QĐND – Về thăm Pác Bó (Cao Bằng) vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Mão-2011, lại đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tôi được nghe nhiều cụ lão thành cách mạng nhắc đến cách ăn Tết của Bác Hồ thời kỳ Người ở Pác Bó.
Ngày Bác về nước cũng là ngày Tết (mồng 2 Tết Tân Tỵ, tức ngày 28-1-1941). Trước đó, Bác mở lớp huấn luyện cho hơn 40 cán bộ trong nước học tập, đợi đúng đến ngày 30 Tết, Bác mới bế mạc lớp học và nói với các học viên nên nhân cơ hội bọn quan Tây, lính dõng đóng đồn dọc biên giới đang lơ là hưởng thụ, chúng ta trở về trong nước hoạt động. Còn Bác, khi trở về Pác Bó cũng lập tức bắt tay vào hàng trăm công việc nhằm củng cố căn cứ địa; biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ; soạn thảo đường lối cứu nước theo hướng chuyển sang đấu tranh vũ trang; xây dựng Điều lệ của Mặt trận Việt Minh… Các đồng chí cán bộ đi cùng Bác như: Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Lê Quảng Ba… ngỏ ý mời Bác nghỉ ngơi, vui Tết, đón Xuân cùng nhân dân, nhưng Người nói (đại ý): Người cách mạng thì phải “dĩ công vi thượng”, nay thời cơ cách mạng đang đến, đã là cán bộ thì không nên nghĩ đến Tết mà nên chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để đón “mùa xuân hồi sinh” dân tộc.
Bác không cho phép mình nghỉ Tết nhưng lại yêu cầu đội ngũ cán bộ phải chăm lo cho đồng bào đón Tết thật vui vẻ, để đồng bào thấy được sự khác biệt giữa cái Tết khổ đau, buồn bã dưới hai tầng áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến với không khí Tết trong vùng Việt Minh. Đồng chí Vũ Anh kể rằng, đồng bào vùng căn cứ địa Cao Bằng biết Bác không nghỉ Tết nên cử đoàn đại biểu các tổ chức cứu quốc đến tặng quà. Bác tìm hiểu, biết đồng bào có phong tục tặng lì xì (tặng tiền) đầu năm mới, nên đã phát động phong trào mỗi người tặng nhau một xu. Một xu lúc đó chỉ mua được tờ báo Việt Nam Độc lập. Từ đó, phong trào đọc báo và tuyên truyền các nội dung của báo Việt Nam Độc lập phát triển rộng khắp căn cứ địa.

Ảnh: internet
Ngẫm lại mới thấy, Bác làm gì cũng chỉ nghĩ đến một điều, mà Người gọi là “ham muốn tột bậc”: Độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.
Sau này, khi đã là Chủ tịch nước, làm việc tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ vẫn giữ thói quen ăn Tết như hồi ở căn cứ địa. Ngày Tết, Bác không hề nghỉ ngơi mà thường cùng một vài cán bộ thân cận, khi thì đi thăm bộ đội, khi lại đến thăm những gia đình nghèo khó, cũng có khi Người đóng cửa để chuẩn bị các văn bản lãnh đạo quan trọng. Cách đi thăm bộ đội, nhân dân trong dịp Tết của Bác thường là bí mật, không báo trước nên bao giờ, Người cũng biết được thực chất tình hình, từ đó lại có những chỉ đạo sâu sát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc do thực tiễn cách mạng đặt ra.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, từ ngày có Đảng đến nay, đã có hàng vạn, hàng triệu cán bộ, đảng viên đề cao tinh thần “dĩ công vi thượng”; quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1968, cả dân tộc lấy đêm Giao thừa làm thời gian hợp đồng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, buộc kẻ thù xâm lược phải ngồi vào bàn đàm phán, tạo nên sự chuyển biến chiến lược về thế và lực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Mùa xuân năm 2011, cái Tết Tân Mão đã cận kề nhưng trên địa bàn cả nước vẫn đang sôi nổi các hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. 1.377 đại biểu dự Đại hội XI đang là 1.377 báo cáo viên, nhanh chóng thông báo đến mọi đảng viên và nhân dân về tinh thần đổi mới toàn diện đất nước. Tất cả đang hối hả, hòa mình vào dòng chảy sôi động của sự nghiệp CNH, HĐH nước nhà. Tất cả đang hướng tới một mục tiêu duy nhất: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thiết nghĩ, Tết này, kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, 3,6 triệu đảng viên trên cả nước cũng nên có kế hoạch thực hiện một việc làm cụ thể nhằm thể hiện tinh thần “dĩ công vi thượng”. Đó là cách thể hiện tình yêu và lòng kính trọng sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu.
Hồng Hải