Ngôi nhà sàn huyền thoại

Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vốn xưa là dinh thự của Toàn quyền Đông Dương, được xây dựng từ năm 1900. Sau ngày 19-12-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nơi đây làm Thủ phủ của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Trong khuôn viên rộng lớn, mặc dù có nhiều công trình kiến trúc sang trọng, đầy đủ tiện nghi song Bác Hồ không ở. Người chọn cho mình một ngôi nhà nhỏ nguyên là nơi ở của những người thợ điện Việt Nam phục vụ cho Toàn quyền Đông Dương, làm nơi ở và làm việc của mình.

Mãi gần bốn năm sau Bác Hồ chuyển đến ở trong một ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, nhỏ bé, giản dị và đơn sơ được dựng lên ở một góc nhỏ của khuôn viên Phủ Chủ tịch. Đây là nơi ở và làm việc chính thức của Bác cho tới khi Người đi xa. Ngôi nhà sàn được xây dựng trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, trước hết đó là ý muốn của Bác Hồ. Người không chấp thuận đề nghị của Trung ương và Chính phủ mời Bác ra ở trong dinh thự sang trọng, đầy đủ tiện nghi mà các đời toàn quyền Đông Dương đã ở trước đây. Bác Hồ coi đó là thành quả cách mạng của nhân dân nên để làm nơi gặp gỡ đồng bào trong nước, nơi tiếp khách quốc tế và các nghi lễ ngoại giao. Bác muốn Trung ương cho Bác làm một cái nhà sàn nho nhỏ, theo kiểu của bà con dân tộc thiểu số trên Việt Bắc, để ở và làm việc. Người đề nghị nhà làm bằng loại gỗ bình thường và nhỏ thôi, dựng gần bờ ao cho thoáng mát.

Mười lăm năm cuối cuộc đời sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, trong đó 11 năm trực tiếp ở nhà sàn là một khoảng thời gian khá dài trong sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu và là giai đoạn có ý nghĩa vô cùng lớn lao, quyết định đối với sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Chính vì vậy, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành một địa danh lớn phản chiếu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương hết lòng phục vụ lợi ích của nhân dân, đấu tranh không mệt mỏi cho danh dự, tự do và độc lập của Tổ quốc mình” – Người là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2-9-1969), khu vực Phủ Chủ tịch đã sớm được hình thành là một di tích lịch sử-văn hóa-danh nhân. Ngày 25-11-1970, Bộ Chính trị Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 206-NQ/TƯ. Điều 2, Nghị quyết có ghi rõ: “Bảo quản tốt khu lưu niệm các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.

Trên suốt chặng đường 35 năm tồn tại, như minh chứng cho chân giá trị lịch sử của một vĩ nhân-một dân tộc, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch mà điểm nổi bật, đặc trưng là ngôi nhà sàn Bác Hồ ở và làm việc, với đầy đủ ý nghĩa quan trọng và lớn lao không những đã trở thành một địa danh trên bản đồ hành hương mà còn đọng lại ấn tượng sâu đậm trong triệu triệu trái tim con người.

35 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ đi xa, Nhà sàn đã được bảo quản chu đáo, nguyên trạng. Gần 40 triệu lượt người đã đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Trong đó có khách của hơn 150 nước trên thế giới, gồm các vị nguyên thủ quốc gia, các chính khách và đủ các đối tượng khác nhau, khi đến Việt Nam vào thăm nơi Bác Hồ ở và làm việc.

Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đã trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc và có ý nghĩa quốc tế. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Cuộc đời của Bác Hồ có vô vàn cái giản dị, nhưng Nhà sàn-nơi Bác ở và làm việc là điều giản dị nhất, nó trở nên kỳ diệu hơn, hấp dẫn hơn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Cái nhà sàn đơn sơ của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.

Trước ngôi nhà sàn tĩnh lặng, một nhà báo phương Tây đã thốt lên đầy xúc động: Con người ta khi đạt đến đỉnh cao của vinh quang thường hay bị vinh hoa quyến rũ. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không thế. Người đã vượt lên trên tất cả, Người đã chiến thắng chính bản thân mình để trở thành con người hoàn thiện. Ngôi nhà này là hiện thân của tinh thần đó. Một đại diện của Liên hợp quốc đã nói đầy thán phục: “Chủ tịch Hồ Chí Minh thật thông minh khi chọn ngôi nhà này để ở. Ngôi nhà này đã nói lên tất cả con người ông: nhân cách, tầm vóc trí tuệ, phong cách sống và đạo đức cách mạng”.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Ngôi nhà sàn-nơi Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch cũng đi vào huyền thoại. Nó tồn tại mãi mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Hàng triệu lời khen, hàng vạn dòng cảm tưởng tốt đẹp khi đến thăm nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch càng minh chứng chiều sâu giá trị của di sản văn hóa Hồ Chí Minh. Với những ý nghĩa lớn lao đó, Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch là di tích lịch sử-văn hóa đặc biệt quan trọng của đất nước, là nơi hội tụ cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Vinh dự cho dân tộc ta, nhân dân ta, đất nước ta có Hồ Chí Minh. Tự hào cho di sản văn hóa Việt Nam có Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Vinh dự và tự hào đó của nhân dân ta nói chung, có niềm vinh dự và tự hào của những con người, chiến sĩ đã góp trí tuệ, công sức xây dựng nên Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Đồng thời nó cũng thuộc về những cán bộ công chức và người lao động trong suốt 35 năm qua đã tận tụy bảo quản, giữ gìn và phát huy tác dụng di sản văn hóa vô giá đó.

Trước xu thế phát triển mới của nước ta trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn diện với thế giới thì di sản văn hóa-Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch càng hội tụ đầy đủ những điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tuyên truyền hơn nữa những tinh thần văn hóa-tư tưởng Hồ Chí Minh tới mọi người dân Việt Nam cũng như trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ngoài ý thức và tình cảm với di sản của Bác Hồ để lại, cần phải có những phương tiện kỹ thuật, những tiến bộ khoa học để giữ gìn lâu dài một di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hy vọng rằng, với niềm tự hào là những người trực tiếp xây dựng Tổng cục Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ngành xây dựng Tổng cục Hậu cần Quân đội luôn luôn quan tâm và sẵn sàng góp phần vào nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa có ý nghĩa lớn lao này.

BTS
Theo Bùi Kim Hồng, Báo QĐND

cpv.org.vn

Advertisement