cách vời trùng dương,
Càng nhìn càng nhớ, càng thương
Càng mong Tổ quốc thịnh cường vẻ vang,
Càng căm những kẻ gian ngoan
Nghe lời bọn Mỹ phá ngang hoà bình.
Mọi người đoàn kết đấu tranh,
Đòi Ngô Đình Diệm tán thành hiệp thương.
Hoà bình, thống nhất, độc lập, tự cường,
Sao vàng cờ đỏ dẫn đường chúng ta.
Mấy câu thuận miệng nôm na:
“Một lòng yêu nước bài ca kiều bào”(6).

Thật là cảm động khi chúng ta biết rằng dù bận trăm công ngàn việc của người đứng đầu Chính phủ, lo lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo xã hội cũ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, trái tim Hồ Chí Minh vẫn giành một chỗ sâu sắc đối với kiều bào ta ở nước ngoài, thấu hiểu và tin tưởng ở lòng yêu nước của kiều bào.

Cũng với tấm lòng cao cả và sự quan tâm “như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng”, tết năm 1957, Hồ Chí Minh đã Điện chúc tết kiều bào nước ngoài. Nội dung điện thật ngắn gọn, chỉ hai câu nhưng thật đầy đủ, ý nghĩa và chứa đựng một trái tim nhân hậu của “vị cha già dân tộc” trong thời khắc thiêng liêng: “Nhân dịp năm mới, tôi gửi lời thân ái chúc toàn thể kiều bào vui vẻ, mạnh khoẻ, đoàn kết, tiến bộ. Đồng thời kiều bào nên tăng cường tình hữu nghị với nhân dân địa phương”(7).

Vấn đề đáng quan tâm trong bức điện trên ngoài câu thứ nhất ta thường bắt gặp thì vấn đề đặt ra tại sao trong thời điểm đó Người lại lưu ý kiều bào phải “tăng cường tình hữu nghị với nhân dân địa phương”. Phải chăng trong quan niệm của Người, kiều bào là đại diện cho hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam. Nếu tình hữu nghị giữa kiều bào và nhân dân các nước nơi họ đang sinh sống phát triển thì không chỉ tốt cho kiều bào mà còn tốt cho quan hệ với nhân dân và Chính phủ ta; sẽ tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ nhân dân ta chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay trong bối cảnh đổi mới, phát triển đất nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong khu vực và các châu lục trên thế giới, kêu gọi tinh thần yêu nước của kiều bào, thu hút đầu tư phát triển… thì yêu cầu ngoại giao, đoàn kết quốc tế trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích của các quốc gia có ý nghĩa quyết định sự thành bại và tính bền vững trong phát triển. Tư tưởng đoàn kết trên bình diện quốc tế và với kiều bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta những bài học, tầm nhìn quan trọng trong hợp tác quốc tế, trong bối cảnh và xu thế hội nhập tất yếu đang diễn ra hiện nay. Tư tưởng của Người đã và sẽ để lại nhiều bài học quý giá để chúng ta cùng suy ngẫm vì tương lai, tiền đồ và sự phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam, nhất là khi chúng ta tham gia và ngày càng có vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức quốc tế.

_______________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập: Nxb ST, H, 1989, t.8, tr. 106.
2. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H, 1976, tr.240.
3. Phùng Hữu Phú: Chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb CTQG, H, 1995, tr.138.
4. Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.181.
5. Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.139.
6. Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.267.
7. Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.286.
8. Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.330.
9. Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.421.
10. Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.64-65
11. Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.153

—————————————-

(1(. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002 , t.5, tr.153.
(2), (3). Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.299, 344.
(4). Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.6.
(5). Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.139.
(6), (7). Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.37, 304.

Theo PGS.TS Lê Ngọc Thắng
Viện Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc;
Tổng Thư ký Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam
(mattran.org.vn)

Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement