Bác Hồ đã nhiều lần nêu lên vấn đề “tư cách người cách mạng”. Sớm nhất bằng văn bản là những trang đầu trong Đường Kách mệnh, năm 1926-1927, cho tất cả những người tham gia cách mạng Việt Nam.
Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc ở chương III, mục A, Bác đã nêu lên 12 điều tư cách, không phải với một người, một ngành, mà cho một “Đảng chân chính cách mạng”.
Điều đầu tiên cũng là tư cách trên hết của một đảng chân chính cách mạng là “phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” chứ không phải là “một tổ chức để làm quan phát tài”. Ý trong điều này của Bác thì hiện nay ta đã hoàn thành việc 1 (giải phóng dân tộc). Còn việc 2 Đảng ta đang nỗ lực tiến hành (Tổ quốc, đồng bào sung sướng).
Điều thứ 2, Bác nêu lên là: “Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Cách mạng theo Bác là “đổi cũ ra mới, đổi xấu ra tốt”. Cái cũ mà tốt nên giữ và phát huy. Cái mới mà xấu thì không nên bắt chước mà phải “cách” đi. Lý luận cách mạng mới ở đây là lý luận cách mạng của Việt Nam, của riêng Đảng cách mạng Việt Nam. Đảng cách mạng chân chính không, không thể sao chép, rập khuôn theo một thứ lý luận, chủ nghĩa nào một cách nguyên xi, bản gốc. Không hiểu biết lý luận cách mạng ấy-sẽ bị người ta bịp bợm, lừa đảo và tất nhiên “Đảng chân chính cách mạng” sẽ bị thua, thất bại. Đây là một “tư cách” báo động cho Đảng nào cứ “ăn mòn quá khứ”, tư duy cũ kỹ, bảo thủ, giáo điều…
Điều 3, 7, 12 là những nội dung Bác đề cập tới là “Đặt ra chỉ thị luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương”, “phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát”, “phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình”, đề phòng “hóa ra lời nói suông” và “hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”. “Khéo dùng những cách thức”, là Bác nhằm ý “chủ trương 1, biện pháp 100”, chứ không nên nay “tăng cường”, mai “nâng cao”… mà không có cách làm cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, hiệu quả thì “chỉ thị” dễ “qua cầu gió bay” .
Bác thường dặn cán bộ, đảng viên rằng: “Mục đích của Đảng không gì khác là phục vụ quần chúng”, cán bộ, đảng viên, viên chức từ Trung ương đến cấp xã, phường, trong các đoàn thể… đều là “đầy tớ nhân dân”, “công bộc của dân”. Mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng được Bác giải thích trong các điều 4, 5, 6 rằng: “Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị (của Đảng), “mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng”, “mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng”. Đây là một răn dạy luôn “thời sự” đối với “Đảng chân chính cách mạng”. Thực tiễn của nhiều phong trào cách mạng, nhiều Đảng là khi thành công, giành được quyền lực, thì cán bộ, đảng viên đã không ít người “coi khinh quần chúng”, “hống hách” đe nẹt, dọa nạt những người mà trước đó, khi còn “trong bóng tối của phong trào” đã cưu mang đùm bọc họ, thậm chí đem cả mạng sống của mình, của gia đình mình để bảo vệ họ.
Điều 9, 10 của Tư cách đảng chân chính cách mạng được đề cập tới vấn đề tổ chức, cán bộ. Thế nào là những thành viên của Đảng chân chính cách mạng? Câu trả lời của Bác là “Đảng phải lựa chọn những người rất trung thành và rất hăng hái…”, đồng thời “phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”.
“Hủ” danh từ Hán Việt này có nghĩa là “mục nát, già suy, cũ kỹ, hư nát, bại hoại, đần độn”. “Hủ hóa” là hóa ra hủ bại, là hóa ra tất cả những định nghĩa của “hủ”.
Vấn đề là rất rõ. Trong một gia đình chân chính-chưa nói tới chân chính cách mạng, mà lại sinh ra những người con “mục nát (trong đạo đức, lối sống), già suy (trong nhận thức, quan niệm…), cũ kỹ (ôm khư khư cái bảo thủ) hủ nát, bại hoại, đần độn…” thì thật “nguy tai, đại nguy tai”. Đảng chân chính cách mạng mà còn có những phần tử mang những căn bệnh của “hủ hóa” thì chắc là cũng “bại hoại”.
Để phòng bệnh hủ hóa này, Bác đã nói rõ trong hai điều 8 và 11. Trong điều 8, Bác nói rất rõ rằng: “Đảng không giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”. Điều 11, Bác lại nhắc “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm, từ trên xuống dưới”.
Hai điều cuối cùng lại “nằm” trong những điều kiện sống còn của Đảng chân chính cách mạng. Nếu được ví Đảng chân chính cách mạng như một cơ thể sống, thì khuyết điểm của Đảng, của đảng viên, cán bộ có thể coi như bệnh tật. Có bệnh nhẹ, sơ sơ chỉ cần rèn luyện, uống thuốc nam, xoa bóp… là khỏi. Có những bệnh nặng “tứ chứng nan y”, nếu không phòng bệnh, giữ gìn “ăn uống”, “sinh hoạt cá nhân” dễ mắc những thứ bệnh mà cho dù có Hoa Đà, Lãn Ông sống lại cũng phải “bó tay”.
Bác đã có dịp khuyên răn đảng viên ta rằng “Chớ có dán 2 chữ cộng sản lên trán…”. Nhân dân, quần chúng trông vào đảng viên, cán bộ, viên chức là trông vào hành động phục vụ nhân dân, trông vào thái độ ý thức làm đầy tớ nhân dân; trông vào những lợi ích mà họ mang đến cho dân… chứ họ đâu khờ dại mà trông vào cái “mã” bên ngoài, trông vào “lời nói như mật ngọt đổ vào tai họ để “mị dân”, “trốn tránh”, che đậy…
Bác đã hạ bút viết hai câu lục bát cuối bài Tư cách của Đảng chân chính cách mạng như sau:
Muốn cho Đảng được vững bền
Mười hai điều đó chớ quên điều nào!
BTS (Theo QĐND)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.