Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là một di sản vô giá, là những giá trị vĩnh cửu mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại. Những tư tưởng ấy không phải chỉ nằm trong các bài viết, bài nói, trong những, tác phẩm của Người, mà còn nằm trong phong trào cách mạng của quần chúng, trong con người Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) suy tôn Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Người là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam; là một hình mẫu cao đẹp của con người trong thời đại mới, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của nó, một tấm gương sáng tuyệt vời về người Cộng sản. Toàn bộ di sản tưtưởng của Người không những là một kho báu văn hóa của dân tộc Việt Nam, mà đã trở thành gia tài của nhân loại.

Nét đặc sắc nổi bật nhất của tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết hợp, hài hòa giữa dân tộc với quốc tế, giai cấp với nhân loại, truyền thông với hiện đại, trên cơ sở một chủ nghĩa nhân văn tất cả vì hạnh phúc của con người, vì sự hoàn thiện của con người. Con người với ý nghĩa đầy đủ nhất, như Hồ Chí Minh nói, đó là mỗi một người, là những người thân, trong một gia đình những người gần gũi trong làng xã, phố phường, tập thể, là những người trong một nước cho đến phạm vi rộng rãi nhất là cả loài người. Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa của con người, do con người, vì con người. Phải chăng, như các nhà khoa học đã định nghĩa về văn hóa, ở Hồ Chí Minh văn hóa chính là nhân hoá.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn xác định văn hóa cũng là một mặt trận, văn hóa có vị trí quan trọng và quan hệ khăng khít với các mặt trận chính trị kinh tế, quân sự, tạo thành những mặt trận trong cuộc kháng chiến toàn diện cua dân tộc. Nhiệm vụ của văn hóa là góp phần để kháng chiến và kiến quốc thành công. Theo quan điểm Hồ Chí Minh: ”Văn hóa tinh thần, văn hóa chính trị phải soi đường cho quốc dân đi”. Người nhấn mạnh: Văn hóa là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, có quan hệ chặt chẽ với chính trị, có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngay sau khi vừa giành được chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đưa ra những kế sách văn hóa vào chiến lược phát triển đất nước. Trước hết, Người rất quan tâm đến việc mở mang dân trí, xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt. Người coi sự dốt nát cũng là một thứ giặc, xem thói quen và những hủ tục lạc hậu cũng là một loại kẻ thù. Với tầm nhìn bao quát, sâu sắc và sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi văn hóa cách mạng phải là văn hóa hành động, văn hóa gắn liền với nhu cầu thực tiễn giác ngộ quần chúng, hướng quần chúng vào ý thức tự giải phóng mình và giai phóng toàn đân tộc. Người nói: Phải giáo dục nhân dân chúng ta, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Phải ”làm cho quốc đân có tinh thần vì nước quên mình”, ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Cùng với cuộc đấu tranh chống nạn mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xây dựng đời sống mới và viết cuốn sách ”Đời sống mới” để hướng dẫn các tầng lớp nhân dân thực hiện. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhân dân các địa phương đã tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống mới, và từ đó đã dần đần hình thành những thuần phong mỹ tục mới, từng bước tạo nền vững chắc cho sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật, khoa học, giáo dục… nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo công tác văn hóa, không chỉ đề ra đường lối văn hóa đúng đắn mà phải xúc tiến việc đào tạo con người mới và cán bộ mới cho cuộc kháng chiến, kiến quốc. Văn hóa, giáo dục phải chủ động tạo ra những con người ấy. Người cho rằng, trong xây dựng đời sống văn hóa mới, phải triệt để tẩy trừ mọi xấu xa, tác hại của tàn tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời ra sức bảo vệ, phát huy, phát triển những truyển thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới, cái hay, cái đẹp, cái tốt của các dân tộc, của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng. Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng.một nền văn hóa mới cũng là nhằm xây dựng con người mới Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống. Luận điểm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa, có tầm chiến lược và tầm nhìn xa trông rộng, cần phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc. Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, mà còn là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Người thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa mới. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí để bảo vệ độc lập dân tộc, Người đưa ra phương châm chiến lược: “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” và coi ”Văn hóa-nghệ thuật cũng là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Người chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa chính trị và văn nghệ, giữa cách mạng và nghệ sĩ cách mạng. Người khẳng định dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Người coi văn nghệ là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà ”Nay ở trong thơ nên có thép Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Trong nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa là một mặt trận, cho nên người chiến sĩ trên mặt trận ấy phải có lập trường vững, tư tưởng đúng, hiểu thâu về cuộc sống và con người, có tài năng sáng tạo… đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp và đế quôc Mỹ, khắp các chiến trường ác liệt lúc nào cũng có mặt những chiến sĩ văn hóa, những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, lấy công tác tư tưởng văn hóa làm trận địa, làm vũ khí để sáng tạo nên những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có sức thuyết phục làm rung động lòng người, cổ vũ tinh thần chiến đấu và sản xuất của quân và dân ta. Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần căm thù giặc đã khơi nguồn cho những sáng tạo văn hóa nghệ thuật đầy sức sống chiến đấu, tạo nên một thời kỳ sôi động nhất của hoạt động văn hóa trong cả nước.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chi Minh về văn hóa, Đảng ta xác định: Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của văn hóa, văn nghệ là sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác động sâu sắc, xây dựng con người mới Việt Nam ngang tầm với sự nhiệp CNH- HĐH đất nước. Đồng thời phát huy truyền thống cao đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, vào từng người, từng gia đình và từng cộng đồng dân cư, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thân cao đẹp trình độ dân trí cao.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mãi mãi là ngọn đèn chiếu sáng đưa dân tộc ta tiến lên xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiên, đậm đà bản sắc dân tộc trong quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế và sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc hiện nay.

Lê Hồng Phan (báo Quảng Bình)

cpv.org.vn

Advertisement