50 năm Bác Hồ với Đá Chông Niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Tỉnh Hà tây

Đ/c Lại Hồng Khánh - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây tại hội thảo - ảnh Nguyễn Ngọc Hà

Kỷ niệm 117 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay tại K9 – Đá Chông, huyện Ba Vì, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức cuộc Hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Khu Di tích Đá Chông” nhằm khẳng định giá trị văn hoá lịch sử của Khu Di tích, chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng về cuộc Hội thảo này do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng tổ chức.

Bởi vì địa danh K9 Đá chông, cách đây 50 năm Bác Hồ đã đến thăm và xem xét khu vực núi Đá Chông, để rồi sau đó Đá Chông mang mật danh “Công trường 5”, mật danh “K9” nơi nghỉ và làm việc của Bác Hồ và Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi bảo vệ giữ gìn thi hài Bác những năm 1969 – 1975. Chúng tôi cho rằng cuộc Hội thảo hôm nay còn có thêm một ý nghĩa khác, đó là chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm và khảo sát khu vực núi Đá Chông trên địa phận xã Minh Quang, huyện Bất Bạt ngày trước. Với những thực tế đó tại cuộc Hội thảo này Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà tây chúng tôi phát biểu với nội dung: 50 năm Bác Hồ với Đá Chông niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tây.

Bác Hồ với Đá Chông là một mảng đề tài nghiên cứu trong toàn bộ chương trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn về Bác Hồ với Hà Tây trong công tác lịch sử Đảng của Đảng bộ tỉnh Hà Tây. Sau khi Bác Hồ qua đời, từ năm 1969 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tây đã chỉ đạo Ban nghiên cứu lịch sử Đảng sau đó là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiến hành sưu tầm nghiên cứu và biên soạn những tư liệu Bác Hồ ở Hà Tây. Cho đến nay đã 4 lần Tỉnh uỷ chúng tôi cho xuất bản sách Bác Hồ ở vào thời điểm của các năm 1973; 1980; 1990 và năm 2006. Mỗi lần xuất bản sách Bác Hồ, chúng tôi lại hoàn thiện thêm những tư liệu và Bác. Song cả 3 lần xuất bản sách Bác Hồ trước đó Tỉnh uỷ chúng tôi vẫn chưa được phép công bố những sự kiện Bác Hồ ở Đá Chông. Riêng những sự kiện Bác Hồ ở Đá Chông sau khi Bác mất, vào những năm 1969 – 1972, trong những việc sưu tầm, xác minh được một số thời điểm Bác Hồ đến Đá Chông vào các năm 1957, 1958, 1959. Bởi vì các sự kiện này liên quan đến các sự kiện: Cuối năm 1956 Bác Hồ tặng cho Tỉnh uỷ Hà Tây chiếc xe ô tô GAT do Liên Xô sản xuất, vì Hà Tây có thành tích đóng góp xây dựng một số công trình ở “Công trường 5”. Chiếc xe ô tô đó mang biển số BAA – 257. Tỉnh uỷ giao cho đồng chí Xuân Trường Bí thư Tỉnh uỷ sử dụng.

Năm 1999 Trung ương chính thức công bố cho phép tham quan rộng rãi địa danh K9 – Đá Chông. Điều này đã tạo cho Hà Tây có điều kiện hoàn thiện thêm những tư liệu về Bác Hồ với K9 – Đá Chông ở Huyện Ba Vì . Với sự giúp đỡ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2006 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây đã cho xuất bản cuốn “Bác Hồ với Hà Tây”. Cuốn sách có 5 mục, trong đó mục II cuốn sách, Tỉnh uỷ Hà Tây công bố 61 lần Bác Hồ về thăm, về ở và làm việc tại Hà Tây. Với địa danh Đá Chông chúng tôi công bố 9 lần Bác Hồ về thăm.

Công bố 9 lần Bác Hồ về Đá Chông, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây có những cơ sở của cả một quá trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn những cuốn sách về Bác Hồ. Trước hết, chúng tôi dựa vào các tài liệu do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng trước đây sau đó là Phòng lịch sử Đảng, ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ sưu tầm bổ sung và dựa vào kết quả hai buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử về Di tích K9 Đá Chông do Bảo tàng Hồ Chí Minh chủ trì. Bên cạnh đó chúng tôi còn dựa vào kết quả cuộc Hội thảo “Bác Hồ với Ba Vì” do Ban tuyên giáo Huyện uỷ Ba Vì trước đây tổ chức. Riêng hai cuộc gặp mặt nhân chứng lịch sử do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội ngày 19/4 và ở Đá Chông ngày 1/7/2006 chúng tôi rất chú ý đến ý kiến phát biểu của 2 đồng chí Cù Văn Chước và Nguyễn Văn Mùi. Đặc biệt là ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Mùi, nguyên là lái xe của Phủ Chủ tịch đã từng đưa Bác Hồ lên K9. Ý kiến của đồng chí Mùi là: “Trước khi xây nhà ở trên đó, Bác có đi vài lần” và đồng chí kết luận “Bác lên K9 không quá 10 lần”. Phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Mùi đã phù hợp với kết quả khâu nối giữa 2 nguồn tư liệu: Một phần của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh trước đây và kết quả cuộc gặp mặt các nhân chứng lịch sử do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức.

Hà Tây là địa phương được Bác Hồ về thăm, về và làm việc nhiều lần. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tây, trong đó K9 – Đá Chông lại là Khu căn cứ, là nơi bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác. Công tác sưu tầm biên soạn lịch sử Đảng của tỉnh Hà Tây được tiến hành từ năm 1963. Việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, chúng tôi làm thường xuyên từ nhiều năm nay và kết hợp chặt chẽ với Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cuốn sách “Bác Hồ với Hà Tây” xuất bản năm 2006, chúng tôi công bố 9 lần Bác Hồ về Đá Chông ở các thời điểm:

– Lần thứ nhất vào mùa hè năm 1957.

– Lần thứ hai vào sáng ngày 23/2/1958.

– Lần thứ ba vào buổi sáng ngày 20/6/1959.

– Lần thứ tư vào sáng mồng 1 Tết Canh Tý năm 1960.

– Lần thứ năm vào tháng 3/1961, Bác đưa Đại sứ Trung Quốc Hà Vỹ lên Đá Chông.

– Lần thứ sáu Bác đưa đoàn Bà Đặng Dĩnh Siêu lên Đá Chông vào ngày 13/3/1961.

– Lần thứ bảy Bác đưa đoàn của Anh hùng phi công vũ trụ Giéc man Ti Tốp lên ngày 24/01/1962.

– Lần thứ tám Bác lên Đá Chông ngày 19/5/1963.

– Lần thứ chín là ngày 20/9/1964, Bác cùng một số Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị lên K9 trao đổi về tình hình đất nước sau sự kiện ngày 5/8/1964.
Trong 9 lần đó có 6 lần được giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kết luận tại cuộc gặp mặt các nhân chứng ở Hà Nội vào ngày 19/4/2006. Ở đây tôi đi sâu vào sự kiện Bác Hồ lên Đá Chông vào các thời điểm 1957; 1958; 1959 và Tết Canh Tý 1960. Bởi lẽ những sự kiện này liên quan mật thiết với việc Bác tặng cho Tỉnh uỷ Hà Tây chiếc xe ô tô GAT vào cuối năm 1965.

Đối với sự kiện Bác Hồ lên Đá Chông vào mùa hè năm 1957 đây là lần đầu tiên Bác Hồ lên Đá Chông. Bác lên Đá Chông lần này là để khảo sát, xem xét địa bàn núi Đá Chông, sau khi có báo cáo của Tỉnh uỷ Sơn Tây, lúc đó đồng chí Nguyễn Xuân Trường làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Bác lên Đá Chông lần này rất bí mật. Bởi lẽ ai cũng biết: Tháng 8/1956 đất nước ta không có Tổng tuyển cử để thống nhất Tổ quốc, sự nghiệp đấu tranh giải phóng Miền Nam và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược sẽ rất gay go, ác liệt. Cuối năm 1956 Trung ương đã giao cho Sơn Tây tìm một địa điểm “Có núi, có sông, có rừng cây che phủ, gần đồng bào” với lý do để xây dựng nhà nghỉ. Thường trực Tỉnh uỷ Sơn Tây đã giao việc này cho Ty Công an và đồng chí Việt Tiến là Phó Ty Công an Sơn Tây thực hiện. Đồng chí tìm mãi và cuối cùng quyết định chọn địa điểm Đá Chông, sau đó trao đổi với đồng chí Tùng rồi mới Báo cáo với Bác, chính vì vậy mùa hè năm 1957 cách đây 50 năm Bác Hồ đã lên khảo sát, xem xét khu vực núi Đá Chông. Khi Bác lên đồng chí Việt Tiến ở phía xóm Bu đi ra và chờ Bác, Bác hỏi:

Chú làm gì ở đây?

Đồng chí Việt Tiến trả lời: Thưa Bác cháu dạy học

Bác nói: Dạy học sao lại đứng ở đây?

Đồng chí Việt Tiến đáp: Thưa Bác cháu dạy buổi chiều. Nói như vậy chính thực hôm đó Công an Sơn Tây có làm nhiệm vụ bảo vệ.

Bác xem xét địa điểm, phong cảnh và nghỉ trưa ở Đá Chông.
Về sự kiện Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên thăm Đá Chông vào sáng 23/2/1958 cũng được Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trước đây ghi nhớ do khi sưu tầm tài liệu sự kiện chiều ngày 23/2/1958 Bác Hồ về thị xã Sơn Tây thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ tỉnh đang học tập 2 văn kiện: Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước XHCN và Tuyên ngôn hoà bình của hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân 65 nước họp ở Matxcơva (11/1957). Chính khi sưu tầm tư liệu Bác về thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ ở Sơn Tây mà lãnh đạo Ban chúng tôi có biết đến việc đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Bác Hồ lên Đá Chông vào buổi sáng.

Sự kiện sáng ngày 20/6/1959, Bác Hồ lên lúc đó các công trình ở đây đang thi công và được mang mật danh “Công trường 5”. Chiều hôm 20/6/1959, Bác về thăm và nói chuyện với hơn 2000 đồng bào huyện Quốc Oai đang làm việc trên công trường đê Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ. Đối với sự kiện này báo tin Sơn Tây số ra 281 ngày 23/6/1959 đã đăng tin và bài nói chuyện của Bác. Khi chúng tôi tìm gặp đồng chí Việt Tiến, đồng chí đã kể lại được các đồng chí cùng đi với Bác nói là rất có thể lúc về Bác sẽ ghé vào thăm đê Ngọc Tảo và ở đây nhân dân đang đắp đê đông lắm. Chỗ nào thấy nhân dân lao động vui Bác thường hay dừng lại thăm hỏi, các anh em nên chuẩn bị trước.

Nhận được tin đó đồng chí Việt Tiến đã báo tin với Tỉnh chuẩn bị micro nếu Bác xuống thăm, quả nhiên buổi chiều ngày 20/6/1959 Bác Hồ vào thăm và nói chuyện với đồng bào Quốc Oai đang đắp đê vừa hết một tiếng đồng hồ. Kết thúc buổi nói chuyện Bác bắt nhịp hát bài “Kết đoàn”. Chính do việc tìm nhân chứng sống kể về sự kiện Bác Hồ thăm đê Ngọc Tảo buổi chiều ngày 20/6/1959 mà lãnh đạo Ban nghiên cứu lịch sử Đảng lúc đó đã biết được buổi sáng Bác về thăm “Công trường 5”.

Về sự kiện ngày mồng một Tết Canh Tý năm 1960, trước hết chúng tôi căn cứ vào cuộc trao đổi của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Ba Vì và cuộc toạ đàm ngày 01/7/2006 do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức vào sổ ghi nhật ký của đồng chí Đỗ Viết Nam, nguyên là Tiểu đội trưởng cảnh vệ ở K9. Điều chúng tôi rất lý thú là những ý kiến về Bác lên Đá Chông sáng mồng một Tết Canh Tý năm 1960 trong 2 cuộc toạ đàm của huyện Ba Vì và Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức lại trùng với ý kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Trường cách đây 15 – 16 năm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Sơn Tây 1954 – 1960, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông 1961 – 1965, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tây 1965 – 1976. Một đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ ở cả 2 thời kỳ khi còn là 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây, khi đã hợp nhất thành tỉnh Hà Tây có vinh dự và đi cùng và chứng kiến nhiều lần khi Bác Hồ về thăm và làm việc ở Hà Tây. Năm 1991 đồng chí Xuân Trường về hưu, hàng tuần thường đi bộ sang Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đọc các loại tài liệu. Khi ngồi nói chuyện về cuốn sách “Bác Hồ với Hà Sơn Bình” xuất bản năm 1990, đồng chí Xuân Trường có nói đến các sự kiện Bác Hồ ở Đá Chông nhưng do ở K9 Trung ương chưa cho công bố nên trước đây các đồng chí thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo các đồng chí không được nói, không được biên soạn. đồng chí Xuân Trường có nhắc đến sự kiện sáng mồng một Tết Canh Tý năm 1960. Tuy đồng chí không đi cùng với Bác hôm đó nhưng Công an tỉnh có đi bí mật, phần lớn công nhân tham gia xây dựng ở khu quan trọng của “Công trường 5” là người miền Nam nên Bác đã chúc Tết động viên.

Trong việc nghiên cứu Bác Hồ với Hà Tây, từ khi tách tỉnh Hà Sơn Bình, chúng tôi phân thành 4 mảng đề tài:

Mảng thứ nhất là sưu tầm nghiên cứu về các sự kiện của Bác ở Hà Tây trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Về mảng này chúng tôi mở đầu kể từ khi quân đội Pháp nổ súng tấn công Hải Phòng, Lạng Sơn cho đến 3/3/1947, Bác Hồ rời động Hoàng Xá (Quốc Oai) lên chiến khu Việt Bắc.

Mảng thứ 2 là sưu tầm nghiên cứu các sự kiện Bác về Đá Chông kể từ cuối năm 1956 – 1969.

Mảng thứ 3 là sưu tầm nghiên cứu những tư liệu về Bác với Đảng bộ và nhân dân Hà Tây kể từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến khi Bác qua đời.

Mảng thứ 4 là sưu tầm nghiên cứu các sự kiện Bác Hồ đến thăm các đơn vị Quân đội, Công an đóng trên địa bàn tỉnh.

Tất cả 4 mảng đề tài đó, duy chỉ có mảng sưu tầm nghiên cứu những tư liệu Bác Hồ về Đá Chông là kéo dài nhất, thầm lặng nhất do chúng ta phải chờ đợi vào thời gian Trung ương cho công bố công khai địa danh K9, chính vì vậy những sự kiện Bác Hồ về Đá Chông mà Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây công bố trong cuốn sách “Bác Hồ với Hà Tây” xuất bản năm 2006, theo chúng tôi đó là sự tổng hoà giữa việc sưu tầm khai thác tư liệu của ngành lịch sử Đảng tỉnh Hà Tây kể tù năm 1969 với việc gặp gỡ các nhân chứng do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức; đồng thời còn là sự kết hợp giữa nhật ký công tác và ảnh tư liệu của những người tham gia công tác ở Đá Chông hoặc từng đến thăm Đá Chông, cũng như có lần đồng chí Vũ Kỳ đến làm việc riêng với Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Hà Sơn Bình về Bác Hồ lên Đá Chông.

Với những cơ sở như vậy năm 2006 khi tiến hành sưu tầm tư liệu bổ sung và biên soạn cuốn “Bác Hồ với Hà Tây”, chúng tôi đã công bố 9 lần Bác Hồ về Đá Chông trong đó có phần Bác tặng thưởng chiếc ô tô GAT vào cuối năm 1965. Vì vậy tại cuộc Hội thảo này chúng tôi muốn trình bày những cơ sở đó mà trước đây bộ phận nghiên cứu – sưu tầm – biên soạn lịch sử Đảng của Đảng bộ tỉnh đã biết để các đồng chí hiểu thêm về quá trình Tỉnh uỷ Hà Tây chỉ đạo toàn bộ việc sưu tầm – biên soạn các sự kiện Bác Hồ về Hà Tây trong đó có sự kiện Bác đến Đá Chông.

Cuộc hội thảo ngày hôm nay, chúng ta vừa kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa kỷ niệm 50 năm Bác Hồ lên Đá Chông xem xét và khảo sát địa bàn. Những lần Bác Hồ lên Đá Chông cũng như việc Bộ Chính trị , Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chọn K9 – Đá Chông làm nơi bảo vệ giữ gìn thi hài Bác đã cải tạo cho Đá Chông ngày hôm nay trở thành Khu Di tích lịch sử văn hoá của cả nước, có giá trị to lớn trong việc tuyên truyền truyền thống cách mạng, học tập đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc Hội thảo hôm nay với các bài tham luận đứng ở các góc độ khác nhau, để bàn luận xoay quanh chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với khu Di tích Đá Chông” đã giúp chúng tôi thêm nhiều vấn đề cùng nhau trao đổi sâu hơn những sử liệu về Bác ở Đá Chông, giúp chúng tôi hoàn thiện hơn mảng đề tài “Bác Hồ với Đá Chông” mà chúng tôi đã in trong cuốn “Bác Hồ với Hà Tây” xuất bản cuối năm 2006. Cuộc Hội thảo này đã giúp chúng tôi sưu tầm và xác minh để xuất bản cuốn sách về Bác Hồ trong những năm qua để sau này tiếp tục hoàn thiện ở những lần tái bản sau.

Bài Lại Hồng Khánh
Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây

bqllang.gov.vn

Advertisement