Việc nghiên cứu các di tích trong khu di tích phủ Chủ tịch là để tìm đến những giá trị văn hóa tinh thần đã và đang kết đọng trong từng sự vật gắn với đời sống thường nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu Di tích Phủ Chủ tịch không chỉ nghiên cứu những di tích ở khuôn viên Phủ Chủ tịch mà có thể mở rộng hơn ra cả khu Quảng trường Ba Đình bao quanh nó, để thấy sự sáng tạo các giá trị văn hóa gắn kết, hòa quyện với nhau.
1. Các giá trị văn hóa nhân văn, nhân bản:
Tinh thần nhân văn đối với con người:
Tinh thần nhân văn, nhân bản sâu sắc nhất là tinh thần vì con người, vì hạnh phúc của con người. Đối với Hồ Chí Minh, tinh thần ấy trước hết vì nhân dân mình: hướng đến sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam. Người đã từng bộc lộ ý tưởng nhân văn của mình: ”Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Tinh thần nhân văn hóa thân trong sự nghiệp cách mạng cao cả của Người và cả trong đời sống thường nhật. Phủ Chủ tịch, nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh đã chứng minh cho ý tưởng nhân văn cao cả: lấy hạnh phúc của nhân dân làm hạnh phúc của mình. Do vậy, nơi đây thể hiện một cuộc sống hết sức bình dị, ”một cái nhà nho nhỏ nơi non xanh nước biếc” để ngoài giờ làm việc thì ”câu cá trồng rau”.
Chúng tôi muốn mượn lời của Chủ tịch văn phòng đại diện Vương quuốc Bỉ tại Việt Nam, để nói về sự hiểu biết giá trị nhân văn Hồ Chí Minh qua ngôi nhà sàn của Người: ”Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một nỗi trăn trở và mục tiêu duy nhất là cống hiến cho dân tộc mình, và ngôi nhà của Người là một minh chứng cho lý tưởng đó”.
Tinh thần nhân văn bao trùm lên tất cả những ứng xử văn hóa của Người và thể hiện ở mỗi hàng cây, ngọn cỏ và mỗi nhành hoa… trong khu Di tích.
Đối với các thế hệ con người, các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm, chăm sóc, động viên, khuyến khích, mà Người còn nâng cao thêm nhân cách, vị thế của họ. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: ”Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người”. Do vậy, từ cái ăn, cái mặc, đồ dùng của Người đang lưu giữ ở đây rất giản dị, gần gũi với cuộc sống của nhân dân. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: Một đôi dép lốp mòn quai gót, Vài mảnh quần nâu mấy áo sờn.
Đặc biệt, đối với Người, Phủ Chủ tịch chỉ là nơi làm việc của vị Chủ tịch một nước dân chủ cộng hòa chứ không còn là nơi thâm nghiêm biểu trưng cho uy quyền như dưới chế độ phong kiến, thực dân. Không những thế, nó còn là nơi vui chơi của các cháu thiếu niên, của những người đồng chí, người bạn và những người phục vụ tại đây.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đón các cháu thiếu niên vào vui chơi với Người tại Phủ Chủ tịch (xưa là Phủ Toàn quyền) hay Người cho xây bể cá vàng ở ngôi nhà sàn khẳng định điều đó và hơn nữa, Người muốn trao cho các cháu vị thế làm chủ đất nước của các công dân tương lai. Khi đoàn đại biểu các anh hùng lực lượng vũ trang miền Nam ra thăm miền Bắc, vào Phủ Chủ tịch, Người không từ Chủ tịch phủ ra đón, mà xuất hiện từ Đường Xoài đến với họ.
Người làm như vậy không phải để tạo ra sự bất ngờ mà Người muốn một sự gần gũi như người cha, người bác đón con cháu trở về trong một không gian lịch sử (Đường Xoài dẫn đến ngôi đình cổ).
Tình cảm của Người đối với nhân dân được vật hóa vào tất cả các sự vật ở đây. Nói cách khác, từ gốc cây, ngọn cỏ, con cá đều toát lên tinh thần nhân văn của Người. Từ “cây xanh bốn mùa” gợi nhớ sự thông cảm của Người đối với chị lao công đêm đông quét rác, từ ”cây cọ đầu” gợi nỗi ưu tư trước đời sống khó khăn, vất vả của nhân dân, từ “cây vú sữa” gợi nhớ nỗi nhớ ”miền Nam nỗi nhớ nhà” của Người… Phải chăng sự thương cảm của Bác đối với những người lao động, người dân binh thường đã được Tố Hữu ghi lại trong dòng thơ: Con cá rô ơi! chớ có buồn, Chiều chiều Bác vẫn đợi rô luôn.
Tục ngữ Việt Nam thường nói đến ”con rô – con giếc”, ”con tôm – con tép” – chỉ người dân lao động bình thường – đọc câu thơ trong bối cảnh ngày hôm nay chúng ta càng xúc động hơn.
Trở lại với cây, với hoa quả trong ”vườn Bác” chúng ta thấy sự quan tâm của Người với biết bao lớp người trong xã hội. Cây ”vú sữa”, ”cây dừa miền Nam” là biểu hiện tình cảm của Người đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, ”đi trước về sau”. Hàng cây dâm bụt ”đỏ hoa quê” là biểu hiện của tình yêu quê hương tha thiết với ”bao nhiêu tình” của Người. Cây cam, ”cây xanh bốn mùa”, cây bưởi, cây cọ đầu… biểu hiện tình cảm đối với quê hương, đất nước và nhân dân mình. Cây hoàng lan – ”cây vũ trụ”, cây cam, cây dừa Xiêm là biểu hiện của tinh thần quốc tế, tinh thần hữu nghị của Người và của nhân dân ta đối với đồng chí, với bạn bè gần xa.
Từ vườn cây ao cá của Người trong khu Di tích Phủ Chủ tịch đến phong trào ”Vườn cây – ao cá Bác Hồ” gần đây và hôm nay là cả một chương trình VAC của đất nước, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong cả nước, không chỉ nói lên ý nghĩa kinh tế của tư tưởng Hồ Chí Minh mà sâu sắc hơn ià một ý nghĩa nhân văn cao cả trong những di sản vật chất và tinh thần Người để lại cho chúng ta.
Giá trị nhân văn đối với tự nhiên:
Mối quan hệ giữa con người với con người quy định mối quan hệ của con người đối với tự nhiên và ngược lại. Tinh thần văn hóa nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiên nhiên cũng nằm trong quan hệ đó.
Sự gắn bó giữa con người với tự nhiên, con người gần gũi hòa quyện với thiên nhiên được biểu hiện ngay trong môi trường sinh thái của khu Di tích Phủ Chủ tịch. Tâm thức ấy luôn luôn thường trực trong tâm hồn Người từ căn cứ địa Cao Bằng đến chiến khu Việt Bắc. Và về đến Thủ đô Hà Nội ”trở lại” với thiên nhiên cũng vườn cây, ao cá, hoa thơm, trái ngọt và ”Một cái nhà nho nhỏ với non xanh nước biếc để câu cá, trồng rau… không dính gì đến vòng danh lợi”.
Tinh thần nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh thể hiện nơi Chủ tịch phủ, không chỉ ở sự hòa quyện, gắn bó với thiên nhiên mà còn ở sự nâng đỡ tự nhiên, cải tạo tự nhiên, thích ứng tích cực với hoàn cảnh tự nhiên. Việc Người hướng dẫn anh chị em làm vườn chữa mối đục thân cây bụt mọc là một minh chứng. Việc Người cứu cây đa con, sống trên bẹ cây to bị gió đánh bật xuống đất cũng là một di vật chứng minh cho tinh thần thương yêu thiên nhiên của Người.
Đến nơi đây, những khách du lịch phương Tây ý thức sâu sắc về mối quan hệ giữa tự nhiên và con người đã cảm nhận được điều gì nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc? ”Tôi có cảm nghĩ rằng: nơi đây tuyệt đẹp và tràn đầy ý nghĩa. Tôi càng hiểu được những giá trị tư tưởng có thể cảm nhận được từ cảnh quan tĩnh lặng thanh bình tại ngôi nhà này” (Khách du lịch Niu Di Lân – K.Baitz). Con người chỉ có sống bình yên khi hòa mình vào tự nhiên, giữ gìn tự nhiên, cải tạo tự nhiên. Do vậy, đến khu Di tích Phủ Chủ tịch, họ tìm lại cảm giác đó: ”Ngôi nhà này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bằng chứng về sự cống hiến quên mình của Người cho nhân dân Việt Nam. Quang cảnh vườn cây, ao cá, nhà sàn tạo cảm giác bình yên và thanh thản cho du khách. Người luôn luôn là nguồn động lực tinh thần cho các thế hệ người Việt Nam sau này và mãi mãi” (Khách du lịch Thụy Sĩ – Visune Shanth). Bình yên và thanh thản là trạng thái hạnh phúc của con người. Trong hoàn cảnh sống đầy biến động hiện nay, với một nhịp độ sống gấp gáp, dồn nén với bao tai họa đang đe dọa con người, thì việc tìm thấy cảm giác đó thật là quý giá. Di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành ”Thánh địa rực rỡ soi sáng tinh thần” (Nhà Vua Malaysia) không chỉ trên con đường dành độc lập tự do của các dân tộc mà còn trên con đường đi đến hạnh phúc cho toàn nhân loại bằng triết lý hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với đồng loại.
2. Các giá trị thẩm mỹ nghệ thuật:
Khu di tích đã khắc họa phẩm chất cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Một nét độc đáo hiện ra ở đây là cái cao cả lại được biểu hiện trong cái giản dị, khiêm nhường. Khu Di tích Phủ chủ tịch không phải là một công trình lớn như Kim Tự tháp (Ai Cập), Vạn Lý trường thành (Trung Quốc), Vườn treo BabiLon (I Rắc) hay cung điện Véc-Xây (Pháp)… mà chỉ là một khuôn viên bình thường về cả quy mô và kiến trúc. Nhưng cái giản dị của nó lại phản ánh một phẩm chất tinh thần cao đẹp của một vĩ nhân. Có lẽ, không nhiều khách tham quan, trước khi đến đây đã tìm hiểu đầy đủ phẩm chất tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng khi thăm viếng nơi ở và nơi làm vlệc của Người tại khu Chủ tịch phủ này (và cũng chỉ mới xem các hiện vật ở đây) đã cảm nhận được phẩm chất cao cả của Người. Vị đại diện cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã ghi cảm tưởng: ”Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng những niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một Con Người đã trở thành huyền thoại trong cuộc sống đời thường của mình”.
Theo lý thuyết biểu trưng về sự sáng tạo văn hóa của con người thì có thể nói rằng mỗi sự vật, mỗi di vật ở Phủ Chủ tịch đều mang một linh hồn ghi dấu phẩm chất cao đẹp của nhân cách Hồ Chí Minh – một nhân cách văn hóa tích hợp giữa cái chân – cái thiện – cái mỹ. Đó là sự kết hợp giữa một nhà chính trị nhân văn và một nhà văn hóa. Người vừa là người sáng tạo văn hóa vừa là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh và các di vật của Người trở thành di sản văn hóa của dân tộc.
Lê Quý Đức
(Theo tạp chí Văn hoá Nghệ thuật)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.