1. Cả dân tộc và nhân loại tôn vinh Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Kết tinh trong mình những tinh hoa của truyền thống dân tộc, thâu thái và chắt lọc những giá trị đặc sắc của hai nền văn hóa Đông – Tây qua các thời đại lịch sử, lại được ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin soi đường với sức cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã được lịch sử chuẩn bị và đào luyện để trở thành vĩ nhân.
Song những nhân tố khách quan đó mới chỉ là những điều kiện cần chứ chưa đủ. Nhờ những nỗ lực đặc biệt và nghị lực phi thường trong trường đời lao động, học tập và tranh đấu, với năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành tư chất của một triết gia, nhà tư tưởng lớn sau này của Việt Nam và thế giới.
Tư chất ấy biểu hiện ở sự nhạy cảm, mẫn cảm sâu sắc của trái tim yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau, dù khác màu da, tiếng nói nhưng cùng chung tình cảnh nô lệ dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân tàn bạo, phi nhân. Tư chất ấy còn biểu hiện ở động cơ cao thượng thấm nhuần tính nhân bản – quan tâm tới số phận con người thì phải tìm đường tranh đấu, giải phóng dân tộc mình và các dân tộc khác ra khỏi xiềng xích nô lệ, làm cho họ có cuộc sống xứng đáng với con người trong độc lập – tự do – hạnh phúc. Đây là hoài bão, khát vọng của cả cuộc đời Người. Chúng ta bắt gặp ở đây, trong những khái niệm trên mà Người từng nói, một sự quy tụ tất cả những gì Người mong muốn và hiểu biết: sự gặp gỡ giữa mục tiêu chính trị và hệ giá trị văn hóa. Đó là chính trị đầy tính nhân đạo của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là văn hóa của người cộng sản giác ngộ khoa học để nắm vững quy luật, sẵn sàng hành động, hiến dâng, hy sinh, hóa thân trọn vẹn và toàn vẹn bản thân mình vào dân tộc và nhân loại. Cái triệt để và nhất quán ấy lại là biểu hiện chân chính, đích thực nhất của bản chất giai cấp công nhân cách mạng mà lúc nào và ở đâu Người cũng bền bỉ thực hành lời nói đi đôi với việc làm, trau dồi bốn đức cần kiệm liêm chính, nghiêm khắc với mình, rộng lòng khoan thứ với người, kiên trì “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng ham muốn về vật chất”, bởi cách mạng chân chính thì suốt một đời phải thân dân và chính tâm, đoàn kết và thanh khiết. Với Hồ Chí Minh, đó không chỉ là tư tưởng, chính kiến và chủ thuyết mà còn là hành động, lối sống, hành vi ứng xử hằng ngày. Tất cả đều thống nhất trong sự hài hòa thấu lý, đạt tình, giản dị và sâu sắc, chân thực và tự nhiên, trở thành cốt cách và bản lĩnh của Người ấy là một bản lĩnh văn hóa.
2 – Ở Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và phương pháp, trí tuệ và đạo đức, lối sống và phong cách, tất cả đều hòa quyện và chung đúc lại thành nhân cách của Người ấy là một nhân cách văn hóa, và văn hóa Hồ Chí Minh thực sự là một kiểu mẫu hiếm thấy của văn hóa làm người, văn hóa nhân cách trong thời đại ngày nay. Chiều sâu nhân bản và tầm cao nhân đạo của triết lý và tư tưởng Hồ Chí Minh từ cội nguồn dân tộc đã đến cùng thời đại, nâng văn hóa của Người lên, sinh thành các giá trị nhân văn. Bao nhiêu học giả uyên bác và thông thái trên thế giới từ bấy lâu nay vẫn miệt mài trong cuộc tìm kiếm không bao giờ dứt định nghĩa về văn hóa. Song suy đến cùng, văn hóa là nhân văn, là sự không ngừng phát triển, bồi đắp để hoàn thiện nhân tính. Đặt niềm tin nơi con người, tôn trọng nhân cách và nâng niu giá trị con người, rằng con người phải trở nên tốt đẹp trong một thế giới có tính người nhiều hơn như C. Mác nói, đó là sức mạnh của nhân văn, là lực đẩy của phát triển và tính hướng đích của mọi tiến bộ xã hội.
Nhân văn trong triết lý nhân sinh và triết học hành động của Hồ Chí Minh làm cho tư tưởng thâm thúy, sâu sắc kiểu hiền triết Á Đông của Người luôn hướng tới và gắn liền với hoạt động thực tiễn vì con người và cuộc sống của nó. Coi dân là chủ thể làm nên mọi giá trị ở đời nên Người trọng dân và tin dân. Lấy dân làm đối tượng phục vụ, nên Người yêu dân, thương dân, gần dân, thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí để thực hành dân chủ. Người đã cùng với Đảng và bộ máy công quyền do Người lãnh đạo làm tất cả những gì có thể làm để bồi dưỡng sức dân, chăm lo, phát triển sức dân, đồng thời hết sức tiết kiệm sức dân. Người căn dặn: mỗi đồng tiền, bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều là mồ hôi, nước mắt của dân. Thương dân thì phải tiết kiệm. Lãng phí là không thương dân. Tham ô là có tội với dân. Phải diệt trừ tội ác đó. Trong điều giản dị ấy, sự cảm động từ một tấm lòng đã có sức cảm hóa mọi tấm lòng khác. Ấy là lòng nhân ái. Đây là một trong những điểm tựa vững chắc, trở thành nguyên tắc ứng xử của Người.
Người tin rằng, đã là người thì ai cũng có tình người. Thức tỉnh điều tốt đẹp ấy, làm cho nó nảy nở, phát triển, đó là phương pháp, nghệ thuật giáo dục con người của Hồ Chí Minh. Yêu thương vì không bao giờ mất đi niềm tin cậy và vị tha nên phải bao dung, phải có lòng độ lượng, độ lượng vĩ đại. Người đưa ra một tổng kết từ sự trải nghiệm trực tiếp của mình: sông sâu, bể rộng bao nhiêu nước cũng vừa, cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ một giọt nước cũng tràn đầy. Chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái chứ không sợ người ta không theo mình. Sự chân thành và hết mình ấy trong ứng xử để giáo dục, cảm hóa con người, thuyết phục và thu phục nhân tâm ở Hồ Chí Minh thực sự là một kiểu mẫu, một tấm gương soi cho đương thời và hậu thế. Người tiêu biểu cho văn hóa ứng xử, trong đó kết hợp làm một sức mạnh của khoa học – đạo đức với nét đẹp tinh tế của văn hóa. Người là một nhà văn hóa lớn, trong đó nhà tư tưởng và nhà giáo dục hiện ra không phải với tính hàn lâm, sách vở, với sự cao đạo xa cách mà trái lại, dung dị như đời thường, rất mực gần gũi với con người đời thường, ai ai cũng cảm nhận trực tiếp được. Người truyền bá tư tưởng như một sự thực hành, chỉ dẫn trực tiếp cho mọi người cách nghĩ, cách viết, cách nói mà cao sâu hơn tất cả là cách sống làm người và ở đời. Người nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động, chỉ nói và viết khi cần thiết, đã nói thì phải làm, phải thật thà nhúng tay vào việc. Người giáo dục đạo lý, tình thương bằng sự nêu gương, bằng chăm sóc việc “trồng người” tỷ mỷ, chu đáo như người làm vườn vậy. Triết lý, triết học Hồ Chí Minh là triết lý, triết học về văn hóa; ở đó, trực quan, biểu cảm sinh động nhất được thể hiện trong văn hóa ứng xử của Người. Sinh thời, dù trong nhiều năm ở cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù đã trở thành lãnh tụ của dân tộc, nhà hoạt động lỗi lạc trong phong trào cách mạng thế giới, được mọi người tôn kính và ngưỡng mộ, nhưng Hồ Chí Minh luôn luôn tự ý thức mình chỉ là một con người bình thường giữa muôn người. Người từ chối mọi danh hiệu, huân chương, phần thưởng dành cho riêng mình. Người chỉ nhận mình là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp và ham muốn tột bậc của Người chỉ là làm cho nước nhà được độc lập, dân ta có tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành, được sống no đủ, hạnh phúc.
Theo Hồ Chí Minh, phục vụ nhân dân, suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân, làm công bộc tận tụy hết lòng vì nhân dân, đó là phục tùng chân lý cao nhất và là thực hành một lẽ sống cao thượng nhất. Cuộc đời của Người và tất cả những gì Người đã làm, từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến giây phút cuối cùng, khi trái tim ngừng đập, khối óc ngừng suy nghĩ, đã minh chứng một cách thuyết phục và cảm động nhất cho văn hóa làm người của Người. Bởi Người cũng quan niệm như C. Mác: Hạnh phúc là đấu tranh. Ai đấu tranh đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho người khác thì người ấy có hạnh phúc nhất.
Không chỉ mọi người Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế đã gọi Người một cách trìu mến nhất: Bác Hồ! Cả một buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Trị Thiên – Huế đều lấy họ Hồ làm họ của mình để ghi nhớ công ơn của Người và tâm niệm: hãy sống như Người đã sống.
Không có khái quát nào đầy đủ, chân thực hơn về Hồ Chí Minh – một con người, một cuộc đời, một sự nghiệp đã hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc mình, cho thời đại và cho nhân loại, như chính câu thơ của Tố Hữu: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Cũng như vậy, Phạm Văn Đồng, một trong những học trò xuất sắc của Người, từng là nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng và Nhà nước ta trước đây đã viết về Người: “Đời Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng”. Ánh sáng tư tưởng, trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh có nguồn sáng từ những chân lý lớn của lịch sử và thời đại, từ quy luật của muôn đời, kết tinh lại thành những giá trị văn hóa. Nó phản chiếu vào Hồ Chí Minh – Con người ở tầm vóc Đại Trí, Đại Nhân, Đại Dũng, Con người mang giá trị Chân – Thiện – Mỹ, gắn bó máu thịt với nhân dân, hóa thân vào nhân dân nên đã sống trong lòng nhân dân bền chặt, vĩnh hằng.
Lý tưởng đã trở thành hiện thực và hiện thực đã vươn tới lý tưởng. Dân tộc và non sông đất nước đã sinh ra Người và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước và dân tộc như một sự thăng hoa.
Hồ Chí Minh là hiện tượng văn hóa độc đáo ấy, bởi Người là một trong số hiếm hoi các lãnh tụ đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống.
3 – Theo giáo sư Trần Văn Giàu, tầm cỡ của một hiền triết chưa chắc ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới là thực tại hay là ảo ảnh, khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ, mà chung quy lại là ở mức quan tâm đến Con người, con người thật đang sống trên quả đất này và chắc chắn còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó, vì thế mà Cụ lớn..
Đọc lại nhận xét tinh tế và sâu sắc trên đây, rất tự nhiên, ta nhớ tới một câu trong Di chúc của Người: “Đầu tiên là công việc đối với con người.
Bản thân Người cũng từng khẳng định: lòng thương yêu của tôi đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi.
Một học giả nước ngoài đã viết về Người: Cụ Hồ là một người xây dựng lương tri, xây dựng khi nó thiếu, tái tạo khi nó mất. Cụ thức tỉnh kẻ u mê, ân cần đỡ dậy người trượt ngã, biến vạn ức người bình thường thành anh hùng vô danh và hữu danh trong lao động, trên chiến trường, trong ngục tối, trước máy chém .
Lật lại các trang sử liệu, chúng ta không thể bỏ qua chi tiết này: Ét-mông Mi-sơ-lê, Bộ trưởng Các quân chủng Pháp, người được ủy nhiệm tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 ở Pa-ri đã nhận xét về Người: Đó là một người cộng sản theo lý tưởng. Ông đã chọn chủ nghĩa cộng sản, đúng thế, nhưng có một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là một chủ nghĩa cộng sản có tình người, một chủ nghĩa cộng sản tôn trọng cá nhân, biết khóc, biết cười, biết ngâm vịnh.
Là một chính khách tư sản, Ét-mông Mi-sơ-lê, dĩ nhiên không thể hiểu được bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Ở bên trong cái rào chắn của thế giới quan tư sản, ông chỉ có thể nhìn nhận chủ nghĩa cộng sản với những thiên kiến, lệch lạc. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, ông ta đã hiểu đúng Hồ Chí Minh, nói lên được chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của Người. Có thể nói, văn hóa Hồ Chí Minh, đặc biệt là văn hóa ứng xử của Người thể hiện sâu đậm chất nhân văn ấy. Nếu lao động – đấu tranh và tình thương là bản chất con người, nơi biểu hiện và khẳng định nhân tính, thì Hồ Chí Minh mang bản chất ấy hơn ai hết. Người nêu lên một luận đề tư tưởng và phương pháp có giá trị và ý nghĩa như một tuyên ngôn, một cương lĩnh về giáo dục: Con người chứ không phải thánh thần nên ai cũng có cái hay và cái dở, cái tốt và cái xấu, ở trong lòng. Phải làm cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, còn cái xấu, cái dở thì mất dần đi rồi tới chỗ mất hẳn.
4 – Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là văn hóa giáo dục, kết hợp giáo dục bằng lời (giảng giải, tuyên truyền, thuyết phục) với thực hành bằng công việc thực tế hằng ngày và bằng sự nêu gương. Tất cả những điều đó phải xuất phát từ lòng chân thành, khiêm tốn, giản dị, nhân ái, vị tha. Đó là sức mạnh bền bỉ để con người vượt qua mọi khó khăn, giữ vững được niềm tin, làm chủ chính mình và hoàn cảnh nhằm để đi tới mục đích của cuộc đời và sự nghiệp.
Điều gợi ý sâu sắc từ tư tưởng và thực tiễn sống động Hồ Chí Minh là ở chỗ, văn hóa ứng xử trước hết là văn hóa tự ứng xử. Trau dồi học vấn để từng bước đạt tới sự trưởng thành văn hóa; rèn luyện đạo đức, đặc biệt là các đức tính để rèn luyện nhân cách – những nội dung giáo dục ấy phải thấm sâu vào tình cảm con người, tăng cường được năng lực trí tuệ, tự giác trở thành nhu cầu và lối sống. Và như vậy, giáo dục trở thành tự giáo dục. Bởi thế, biết hướng thiện và phục thiện là một khởi nguồn quan trọng để mỗi con người tự hoàn thiện nhân cách của chính mình. Phải tự mình trở nên tốt đẹp – đó là một nhu cầu cao quý của đời sống tinh thần và thế giới nội tâm của con người; đó là động lực để con người tự mình học tập, noi gương những điều tốt đẹp ở người khác, biết tôn trọng những giá trị ở đời, biết yêu thương và tin cậy con người.
Đủ hiểu vì sao, suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ mà Người rất mực thương yêu, về phương pháp và dùng phương pháp để thực hành chân lý, dùng những tấm gương trong thực tế và tự mình nêu gương để giáo dục con người trở nên tốt đẹp. Phương châm mà Người nêu lên và căn dặn chúng ta là, bất cứ việc gì, dù to hay nhỏ, muốn thực hiện được, muốn mọi người cùng làm thì phải có phương pháp cho đúng và dùng phương pháp cho khéo. Người là bậc thầy của phương pháp, và ở tầm triết học, Người là nhà biện chứng thực hành xuất sắc nhất của cách mạng Việt Nam, của dân tộc ta trong thế kỷ XX. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là sự cô đúc tất cả tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh, là bản chất văn hóa Hồ Chí Minh. Đó cũng là nguyên tắc và chuẩn mực của Người trong văn hóa ứng xử mà chúng ta cần học tập, vận dụng hiện nay.
5. Từ sự nghiệp lớn của Đảng và của dân tộc ta, đến cuộc sống riêng tư của mỗi người, bằng những trải nghiệm hằng ngày của chính mình, mỗi chúng ta đều cảm nhận rằng: Bác Hồ vẫn còn sống mãi với chúng ta, vẫn ở bên cạnh chúng ta, dẫn dắt chúng ta đi tới thắng lợi của Đổi mới, tới mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tới sự tốt đẹp của cuộc sống, sự hoàn thiện của nhân cách, văn hóa làm người. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Có trí tuệ, tình thương, tấm lòng bao dung, nhân ái của Bác cổ vũ, thúc đẩy, những thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi sau này sẽ làm nên nhiều điều tốt đẹp xứng đáng với lòng mong đợi của Người.
Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Người, về nhân cách Hồ Chí Minh, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà đã dường như thân thiết từ lâu”.
Theo GS,TS Hoàng Chí Bảo, Tạp chí Cộng sản tháng 5/2005
Bạn phải đăng nhập để bình luận.