Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của Đảng ta

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong cuộc sống thường ngày, phụ nữ Việt Nam có vị trí và vai trò to lớn. Nhận rõ vị trí, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm tới việc bồi dưỡng và phát triển khả năng to lớn của phụ nữ. Ngay từ năm 1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Nguyễn ái Quốc đã khẳng định: “Muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà” và “An nam cách mệnh phải có nữ giới tham gia mới thành công”.

Sau cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng là phải giải phóng phụ nữ. Người nói “Phụ nữ là phần nửa của xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”(2).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ cả nước có nhiều phong trào động viên chị em hăng hái tham gia sản xuất, chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh cho chiến trường đánh thắng… Điển hình là phong trào “5 tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc. Ở miền Nam, nơi trực tiếp đương đầu với Mĩ – Nguỵ, nhiều chị em đã tích cực tham gia lực lượng vũ trang. Đến cuối năm 1961, toàn miền Nam có 28.000 nữ du kích. Trong lực lượng dân quân du kích ở miền Nam, có thời điểm nữ du kích chiếm 2/3 quân số. Ở mọi hình thức đấu tranh, chị em đều chiếm tỷ lệ cao. Chị em còn phát huy “sở trường” trong công tác binh vận; đấu tranh theo phương pháp hoà bình của “đội quân tóc dài”; trong công tác bảo vệ cơ sở, bảo vệ Đảng nhằm giữ gìn lực lượng, đưa phong trào cách mạng vượt qua những năm khó khăn ác liệt.

Trong khi đó, chị em phụ nữ miền Bắc, ngoài số trực tiếp tham gia quân đội và lực lượng vũ trang nói chung, đông đảo chị em tham gia phong trào “Ba đảm đang” nổi tiếng: đảm đang sản xuất và công tác, thực hành tiết kiệm, thay thế nam giới đi chiến đấu; đảm đang việc gia đình, khuyến khích chồng con, anh em ra chiến trường; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Tính đến cuối tháng 5/1965, đã có 1.700.000 phụ nữ ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Đây thực sự là một phong trào to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, thu hút đông đảo chị em đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Có thể nói, chưa có khi nào trong lịch sử dân tộc, phụ nữ nước ta lại thể hiện rõ vai trò, sức mạnh của mình như trong thời đại Hồ Chí Minh, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phụ nữ tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động sản xuất, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Tới giữa năm 1984, từ phong trào cách mạng của quần chúng, phụ nữ một đội ngũ cán bộ nữ đông đảo đã phát huy vai trò tích cực trên mọi lĩnh vực hoạt động. Đáng chú ý là lực lượng nữ cán bộ khoa học kỹ thuật tăng nhanh, chiếm tỷ lệ khá cao: 50% trong số cán bộ có trình độ trung cấp; 30% trong số cán bộ có trình độ đại học.

Song trên thực tế, ở không ít ngành, địa phương và ở cộng đồng, nhận thức về vị trí, vai trò của nữ giới vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện cần và đủ để chị em được phát triển toàn diện. Vì vậy, ngày 7-6-1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 44-CT/TW “Về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ”. Cùng với việc đánh giá những thành tựu của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; những việc đã làm được của các cấp, các ngành trong bồi dưỡng, phát huy khả năng của phụ nữ, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng chỉ ra những hiện tượng đáng quan tâm như: tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý và lãnh đạo giảm sút, nhất là trong các cơ quan quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước; cán bộ nữ hiện đang giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, thành và Trung ương phần nhiều lớn tuổi, nhưng diện cán bộ kế cận rất ít; tỷ lệ đảng viên nữ ở nhiều nơi cũng giảm. Nhiều xã ở một số tỉnh miền Nam, ở miền núi chưa có đảng viên nữ…

Trong phương hướng tăng cường cán bộ nữ, Chỉ thị nêu rõ: Vấn đề cán bộ nữ phải được đặt trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ nói chung của Đảng và Nhà nước ta. Phải tuyển chọn cán bộ nữ từ những người ưu tú trong công nhân, nông dân, trí thức xã hội chủ nghĩa, nhất là trong công nhân đã trải qua rèn luyện trong thực tế phong trào cách mạng của quần chúng. Phải quyết tâm và có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng để chị em có đủ năng lực, phẩm chất trên cơ sở đề bạt một cách vững chắc…

Quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, theo dõi công tác bồi dưỡng, phát triển giới nữ để có định hướng và những chính sách, bước đi phù hợp. Ngày 12-7-1993, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04-NQ/TW “Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò và vị trí quan trọng. Giải phóng và phát triển toàn diện phụ nữ là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam, có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển đất nước. Bồi dưỡng lực lượng phụ nữ, phát huy sức mạnh và chăm lo sự phát triển mọi mặt của phụ nữ là nhiệm vụ thường xuyên, rất quan trọng của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng”. “Trong những năm qua, các tầng lớp phụ nữ nước ta phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đã đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong lao động, công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…”

Nghị quyết cũng chỉ rõ: “Trong khó khăn của đất nước, phụ nữ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Một bộ phận đáng kể phụ nữ không có hoặc không đủ việc làm, thu nhập thấp. Nhiều chị em còn phải làm việc trong các điều kiện nặng nhọc, độc hại. Sức khoẻ phụ nữ nói chung giảm sút… Phụ nữ còn bị phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức… Là nạn nhân của nhiều tệ nạn xã hội đang có chiều hướng phát triển như: mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, mê tín dị đoan… Những khó khăn trên đang ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phụ nữ, của thế hệ tương lai.”

Nghị quyết 04-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đề ra 3 quan điểm và 6 công tác lớn nhằm tăng cường việc chăm lo, bồi dưỡng, vận động và phát triển phụ nữ trong tình hình mới.
Ngày 29-9-1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 28-CT/TW về thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị: “Đổi mới, tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Bản chỉ thị yêu cầu các cấp uỷ Đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ các khối Trung ương cần nắm vững những nhiệm vụ sau:

1. Làm cho toàn Đảng, toàn dân thấy rõ vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam, sự cần thiết đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ; quán triệt 3 quan điểm và 6 công tác lớn, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị.

2. Thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết bằng các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; tổ chức thực hiện có kết quả thiết thực.

3. Chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể thực hiện từng việc phù hợp với điều kiện thực tế ở từng đơn vị, địa phương; có kiểm tra, đôn đốc, sơ kết và tổng kết.

Không đầy một năm sau, Ban Bí thư Trung ương Đảng lại có Chỉ thị số 37-CT/TW (ngày 16-5-1994) “Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”, đặt ra việc: Tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm của Đảng về vấn đề cán bộ nữ ; có quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp, các ngành; xây dựng chính sách, tạo điều kiện cho cán bộ nữ làm việc và khuyến khích tài năng nữ phát triển; đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong phụ nữ.

Trong các văn kiện đại hội toàn quốc của Đảng, Đảng ta cũng nhiều lần đặt vấn đề phải thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng và phát triển lực lượng phụ nữ trong các giai đoạn cách mạng. Và trên thực tế trong sự nghiệp đổi mới đất nước những năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng phụ nữ Việt Nam đã không ngừng vươn lên trên các lĩnh vực lao động, sản xuất, đặc biệt là việc nâng cao dân trí, chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học-công nghệ. Theo số liệu mới được thống kê gần đây (báo Quốc tế, ra thứ năm hàng tuần từ 3/3/2005 – 9/3/2005), phụ nữ Việt Nam chiếm tỷ lệ : 61% những người có trình độ cao đẳng; 34% những người có trình độ tiến sĩ; 4% những người là tiến sĩ khoa học; 40% tham gia hoạt động khoa học-công nghệ; 6,3% là cán bộ của các cơ sở nghiên cứu; 10% là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước.

Như vậy, có thể thấy công tác bồi dưỡng, phát triển, vận động phụ nữ đã trở thành hệ thống có tính lý luận và thực tiễn, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của Đảng ta trong mọi thời kỳ cách mạng. Quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nói chung, Đảng ta luôn quan tâm tới sự phát triển của phụ nữ, không chỉ vì phụ nữ là một nửa của xã hội, mà còn là vì phụ nữ nước ta thực sự có vị trí và vai trò to lớn trong mọi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Đó là điều đã được Đảng ta khẳng định. Nhưng không phải lúc nào, giai đoạn nào cũng được các cấp uỷ, chính quyền điạ phương, đơn vị nhận thức một cách đầy đủ và thực hiện hiệu quả.

Để thực hiện tốt chiến lược phát triển “Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam”- như Đại hội Đảng lần thư VIII đề ra – theo chúng tôi, nhiệm vụ này cần được đặt trong chương trình công tác thường kỳ của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị với những chính sách, quy định cụ thể để công tác bồi dưỡng, phát triển, vận động phụ nữ thường xuyên đi vào cuộc sống. Và trong thời gian tới, cần:

– Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về giới để mọi người nhận thức ngày càng đúng đắn, sâu sắc về vị trí, vai trò, khả năng to lớn của người phu nữ trong xã hội, đi tới loại bỏ về căn bản những định kiến về giới, nhất là tư tưởng coi thường phụ nữ vẫn còn tồn tại ở các giai tầng xã hội. Đây là công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, vì những nhận thức xưa cũ đã tồn tại lâu đời, không phải chỉ trong một thời gian chúng ta có thể dễ dàng thay đổi được.

– Vấn đề bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ phải được thể chế bằng những chính sách, việc làm cụ thể. Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là sự bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Vì vậy phải tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, để họ có điều kiện phát huy tài năng, trí tuệ và sức lực của mình cho sự phát triển xã hội.

– Có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao dân trí, trình độ chính trị, chuyên môn cho phụ nữ nói chung, nhất là đối với phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, điều kiện mọi mặt còn nhiều khó khăn; quan tâm tới lực lượng cán bộ nữ trẻ có năng lực, đạo đức và khả năng quản lý để đào tạo họ trở thành cán bộ lãnh đạo ở các cấp; có nhiều loại hình lớp bồi dưỡng, tập huấn giúp phụ nữ ngày càng hiểu rõ hơn đường lối, quan điểm của Đảng vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam để họ tự tin, không ỷ lại, trông chờ, vươn lên trong cuộc sống.

– Quan tâm tới bồi dưỡng, phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ là trách nhiệm của toàn Đảng, cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhưng trước hết và trực tiếp là Hội liên hiệp phụ nữ các cấp. Hội vừa là cơ quan tham mưu của Đảng, chính quyền về công tác phụ nữ, vừa là đại diện, cầu nối giữa quần chúng phụ nữ với Đảng, vừa là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng, giáo dục và tổ chức các phong trào cách mạng do phụ nữ thực hiện. Vì vậy Hội liên hiệp phụ nữ các cấp giữ một vai trò rất quan trọng trong thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, “vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam”./.

Lê Ngọc Toàn
Tạp chí Tư tưởng – văn hoá

cpv.org.vn

Advertisement