Xuân năm Thìn, Bác Hồ chúc Tết

Mùa Xuân Độc lập đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945 – mùa Xuân Bính Tuất – là một mùa Xuân không thể nào quên được. Lần đầu tiên, cả nước được nghe Thơ chúc Tết của Bác Hồ là vào giao thừa năm 1946. Mọi người vẫn còn nhớ lời Bác nhắn gửi các chiến sĩ lúc bấy giờ đang chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam nước ta:

bacho1.jpgBác Hồ với các cháu thiếu nhi Hà Bắc khi Người về thăm và chúc tết đồng bào và bộ đội – Tết Đinh Mùi – tháng 2/1967

Bao giờ kháng chiến thành công.
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.

Từ đó cho đến lúc Bác đi xa, đều đặn năm nào, Bác cũng có Thơ chúc Tết đồng bào. Và đã thành một tập quán mới, mỗi năm Xuân đến, mọi nhà, mọi người náo nức đón Thơ Xuân của Người.

Năm 1952, với 4 câu đầu trong Thơ chúc Tết Nhâm Thìn Bác đã củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vào thắng lợi cuối cùng:

Xuân này, Xuân năm Thìn
Kháng chiến vừa 6 năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm.

Bài Thơ chúc Tết được kết thúc bằng những lời dung dị, gần gũi với cái chất dân gian, dân tộc đã làm cho những vần thơ Xuân của Bác dễ dàng đi vào lòng người một cách tự nhiên:

Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.

Xuân Giáp Thìn (1964), trong Thơ chúc mừng năm mới, Người nhắc nhở, giao nhiệm vụ cho nhân dân miền Nam, miền Bắc đoàn kết chiến đấu:

Nam Bắc như cội với cành,
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng.

Tiếp đến, Người khẳng định:

Rồi đây thống nhất thành công,
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà…

Không ai ngờ chỉ năm năm sau, vào giao thừa Mậu Thân chuyển sang Kỷ Dậu (2/1969), đồng bào và chiến sĩ cả nước quây quần bên nhau chăm chú lắng nghe bài Thơ chúc Tết cuối cùng của Người truyền qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do.
Đánh cho mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Năm ấy, Bác đã 79 tuổi, song lời thơ của Người vẫn thể hiện một ý chí sắt thép, một nghị lực phi thường. Lời thơ Xuân như hịch truyền cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng ngoan cường mà Hồ Chí Minh là ngọn cờ, là hồn thiêng sông núi.

Từ đó, hằng năm, đến giao thừa, ta không còn cái hạnh phúc được nghe giọng ấm cúng của Bác đọc Thơ Xuân mới nữa, nhưng âm vang hào hùng và sâu lắng trong những bài Thơ Xuân của Người vẫn rung động lòng ta mãnh liệt.

Cảm xúc khi nghe Thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Giọng của Người không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước.
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…”

Bác đã sống mãi cùng với Thơ Xuân của Người. Và cứ mỗi khi Xuân về, Tết đến, những vần Thơ Xuân của Bác như vẫn còn văng vẳng bên tai chúng ta và mỗi chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ Người và thầm đọc:

“Bác ơi! Tết đến giao thừa đó
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần.
Ríu rít đàn em vui pháo nổ
Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân”.

(Tố Hữu – Theo chân Bác)

 

* Đảng ta cần, cần người liêm khiết, nghĩa nhân, sáng tạo, siêng năng, chung thủy vì Dân xây sự nghiệp

* Dân ta trọng, trọng bậc hiền tài, đức độ, chuyên cần, năng nổ, sắt son tin Đảng dựng tương lai.

LÊ VĂN THƠM

baophuyen.com.vn

Advertisement