Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, là danh nhân lịch sử, đó là điều hiển nhiên. Nhưng đồng thời, Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa, không phải chỉ ở khối lượng rộng lớn các kiến thức mà Người đã huy động để làm một nhà văn hóa phương Đông hoặc phương Tây, hoặc Đông – Tây kết hợp; mà là nhằm vào một sự nghiệp cao cả, với sự nghiệp đó, cả một dân tộc và cả một nền văn hóa được phục hưng.
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức và trước yêu cầu lịch sử của cách mạng dân tộc và dân chủ nhân dân buổi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, bước khởi đầu của công cuộc tìm đường phải là sự trang bị một bản lĩnh văn hóa, để được soi sáng về nhận thức và lý luận. Ở những cuộc cách mạng của các dân tộc phương Đông – nơi phải chìm đắm trong đêm trường phong kiến và chịu quá nặng chính sách ngu dân của chủ nghĩa thực dân, công cuộc tìm đường được trao cho người trí thức, và Nguyễn Ái Quốc đã đón nhận trách nhiệm lịch sử đó, ở tư cách người trí thức, và do thế Nguyễn đã quyết tâm tự đào tạo mình thành trí thức. Khác trước đây, Lê Lợi tìm đến Nguyễn Trãi, Quang Trung tìm đến các sĩ phu, Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh của thế kỷ XX phải kết hợp cả hai trọng trách và thực hiện cùng lúc hai quá trình trí thức hóa cách mạng và cách mạng hóa trí thức. Khía cạnh văn hóa ở danh nhân Hồ Chí Minh, do nhu cầu lịch sử như trên, tất yếu và tự nhiên gắn với cách mạng; trở thành văn hóa cách mạng. Nói cách khác, Nguyễn Ái Quốc phải lo cách mạng hóa văn hóa, để văn hóa trở thành công cụ trực tiếp của cách mạng.
Trọn vẹn quá trình hoạt động cách mạng hơn nửa thế kỷ, tất cả những gì Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nói và viết, bằng nhiều ngôn ngữ, trên nhiều loại văn, đều nhằm vào mục tiêu cách mạng. Câu hỏi hàng đầu Nguyễn Ái Quốc đặt ra cho hoạt động viết của mình là Viết cho ai? Và câu trả lời ở mọi thời điểm viết của tác giả, cũng là điều tác giả mong mọi người Việt Nam nhất trí là viết cho quần chúng số đông – để đưa quần chúng vào trường đấu tranh cách mạng, để nâng cao dân trí, để giúp quần chúng hiểu và thực hiện có hiệu quả mọi hoạt động nhằm tồn tại và tự giải phóng bản thân.
Khía cạnh văn hóa ở danh nhân Hồ Chí Minh là văn hóa cách mạng; và để đạt hiệu quả cách mạng, nó phải là văn hóa hành động, văn hóa nhằm thức tỉnh quần chúng, văn hóa gắn với nhu cầu thực tiễn theo hướng giúp cho con người năng lực tự giải phóng, và sự giải phóng con người.
Chính do bản thân đã là sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa với cách mạng, nên Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên có nhu cầu và khả năng, bằng hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, đi đầu và góp phần tiến hành công cuộc cách mạng văn hóa ở Việt Nam. Cuộc cách mạng văn hóa mà Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo được bắt đầu bằng một loạt chủ trương và biện pháp – từ cuộc vận động thanh toán nạn mù chữ và phong trào Bình dân học vụ nhằm chống giặc dốt, đến các cuộc vận động Đời sống mới, cải cách lối sống và phong cách làm việc; từ yêu cầu phát triển nền giáo dục và y tế quốc dân đến từng bước gây dựng phong trào văn nghệ nhân dân… Mọi hoạt động trên lĩnh vực báo chí, ngôn luận, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ đều phải nhằm vào nhân dân, lấy dân làm đối tượng phục vụ, từng bước nâng cao trình độ quần chúng, theo hướng kết hợp phổ cập và nâng cao…
Ở tư cách một nhà hoạt động cách mạng rồi trở thành lãnh tụ của dân tộc, Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược để nắm được các nhu cầu cơ bản và cấp thiết của quần chúng, tạo những khởi động quyết định nhằm giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người. Ở phạm vi hẹp của hoạt động văn hóa, chính Nguyễn Ái Quốc là tác giả Việt Nam đầu tiên, từ những năm 1920 đã góp công đầu vào việc giải quyết hai yêu cầu lịch sử đặt ra cho nền văn hóa mới Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng là cách mạng hóa và hiện đại hóa – cơ sở để khắc phục những so le lịch sử giữa dân tộc và thời đại.
Thế kỷ XX đối với Việt Nam là thế kỷ cách mạng hóa một dân tộc, đưa dân tộc thoát khỏi số phận nô lệ; Đồng thời, là thế kỷ khoa học hóa, đưa trình độ nhân dân thoát khỏi một thời điểm quá thấp, trên 95% số dân mù chữ. Người đã viết và sử dụng sành sỏi tiếng Pháp, tiếng Hán cũng chính là người quan tâm hơn ai hết đến khả năng của tiếng Việt, sao cho tiếng Việt đến được với mọi tầng lớp đồng bào. Khi chưa có một cuộc cách mạng đem lại quyền sống, cơm áo và tự do cho đồng bào thì việc làm báo (Từ Le Paria, Việt Nam hồn đến Việt Nam độc lập) là nhằm đưa lại một ánh sáng văn hóa để soi cho họ con đường đến với cách mạng chính trị. Người biết viết cho một công chúng chọn lọc bằng cách huy động tất cả vốn kiến thức của nhiều chục năm tích lũy từ nhiều nền văn hóa, như trong Bản án chế độ thực dân Pháp và Nhật ký trong tù, cũng chính là người biết viết cho một công chúng đang thanh toán nạn mù chũ. Trong Sửa đổi lối làm việc, trong Cách viết, trong những bài nói chuyện, bài viết của Hồ Chí Minh với các giới văn hóa, khoa học, nghệ thuật, Người đã góp công lớn xây dựng nền tảng cơ bản cho quá trình khoa học hóa, văn hóa hóa nền dân trí Việt Nam.
Văn hóa và Cách mạng; Văn hóa cách mạng và cách mạng văn hóa; Văn hóa phục vụ nhân dân và đưa nhân dân lên một trình độ cao của văn hóa; Văn hóa kiến thức và văn hóa đạo đức – lối sống… tất cả những khía cạnh đó ta đều có thể tìm thấy trong tầm bao quát của danh nhân Hồ Chí Minh, và cũng được biểu hiện trong toàn bộ hoạt động của nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Không chỉ trên các bài viết, bài nói chuyện – thường rất ngắn gọn, mà chủ yếu là sự gắn bó với hành động, sự hòa thấm vào hành động, hơn nữa, sự nêu gương trong hành động – đó cũng là khía cạnh nổi bật, trở thành nét độc đáo, nét riêng của Hồ Chí Minh, làm thành phong cách sống của Hồ Chí Minh.
Phong Lê