Chiến lược Hồ Chí Minh về đào tạo người cán bộ, công chức

Chúng tôi cho rằng những chủ trương của Hồ Chủ tịch liên quan đến xây dựng và rèn luyện cán bộ, trong đó có việc đào tạo kiến thức và rèn luyện phẩm chất cán bộ của Người mang tính chiến lược. Nhưng trong toàn bộ di sản của Người hầu như không dùng từ “chiến lược” trong các giáo huấn cũng như các hoạt động của người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Vậy vấn đề xây dựng đội ngũ ở tầm chiến lược thể hiện như thế nào? Xin được nêu lại mấy giáo huấn sau đây của Người cho thấy tầm chiến lược của vấn đề này:

Đưa sự hiểu biết của người dân trong đó có cán bộ ở tầm “quốc hồn” của dân tộc khi Người nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, nếu muốn không dốt thì phải học, học liên tục, học suốt đời để dân tộc đó có trí tuệ bền vững, nghĩa là việc học là việc chiến lược, liên tục, lâu dài;

Một trong những việc làm đầu tiên trong hoà bình kiến quốc là việc học để “diệt giặc dốt”. Coi việc học của công dân như là việc đánh giặc rõ ràng là vấn đề đó được đặt ở tầm quốc sách, chiến lược!

Một trong những đánh giá tiêu chuẩn cán bộ rất đơn giản nhưng cũng đầy bao quát về người cán bộ cũng mang tầm chiến lược dùng người và rèn luyện nhân cách: Tiêu chuẩn tài và đức. Tài mà thiếu thì khó làm mọi việc, đức thiếu thì vô dụng. Phẩm chất của công chức chính là vấn đề chiến lược của Đảng và Chính phủ trong việc cải cách nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị.

Chúng tôi dùng chữ “chiến lược” để nhận thức vấn đề đào tạo và xây dựng đội ngũ trong tư tưởng Hồ Chí Minh từ cơ sở nhận thức như vậy.

Có thể nói những giáo huấn Hồ Chí Minh liên quan đến yêu cầu nâng cao sự hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện chuyên môn đa phần nhằm vào công việc của người cán bộ trong bộ máy hành pháp. Thực ra, ở giai đoạn này những khi Hồ Chủ tịch đưa ra những chỉ thị giáo dục cán bộ, công chức cũng chưa phân biệt người làm việc trong bộ máy của Đảng và người làm việc trong bộ máy nhà nước. Nói cụ thể đa phần những bài nói hay viết của Người phần lớn liên quan đến đội ngũ những người làm trong bộ máy nhà nước.

Chính Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên chỉ ra vị trí cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước. Vì vậy Người có những lời dạy đối với đảng viên thì phần lớn là những đảng viên trong bộ máy chính quyền. Hơn nữa, ở vào thời kỳ này vấn đề phân quyền ở nước ta cũng chưa có điều kiện bàn tới như một phần của khoa học chính trị mà chỉ thể hiện trong cấu trúc thiết chế của Hiến pháp. Nhưng sự vận hành của bộ máy hành pháp là hoạt động cơ bản, bao trùm vì thời kỳ này nước ta đang trong giai đoạn của thời kỳ kháng chiến.

Vì vậy, những gì Người nói về đạo đức, về tác phong, về yêu cầu học tập của cán bộ cũng liên quan nhiều nhất đến đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành pháp.

Nhận xét về những chỉ giáo Hồ Chí Minh liên quan đến kiến thức, hiểu biết nói chung của cán bộ, công chức, chúng tôi thấy chúng không chỉ dừng lại như những kiến thức văn hoá, thậm chí kiến thức chuyên môn, mà còn cả những kiến thức về chính trị, đạo đức, nhân văn. Muốn có kiến thức phải học tập. Việc học diễn ra trong nhà trường, ở cơ quan, đoàn thể, ở trong xã hội và trong nhân dân…

Xin nêu một số chủ đề dưới đây:

Học để phụng sự Tổ quốc và nhân loại; phụng sự nhân dân và phụng sự giai cấp. Đó là yêu cầu chính trị vừa là sứ mệnh của công dân trước Tổ quốc, vừa là trách nhiệm của một con người trước nhân loại. Người phụng sự trực tiếp cho Tổ quốc chính là người làm việc trong bộ máy công quyền, là những cán bộ và công chức. Mỗi cá nhân là thành viên của một nhà nước và mỗi quốc gia là một tế bào tạo nên thế giới của nhân loại.

Với sự thấm nhuần giữa quốc gia, dân tộc với những nguyên lý mác xít về sứ mệnh chung của mỗi thành viên đối với sự tiến bộ nhân loại, những giáo huấn của Người thường không dừng lại ở quan hệ của mỗi cá nhân đối với Tổ quốc và còn mở rộng thành quan hệ trong một thế giới đồng loại.

Vì thế, khi đề cập mục đích học tập để phục vụ Tổ quốc thì Người nhấn mạnh trong mối quan hệ với mục tiêu cho nhân loại (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, Tr.684). Nếu chỉ nói ở cương vị một người đứng đầu nhà nước phải chăng Người đề cập trách nhiệm công dân trước Tổ quốc là đủ và nói tới nhân loại là nói theo tinh thần vô sản quốc tế Mác – Lê-nin? Theo chúng tôi đúng là như vậy.

Đối với một quốc gia, Hồ Chủ tịch đã nói: Một dân tộc dốt là dân tộc yếu (T.4, Tr.8). Như thế một thế giới gồm nhiều quốc gia thất học thì thế giới đó không thể có nhiều tiến bộ được.

Nếu từ đó mà liên hệ tới giáo huấn của Người về việc học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân cũng có thể khẳng định rằng, một nền hành chính gồm những người cán bộ, công chức dốt thì không thể hoàn thành bổn phận công bộc cho dân được, không thể tạo ra sức mạnh của bộ máy nhà nước được…

Học để làm cán bộ, để làm việc

Có thể nói, đây chính là giáo huấn giành riêng cho cán bộ, công chức và đoàn thể. Tư tưởng về sự cần thiết phải học tập để có kiến thức cho mỗi con người nói chung và cho những người công bộc của dân nói riêng xuất phát từ mấy quan điểm cơ bản:

Xã hội nào cần con người thích hợp cho nó; muốn có chủ nghĩa xã hội cần có con người xã hội chủ nghĩa; muốn vậy phải là người có học người cán bộ là người cần học trước hết (để phụng sự nhân dân và để giúp dân chống sự dốt nát đó là một loại giặc ở bên trong của quốc gia).

Nói theo hiệu quả của công việc, cán bộ tốt là vốn liếng của đoàn thể (cán bộ, công chức tốt càng là vốn liếng của Nhà nước và của dân tộc, quốc gia); không có cán bộ tốt thì hỏng việc. Tốt là một phạm trù bao gồm hai phẩm chất hồng và chuyên… Nếu chỉ có hồng mà không có chuyên thì làm việc cũng khó (ngày nay có những việc nếu không học thì không thể làm được việc lớn); người tốt bụng là rất đáng quý nhưng Người cho rằng như thế là chưa đủ vì làm cán bộ là làm việc chứ không làm “Ông Bụt”!

Học là một công việc trau dồi kiến thức. Nhưng học không có nghĩa là chỉ học ở nhà trường. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn của những năm kháng chiến gian khổ, việc học lại càng khó khăn hơn. Từ thực tiễn của việc học và điều kiện khó khăn của nước nhà, Hồ Chủ tịch đã chỉ cho mọi người thấy phương pháp để có thể học được, đó là:

Học ở trường học ở sách vở (đại học thì làm gì, trung học, tiểu học thì làm gì, Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.9, Tr.509).

Học ở nhân dân, Người nói thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, nếu cán bộ, công chức không học thì thành ra lạc hậu, vậy phải học để “tiến bộ đuổi kịp nhân dân” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.8, Tr.215).

Cán bộ, công chức phải tự học và tự mình học lấy những cái mới mỗi người cần phải rèn luyện và coi việc học như một nhu cầu (của sự hứng thú và của công việc). Vì vậy, Người nói người học phải “học không biết chán” (còn người dạy thì “dạy không biết mỏi”).

Thật là đúng đắn và khoa học, vì rằng chẳng có dân tộc nào mà ở đó việc học ở trường là công việc suốt đời, những đời người thì sự hiểu biết luôn ở phía trước. Không ai là người bình thường lại có thể nói việc học đối với họ là kết thúc vì không còn gì là họ không thành thạo!

Cho nên tự học không những là phương pháp mà còn là phương châm của hành động. Hồ Chủ tịch nói: Lấy tự học làm cốt; sắp xếp thời gian và bài học cho khéo (cho hợp lý – N.H.Kh), không phải có thầy thì học (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, Tr.273). Ngày nay, cán bộ, công chức được hưởng những điều kiện hoàn toàn mới: được ưu đãi về thời gian, được giành ngân sách cho học tập, được lượng hoá kiến thức trong lộ trình thăng tiến đã nói lên rằng: học là một phần trong đời công vụ của công chức và vấn đề học mà Hồ Chủ tịch kêu gọi thực sự là vấn đề chiến lược.

Thực tiễn cũng là trường học. Nguyên lý của việc học đã được Hồ Chí Minh đúc kết và giáo dục cán bộ: học phải đi đôi với hành (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.9, Tr.294; T.6, Tr.50; T.5, Tr.235). Để tránh sự giáo điều, sách vở của những người chỉ thuần tuý ham chữ, Người cho rằng nếu chỉ có lao động trí óc mà không có lao động chân tay thì chẳng khác nào người ta bị “bán thân bất toại” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.9, Tr.174); tách rời thực tế thì người có học chỉ như “cái hòm đựng chữ” mà thôi (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, Tr.234).

Để phòng ngừa bệnh kiêu ngạo của một số người được học Người đã chỉ ra những căn bệnh của người có học: xa rời thực tiễn, nói thì cái gì cũng thông nhưng động vào thực tiễn (những tình huống cụ thể) thì lại lúng túng như từ “trên trời rơi xuống”! Người nói rằng những người vì có ít chữ mà đã cho là trí thức thì chưa phải là “trí thức hoàn toàn”, nếu ai coi thường, khinh rẻ lao động thì chúng ta “kiên quyết chống lại”.

Chúng tôi xin dẫn một số quan điểm còn rất thời sự mà Hồ Chủ tịch phát biểu tại Hội nghị Giáo dục toàn quốc năm 1948 (1):

Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho phù hợp với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Đây có phải là quan điểm giáo dục phải đáp ứng nhu cầu của xã hội? Theo chúng tôi đúng là như vậy. Quan điểm này thể hiện rõ trong giáo dục đào tạo và bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Qua thực tiễn những năm vừa qua, chúng tôi thấy quan điểm của Hồ Chủ tịch còn rất có ý nghĩa thực tiễn cho việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay là:

Không thể cứ dạy theo kiểu người dạy cứ nói, người nghe cứ nghe. Người dạy không giải đáp được những vấn đề của thực tiễn khi người học có câu hỏi muốn làm rõ. Vì vậy, chương trình cũ, không phù hợp cần phải thay thế hoặc sửa đổi một cách phù hợp với thời kỳ đổi mới; đổi mới giai đoạn đầu (giai đoạn hội nhập trên “giấy”) phải phù hợp với giai đoạn tiếp theo (giai đoạn hội nhập thực tế).

Chúng ta phải sửa đổi cách dạy. Cách dạy ở đây bao hàm cả cách dạy của giáo giới và cách dạy theo đối tượng: Dạy ai cái gì và ai đi học cái gì? Có nên tiếp tục hay kéo dài việc đào tạo công chức theo kiểu “tiền bổ” như hiện nay, nghĩa là một người giữ chức vụ rồi (do bầu hay do bổ nhiệm) mới “cắp sách đi học”?

Thực tiễn giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như trong hệ thống công vụ hành chính đang trở thành vấn đề rất đáng quan tâm. Đó là sự cách biệt giữa cái học trong nhà trường và cái cần ngoài xã hội.

Phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ. Đây là quan điểm có thể sát hợp với quan điểm chuẩn hoá kiến thức cho cán bộ, công chức trong đó có những người của bộ máy hành chính. Giúp đỡ theo chúng tôi chính là bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho những cán bộ, công chức khi có những chính sách hay tình huống mới của quản lý đặt ra.

Nước ta đã từng tồn tại chế độ “hậu bổ”, nghĩa là một người học đáp ứng với tiêu chuẩn quy định cho một chức vụ thì mới được bổ nhiệm vào chức vụ (Tất nhiên cũng không thể cực đoan việc học một lần là xong, mà cần có sự bồi dưỡng có tính cập nhật. Việc này hoàn toàn khác với tình hình hiện nay là có người được bầu hay bổ nhiệm vào chức vụ lại phải đi học để có một bằng cấp cao hơn kiến thức họ có).

Vận dụng như thế nào?

Trong thời kỳ đổi mới với bao khó khăn và thử thách từ nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh và quốc phòng. Thực tiễn kinh tế – xã hội và những tình huống chiến lược cũng như những nhiệm vụ cụ thể nhiều khi chúng ta tỏ ra bế tắc chỉ vì việc học. Bế tắc không phải chúng ta không chú ý đến việc học tập đối với nền giáo dục quốc dân và đối với bộ máy nhân lực của Chính phủ chúng ta cũng đã làm được rất nhiều việc.

Nếu không, làm sao chúng ta đứng vững cho đến ngày nay với một nhà nước độc lập tự chủ, kinh tế phát triển đều đặn, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Vì vậy, xin được miễn nói những gì là thành tựu. Chỉ xin nói thêm về những thực trạng cần có đổi mới trong việc học tập cho cán bộ và công chức từ giáo huấn Hồ Chí Minh:

Chưa có chương trình cụ thể để gắn việc học với điều kiện của thực tiễn. Làm cái gì thì học cái đó trước, cái đó nhiều, cái đó suốt đời. Đưa người đã học vào bộ máy công chức là chính, lấy người chưa học là phụ (tránh tình trạng hiện nay: sinh viên thất nghiệp, công chức đi học tại chức!).

Đưa thực tiễn vào tất cả các khâu: phân bổ thời gian; bố trí con người “dạy thực tiễn” (như dạy sinh viên hành chính là trưởng phó phòng, chủ tịch, phó chủ tịch, dạy tiếp dân…).

Tiếp cận cách thức đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức trong nước với thế giới để tránh tình trạng bất cập có thể có: một bên là Việt Nam và một bên là thế giới còn lại!

Thiết nghĩ một trong những điều mà giáo huấn Hồ Chí Minh trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh chính là giá trị “đi cùng thời đại” của những giáo huấn đó.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.5, Tr.462.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Khiên
Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
Tâm trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement