‘Học Bác thì phải làm theo Bác’

“Học Bác đã quan trọng, làm theo Bác càng quan trọng hơn. Càng là cán bộ lãnh đạo thì càng phải làm theo để làm gương cho cấp dưới”, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương mở đầu cuộc trò chuyện với Đất Việt.

80 tuổi, gần 50 năm làm công tác cán bộ của Đảng, ông Nguyễn Đình Hương tâm sự: “Có rất nhiều điều mà chúng ta phải học tập Bác. Riêng tôi, là một đảng viên, tôi thấm thía nhất ba bài học lớn: đoàn kết, thương yêu nhau trong nội bộ Đảng, giữ gìn đạo đức cách mạng và phải biết dựa vào dân, thực sự là đầy tớ của dân”. Hằng năm, cứ đến ngày 21/7 âm lịch, ngày giỗ Bác, ông lại cùng bạn bè cùng thời đến thắp hương cho Người rồi lại cùng nhau ngồi hàn huyên những kỷ niệm về Người, bài học của Người.

– Thưa ông, vì sao bài học giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu nhau trong nội bộ Đảng lại khiến ông tâm đắc?

– Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta đã đánh và thắng bao nhiêu kẻ thù hùng mạnh, nếu không đoàn kết, liệu có thắng được không? Trong Di chúc, Bác đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết –  Thành công, thành công, đại thành công”. Điều mà Bác quan tâm trước hết là đoàn kết trong nội bộ Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, trong Bộ Chính trị.

Tôi được gần gũi nhiều với anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác. Có lần, anh Kỳ kể với tôi là cứ chiều thứ bảy hằng tuần, Bác lại mời cơm các anh trong Bộ chính trị. Nhưng Bác mời cơm không phải là đến để bàn thời cuộc, bàn công việc. Mục đích của Bác là sau một tuần làm việc, các anh ấy gần gũi nhau, có gì mắc mứu thì thông cảm, chia sẻ với nhau. Câu chuyện chỉ như vậy, nhưng có thể thấy Bác quan tâm từng ly từng tý tới sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, mà Bác là tấm gương, là trung tâm. Không phải ngẫu nhiên mà trong di chúc, Bác lại nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Bác Hồ tại nhà sàn Việt Bắc năm 1947. (Ảnh tư liệu).

– Nếu không có tình đồng chí thương yêu nhau thì cũng không thể có đoàn kết, thưa ông?

– Đúng. Bây giờ tôi với anh không thương yêu nhau thì làm gì có đoàn kết, bao dung, tha thứ. Anh có hoàn cảnh của anh, tôi có hoàn cảnh của tôi. “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Trong cuộc đời cách mạng, đâu phải ai cũng sáng suốt mà không mắc sai lầm nào. Tôi thấy trong hai cuộc kháng chiến, tình đồng chí thật trong sáng, chia nhau từng điếu thuốc, từng bát cơm, thương yêu nhau lắm. Còn bây giờ điều kiện vật chất khá hơn nhưng tình đồng chí lại không được như trước.

–  Ông nghĩ thế nào vầ câu Bác Hồ đã viết trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”?

– Có một lần, anh Tố Hữu kể với tôi, trong một lúc thư giãn, một cán bộ cấp cao hỏi Bác: “Thưa Bác, bây giờ Bác sợ cái gì nhất?”. Bác Hồ bảo: “Chú hỏi câu đó, thì Bác trả lời chú là, đế quốc Mỹ Bác không sợ, không sợ ai hết. Điều làm Bác sợ là các chú mất đoàn kết”.

Cho nên, Bác nhắc tới sự đoàn kết và phải có tình đồng chí thương yêu nhau trong di chúc là như thế. Vì để đoàn kết được là không đơn giản. Anh có chức có quyền, anh có nhà lầu xe hơi, còn anh lại chẳng có gì, thì ngồi với nhau, thống nhất với nhau khó lắm. Đó là chưa kể đến chuyện anh hống hách, quan liêu, coi thường ý kiến của người khác. 

Ông Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Như Ý.

– Vậy còn bài học về đạo đức cách mạng?

– Bác Hồ đã nói rồi, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bây giờ, nếu xem xét tiêu chuẩn một bộ trưởng, một bí thư, chúng ta không nên nói chung chung là có đức có tài, mà phải xem là họ có thật sự cần kiệm liêm chính hay chưa, thật sự chí công vô tư hay chưa.

Tôi còn nhớ một câu chuyện, có một cán bộ cấp cao làm một cái nhà rất to. Khi đến tai Bác, Bác rất nhẹ nhàng chứ không phê phán gì. Bác mời cơm vị cán bộ này và trong bữa cơm, Bác chỉ nói đúng một câu: “Người dân người ta khổ hơn mình, mà nghe nói chú làm cái nhà to lắm”. Chỉ một câu như thế mà vị cán bộ này về trả nhà ngay. Cứ so sánh với bây giờ mà tôi thấy băn khoăn quá. Nhiều cán bộ, đảng viên mua biệt thự, sắm xe hơi hàng tỷ đồng, nhiều người còn có mấy cái nhà lầu, ba bốn xe ô tô. Nếu chỉ với đồng lương nhà nước, liệu họ có thể mua được những thứ đó?.

Bác Hồ vẫn luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tư tưởng của Bác về vấn đề này là rất sâu sắc. Khi Đảng có những sai lầm, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng, Bác gọi mấy anh lãnh đạo đến và bảo: “Bây giờ các chú phải về xin lỗi dân. Nếu dân tha thứ cho thì không sợ. Nước yên thì thuyền yên”. Còn như hiện nay, tôi thấy nhiều cán bộ, đảng viên không xứng đáng là đầy tớ của dân. Trong khi đời sống của người dân còn không ít khó khăn, mà “đầy tớ” cứ chiều chiều lại đi chơi tennis, đánh golf, xông hơi, xe đưa rước…

– Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua hai năm thực hiện đã thu được kết quả bước đầu. Ông có đề xuất gì vào việc tiếp tục thực hiện để góp phần đẩy lùi những suy thoái, tiêu cực trong một số cán bộ, đảng viên và để họ thực sự là đầy tớ của dân như lời Bác dạy?

– Tôi cho rằng, học Bác đã khó, làm theo Bác càng khó hơn. Quan trọng nhất vẫn là làm theo Bác. Càng là cán bộ cấp cao càng phải làm theo để làm gương cho cấp dưới, cho đảng viên. Phải nói thực là hiện nay vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên học Bác nhưng lại không làm theo Bác. Biểu hiện rõ nhất là họ chưa đoàn kết, chưa thương yêu nhau, không giữ gìn đạo đức cách mạng và không thực sự là đầy tớ của dân. Đó là điều rất đáng buồn.

Vì thế, tôi nghĩ, để cuộc đấu tranh giữa tích cực và tiêu cực, giữa trung thực và cơ hội, giữa cái thẳng thắn với xun xoe xu nịnh trong Đảng đạt kết quả, chúng ta càng cần đẩy mạnh cuộc vận động. Phải học tập và làm theo một cách thực chất, chứ không phải là hình thức. Chỉ có thực chất, Đảng mới trong sạch, vững mạnh, mới không còn những người cơ hội, lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Vỵ – Ngọc Trung (thực hiện)

baodatviet.vn

Advertisement