
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh TL).
Cần phải thấy rằng Cụ Hồ thuộc lớp người “xưa nay hiếm” vì hiếm thấy những người như Cụ đã giải quyết nhuần nhị vấn đề xưa và nay. Cụ nhuần nhị cái xưa, nhuần nhị cái nay và kết hợp xưa nay cũng rất nhuần nhị, kỳ lạ. Cụ xem xét, tìm hiểu “xưa”, gạn đục khơi trong là để soi sáng hiện tại, phục vụ nay. Cụ nghiên cứu nay, chắt lọc tinh hoa hiện đại, học chủ nghĩa Mác – Lênin và “học tinh thần xử lý mọi việc”, là “học lập trường, quan điểm, phương pháp” để kiểm nghiệm lại “xưa”, cùng hướng tới nay. Cụ Hồ nói “trung với nước, hiếu với dân” là sự chứng minh không đoạn tuyệt cái xưa, mà đưa nội dung mới vào cái cũ. Cách chuyển “xưa” qua “nay” như vậy là rất nghệ thuật, tinh vi. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Cụ Hồ là đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội. Tức là cụ đã đi từ cái quí của người Việt Nam từ ngàn xưa lưu truyền lại đến tinh thần triệt để cách mạng của giai cấp công nhân.
Ai cũng rõ không phải một mình Cụ Hồ nghiên cứu lý luận của Khổng Tử. Nhưng chỉ có Cụ Hồ nói rằng: “Lý luận của Khổng Tử không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và sự trang nhã” (1). Cụ Hồ là người cộng sản chân chính. Và chính vì là người cộng sản chân chính mà Cụ biết thâu thái tất cả những giá trị chân chính của người xưa đã đạt được. Theo Cụ Hồ, Châu Á có Khổng Tử với thuyết Đại đồng là một trong những lý do cho phép chủ nghĩa cộng sản dễ thích nghi ở Châu Á hơn là bên Châu Âu. Có một lần tiếp chuyện phóng viên báo Đảng và Thông tấn xã Cộng hòa Dân chủ Đức là Irê-nê Pha-ba. Cụ Hồ đã nhận xét: “Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi…Những người cộng sản chúng ta rất quí trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”(2). Người cũng nhiều lần dạy rằng: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa”. Tình nghĩa ở đây theo tôi hiểu chính là giá trị văn hóa tinh thần từ ngàn xưa của con người Việt Nam.
Nhớ lại cuộc hành trình vạn dặm của Cụ Hồ đi tìm đường cứu nước. Cụ đã đi từ môi trường văn hóa nông thôn đậm đặc tư tưởng Nho giáo ra môi trường văn hóa thành thị, từ “Tứ thư, ngũ kinh” đến “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Cụ đi từ Đông sang Tây, từ Nho học đến Tây học, từ dân tộc tới nhân loại, từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đến chủ nghĩa Mác-lênin. Rồi ngược lại, đan xen và hòa quyện. Đấy là một cuộc hành trình văn hóa khép kín Đông – Tây, kết hợp hài hòa, biện chứng giữa cổ truyền với hiện đại vì mục tiêu giải phóng con người và mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cụ Hồ quan niệm cái xưa, cái nay với một phương pháp tư tưởng hết sức biện chứng, không rập khuôn, cứng nhắc. Cụ phân biệt “cái cũ mà xấu”, “cái cũ phiền phức” và “cái cũ mà tốt”, “cái mới mà hay”, từ đó để có thái độ phá bỏ và xây dựng đúng mức. Lời dạy của Cụ Hồ là:
Xóa bỏ triệt để những cái cũ mà xấu, sửa đổi những cái cũ phiền phức, phát triển những cái cũ mà tốt; phải triệt để làm những cái mới mà hay; phải xây dựng nếp sống “thuần phong mỹ tục”, phải tẩy sạch những gì mà giáo dục thực dân để lại. Từ phương pháp tư tưởng đó trong tư tưởng Cụ Hồ, ta dễ dàng nhận thấy khi xem xét, đánh giá xưa nay, Cụ Hồ thường tìm lấy mẫu số chung là sự “mưu cầu hạnh phục của loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội” làm điểm tương đồng, chứ không phải vì nó là “xưa” hay là “nay”. Cụ Hồ chẳng đã từng “cố gắng làm người học trò nhỏ” của cả Khổng Tử, Giêsu, cả Mác và Lênin đó sao? Về vấn đề này, Cụ Hồ viết: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng. Song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”(3). Người lại viết: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời”(4).
Cụ Hồ đề cao tư tưởng tốt đẹp của người xưa không có nghĩa là quá lưu tâm tới cái xưa, đi hẳn vào cái xưa, là “nệ cổ”, “phục cổ”, là đóng khung quanh chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vị kỷ, tách mình ra khỏi những vấn đề của thế giới hiện đại. Xưa, nay trong tư tưởng Cụ Hồ là sự hòa quyện và được xem xét bằng một thái độ khách quan, khoa học, cách mạng.
Liên quan tới xưa, nay và lớn hơn thế là vấn đề đặc điểm dân tộc, tình hình thực tế của nước ta với chủ nghĩa Mác – Lênin và kinh nghiệm của các nước anh em. Trong lĩnh vực này, Cụ Hồ là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cụ Hồ dạy “Chúng ta phải học chủ nghĩa Mác – Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta…Hiện nay đứng về mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta. Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến với những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”(5).
Thiết nghĩ nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xưa và nay sẽ rất bổ ích cho sự nghiệp cách mạng đổi mới hôm nay. Bởi vì như Lênin đã dạy: “Việc dạy dỗ, giáo dục và rèn luyện thanh niên phải xuất phát từ những vật liệu mà xã hội cũ đã để lại cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa cộng sản từ tổng số những kiến thức, các tổ chức và thiết chế, bằng cái số dự trữ nhân lực và vật lực mà xã hội đã để lại cho chúng ta”(6).
——————————
(1) Bác Hồ với văn nghệ sĩ, NXB Tác phẩm mới, 1985, tr.294.
(2) Bác Hồ với văn nghệ sĩ, NXB Tác phẩm mới, 1985, tr 335-336.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, ST. H. 1985, tr. 336.
(4) Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, QĐND, 1962, tr.124.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7.1987. ST. H 1987, tr. 782.
(6) Lê nin. Toàn tập, tập 41, NXB Tiến Bộ. Mátxcơva. 1987, tr. 357
Theo cuốn Hồ Chí Minh – Hiện thân của Văn hóa hòa bình.
Anh Tú (st)