Thống nhất nhận thức, đồng lòng, đồng thuận, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Bác Hồ thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954, một hình ảnh hết sức gần gũi giữa một vị lãnh tụ và nhân dân - ảnh minh họa

Ngày 15/10/1949, trên tờ Báo Sự thật số 120 đã đăng bài “Dân vận” của tác giả X.Y.Z, một trong 150 bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ kiệt xuất của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

Về hình thức: Đây là một bài viết rất ngắn gọn, từ đầu đề (chỉ vỏn vẹn 2 từ), đến dung lượng (chỉ có 573 từ); được diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong súc tích, có tính khái quát cao; cùng một kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, sáng rõ, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo.

Về nội dung: Bài báo “Dân vận” thể hiện đầy đủ và sâu sắc những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của nhân dân và phương châm hành động trong công tác dân vận. Dù bài báo đã trải qua 62 năm, nhưng soi rọi vào thực tiễn hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự.

Trong bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên…”.

Thực tế đã chứng minh tư tưởng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ở địa phương nào thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tổ chức công khai, minh bạch để dân bàn bạc góp ý tìm biện pháp tốt, công khai cho dân biết lợi ích của việc phải làm, phát triển mạnh, khai thác được nội lực, thì địa phương ấy nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng ngày càng tốt hơn, mang lại kết quả thiết thực.

Ngược lại, nơi nào vì lý do gì đó, có thể là ảnh hưởng đến quyền lợi của một ai đó mà không dám công khai, minh bạch thì những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chậm được triển khai thực hiện, hoặc thực hiện không hiệu quả, tình hình mọi mặt của địa phương đó trì trệ, tụt hậu. Mặt khác, nếu trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền lợi, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân … mà không tổ chức bàn bạc dân chủ, không công khai minh bạch, sẽ phát sinh tình trạng gây thắc mắc, bất bình trong dân, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại sẽ ảnh hưởng đến ổn định xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền ở cơ sở, địa phương đó.

Trong công tác vận động nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “…Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân…”. Cụ thể hơn, Người chỉ ra phương pháp, nội dung để vận động nhân dân:“…tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được…” , “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành…”.

Vai trò to lớn của nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ở đoạn văn trên. Đúng với ý tứ mà Người thường nhắc đi, nhắc lại: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bản chất của công tác dân vận chính là nhằm “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho…”. Nghĩa là phải tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân (mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng) vào các phong trào cách mạng.

Thực tế là như thế. Không có sức mạnh nào bằng sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân khi đã nhận thức thấu đáo nội dung, ý nghĩa của vấn đề khi đi vào thực hiện. Việc thực hiện không đốt pháo, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được toàn dân thực hiện là một minh chứng sinh động nhất trong sự đồng thuận xã hội của nước ta. Nếu chủ trương, chính sách nào cũng được nhân dân bàn bạc, thảo luận thấu đáo chắc chắn khi đưa vào thực hiện sẽ thuận lợi và đạt kết quả.

Để đạt được kết quả cao trong công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận…” và người làm công tác dân vận phải “…óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh…”.

Về tầm quan trọng của công tác dân vận: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Từ đó, chúng ta hiểu: Dân vận là cái gốc, là điểm xuất phát của mọi phong trào cách mạng của quần chúng và là sự khởi đầu của mọi thành công. Muốn sự nghiệp cách mạng thành công, trước hết phải biết tuyên truyền và vận động nhân dân – chính là làm tốt công tác dân vận.

Ngày nay, mỗi năm, cả hệ thống chính trị của nước ta tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10) và ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949). Đó là sự nhận thức của một quá trình kế thừa, chiêm nghiệm và thông qua thực tiễn trong quá trình tổ chức vận động nhân dân thực hiện bảo vệ và xây dựng đất nước, thực hiện các phong trào hành động cách mạng.

Thiết nghĩ, nếu đồng lòng, đồng thuận, thống nhất nhận thức, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chắc chắn đất nước ta, dân tộc ta sẽ trường tồn, giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lòng mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Theo Xuân Triệu
(ubmttq.hochiminhcity.gov.vn)
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement