(PL&XH) – Hôm ấy là ngày 16-7-1969. Bác đã yếu nhiều… Lúc chia tay Bác để hôm sau về Nam Định thì tôi nhận được mẩu giấy của anh Vũ Kỳ, hẹn 10g sáng hôm sau có mặt ở cổng Đỏ. Hôm sau khi đến nơi thì tôi được anh Kỳ thông báo: Bác mời ăn cơm trưa…
Từ nhà ăn, tôi theo Bác và anh Vũ Kỳ đến thăm Nhà sàn – nơi Bác nghỉ và làm việc. Khi tới bàn làm việc, Bác dừng lại và cầm cái thước gỗ ngắn lên, nói “Khi sang Châu Âu, tình cờ Bác nhặt được thanh gỗ, Bác sửa thành chiếc thước này đấy. Bác tặng cháu nhé”. Cây thước ấy chính là cây thước này, hôm nay tôi trân trọng mang đến tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trên cây thước có ghi 3 chữ SNK do chính tay Bác viết. Bác giải thích đó là chữ viết tắt của 3 chữ “Suy nghĩ kỹ”.
Tôi đã giữ chiếc thước này suốt mấy chục năm nay và mỗi khi dự định làm một việc gì quan trọng, tôi đều nhớ đến dòng chữ của Bác ghi trên thước, như nhớ một lời dạy, một phương châm sống.
Đó là những lời tâm sự đầy xúc động của Nghệ sĩ chèo Nguyễn Thị Kim Liên (người đã 3 lần được gặp Bác Hồ và được ăn cơm cùng Bác) tại buổi tiếp nhận tài liệu, hiện vật về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh cuối tháng 8 vừa qua.
Theo hồi tưởng của NSƯT Kim Liên, mặc dù thời gian của những lần gặp Bác đã trôi qua hơn 40 năm nhưng mỗi khi nhắc đến vẫn khiến bà không khỏi xúc động, rưng rưng.
Lần đầu tiên là vào năm 1963, khi biểu diễn trên sân khấu ở TP Nam Định, bà đóng vai cô Tâm – vai chính trong vở kịch “Chị Tâm Bến Cốc” của tác giả Tào Mạt. Kết thúc vở diễn, Bác lên sân khấu tặng một bó hoa tươi và nói: “Cô Tâm múa dẻo, hát hay. Cháu cố gắng học tập, làm được như cô Tâm nhé!”. Lần thứ 2 là tháng 12-1968, Đoàn chèo Nam Định lên Hà Nội biểu diễn vở “Trần Quốc Toản ra quân”. Anh chị em đang nghỉ ở nhà khách thì anh Vũ Kỳ đến cho biết sẽ đón bốn nữ diễn viên tiêu biểu vào thăm Bác, được nghe Bác trò chuyện. Trong số đó có Nghệ sĩ Kim Liên.
Và lần thứ 3, bà được cử theo Đoàn các nghệ sĩ Việt Nam sang Pháp biểu diễn. Khi về, bà được bình chọn là 1 trong 6 nghệ sĩ xuất sắc được Bác Hồ gắn Huy hiệu của Người. Chính trong lần đó, bà đã được Bác mời cơm, tặng cho chiếc thước kẻ quý giá này.
Cùng với chiếc thước kẻ gỗ mộc mạc, đơn sơ mà vô cùng quý giá còn có rất nhiều hiện vật khác được mọi người hiến tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là những bức thư tay, bản gốc có chữ ký của Bác Hồ được gửi từ Trung Quốc cho đồng chí Tô (Phạm Văn Đồng) vào ngày 19-11-1967; thư của Bác gửi đồng chí Lê Văn Lương, ngày 23-2-1968 và ngày 28-2-1968… được bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Đại tá, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), Bộ Công An và cũng là phu nhân của đồng chí Lê Văn Lương trao tặng lại. Hoặc là khẩu súng More 707271 Bác Hồ tặng bà Trần Thị Ngô, vợ ông Phạm Kiệt, nay gia đình cũng tặng cho Bảo tàng để thêm vào bộ sưu tập hiện vật liên quan đến cuộc đời và quá trình hoạt động của Hồ Chủ tịch.
Trong cuốn hồi ký mang tên “Ký ức thời gian”, bà Nguyễn Thị Bích Thuận đã kể về những ngày tháng được làm việc bên cạnh Bác và được Bác dạy cho nhiều điều, không chỉ trong hoạt động cách mạng mà cả trong cuộc sống với con cái, gia đình, với đồng chí, đồng bào. Qua mỗi trang hồi ký của bà Thuận, hình ảnh vị lãnh tụ giản dị, quan tâm, yêu thương đồng chí, đồng bào đều được hiện lên rõ rệt.
Trong số những hiện vật này còn phải kể đến cuốn sách “Hồ Chí Minh – Một biên niên sử” của nhà văn Hellmut Kapfenberger, người Đức viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách được xuất bản tại Đức vào năm 2009. Đây là một trong những cuốn sách của các nhà văn nước ngoài viết về Người. Qua cuốn sách, tác giả người Đức đã khẳng định “Hồ Chí Minh là một con người mà không một cá nhân có ý thức nào đã từng sống trong nửa trước của thế kỷ lại có thể quên được…
Bức ảnh Bác Hồ tặng bà Nguyễn Thị Dung, cán bộ Bình dân học vụ có thành tích diệt giặc dốt
Một hiện vật nữa là bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Gerhard Rommel (người Đức) gửi tặng Bảo tàng. Bức phù điêu được làm từ năm 1981, tác giả đã nhờ ông Hellmut Kapfenberger chuyển đến Việt Nam cùng lời nhắn nhủ: CHDC Đức (Đông Đức) trước đây đã có rất nhiều người đoàn kết trong phong trào ủng hộ Việt Nam. Chính vì thế, tôi đã mang món quà này đến trao tặng Bảo tàng để thể hiện tình cảm tốt đẹp của nhân dân Đức đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Việc sưu tầm, tiếp nhận hiện vật về Bác vẫn được tiến hành nhằm bổ sung vào Bảo tàng, giúp thế hệ sau hiểu rõ thêm về con người vĩ đại, nhân cách trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Theo thống kê, năm 2010-2011, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm, tiếp nhận được 19 tài liệu, ảnh, hiện vật gốc, có giá trị; hơn 300 ảnh về hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ghi hồi ký hơn 40 nhân chứng là các đồng chí lão thành cách mạng, đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Thịnh An
Theo http://www.phapluatxahoi.vn
Phương Thúy (st).