(ĐCSVN) – Bác Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890, lúc bé tên là Nguyễn Sinh Cung đến khi bắt đầu hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc.
Vào cuối thế kỷ XIX, nước ta bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như: Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can…đứng lên cứu nước, nhưng đều bị thất bại. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của họ nhưng không thể đi theo con đường cải lương như cụ Phan Chu Trinh dựa vào Nhật để đánh đổ Pháp, chẳng khác nào “đưa hổ đi cửa trước, rước beo đi cửa sau”.
Trong cơn bế tắc giữa lúc tình hình đen tối không có đường ra, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành lúc đó mới có 21 tuổi đã có tinh thần yêu nước, yêu dân, kiên quyết rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Nguyễn Tất Thành đã len lỏi trong quần chúng cần lao, trong giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ, các nông thôn hẻo lánh ở New-York, Luân Đôn, Anh, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan…để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Song, lúc đó Người chưa thể có điều kiện đầy đủ để bắt gặp Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Ở châu Âu, Chủ nghĩa Mác ra đời năm 1847-1911. Đã hơn 60 năm nhưng trên thế giới chưa có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào giành được thắng lợi. Những nơi mà Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến để tìm hiểu và nghiên cứu cũng chưa có Đảng Cộng sản và trước năm 1919, Quốc tế Cộng sản chưa ra đời. Người nghiên cứu những cuộc cách mạng tư sản đã giành thắng lợi ở những nước tư bản phát triển nhất. Đó là cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp tháng 7-1789. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng không thể theo con đường cách mạng của họ được. Bởi vì như Người đã nói “Kách mệnh Mỹ cũng như cách mệnh Pháp nghĩa là Kách mệnh tư bản, Kách mệnh không đến nơi, tiếng là Cộng hoà, là dân chủ, kỳ thực thì nó tước đoạt công nhân, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.
Năm 1917, Người trở lại Pháp tham gia phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đến tháng 11 năm 1917, diễn ra một sự kiện rung chuyển toàn thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử xã hội loài người. Đó là cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi vĩ đại, mở đầu một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1920, tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đọc văn kiện Luận Cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa . Người nói: “Bản Luận Cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi sáng tỏ biết bao! Tôi cảm động đến phát khóc lên! Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như nói trước quần chúng đồng bào: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày, đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. “Tôi chỉ có sự ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Mỗi ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Đến giữa năm 1923, Người rời nước Pháp sang Liên Xô, trực tiếp tìm hiểu và hoạt động tại quê hương Lênin. Tại đây, Người có điều kiện thuận lợi để tiếp thủ đầy đủ Chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm hiểu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, quan sát trực tiếp nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời và tham gia hoạt động của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba). Nhờ đó, nhận biết của Người về lý luận và thực tiễn nói chung, kinh nghiệm của cách mạng Tháng Mười Nga sâu sắc hơn đã giải đáp đúng đắn vấn đề mà Người rất quan tâm. Đó là con đường giải phóng dân tộc bị áp bức, độc lập và tiến lên chủ nghĩa xã hội, góp phần định hướng con đường cứu nước, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trong tương lai của dân tộc Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của dân tộc Việt Nam.
Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đứng hẳn về con đường cách mạng Tháng Mười, đứng hẳn về Chủ nghĩa Mác – Lênin, đứng hẳn về Quốc tế Cộng sản. Như Người đã ghi lại trong cuốn sách Đường Kách mệnh: “Trong thế giới bây giờ chỉ có Kách mệnh Nga là thành công và công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự. Kách mệnh Nga đã đến được với tư bản, địa chủ, rồi lại gia sức cho công nông các nước và các dân tộc bị áp bức, các thuộc địa làm kách mệnh để lật đổ tất cả đế quốc và tư bản chủ nghĩa thế giới”.
Lập trường của Người đứng hẳn về Chủ nghĩa Mác – Lênin được ghi rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, Kách mệnh nhất là Chủ nghĩa Mác – Lênin”.
Với lập trường yêu nước đúng đắn của Người đã vạch ra chân lý sáng ngời cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường Kách mệnh xã hội chủ nghĩa”. Người còn chỉ rõ: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”.
Sau gần 15 năm tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đến năm 1924, Người rời nước Nga Xô viết trở về phương Đông, Quảng Châu gần tổ quốc Việt Nam để truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, kết hợp Chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam, đã dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2 năm 1930.
Đảng ta đứng đầu là Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại đã sớm giải quyết đúng đắn con đường cứu nước giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã động viên toàn dân, toàn quân tham gia chiến đấu giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa cả nước ta được hoàn toàn độc lập, thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi rực rỡ ngày nay.
Như vậy trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, tấm gương sáng ngời đã được thực hiện như thế nào?
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện ở sự kết tinh truyền thống yêu nước của chủ nghĩa yêu nước, yêu dân, quyết tâm tìm bằng được con đường cứu nước, cứu dân, kiên quyết phấn đấu đem lại cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Trong quá trình đó, Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng cả đức và tài, trong đó lấy đức làm gốc. Đạo đức của Hồ Chí Minh thể hiện ở cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng phục vụ nhân dân ta, dân tộc ta.
Tấm gương đạo đức của Hồ Chí minh còn được thể hiện: Luôn luôn đứng vững trên lập trường tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng.
Tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh được tiếp tục phát triển và không ngừng nâng cao cho đến khi Người qua đời, là tấm gương sáng của Tổ quốc ta, dân tộc ta./.
Trần Đình Quảng