Chiếc huy hiệu Bác Hồ

Tôi đến thăm gia đình Bai, thắp cây nhang ngày Tết. Vật kỷ niệm mà tôi đã tặng Bai ngày lên đường thoát ly vẫn còn đây, đang nằm trên bàn thờ anh, bên cạnh những tấm huy chương lấp lánh. Chiếc huy hiệu bằng bạc ánh lên màu biêng biếc của thời gian. Nó như đang trở mình và thầm kể lại những buồn, vui mà nó đã từng chứng kiến.

Năm 1961, tôi lên bảy tuổi, nhà tôi cùng cả làng Lại Yên Thượng bị dồn vào ấp chiến lược. Để chuẩn bị cho việc dồn dân lập ấp, bọn Mỹ-Diệm đã khống chế, bắt bớ dữ dội. Chú Hai Tần, dì Sáu Son và những người nòng cốt khác đã bị bắt giam ở nhà lao tỉnh. Bác Ba, ba của Bai cũng bị bắt.

Cho đến khi, việc dồn dân cả làng Lại Yên Thượng xong, chúng mới thả những người ấy ra. Bác Ba, lúc ra tù trở về nhà thì thân thể đã không còn nguyên vẹn nữa. Bọn chúng đã chặt mất của bác Ba một bàn tay. Từ nay, bà con làng Lại Yên Thượng gọi bác Ba bằng một cái tên mới, như một bằng chứng luôn nhắc nhở lòng căm thù lũ giặc: Ba Cụt.

Hôm nhà tôi được dỡ xuống để đưa vào trong ấp, tôi ngồi trên chạc ba cây me sau nhà, cắn trái me non mà nước mắt cứ trào ra. Tôi đã nghe nhiều người nói rằng, khi con thú hay cái cây mà xa chủ của nó, thì nó nhớ, cứ héo hắt dần và chết đi. Vì thế, tôi cứ đinh ninh, những ngày sắp tới, khi gia đình tôi phải vào sống trong ấp chiến lược, thì cây me của tôi cũng ủ rủ, héo úa mà khô chết đi như lời người lớn nói. Cả nhà chuẩn bị đi. Má tôi giục tôi xuống đôi ba lần không được. Cuối cùng, chị Hai doạ sẽ bỏ tôi lại để mà chết theo cây me luôn, tôi mới chịu bò ra khỏi chạc ba quen thuộc như chiếc giường ngủ, tụt xuống đất. Tôi lững thững như người mất hồn đi theo sau chiếc xe bò lịch kịch, chở lỉnh kỉnh những đồ đoàn của gia đình cùng với chiếc bàn thờ ba tôi.

Gia đình tôi bắt đầu cuộc sống âm thầm trong ấp chiến lược. Má tôi lầm lì ít nói hẳn đi. Chị Hai tôi, thì cũng đổi tính nết, hay bẳn gắt và thường ít khi ra khỏi nhà. Tôi chỉ còn biết lủi thủi chơi những trò chơi vụn vặt chẳng thú vị tí nào với Bai. Tôi với Bai thân với nhau từ bé tí. Những ngày còn ở xóm Cũ, hai đứa thường leo chuyền trên những cành me xam xáp da tay và ngủ quên trên những chạc ba.

Tôi và Bai bắt đầu cắp sách đến trường “Ấp Tân Sinh”. Nhưng cũng chỉ được bốn tháng sau, tôi bỏ học. Từ ngày vào trường; cứ mỗi buổi sáng, trước khi vào lớp, cả lủ con nít chúng tôi đứng thẳng hàng, nghiêm trang rồi ong ỏng hát lên bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống”. Tôi thấy chán bài hát ấy, vì không hiểu gì cả, nhưng cứ phải gân cổ mà hát thật to.

Một hôm, trong giờ ra chơi, Bai kéo tôi ra sau trường rồi hỏi nhỏ:

– Này, mày có biết Ngô Tổng Thống là ai không? Tôi trả lời như học thuộc lòng:

– Ngô Tổng Thống là chí sĩ cách mạng, là người đã … đã …

– Không phải! – Nó hét lên ngắt lời tôi một cách đột ngột và giận dữ – Ngô Tổng Thống là người đã giết ba mày và chặt tay ba tao trong tù, bắt cả nhà mày, nhà tao vào ấp sống khổ cực. Mày nghe chưa?

Tôi chụp tay nó, hốt hoảng:

– Sao mày biết? Ai nói với mày?

– Ba tao nói với tao hồi tối này.

Ai chứ bác Ba Cụt nói là tôi tin ngay. Bác Ba là người thân tín nhất của gia đình tôi từ ngày ba tôi mất. Sáng hôm sau, không như thường lệ phải thức dậy sớm để chuẩn bị đi học, tôi nằm lì trên giường trùm mền kín đầu. Tưởng tôi bệnh, chi Hai tôi giở mền sờ vào trán tôi, hỏi:

– Em bệnh phải không?

– Không! Tôi vùng vằng.

– Vậy sao em không dậy đi học?

Tôi tung mền ngồi dậy, nhìn chị trân trân rồi nói một cách cương quyết:

– Em không thèm đi học nữa!

Chị tôi hơi ngạc nhiên, ngồi xuống mép giường, vuốt tóc tôi rồi ân cần hỏi lại:

– Em nói cho chị nghe đi, sao lại không thèm đi học?

– Tại em không thèm hát suy tôn Ngô Tổng Thống nữa!

Rồi như có một luồng hơi nóng từ ngực tôi phả lên mặt nóng bừng, tôi nói như hét vào tai chị tôi:

– Vì người ta giết ba mình. Ngô Tổng Thống giết ba mình, chặt tay bác Ba, vì…

Chị Hai vội vàng lấy bàn tay bịt miệng tôi không cho tôi nói nữa. Lần này, thì chị tôi sửng sốt thật sự. Chị ôm chặt lấy tôi. Rồi hai chị em cùng khóc. Ngày hôm đó trôi qua lặng lẽ. Hai chị em không nói với nhau lời nào, nhưng trong lòng thì như có cái gì đang âm ỉ.

Sáng hôm sau, chị Hai gọi tôi xuống bếp. Chị nhẹ nhàng cầm tay tôi và mở cho những ngón tay xòe ra. Hình như chị đặt vào đó một vật gì nhỏ như đồng xu, cồm cộm rồi nắm chặt bàn tay tôi lại. Chị hỏi tôi nhỏ nhẹ:

– Em có nhớ cây me nhà mình không?

– Có, em nhớ lắm.

– Em có muốn về lại với nó không?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại chị:

– Nhưng mà làm sao về được?

Chị không trả lời câu hỏi của tôi, mà mở bàn tay tôi ra. Cái vật be bé, tròn như đồng xu ấy nằm giữa lòng bàn tay tôi, có màu bạc; ở giữa là hình nổi gương mặt một ông già có chòm râu dài, trán rộng, vẻ hiền từ phúc hậu hao hao như hình ông bụt trong tranh vẽ in trong sách.

– Em biết ai đây không?

Tôi lắc đầu.

– Bác Hồ đó!

Lần đầu tiên, tôi nghe nói đến cái tên ấy. Tôi cầm cái vật be bé đó lên ngắm nghía, rồi hỏi chị Hai:

– Bác Hồ giống ông Bụt quá phải không chị?

– Ừ, Bác Hồ là ông tiên đó!

Chị Hai tôi nói và cười. Nụ cười tươi tắn hiếm hoi mà tôi được thấy ở chị từ ngày về sống trong ấp chiến lược này.

– Vậy Bác Hồ có giúp nhà mình và nhà thằng Bai về xóm cũ, cho em về với cây me được không chị? Tôi nói liền một hơi.

– Ừ, chị lại cười. Bác Hồ sẽ giúp cho bà con mình về lại xóm cũ, cho em về với cây me của em.

Tôi mừng quá, muốn nhảy lên, chạy mau đi tìm thằng Bai để nói cho nó biết điều này. Tôi lại ngắm nghía cái vật be bé có ảnh ông Bụt – Bác Hồ lần nữa; và bỗng nhớ đến gương mặt bì bì trong khung ảnh lớn treo phía trên bảng đen trong lớp học. Bây giờ, tôi mới thấy nó ác làm sao!

– Chắc Ngô Tổng Thống sợ Bác Hồ lắm hả chị?

– Ừ, sợ lắm!

Tôi cảm thấy lòng mình được thỏa mãn, được trả thù. Tôi đã biết được kẻ đã giết ba tôi, mà tôi phải suy tôn mỗi sáng, phải sợ một người. Tuy rằng, người ấy, giờ đây, tôi chỉ mới hình dung qua cái vật tròn tròn be bé này. Tôi áp nó lên ngực và nói với chị tôi:

– Chị cho em xin cái này nghe chị?

– Ừ, chị cho em. Em gọi nó là “huy hiệu Bác Hồ”.

Chị tôi đứng dậy, kéo tay tôi đi lên nhà trên, đến trước bàn thờ ba tôi được đặt giữa nhà, rồi nói nhỏ với tôi giọng xúc động:

– Chiếc huy hiệu Bác Hồ này là của ba mình. Trước lúc hy sinh trong tù, ba đã gửi lại cho các bạn tù và sau đó được bác Ba đem về cho chị em mình.

Chị nhìn tôi, thoáng suy nghĩ rồi nói tiếp:

– Bây giờ, chiếc huy hiệu này là của em. Nhưng em phải cất nó vào sau lưng khung ảnh của ba mới được. Cảnh sát mà thấy, nó sẽ đánh chết chị em mình.

Tôi gật đầu và nhìn chừng ra cửa cho chị cất huy hiệu vào sau khung ảnh ba. Xong rồi, chị thắp ba cây nhang, thầm thì nói với khung ảnh ba tôi điều gì đó, chị cắm nhang vào lư. Hai tay chị run run.

Suốt bốn năm sống trong ấp chiến lược; Bác Hồ trong trí tưởng tượng của tôi, lúc thì mờ ảo giống như ông Bụt hiện lên giúp cô Tấm lấy được hoàng tử; lúc thì sừng sửng, oai nghi như vua Quang Trung cưỡi voi đại phá quân Thanh được vẽ trong sách.

Cho đến khi, ấp chiến lược bị phá xong, về được vùng giải phóng, được tiếp tục đi học và sinh hoạt trong đội thiếu niên tiền phong, hình ảnh Bác Hồ luôn ở bên tôi hằng ngày, trên ngực áo nơi trái tim. Và đến ngày Bai lên đường để vào học trường thiếu sinh quân ở Miền, tôi đã tặng vật kỷ niệm ấy cho Bai. Nó cũng đã ấp ủ bên cạnh trái tim Bai suốt bao năm học tập và chiến đấu. Khi ngã xuống, máu của Bai đã thấm ướt đẫm chiếc huy hiệu này.

Trên bàn thờ Bai, chiếc huy hiệu vẫn ánh lên màu bạc. Tôi chợt nảy ra một ý định. Tôi sẽ nói với gia đình Bai xin lại chiếc huy hiệu kỷ niệm để tặng cho phòng truyền thống của trường phổ thông của xã và kể lại câu chuyện về chiếc huy hiệu này cho các em học sinh hiểu thêm về những cuộc đời đã hy sinh để có được hòa bình hôm nay và ngày mai tươi sáng.

Ngô Đình Miên

bqllang.gov.vn

Advertisement