Có một cựu chiến binh-đại tá, một người lính dày dạn trận mạc, trở về với cuộc sống đời thường, lại tiếp tục đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo, mang niềm vui, hạnh phúc đến với mọi người.
Ông là Lê Văn Tá ở xã Hòa Châu, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng. Một ngày cuối thu, tôi tìm đến căn nhà nhỏ ẩn mình trong khu vườn xinh xắn quay mặt ra cánh đồng mênh mông, ngập nước.
Câu chuyện của ông ngược dòng thời gian trở về những năm tháng chiến tranh ác liệt…. Mùa xuân năm 1961, từ Đại Từ (Thái Nguyên), ông tình nguyện trở về quê hương chiến đấu. Từ một chiến sĩ, tôi luyện trong chiến đấu, ông trở thành cán bộ tiểu đoàn. Với sự mưu trí, linh hoạt, ông cùng ban chỉ huy tiểu đoàn đã tổ chức nhiều trận đánh, phá hủy nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh của địch. Trận chiến đấu mà ông nhớ nhất là trận đánh đại đội hỗn hợp dân vệ, cảnh sát Tuy Hoà sau Mậu Thân 1968. Đêm ấy, trời tối đen như mực, ông cùng đơn vị bí mật tiếp cận mục tiêu, rồi bất ngờ đồng loạt nổ súng tấn công tiêu diệt toàn bộ đại đội địch dưới chân núi Chóp Chài. Sau đó, đơn vị rút lui về hậu cứ, ông ở lại nắm tình hình. Bị thất bại nặng nề, địch tổ chức lực lượng lùng sục hết sức gắt gao. Ông rút xuống hầm bí mật, tay cầm lựu đạn, sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Ông tự nhủ: Nếu hi sinh thì cũng phải trong tư thế của người cộng sản. Sau một hồi xăm xoi, địch không tìm thấy gì nên lui quân… Với những chiến công ấy, Tiểu đoàn 85 vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, riêng ông được tặng 3 huân chương chiến công hạng I, hạng II và hạng III.
Năm 1990, ông nghỉ hưu. Thấy quê hương còn nghèo, ông nghĩ: “Còn sức, còn chiến đấu. Dù ở đâu cũng phải sống xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ”. Khi địa phương và đồng đội tín nhiệm, ông không đắn đo nhận “chức” Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của huyện và cùng lãnh đạo địa phương thực hiện công cuộc “xoá đói, giảm nghèo”, đương đầu với nhiệm vụ mới không kém phần cam go, thử thách. Hình ảnh người cựu chiến binh già trong bộ quân phục bạc màu, cùng chiếc xe đạp rong ruổi từ thôn này đến bản khác trở nên quen thuộc đối với đồng bào Hoà Vang. Ngày cũng như đêm, không quản nắng mưa, ông đến với từng chi hội, từng gia đình tìm hiểu hoàn cảnh, cùng họ tính kế làm kinh tế vườn đồi, trang trại, nuôi dạy con cái… Lăn lộn cùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số, ông biết đời sống của họ vẫn còn muôn vàn khó khăn. Vì vậy, sau nhiều đêm trăn trở, ông đưa ra sáng kiến thành lập tổ hợp tác cựu chiến binh. Mục tiêu đặt ra là phát động phong trào tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo trong hội viên và giúp đỡ đồng bào dân tộc Cơ Tu. Khi nghe các cựu chiến binh phác hoạ tiềm năng đất đai tại Khe Muông, Khe Dao ở hai bản Tà Lang và Giàn Bí, không chần chừ, ông cùng họ đi ngay đến đó để khảo sát. Cứ thế, ông xông pha đến từng thôn bản hẻo lánh, lội suối, băng rừng đi tìm địa điểm đào núi, dời non lấy đất canh tác.
Thời kỳ đầu hết sức khó khăn, ông phải kiên trì tuyên truyền, vận động đồng bào từ bỏ lề lối làm ăn cũ để theo hướng mới, lập thành hai tổ hợp tác sản xuất. Có đất rồi, phải dựng trại, mở đất trồng bắp, trồng đậu, nuôi trâu bò, lợn gà. Thiếu vốn, ông bàn với Thường vụ Hội Cựu chiến binh của huyện vận động chính quyền, ngân hàng huyện, các cơ quan hảo tâm, hỗ trợ hàng chục triệu đồng mua vật tư, nông cụ sản xuất, giống và phân bón. Có thời gian ông ở lại với các cựu chiến binh hai bản Tà Lang, Giàn Bí cả tháng trời. Sáng ra cùng họ khai phá đất hoang, trỉa đậu, trồng bắp, tối về ông phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong khoảng thời gian 3 năm, ông và bà con dân bản khai hoang được 18 ha đất canh tác, đào đắp hơn 7.500 m3 đất đá, xây một đập tràn, 4 cống xả lũ, cùng với địa phương quy hoạch lại khu dân cư. Công sức của ông đã giúp 12 hộ cựu chiến binh và nhiều hộ không chỉ đủ ăn mà còn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Mấy năm trở lại đây, nhờ sự vận động của ông, bà con tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường. Bản làng xa xôi ngày ấy từng ngày trù phú.
Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, ông đã dồn hết tâm huyết cho công việc, xây dựng nhiều mô hình, đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi. Quỹ “đồng đội” do ông khởi xướng đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo trong hội viên. Đến nay, 100% hộ cựu chiến binh ở Hòa Vang có nhà ở kiên cố, 2/3 hộ có mức sống khá và giàu. Mới đây, ông giữ chức Phó chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam, công việc lại càng thêm vất vả. Hằng ngày, ông xuống từng thôn bản khảo sát, phát hiện các trường hợp bị nhiễm chất độc da cam để có kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ kinh phí, làm nhà cửa.
Công việc chung vô cùng bận rộn ông vẫn tranh thủ phát triển kinh tế gia đình. Chỉ với 2 sào đất quanh nhà, ông nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, tính toán xen canh để lúc nào cũng có thu nhập…Vào vườn nhà ông mà thấy mát con mắt. Dưới giàn bầu, bí, khổ qua là những luống khoai môn. Cạnh gốc khoai môn là rau mùi tàu, diếp cá. Giữa luống khoai lang là ngô. Xung quanh bờ rào ông trồng dây mơ và chuối sứ… Mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 20 triệu đồng từ khu vườn ấy. Sống mẫu mực, giàu lòng nhân ái, được mọi người tin yêu, hàng chục năm nay, gia đình ông liên tục đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc”. Với những thành tích xuất sắc trong công tác đoàn thể, ông được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội CCB, UBND thành phố tặng 13 bằng khen. Tổng kết phong trào thi đua quyết thắng, từ năm 2000 đến nay, năm nào ông cũng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có cấp thành phố và toàn quốc.
Bà Dương Thị Nhung (từng là chiến sĩ Sư đoàn 2, Quân khu 5) rất tự hào nói về chồng mình: “Từ trước đến giờ ổng là vậy đó, khi đã quyết tâm làm việc gì là kiên trì cho đến cùng, bất chấp gian khổ!”. Còn ông, chỉ “kết luận” với tôi: “Phần thưởng lớn lao nhất của đời tôi là có được niềm tin của đồng đội và bà con lối xóm”.
Theo QĐND