Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác giáo dục lý luận chính trị

(ĐCSVN)- Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian cho công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Ngay từ năm 1925, khi thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Người đã xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, trực tiếp lên lớp truyền đạt những vấn đề cơ bản về lý luận, tổ chức 10 lớp huấn luyện cho hơn 200 cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những bài giảng của Người sau này được biên tập và in thành cuốn sách “Đường Kách Mệnh”. “Đường Kách Mệnh” là tác phẩm lý luận chính trị, là cẩm nang, sách gối đầu giường của lớp cán bộ đầu tiên của Đảng. Những thanh niên yêu nước được Người đào tạo đã vượt qua muôn vàn thử thách, hy sinh, gian khổ, hoà mình vào phong trào cách mạng, vận động quần chúng đưa chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam để hình thành nên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và của cách mạng Việt Nam, Người vẫn thường xuyên có những bài viết, bài nói, chỉ dẫn công tác giáo dục lý luận chính trị. Vào cuối những năm 1960, bệnh tật, sức khoẻ không cho phép Người làm việc nhiều. Người đã chỉ thị cho lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương phối hợp với Thành uỷ Hà Nội, mở những lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới kết nạp thuộc khối công nghiệp và nông nghiệp để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trong cả nước.

Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị,

Tìm hiểu tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác GDLLCT là vấn đề lớn, song bước đầu nghiên cứu các bài nói, bài viết của Người về công tác giáo dục lý luận, có thể rút ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của lý luận, từ đó Người yêu cầu đảng viên và cán bộ phải thường xuyên học tập lý luận chính trị để nâng cao nhận thức giác ngộ cách mạng. Theo Hồ Chí Minh: Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là sự tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử. Lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước .

“Đối với công việc kháng chiến kiến quốc, lý luận là rất quan trọng không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”. Trong thư gửi Quốc tế cộng sản, trong những năm đầu thành lập Đảng, Người nhận xét: Nhận thức về lý luận của các đồng chí An Nam rất thấp. Các đồng chí của chúng tôi rất dũng cảm và hăng hái, công tác rất tận tụy nhưng vì thiếu kiến thức lý luận, buộc các đồng chí phải mò mẫm từng bước, luôn vấp ngã. Từ đó, Hồ Chí Minh cho rằng: Phải tổ chức giáo dục lý luận cho đảng viên, cán bộ để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người cho rằng: Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, học tập là trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên. Bởi vì theo Bác có học lý luận Mác – Lê-nin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị mới làm được tốt công tác Đảng giao phó.

Thứ hai: Về mục đích của việc học tập lý luận chính trị Người cho rằng:

a. Học để sửa chữa tư tưởng: Hăng hái theo cách mạng, điều đó rất hay nhưng tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng, vì thế cần phải học tập để sửa chữa cho đúng. Tư tưởng đúng, mới khỏi sai lạc và làm tròn nhiệm vụ cách mạng được.

b. Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tuỵ với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng, đưa cách mạng thắng lợi hoàn toàn.

c. Học để tin tưởng:
Tin tưởng vào đoàn thể
Tin tưởng vào nhân dân
Tin tưởng vào tương lai của dân tộc
Tin tương vào tương lai cách mạng.

Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc,hăng hái lúc gặp khó khăn mới cương quyết hi sinh.

d. Học để hành: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”1. Học để làm việc, làm người làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.

Thứ ba: Về phương châm giáo dục và học tập lý luận chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Lý luận phải liên hệ với thực tế, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn trở thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông.

Thứ tư: Về phương thức giáo dục, huấn luyện đảng viên, cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Huấn luyện là phải thiết thực chu đáo, chớ tham nhiều. Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu vấn đề. Phải khắc phục sửa chữa ngay việc giáo dục lý luận chính trị và huấn luyện hiện nay là tham làm nhiều mà không chu đáo. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” , rõ nhất là lớp quá đông, mở quá nhiều lớp. Theo Hồ Chí Minh: Đông quá thì dạy và học ít kết quả. Do đó Người yêu cầu phải hợp lý hoá. Nghĩa là mở lớp nào cho ra lớp ấy, lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận đừng mở rộng lung tung…

Ngoài ra Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến các vấn đề khác trong quá trình dạy và học lý luận chính trị như tư liệu học tập, cách thức tổ chức học tập, phương thức dạy và học lý luận chính trị. Cuối cùng Người yêu cầu đảng viên, cán bộ đi học lý luận chính trị cần có thái độ nghiêm túc và phương pháp học tập sáng tạo chủ động tìm tòi suy nghĩ, có như vậy việc học mới có kết quả cao.

Thực hiện và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo công tác này, có nhiều tìm tòi, đổi mới, cải tiến nội dung hình thức phương pháp cả giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên. Vì vậy, công tác giáo dục lý luận trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, thực hiện đường lối đổi mới với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

TS. Vũ Ngọc Am (CTV)

cpv.org.vn

Advertisement