Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đó là những quan điểm nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ con người và cũng trở lại về với con người. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và vì quần chúng, trong đó, phụ nữ là một lực lượng quan trọng. Người viết “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia” và “An Nam cách mạng cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh BBC (Anh), nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, nhân loại và từ đó giải phóng chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai”.

Trong quá trình hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc đã dành nhiều bài báo tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, đồng thời vạch rõ tình cảnh bị áp bức, bóc lột và đàn áp thậm tệ của nhân dân các nước thuộc địa, đặc biệt Người đã nhấn mạnh rằng ở các nước thuộc địa, phụ nữ chính là những người bị bóc lột tàn bạo và bị áp bức dã man nhất và chiếm số đông nhất. Trong bài “Những kẻ đi khai hóa” (Le Paria, ngày 1-7-1922) và bài “Phụ nữ Việt Nam và chế độ thực dân Pháp” (Le Paria, ngày 1-8-1922), Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên một bức tranh cho người đọc thấy tình cảnh của phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đó là hình ảnh về những người phụ nữ lao động nghèo khổ làm nghề gánh muối có thể bị giết chết, bị đánh đập dã man, hoặc chỉ vì một lý do rất nhỏ là làm mất giấc ngủ của một viên Nhà đoan hay dám bày tỏ bất công của mình với chủ. Đó là việc những người phụ nữ bất kể bà già, trẻ em, phụ nữ có thai hay đang cho con bú đều có thể bị hãm hiếp hoặc tra tấn một cách man rợ mà không một người có lương tri nào có thể hình dung nổi.

Nguyễn Ái Quốc cũng vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, và đặc biệt đối với phụ nữ trong nhiều bài viết khác. Người đã không chỉ nêu lên cho người đọc thấy phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp bị áp bức rất dã man, mà còn vạch rõ sự bất công, không có công lý dưới chế độ thuộc địa. Do đó, phải giải phóng phụ nữ khỏi áp bức, bất công và công cuộc giải phóng đó phải gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc. Người chỉ ra rằng, nếu nước nhà được độc lập thì nhân dân mới được tự do, trong đó có cả phụ nữ: “…đàn bà, con gái cũng nằm trong nhân dân, nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở sự tố cáo tội ác của chế độ thực dân – phong kiến đối với người phụ nữ, mà còn động viên, tổ chức cho phụ nữ tham gia công cuộc giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” được tập hợp từ những bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Người viết: “Ông C.Mác nói rằng: Ai biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào”. Theo Người, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, phụ nữ không chỉ được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột mà phải được giải phóng khỏi những tàn dư của hủ tục, định kiến hẹp hòi của tư tưởng phong kiến; vươn lên đóng góp sức mình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ. Người luôn đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Người nói rằng: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lê-nin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”. Người luôn yêu cầu Đảng, Chính phủ và các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động và Người cũng nghiêm khắc nhắc nhở chị em phải cố gắng tự vươn lên trong lao động, học tập và công tác.

Trước lúc đi xa, trong bản “Di chúc”, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.

Ngày nay, trong thời kỳ hiện đại, người phụ nữ đã có sự năng động hơn, được tham gia vào công việc xã hội nhiều hơn trước đây. Thực hiện bình đẳng giới đã tạo điều kiện khích lệ phụ nữ vươn lên trong mọi lĩnh vực. Phụ nữ ngày nay về cơ bản không còn bị ràng buộc bởi những định kiến, những quy ước lạc hậu, cổ hủ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, ở nông thôn, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi bởi đời sống còn khó khăn, nhận thức của gia đình cũng như thôn xóm còn hạn chế về quyền bình đẳng nam nữ. Vì vậy, phát huy vai trò tích cực các tổ chức Hội Phụ nữ ở nông thôn để chị em có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm là điều vô cùng cần thiết. Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn nữa để phụ nữ được thực hiện một cách toàn diện về quyền bình đẳng của mình như lời căn dặn cuối cùng trong bản “Di chúc” của Bác Hồ kính yêu.

T.D

CMH Theo baoanhdatmui

sogddt.camau.gov.vn

Advertisement