Bệnh thành tích hay bệnh nói dối

(ĐCSVN)- Thành tích, theo đúng nghĩa đó là cái mà người ta đạt được cao hơn mức bình thường. Ở mỗi cuộc thi, thường thì thành tích được chỉ những cá nhân hay một tập thể nào đó đoạt giải; trong công việc hoặc học tập là những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt thứ hạng cao trong học tập, được cơ quan, đơn vị khen thưởng, đồng đội nể phục.

Nhìn từ góc độ tâm lý mọi con người đều thích được khen; mỗi khi làm được việc gì hay, tốt đẹp hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người ta đều muốn được đánh giá đúng và khi nhận được sự khen ngợi, tâm trạng của chúng ta đều rất phấn khởi; nhưng nếu bị chê thì không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận, cho dù đó là những lời chê đúng. Đối với một cấp, một ngành hay một cơ quan, tổ chức nào đó cũng vậy.

Sẽ là rất tốt nếu thành tích đạt được là thật. Và sự khen thưởng đúng sẽ như một liều thuốc bổ khuyến khích người được khen càng cố gắng nỗ lực hơn, chí ít là phấn đấu để giữ vững thành tích cũ, không bị tụt hạng. Còn đối với những người khác, với đồng nghiệp thì cũng lấy đó làm tấm gương để phấn đấu, vươn lên “cho bằng chị, bằng em”. Vậy nếu xét về góc độ tích cực thì thành tích chính là động lực để chúng ta phấn đấu và người yêu thành tích không thể coi là xấu mà ngược lại đó là nét đẹp nên khuyến khích.

Nhưng tại sao lâu nay chúng ta lại thường dùng cụm từ bệnh thành tích hay chạy theo thành tích để gán ghép cho những kết quả ảo trong Giáo dục, y tế, trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội… ?

Thực ra thành tích không có tội. Tội là của sự hám danh, sự đại khái, không dám chịu trách nhiệm dẫn đến giả dối trong báo cáo của cấp dưới đối với cấp trên và sự quan liêu, thậm chí là thiếu khách quan, nhân nhượng trong việc đánh giá của cấp trên đối với cấp dưới.

Thực tế cho thấy có không ít cơ quan, đơn vị mặc dù kết quả hoạt động không được bao nhiêu, song do có “cách làm báo cáo tốt” nên đã được khen thưởng; song cũng có những đơn vị, nếu so kết quả thì không kém gì đơn vị kia, nhưng vì trung thực, làm được bao nhiêu báo cáo bấy nhiêu, nên không những không được khen mà thậm chí còn bị phê bình, bị chê… Chúng ta thường nói “khen thưởng là con dao hai lưỡi”, nếu khen thưởng đúng sẽ có tác dụng kích thích mọi người phấn đấu vươn lên; nhưng nếu khen không đúng sẽ cho “tác dụng ngược”. Sự quan liêu, thiếu khách quan trong việc đánh giá của cấp trên đối với cấp dưới sẽ vô tình “khuyến khích” và “nhân rộng” tính nói dối của cấp dưới. Bởi nếu cùng ngang nhau mà cơ quan này được khen còn cơ quan kia lại bị phê bình thì tất nhiên sẽ gây nên sự so bì ghen tỵ lẫn nhau hoặc nếu nể nang nhau thì họ sẽ học cách báo cáo thiếu trung thực để được khen. Mặt khác việc đánh giá, khen thưởng thiếu chính xác, không xứng đáng với thành tích thực cũng sẽ làm thui chột động cơ phấn đấu của mọi người vì chỉ cần cứ hoạt động bình bình, không mắc khuyết điểm gì là sẽ đạt “trong sạch vững mạnh”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”…. được khen thưởng….

Một nguyên nhân nữa dẫn đến “bệnh nói dối” trong báo cáo còn do sự chủ quan trong việc đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu của các cấp, ngành. Thông thường muốn phát triển người ta đều phải đặt ra những mục tiêu cao hơn để phấn đấu vươn tới. Song mục tiêu đó cần phải dựa vào thực lực, có cơ sở khoa học, và phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị, chứ không phải bằng mong muốn chủ quan.

Một người chưa biết tiếng Anh mà đặt ra mục tiêu trong một tháng vừa học vừa thi phải lấy được Chứng chỉ B thì dứt khoát chất lượng không phải là thật; một lớp học với quá nửa học sinh yếu mà đưa ra chỉ tiêu phải lên lớp trên 100% thì là điều không tưởng. Tương tự như vậy, một đoàn thể muốn đưa ra chỉ tiêu phát triển đoàn viên, hội viên thì trước hết phải có nguồn, quần chúng nơi đó có tự nguyện, thiết tha tham gia đoàn thể mình hay không và phải tính đến trình độ của cán bộ có khả năng vận động quần chúng tham gia hay không…; không đủ những yếu tố đó mà đưa ra những chỉ tiêu chủ quan thì sẽ tạo ra áp lực làm cho cấp dưới phải phấn đấu quá sức, khi không đạt thì vì sợ không được khen, lại bị phê bình, bị chê, nên dẫn đến báo cáo sai sự thật (trong thực tế đã có những đoàn thể xóa tên trong danh sách hàng chục ngàn hội viên, đoàn viên danh nghĩa); ở cơ sở do bị áp lực mà nói dối, cấp trên không kiểm tra hoặc đại khái trong việc đánh giá, chấp nhận kết quả đó và vô tình đã tiếp tay cho sự dối trá, tự mình nói dối mình, trở thành “nói dối có hệ thống”….

Tệ hại hơn là dựa vào những những báo cáo thiếu chính xác, những kết quả không có thực đó để tiếp tục hoạch định chính sách và lại đưa ra những chỉ tiêu không sát thực tế, mà không sát thực tế thì khó thực hiện đạt, nếu báo cáo không đạt thì sợ mất thi đua, không được khen, nên đành phải báo cáo sai sự thật, khiến cho cả hệ thống cứ trượt dài trong thành tích ảo. Và như vậy suy cho cùng cái mà lâu nay chúng ta thường gọi “bệnh thành tích” chính là “bệnh nói dối”.

Thiết nghĩ, một cơ thể có bệnh, muốn chữa khỏi thì trước hết phải tìm được đúng bệnh và những nguyên nhân gây ra bệnh đó; chẩn đoán sai đồng nghĩa với việc chữa trị sai, không những không khỏi bệnh mà còn có thể gây hại. “Bệnh thành tích” và “bệnh nói dối” hoàn toàn không đồng nhất với nhau cho nên cần phải phân ra rạch ròi. Bệnh thành tích, đó chỉ là biểu hiện của sự mong muốn; nhưng nói dối, báo cáo sai sự thật thì đã thể hiện trong hành vi, vì vậy cần phải kiên quyết ngăn chặn, phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc, có như vậy chúng ta mới có được những kết quả thực trong hoạt động.

Tạ Trung Dũng

bqllang.gov.vn

Advertisement