Sáu mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh tại khu rừng Sam Cao thuộc tổng Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An), tỉnh Cao Bằng.
”Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nhân cách và tâm hồn Việt Nam, sống mãi trong trái tim khối óc mỗi con người Việt Nam, vĩnh hằng cùng lịch sử dân tộc. ”Bộ đội Cụ Hồ” trong phẩm chất nhân cách của mình, trong sâu thẳm tâm hồn mình, luôn luôn quán triệt và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng vì nhân dân, vì con người trong văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong những ngày này, dân tộc ta, mỗi con người Việt Nam chúng ta rất tự hào và xúc động khi từ các diễn đàn trong cả nước đang vang lên những lời ngợi ca về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, những con người mang đậm cốt cách tư tưởng, tác phong, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh.
Càng tự hào và xúc động, chúng ta càng thấm thía công ơn trời biển của Bác Hồ, bởi chính Người đã sáng lập, giáo dục và rèn luyện bộ đội ấy, để bộ đội ấy thực sự là bộ đội vì nhân dân, vì con người, bộ đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hy sinh chiến đấu không ngừng, không mệt mỏi. Có thể nói, sự thấm nhuần tư tưởng vì nhân dân, vì con ngưới trong văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh của ”Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện sâu sắc và phong phú trên nhiều phương diện, trong đó không thể không kể đến một số phương diện độc đáo và nổi bật.
Tư tưởng chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh là tư tưởng vì nhân dân, vì con người, thể hiện sâu sắc trong ”Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” do Người trực tiếp khởi thảo. Ngay trong mục ”Tên và phương châm hoạt động” của Đội, Người đã nêu rõ: Tên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Đây là tư tưởng rất cơ bản về vận động, giác ngộ quần chúng, vận động nhân dân trong quá trình tiến hành cách mạng. Ngay từ tháng 12 năm 1944, Người đã xác định: Cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, nên khi tập trung xây dựng đội chủ lực vẫn cần duy trì lực lượng vũ trang các địa phương, cùng phối hợp hành động và giúp đỡ nhau về mọi mặt. Đội chủ lực có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang địa phương, giúp đỡ về huấn luyện, vũ khí làm cho lực lượng địa phương không ngừng trưởng thành.
Về quan hệ giữa đội chủ lực với các đội vũ trang địa phương, Người chỉ rõ: Đưa cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến. Về chiến thuật, Người nhấn mạnh: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, ẩn hiện bất thường, làm cho kẻ địch luôn bị bất ngờ, khó truy tìm và chịu thất bại. Khi xác định vai trò của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ”là đội quân đàn anh”, là đội chủ lực, Người cũng đã chỉ ra tiền đồ phát triển của Đội: ”Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Để thực hiện được vai trò và tiền đồ đó, Người đã căn dặn cán bộ và chiến sĩ của Đội: Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được, tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo.
Quán triệt tư tưởng vì nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến trong ”Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại buổi lễ thành lập Đội, trước đại diện của Liên tỉnh ủy Cao – Bắc Lạng, đại biểu nhân dân các dân tộc Tày, Nùng, Dao… và 34 cán bộ, đội viên được chọn lọc từ các đội du kích địa phương, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc diễn từ nêu bật ý nghĩa thành lập Đội và khẳng định: ”Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời…, để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở cnính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này… Thế là từ giở phút này trở đi, chúng ta cùng nhau tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu. Chúng ta… quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu oán hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương và máu để làm việc đó. Chúng ta sẽ vạch rõ cho toàn dân rằng con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy, Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc… Từ giờ phút này, các đồng chí sẽ noi theo ngọn cờ mà tiến lên trên con đường máu. Chúng ta tiến tiến mãi cho đến ngày giải phóng của toàn dân”.
Hồi tưởng lại những ngày đầu quân đội ta mới ra đời cách đây tròn sáu mươi năm, chúng ta càng thấm thía sâu sắc rằng: Bác Hồ quan tâm chăm sóc quân đội với một trái tim thương yêu vô bờ bến ngay từ những ngày quân đội mới chập chững vào đời. Đấy chính là cội rễ kiến tạo nên một quân đội ngay từ khi ra đời đã là quân đội của nhân dân, một quân đội vì dân, vì con người trong cả tâm hồn, tình cảm, lý tưởng, đạo đức, văn hóa và cả mọi mặt hoạt động chiến đấu, công tác và lao động sản xuất.
Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại và trở thành một danh nhân văn hóa thế giới. Ngôi sao văn hóa Hồ Chí Minh trong bầu trời văn hóa nhân loại toả chiếu khắp các châu lục và rọi chiếu cả đến nền văn hoá tương lai. Bởi văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa vì dân, vì con người. Vì văn hóa xét đến cùng là do con người và vì con người. Mà Hồ Chí Minh là một con người cả tâm hồn và cuộc sống vốn lúc nào và bao giờ cũng vì nhân dân, vì con người. Đạo đức Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả, sáng ngời lòng nhân ái, sự quên mình, luôn luôn sống vì đồng loại, vì đồng bào và vì nhân dân. Được tắm mình trong ánh sáng văn hóa, đạo đức đó, được học tập, rèn luyện và noi theo tấm gương văn hóa, đạo đức đó, ”Bộ đội Cụ Hồ” trong sáu mươi năm qua đã mang đậm nét cốt cách, phong thái, tâm hồn Hồ Chí Minh. Đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh được kết tinh sâu đậm trong những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của «Bộ đội Cụ Hồ”.
Ngày nay, trong khi nền văn hóa vật chất của thế giới đang đạt được những bước phát triển phi thường, thì loài người lại đang lo ngại cho nền văn hóa của mình, bởi nguy cơ suy thoái về tinh thần có chiều hướng phát triển gia tăng ở quy mô thế giới. Ở nước ta, trước tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, trước sự tấn công thâm độc và xảo quyệt của các thế lực thù địch trên mọi mặt đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống, nền văn hóa, đạo đức của chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Người ta hồ nghi một nền văn hóa lành mạnh, mang bản sắc dân tộc sâu sắc sẽ không có khả năng chiếm lĩnh trận địa tư tưởng – văn hóa, không thể mang tính trội trong đời sống xã hội trước sự xâm thực của các loại ấn phẩm văn hóa xấu độc. Bao nhiêu lo toan, trăn trở trước lối sống thực dụng chỉ biết bản thân mình, chỉ sống cho mình mà không mảy may chăm lo đến lợi ích của cộng đồng, của xã hội đang thường trực trong suy nghĩ của những người đã từng hiến dâng cả quãng đời thanh xuân tươi đẹp của mình cho lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân.
Bao nhiêu hệ thống giá trị đang bị đảo lộn, lẫn lộn và mơ hồ. Bao nhiêu vấn đề trớ trêu về đạo đức, lối sống đang nảy nở tràn lan tha hóa về nhân phẩm, trống rỗng về tâm hồn, cạn kiệt về lý tưởng bởi sự tác động của xu hướng phi chính trị hóa, phi lý tưởng, sự quay trở về lợi ích cá nhân ích kỷ tầm thường nhỏ nhen.
Làm sống lại hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thấm nhuần tư tưởng vì nhân dân, vì con người trong văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẽ có ý nghĩa to lớn và tác dụng thiết thực! Ngày nay, trong bối cảnh mới, trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ”Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ phát huy và phát triển bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội lên một trình độ mới, làm cho tư tưởng vì nhân dân, vì con người trong văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng nở rộ trong cán bộ, chiến sĩ quân đội, mà còn phải tuyên truyền, vận động mọi người quán triệt sâu sắc tư tưởng đó để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đẩy lùi những tác nhân làm vẩn đục hay hoen ố nền văn hóa, đạo đức dân tộc. Đó là một nhiệm vụ to lớn và vẻ vang của quân đội ta trong tình hình hiện nay.
Tư tưởng vì nhân dân, vì con người trong văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh thấm nhuần trong ”Bộ đội Cụ Hồ” còn được thể hiện ở phương diện ”Bộ đội Cụ Hồ” luôn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn luôn được nhân dân nuôi nấng, chở che, đùm bọc.
Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ Người tách mình ra khỏi nhân dân. Người khiêm tốn, giản dị, gắn bó, hoà mình cùng mọi người, bất cứ lúc nào cũng đến với đồng bào, đồng chí, đến với nhân dân như một người bạn, người thân, người ruột thịt. Trong sự bình dị ấy, Người nâng mọi người lên ngang tầm cái thiện, cái cao cả: ”Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta. Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”. Với Hồ Chí Minh:
”Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân.
Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân
Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
“Trong ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì nhân hoà là hơn tất cả”.
”Hết lòng hết sức phục sự nhân dân, bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy”.
Đó là tư tưởng vì nhân dân nhất quán trong văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh. Qua sáu mươi năm lịch sử, tư tưởng đó thấm vào máu thịt ”Bộ đội Cụ Hồ”, trở thành nét đặc trưng tiêu biểu cho phẩm chất nhân cách ”Bộ đội Cụ Hồ”. Và cũng chính vì vậy mà ”Bộ đội Cụ Hồ” trở thành một bộ đội vì dân, thực sự của dân. Bởi “Bộ đội Cụ Hồ” là bộ đội được giáo dục, rèn luyện theo văn hóa, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Phẩm chất hàng đầu của bộ đội ấy là tính nhân dân sâu sắc. Đó là cội nguồn làm nên sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho quân đội ta một sự ưu ái đặc biệt, nhất là đối với người chiến sĩ. Người chiến sĩ chính là hình ảnh nhân dân trong ”Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, kỷ niệm sáu mươi năm Ngày thành lập quân đội, chúng ta không thể không coi trọng xây dựng ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ, nhất là ở các phân đội. Chúng ta phải nghiên cứu tìm hiểu thật sự sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về người chiến sĩ hiện đại, để đổi mới toàn diện công tác đối với chiến sĩ. Phải đến với chiến sĩ bằng văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh. Phải nâng tầm người chiến sĩ hiện đại lên ngang tầm văn hoá, đạo đức Hồ Chí Minh. Phải làm sao cho nhân dân nhìn vào chiến sĩ thấy mình, thấy dân tộc và thấy được cả tương lai của quân đội. Phát huy nhân tố con người – người chiến sĩ ”Bộ đội Cụ Hồ”, đang trở thành một vấn đề cấp bách, nóng hổi trong xây dựng quân đội hiện nay. Đó là nhiệm vụ nặng nề và hệ trọng của công tác đảng, công tác chính trị của quân đội trong những năm tới.
Theo Nguyễn Quang Hoài, Tạp chí Dân vận, tháng 12/2004
Bạn phải đăng nhập để bình luận.