Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh vừa kế thừa văn hóa truyền thống, vừa bao hàm tinh thần cách mạng mới để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, đồng thời gắn với xu thế hội nhập tất yếu của văn hóa nhân loại.
Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ năm 1919 ở Pari, lúc đó Nguyễn Ái Quốc đã tự rèn luyện để trở thành một cây bút sắc bén của các tờ báo: Nhân đạo, Đời sống công nhân, Dân chúng, Tạp chí cộng sản… Ông sáng lập, kiêm phóng viên, chủ bút và họa sỹ của tờ Le Paria (Người cùng khổ) nổi tiếng, cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp thuộc địa. Ngoài chuyên mục chính trị, tờ báo có Diễn đàn văn học giới thiệu các tác phẩm lớn có giá trị xã hội và lịch sử. Ông đã viết hơn 40 bài báo, chiếm trên 60% tổng số bài trên tờ diễn đàn của các dân tộc thuộc địa duy nhất trong lịch sử báo chí thế giới. Sang nước Nga, ông Nguyễn vẫn gửi bài cho các báo Pháp, viết thường kỳ cho các tờ Thông tin quốc tế, Tạp chí Quốc tế nông dân, Sự thật, Người công dân Bacu, Nữ công nhân, Tiếng còi… Ông cùng với một số sinh viên Trung Quốc viết cuốn Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc, được nhà xuất bản Matxcơva Mới ấn hành 1924. Tại Quảng Châu, ông Nguyễn làm phiên dịch cho đoàn cố vấn Liên Xô, đồng thời phụ trách mục tuyên truyền của tờ báo tiếng Anh Canton Gazette. Ông Nguyễn trực tiếp phụ trách và cùng Hội Việt Nam thanh niên cách mạng xuất bản 88 số báo Thanh Niên. Tờ báo có các chuyên mục xã hội, bình luận, tản văn, vấn đáp, thơ ca… sử dụng nhiều hình thức văn phong khác nhau như ca dao, tục ngữ quen thuộc và cải tiến chữ quốc ngữ gây ấn tượng đổi mới rộng rãi.
Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng, Người sáng lập và phụ trách tờ báo Việt Nam độc lập (gọi tắt là Việt Lập). Năm 1943, khi bị giam trong các nhà tù Quốc dân Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết tập Ngục trung nhật ký bằng tiếng Hán, gửi gắm trong đó tâm ý của người chiến sĩ, một hồn thơ, sự cảm thông với những cuộc đời mất tự do, khốn khó và khẳng định chỉ chấp nhận thân thể ở trong lao còn tinh thần ở ngoài lao! Nhà phê bình Trung Quốc nổi tiếng Quách Mạt Nhược đánh giá, 133 bài thơ này ngang những bài thơ Tống – Đường hay nhất vì bút pháp trác tuyệt, ý thơ đương đại, biểu cảm và chân thực. Gần một năm bị quản thúc ở Liễu Châu, Người vẫn viết rất nhiều bài cho Nhật báo Liễu Châu về các vấn đề Trung Quốc, Việt Nam, Li Băng, trục phát xít… Giới văn sỹ đặc biệt chú ý đến những bài viết này và họ luôn tấm tắc: “Nếu nói văn của Hồ tiên sinh khác nào nhả ngọc phun châu, thật chẳng phải là nói quá. Sao lại có người Việt Nam viết văn Trung Hoa hay thế!”. Có thể thấy ở mọi thời điểm và hoàn cảnh, hoạt động văn hóa Hồ Chí Minh luôn luôn đáp ứng yêu cầu của thực tế và báo chí chính là diễn đàn biểu đạt tư tưởng văn hóa một cách rõ ràng nhất. Ngày 15-5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đề nghị trung úy John, báo vụ của cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ OSS, điện về Tổng hành dinh ở Côn Minh nhờ tìm cho Người một cuốn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Và bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới do Người đọc ngày 2-9-1945 đã mở đầu bằng câu trích từ Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ, sau đó là dẫn ý bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.
Sau khi nước ta giành được độc lập và rồi cả dân tộc lại phải trường kỳ kháng chiến chín năm, trên những chặng đường gian khổ vượt qua bao núi cao, rừng rậm, đèo sâu, hang lạnh của các tỉnh Cao Bằng – Bắc Kạn – Tuyên Quang – Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là linh hồn của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. Không những là một vị lãnh tụ tối cao về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, Người còn là một cây bút chiến sĩ kiệt xuất. Trong suốt 3000 ngày kháng chiến, với điều kiện sống và làm việc kham khổ, thiếu thốn, không kể những sắc lệnh, công điện, mật điện, thư khen, thư tay, bài nói chuyện, trả lời phỏng vấn, lời kêu gọi và cả những bài thơ đầy cảm xúc, Bác đã viết 7 cuốn sách: Đời sống mới (3-1947), Sửa đổi lối làm việc (10-1947), Việt Bắc anh dũng (12-1947), Một đoạn lịch sử Việt Nam từ 1847 đến 1947 (1948), Giấc ngủ mười năm (4-1949), Cần kiệm liêm chính (6-1949), Thường thức chính trị (1953); dịch cuốn sách: Tóm tắt lịch sử nội chiến ở Liên Xô sang tiếng Việt và theo con số thống kê chưa đầy đủ, Người đã viết 593 bài đăng các báo dưới 32 bút danh khác nhau về tất cả những lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, ngoại giao trong và ngoài nước. Quan điểm lý luận và hoạt động báo chí thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phù hợp, gắn bó với cuộc sống và phục vụ lợi ích nhân dân, Người rất coi trọng đối tượng và hiệu quả tuyên truyền báo chí. Vì vậy, trong thời gian kháng chiến, Bác đã dạy những người làm báo của Đảng: “Báo của ta là báo của nhân dân, phải nói thật với dân. Thổi phồng khó khăn làm dân sợ, dân hoang mang là sai, là không tốt. Nhưng ngược lại nói quá dễ dàng, tưởng để động viên nhưng khi dân thấy sự thật không đúng như thế, dân không tin ta nữa, không xem báo nữa! Báo không còn tác dụng nữa thì gọi là báo lá cải, vì nó không có giá trị bằng lá rau cải. Muốn viết trung thực thì phải đến tận nơi, phải nghiên cứu, phải suy nghĩ nên viết cái gì và viết như thế nào”.
Trở lại Thủ đô, trong 15 năm sống và làm việc tại Khu di tích Phủ Chủ tịch, dưới khoảng 38 bút danh khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục viết khoảng 859 bài cho các báo trong và ngoài nước, đề cập đến mọi lĩnh vực trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở của chủ nghĩa xã hội, góp sức cho đồng bào miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập tự do trên toàn thế giới. Khi đến thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Người đã xung phong phê bình các báo: “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta; Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng; Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau…” và Người căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Suốt cuộc đời hoạt động chính trị – văn hóa của mình, ngoài những bài tham luận, phát biểu, thăm hỏi, trả lời phỏng vấn, viết sách, gửi thư – điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 2000 bài báo và Người thường xuyên đọc khoảng 70 loại báo trong và ngoài nước. Jean Lacouture nhận định: “Văn phong kỳ lạ, rõ ràng là thế! Người ta không thấy có giọng văn này ở cả Xtalin, Churchill hay De Gault, còn văn Cụ Hồ thì vươn tới tiếng nói của lịch sử”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những thành tựu văn hóa nhân loại từ đỉnh cao của nền văn hóa Việt Nam, sáng tạo và tỏa sáng. Người không chỉ gắn bó với dân tộc mình mà còn dành tình cảm thắm thiết cho các dân tộc khác trên thế giới, luôn luôn ủng hộ mọi cuộc đấu tranh yêu nước bất cứ đâu, quan tâm săn sóc ân cần tất cả bạn bè quốc tế. Cho dù thế giới trải qua bao đổi thay, Bác Hồ vẫn luôn được tôn kính và ngưỡng mộ như biểu tượng cao cả của nhân đạo, chính nghĩa, hòa bình và nhân văn. UNESCO khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Người đã đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và những tư tưởng của Người là khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau. Người là một lãnh tụ cách mạng, một danh nhân văn hóa, một cây bút chiến sĩ vì sự nghiệp cao cả của nhân loại mà: “Bất cứ người nào có lương tri trên thế giới này muốn có cuộc đời như cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ cảm thấy cuộc sống như ấm áp hơn, đáng tự hào và có hy vọng hơn. Cuộc đời ấy, tấm lòng ấy khác nào biển rộng, sông dài, còn tươi sáng mãi trong lịch sử thời đại ngày nay!”.
Theo HNM điện tử
Bạn phải đăng nhập để bình luận.