
Viện sĩ V.V, Banin (người ngồi viết) ghi lại những tình cảm của mình tại Khu Di tích K9
Trong dịp tu bổ định kỳ Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2011, chúng tôi đã được đón Viện sĩ thông tấn Y học Liên bang Nga, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Victor Vasilievich Banin, trên cương vị Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y sinh Matxcơva sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Ngay khi đến Hà Nội, ông đã dành thời gian vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và làm việc của Người. Trên đường sang thăm Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ông đã tâm sự: “Trung tâm nghiên cứu y sinh Matxcơva đã trực tiếp giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 40 năm qua, nhưng hôm nay tôi mới có dịp sang Việt Nam để cùng với các bạn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đối với mỗi người công dân Nga như chúng tôi, tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào trong tâm khảm của mỗi người. Cuộc đời của Người thực sự là tấm gương sống động để chúng ta học tập”.
Trong thời gian công tác tại Việt Nam, những ngày nghỉ, giờ nghỉ, chúng tôi trông thủ mời ông đi thăm một số di tích, danh lam thắng cảnh tại Thủ đô Hà Nội. Đi đến đâu, ông cũng xem xét cụ thể tỉ mỉ, hỏi rõ từng chi tiết lịch sử và chụp rất nhiều hình ảnh về Việt Nam. Khi đến thăm Khu Di tích K9, nơi các nhà khoa học y tế Liên Xô đã cùng với các bác sĩ Việt Nam giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 6 năm chiến tranh (1969 – 1975), ông đã thực sự xúc động khi được nghe kể về lịch sử hình thành Khu Di tích K9 – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp quyết định vị trí để Trung ương và Người làm việc trong những năm kháng chiến chống Mỹ; cũng là nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương quyết định giữ gìn thi hài của Người trong chiến tranh ác liệt. Ông và các đồng nghiệp đi cùng đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi nhà trước đây Người đã làm việc.
Thăm từng kỷ vật đã gắn bó với hoạt động của Người tại K9; thăm những chiếc xe chuyên dụng đã nhiều lần tham gia di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến tranh và thăm những nơi các chuyên gia Liên Xô trước đây đã từng đồng cam, cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi với các đồng nghiệp Việt Nam trong những ngày đầu giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết thúc buổi tham quan, chúng tôi đã mời ông ghi lại đôi dòng cảm tưởng khi đến K9. Cầm cây bút trên tay, ông lặng người đi trong giây lát và như đã suy nghĩ từ trước, ông viết nắn nót từng dòng, từng dòng, cho đến khi kín cả trang giấy… rồi ông đọc to để chúng tôi và các bạn Nga đi cùng nghe, sau đó ông mới thận trọng ký tên và ghi rõ cả họ tên của mình vào trang cảm tưởng. Nắm chặt tay tôi khi trao cuốn sổ ghi cảm tưởng, ông vẫn còn nghẹn ngào xúc động: “Các bạn đã làm được một điều kỳ diệu là chiến thắng được kẻ thù hung hãn nhất thế giới và ngày nay đang xây dựng được một xã hội có nền kinh tế phát triển. Việt Nam là một đất nước có nhiều di tích, danh lam lịch sử và rất mến khách. Tôi sẽ ghi nhớ mãi chuyến công tác này…”.
Hai mươi ngày làm việc với Viện sĩ V.V. Banin tại Việt Nam, ông đã để lại cho mỗi chúng tôi một tình cảm đặc biệt về trí tuệ trong chuyên môn, về phương pháp tư duy khoa học và nhất là tình yêu đất nước con người Việt Nam. Phải chăng đó cũng là tình cảm thiêng liêng của những người con của quê hương Lênin vĩ đại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất và cũng là tình cảm của mỗi người Nga đối với con người và đất nước Việt Nam chúng ta.
Tháng 10, năm 2011
Đặng Nam Điền