Những phút hiếm hoi bên cạnh người chị và người anh của Bác Hồ

Giadinh.net – Gần 60 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm được gặp anh trai và chị gái của Bác Hồ vẫn không phai nhoà trong tâm trí Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn, nguyên Cố vấn Quân sự tại nước bạn Lào thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Một sáng tháng 5/1948, tôi lúc đó là cán sự, trợ lý của Phòng Chính trị Liên khu 4 được cấp trên phái vào Nghệ An công tác. Đúng là “cầu được ước thấy”, ước mơ ấp ủ lâu nay. Một dịp nào đó được vào thăm quê Bác, được gặp anh và chị của Bác.

Tôi vội chuẩn bị một ruột tượng gạo đầy để ăn trên đường, củng cố đôi dép Bình Trị Thiên, cuốc bộ ba ngày hơn 200 cây số từ Thọ Xuân (Thanh Hoá) theo kiểu “bốn tập”, vì thời gian công tác có hạn.

Đường đi tuy lạ, nhưng ở đâu dù xa hay gần, bất kỳ ai, từ cụ già đến trẻ nhỏ, khi hỏi đường về nhà cụ Cả Khiêm, mọi người đều biết và chỉ dẫn nhiệt tình. Tôi vào nhà cụ Cả Khiêm, rất may lúc này bà Thanh cũng vừa đến (bà Thanh ở nhà riêng bên làng Hoàng Trù quê ngoại).

Sau khi chào hỏi, giới thiệu xong, tôi xin phép được xưng hô “bác, cháu”, như thường quen được gọi Bác Hồ xưa nay. Ngay lập tức bà Thanh chỉnh lại: “ở quê choa, mi phải gọi là o Thanh mới đúng. Thế mi quê ở mô mà nỏ biết như rứa?

– Thưa o, cháu quê ở Quảng Bình – tôi trả lời.

Trên bàn thờ gia tộc, bức trướng Phó Bảng của cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh ba chị em của Bác Hồ, tuy đã nhuộm màu thời gian, hương khói, nhưng rất rạng rỡ truyền thống. Tôi xin phép thắp nén hương tưởng nhớ công ơn hai cụ đã sinh ra những người con vĩ đại, góp phần làm rạng danh dân tộc, non sông đất nước Việt Nam.

Ngồi đối diện trước mặt tôi là hai nhà nho yêu nước, hai nhà cách mạng đã từng vào sinh ra tử, tù đầy bao phen. Hai cụ già tuổi cổ lai hy hiền từ và đôn hậu, đôi mắt tinh anh, quắc thước, đã hy sinh tình cảm tuổi trẻ cho đại nghĩa dân tộc. Tôi thấy bồi hồi xúc động khi cảm nhận được trong dáng vóc, khuôn mặt của cụ Cả Khiêm, có hình ảnh của Bác Hồ. Hai anh em Bác rất giống nhau.

– Thưa bác và o – tôi hỏi – lâu nay thiên hạ có đồn nhiều về sấm Trạng Trình: “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”, có nghĩa là như thế nào ạ?

Cụ Cả Khiêm vừa trò chuyện, nhưng hai tay vẫn vê tròn các viên thuốc tễ (cụ là một lương y) vội ngừng tay lại, ngẫm nghĩ một chút, không vội trả lời ngay, cụ mỉm cười nói:

– Thế cháu có nghe, trong thời gian qua, họ cũng đồn nhiều câu thơ, cũng gọi là “sấm Trạng Trình”, cũng có cái thật, cái giả, ví như:

“Mặt trời đã xế ngang chùa

Nhà này bảy miệng ăn vừa thì thôi”.

Rồi suy ra, tổng số vua nhà Nguyễn viết bằng chữ Hán, chỉ có bảy chữ khẩu (miệng); chữ khẩu thuộc dòng máu chính thống, nếu bị lai tạp thì không tính, là hết thời…

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho uyên bác, văn võ toàn tài, là một nhà thơ, có tài tiên tri thời nhà Mạc, có thể ví như Khổng Minh Gia Cát Lượng ở thời Tam quốc phân tranh bên Trung Quốc, thời nào người ta cũng thường dựa vào thơ của ông, có cả thơ thật và thơ giả, rồi liên hệ, ứng dụng, ví von, suy đoán; dùng những hiện tượng, các sự kiện, các nhân vật có thật, rồi cường điệu hoá, huyền thoại hoá, làm sao cho hợp ý muốn, ước mơ hy vọng chủ quan của người đời lúc ấy mà thôi.

– Dạ vâng, cháu hiểu – tôi trả lời.

Cụ nói tiếp: – Cháu là bộ đội cũng nên hiểu, làm việc gì cũng phải dựa vào “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, phải có thời và phải có thế, nếu chỉ có thời mà không có thế, hoặc chỉ có thế mà không có thời cũng nỏ được mô. Thời cơ rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cháu ạ. Cuộc khởi nghĩa Đô Lương, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, các ông Phan Đình Phùng, Đội Cung, Phan Bội Châu… đều không thành công do có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có lý do là thời cơ lúc đó chưa chín muồi, không có đường lối cách mạng đúng, không có sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân, không có điều kiện thuận lợi của quốc tế và trong nước, thì làm sao có Khởi nghĩa tháng Tám thành công được?

Nghe cụ lý giải tôi, càng thấy sâu sắc những lời nói của một nhà chính trị dày dạn, của một người ông, một người cha chân tình giảng dạy cặn kẽ cho con cái mình.

Sợ cụ mệt, tôi bắt chuyện với o Thanh:

– Thưa o, sau khi nước nhà được độc lập, o đã có dịp ra thăm Bác Hồ ở Hà Nội năm 1946 (vừa hỏi tôi vừa chỉ tay lên ảnh Bác Hồ trên cao), khi gặp o có nhận ra Bác và cái ảnh này có giống Bác Hồ không ạ?

O Thanh cười hiền từ, vui vẻ nói:

– Sau mấy chục năm xa cách, lần đầu tiên chị em choa được gặp nhau “Giỏ nhà ai quai nhà nấy” mần răng mà khác được.

Sau này tìm hiểu thêm mới biết o Thanh cũng là một nhà thơ có bút danh là “Bạch Liên nữ sĩ”.

Chứng kiến tận mắt cuộc sống của o Thanh và bác Khiêm, từng người đều không có tổ ấm riêng, mỗi người chỉ có một mái nhà tranh, một chõng tre, một khung cửi, một bộ tràng kỷ là kỷ vật để lại; trong cái chạn bát chỉ có một cái bát, một đôi đũa, một cái thìa, một lọ cà dầm tương, nhút, không thấy gạo cơm, thịt cá gì cả, tôi cảm động không cầm nổi nước mắt. Cụ Cả Khiêm vỗ vai tôi và nói:

– “Tay làm hàm nhai” có chi mô, chị em choa có làm nghề thuốc, vừa giúp bà con, vừa tự nuôi sống mình đủ ăn đơn giản, dân dã mà khoẻ là được,

“nhút Thanh Chương tương Nam Đàn” có tiếng mà!

Cùng với người em – Bác Hồ – vị Chủ tịch nước hết mình với Tổ quốc, nhân dân, cụ Cả Khiêm và bà Thanh sống giản dị, dân dã giữa đời thường; hàng ngày vẫn say sưa cần mẫn như bao người dân khác, vẫn giữ nếp nhà, gia giáo, gia phong của gia đình, một nơi đã tạo nên những nhân cách lớn của ba chị em: Không tham giàu sang, không màng danh lợi, có một lòng nhân ái tuyệt vời. Ôi! đã mấy chục năm xa cách thế mà đến nay, chưa có một lần nào sum họp đầy đủ cả ba chị em, dưới mái nhà tranh tại nơi chôn rau cắt rốn này!

Sau khi gặp được o Thanh và cụ Cả Khiêm, may mắn lớn lao của tôi đó là 3 năm sau tôi được gặp Bác Hồ (28/2/1951), khi Bác về động viên đơn vị trước khi ra trận tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Tuyên Quang.

Thật không có gì cảm động bằng sự quan tâm của Bác với cương vị không riêng là Chủ tịch nước, mà còn là tình cảm của người Cha, người Bác, là một tình cảm đặc biệt và độc đáo, phong cách rất Việt Nam, nhân hậu, nghĩa tình. Có lẽ hiếm có vị tổng thống, thủ tướng của một nước nào trên thế giới có một phong cách như vậy trước hàng quân.

Đúng 60 năm sau, tôi được trở lại thăm quê Bác. Cảnh xưa còn đó, nhưng đã vắng bóng hai cụ và Bác cũng đã đi xa. Tôi đã có dịp đi nghiên cứu ở nước ngoài, đã viếng thăm lăng Lê Nin, lăng Đimitơrốp, đã đi trên các đại lộ Hồ Chí Minh ở Mátxcơva, Xôphia, cancútta (Ấn Độ). Nhưng khi nghĩ mình là dân, là con của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi thấy được cái mẫu mực trong cuộc sống hết sức giản dị, đơn sơ của một gia đình “toàn tâm toàn ý vì Tổ quốc độc lập, vì nhân dân ấm no hạnh phúc, vì chủ nghĩa xã hội”, mà có lẽ khó có người nào làm được như vậy, nếu không có chữ “Tâm”. Có lẽ vì vậy, một số lãnh tụ nước ngoài đã ca ngợi Bác Hồ như sau:

1. “Chí khí tráng sơn hà – Cứu quốc anh hùng duy hữu nhất”

“Minh tinh quang vũ trụ – Á, Âu hào kiệt thị vô song”.

(Nghĩa là: Chí khí bao gồm cả núi sông, gọi là anh hùng cứu nước chỉ có một, ngôi sao sáng cả bầu trời, đó là hào kiệt Á, Âu thì thực không hai).

2. Hồ Chủ Tịch là một công dân vĩ đại, một đảng viên vĩ đại, một lãnh tụ vĩ đại. Ba cái vĩ đại đó đều tập trung ở một con người vĩ đại: Đồng chí Hồ Chí Minh.

Huỳnh Thúc Cẩn (Đại tá CCB – Hà Nội)

giadinh.net.vn

Advertisement