Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960)
Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam có ghi: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Đây là một công tác trọng đại, phải tiến hành rất công phu. Trong bài này, tôi viết đôi điều suy nghĩ ban đầu về việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc này, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội, đồng thời tiếp tục thúc đẩy đợt sinh hoạt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như Chỉ thị số 03-CT/TW Bộ chính trị (khoá XI) vừa mới ban hành (14-5-2011). Làm tốt việc đúc kết và xây dựng này rất cần thiết đối với việc giáo dục đạo đức xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên, đồng thời có thể sẽ đóng góp lớn vào củng cố và vun đắp nền tảng tinh thần của công cuộc phát triển đất nước hiện nay.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc đúc kết, xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam
Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam có ghi: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Đây là một công tác trọng đại, phải tiến hành rất công phu. Trong bài này, tôi viết đôi điều suy nghĩ ban đầu về việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc này, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội, đồng thời tiếp tục thúc đẩy đợt sinh hoạt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như Chỉ thị số 03-CT/TW Bộ chính trị (khoá XI) vừa mới ban hành (14-5-2011). Làm tốt việc đúc kết và xây dựng này rất cần thiết đối với việc giáo dục đạo đức xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên, đồng thời có thể sẽ đóng góp lớn vào củng cố và vun đắp nền tảng tinh thần của công cuộc phát triển đất nước hiện nay.
Viết về Hồ Chí Minh, cả trong nước và ở nước ngoài, đến nay, có đến hàng nghìn công trình, mà nhiều bạn đọc cũng là tác giả. Hơn nữa, từ những năm 20 thế kỷ trước, và nhất là từ năm 1941, rồi 1944, đặc biệt từ tháng Tám 1945, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã thấm dần thành sức mạnh tinh thần vô song. Bắt đầu từ các chiến sỹ cách mạng, rồi đến từng người dân, cả một dân tộc đứng lên vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khó, giành độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn, đổi mới đất nước. Mấy thập kỷ nay Việt Nam – Hồ Chí Minh đã gắn kết thành một tên riêng chỉ “Tinh thần Việt Nam”, “Tâm hồn Việt Nam” – “Giá trị Việt Nam”. Từ đó, và qua tham khảo những bài viết của nhiều nhà lãnh đạo, nhà chính trị, nhà khoa học, ở ta và trên thế giới, dưới góc độ nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị học, như GS. Trần Văn Giàu đã tổng kết “Hồ Chủ tịch – kết tinh của các giá trị truyền thống và đạo đức cách mạng Việt Nam”. Trong công trình “Giá trị học – cơ sở lý luận góp phần đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời nay” (Phạm Minh Hạc, 2010), tôi đã lấy chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh làm tư tưởng chỉ đạo nghiên cứu giá trị, nhằm mục tiêu đúc kết và xây dựng hệ giá chung của người Việt Nam đi vào công nghiệp hoá (CNH), theo hướng hiện đại, hội nhập.
Giá trị gắn liền với đời sống hằng ngày của chúng ta, ai cũng biết. Khái niệm “giá trị” chỉ cái gì có ý nghĩa đối với sự tồn tại của con người, nói đại thể, có giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Dưới góc độ giá trị học, thuật ngữ “giá trị” nói chung thường dùng để nói tới giá trị tinh thần, có khi còn gọi là giá trị văn hoá, giá trị lịch sử, giá trị truyền thống; nhiều nhà nghiên cứu giá trị học gọi là “giá trị nội tại” (F.C.Brentano, 1838 – 1917, Đức; G.E.Moore, 1873 – 1958, Anh) – cũng còn gọi là “giá trị con người”, “giá trị bản thân” (bao gồm cả các thái độ giá trị), ở cấp vĩ mô, ví dụ, dân tộc, hệ giá trị của dân tộc nói lên “bản sắc dân tộc” – đó chính là sức mạnh, lực lượng bản chất, của con người, và sức mạnh của cộng đồng, quốc gia – dân tộc bắt nguồn từ đây.
Ý tưởng đầu tiên về giá trị học có từ Cổ đại do Pơrôtago (Protagore, 481 – 411 TCN, Hy Lạp) nêu lên. Sau Cách mạng 1776, nước Mỹ rất chú ý vấn đề này. Giá trị học hiện đại mới hình thành ít lâu trước Đại chiến thế giới thứ hai ở nước Đức, lúc đó có nhiều vấn đề rối ren trong đời sống tinh thần, và cho đến nay phát triển mạnh ở Mỹ. Nhiều nơi coi triết học gồm thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan. Giá trị quan được đưa vào dạy trong chính trị học, có “ngoại giao giá trị quan”, gần đây có một quan niệm, mới xem có vẻ hơi kỳ dị nhưng cũng nên lắng nghe, quan niệm này phân loại các nước như sau: – Các nước đứng đầu xuất khẩu giá trị; – Các nước hạng hai xuất khẩu kỹ thuật; – Các nước hạng ba xuất khẩu hàng hoá và lao động (Giấc mộng Trung Hoa, 2010).
Từ “Lịch sử khuyết danh” viết vào thế kỷ XIII, rồi qua sử sách, văn học dân gian các thế kỷ sau, các công trình nghiên cứu, trong nước và nước ngoài, như nhà sử học hàng đầu thế giới nửa sau thế kỷ XX là Tôienbi (2002) đã kết luận nhân loại có 31 nền văn minh, trong đó có văn minh (văn hoá, văn hiến – hệ giá trị) Việt Nam, cả thế giới quan tâm tìm hiểu. Tiếp nối các vị tiền bối, ngày nay chúng ta cần tiếp tục đúc kết và xây dựng hệ giá trị Việt Nam. Đặc biệt, theo đường lối đổi mới (từ 1986), nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, rất quan trọng, nhưng mặt khác, như nhận định của Tiểu ban tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 đã trình Đại hội XI: “Mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đã gây không ít tác động tiêu cực; còn lúng túng trước sự biến động của một số giá trị trong nhân cách con người dẫn đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, có một số mặt đáng lo ngại”. Trong hai thập kỷ qua (1991 – 2010) một số chương trình khoa học cấp nhà nước đã nghiên cứu vấn đề giá trị cho thấy trong đời sống tinh thần của xã hội đang đầy mâu thuẫn, thang giá trị nhiều chỗ bị đảo lộn, định hướng giá trị có nơi cảm thấy rối ren, bức bối, đau lòng, vô cùng phức tạp, thước đo giá trị quá nhiều bất hợp lý (Phạm Minh Hạc, 2007). Một số nhà lãnh đạo ở ta cũng bắt đầu nói tới “định hướng giá trị”, “thước đo giá trị”…; các phương tiện truyền thông gần đây cũng hay đề cập đến vấn đề này. Một số trường dạy ngoài giờ “Giá trị sống và kỹ năng sống”. Việc đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH theo hướng hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, như Đại hội XI đã đặt ra, là một công việc cấp thiết.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, khái quát lại có thể nói, Người đã để lại cho chúng ta một di sản quý báu nhất là Hệ giá trị – một vấn đề khoa học và vận dụng vào thực tiễn hết sức phong phú. Ở đây, tôi mạnh dạn nêu một số thu hoạch sơ bộ.
Sau 30 năm (1911 – 1941) bôn ba năm châu bốn biển, Bác Hồ đã tìm ra đường cứu nước, cứu dân, các bạn đồng nghiệp đã nói và viết nhiều. Ở đây, tôi xin tập trung vào một thiển ý, mà mới là bước đầu. Sinh ra và lớn lên trong văn hoá dân tộc, đi các nước tiếp thu, chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại, hoà quyện lại với nhau, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong việc đúc kết, xây dựng, phát huy giá trị quý báu của dân tộc ta, của con người Việt Nam, thành một sức mạnh vô biên của cả một dân tộc đến từng cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, tạo dựng nên một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử mấy ngàn năm của đất nước ta. Học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, chúng ta cần đi đến xây dựng thành công và công bố chính thức Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế.Theo dòng suy nghĩ đó, tôi xin nêu lên hệ giá trị, qua nghiên cứu một số trước tác của Người.
Thứ nhất là, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là 3 giá trị nền tảng tinh thần mở đầu thời đại mới của nước nhà, thời đại độc lập dân tộc theo chế độ Dân chủ Cộng hoà, nhân dân làm chủ, bắt đầu hưởng quyền công dân, quyền con người. Trên đường tìm đường cứu nước,
Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu nhiều điều tinh hoa nhất trong Hệ giá trị Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh đã mở đầu Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Suốt đời Người, như Hồ Chủ tịch nói với đồng bào trước khi sang Pháp (30-5-1946), “những khi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo” đều vì lý tưởng đó.
Thứ hai là, giá trị nhân cách. Như mọi người đều biết, Bác Hồ vô cùng coi trọng đạo đức, gần như đọc bài nào của Bác cũng có thể tìm thấy điều căn dặn về đạo đức. Một trong những tài liệu đầu tiên Bác viết để giảng dạy đào tạo cán bộ năm 1927 ở Quảng Châu là tác phẩm “Đường cách mệnh”, mở đầu bằng bài “Tư cách người cách mệnh”, nêu lên 23 điều gộp thành 3 nhóm: (1) Tự mình phải (thái độ đối với bản thân) có 14 điều; (2) Đối người phải (thái độ với người khác) có 5 điều; (3) Làm việc phải (thái độ với công tác) có 4 điều. Tâm lý học gọi đây là 23 giá trị nhân cách, có thể coi là một trong những viên gạch đầu tiên của Hệ giá trị mới của người Việt Nam. Người cán bộ có nhân cách với 23 thái độ đúng đắn đó, mới có thể làm việc vì nước vì dân. Đấy là chỉ dẫn phương pháp luận vô cùng quan trọng để chúng ta đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời nay.
Thứ ba là, cần, kiệm, liêm, chính. Tháng 5 và tháng 6 năm 1949, Hồ Chủ tịch viết 4 bài báo về 4 đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính, sau gộp thành một cuốn sách với tiêu đề “Cần kiệm liêm chính”. Dưới góc độ giá trị học, đây là 4 giá trị đạo đức cơ bản nhất của người cán bộ, nay gọi chung là viên chức nhà nước, làm việc ở các cấp trong bộ máy của Đảng và chính quyền, đoàn thể. Chưa quán triệt và thực hành 4 điều này – coi như chưa học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ có quán triệt và thực hành 4 điều này từ trên xuống, từ trong ra, thì mới có thể khắc phục được “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội…, yếu kém trong quản lý… làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự ổn định và phát triển của đất nước”(1). Một con người chân chính không thể thiếu 4 giá trị này. Ai cũng theo đây mà tu dưỡng sẽ có cuộc sống hạnh phúc thật sự, đất nước sẽ có một xã hội tốt đẹp.
Thứ tư là, thời đại khai sáng ở Việt Nam. Trên đường tìm đường cứu nước, trong những năm 20 thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần chính sách ngu dân thâm độc của bọn thực dân đã đặt dân tộc ta ngoài lề của nền văn minh thế giới. Đồng thời Người đã tìm hiểu các giá trị có tác dụng thúc đẩy tiến triển xã hội phương Tây; trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ” (1924), đã đưa ra ý kiến: “… sự Tây phương hoá ngày càng tăng và tất yếu của phương Đông”, đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm phát triển giá trị giáo dục (lý trí, học vấn, khoa học, công nghệ…), vận dụng vào nước ta, mở ra Thời đại khai sáng. Như mọi người đều biết, thế kỷ XVIII được gọi là Thế kỷ khai sáng (Thế kỷ Ánh sáng, Thế kỷ giáo dục), góp phần chuẩn bị quan trọng cho Cách mạng 1789 thành công và đưa xã hội tiến vào thời kỳ công nghiệp hoá. Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập với tư tưởng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác giáo dục, coi đây là một bộ phận quan trọng trong đường lối cách mạng, kháng chiến, kiến quốc và ngày nay cùng với khoa học – công nghệ trong Đổi mới được coi là “quốc sách hàng đầu”. Đã có rất nhiều tài liệu viết về vấn đề này. Ở đây, tôi xin tóm tắt mấy tư tưởng về giáo dục của Hồ Chủ tịch như sau: – Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; – Dốt là một thứ giặc, nguy hiểm như giặc đói, giặc ngoại xâm.- Hết sức coi trọng vai trò của giáo dục: Có phát triển nền giáo dục tốt, thì đất nước mới tươi đẹp, non sông mới vẻ vang, mới sánh vai cùng các cường quốc năm châu; – Phải xây dựng một nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập.- Mục tiêu của giáo dục: đào tạo người công dân tốt; – Trong công tác giáo dục đặt việc đào tạo và chăm sóc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục lên hàng đầu; – Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt; – Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa; – Học thường xuyên, học suốt đời, v.v. Tiếp tục Thế kỷ khai sáng, vận dụng tư tưởng (giá trị) giáo dục Hồ Chí Minh để chấn chỉnh, củng cố, phát triển, chấn hưng nền giáo dục nước nhà, tích cực triển khai chủ trương của Đại hội XI “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”(2). Không có nền giáo dục tốt – khó có thể tiến hành CNH theo hướng hiện đại đạt kết quả thực chất. Đây đúng là khâu đột phá cực kỳ quan trọng đưa đất nước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ này, như Chiến lược 2011 – 2020 Đại hội XI đã thông qua.
Thứ năm là, các giá trị đạo đức của các ngành, các giới. Về nội dung này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài nói hay viết cho các ngành, các giới, các địa phương, Bác rất chú ý chỉ ra những chuẩn mực đạo đức cần phải có để xây dựng ngành mình, giới mình, địa phương mình và cả nước nói chung. Đây là một công việc to lớn, phải dày công tìm tòi, phát hiện, sẽ đóng góp rất nhiều cho việc đúc kết và xây dựng hệ giá trị của người Việt Nam ngày nay, tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển con người, tăng cường giá trị của người dân, từ đó sẽ có cuộc sống thịnh vượng.
Thứ sáu là, giá trị bản thân con người – mục tiêu tối thượng. Hệ giá trị Hồ Chí Minh là kết tinh của Hệ giá trị Việt Nam, lấy chủ nghĩa nhân văn làm nền tảng. Từ ngày ra đi tìm đường cứu nước, bằng những bài viết trên báo Người cùng khổ (1922) đến Di chúc (1965), như Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2001) đã tổng kết, Bác Hồ luôn nghĩ về con người Việt Nam, coi đó là giá trị cao quý nhất, và là mục tiêu tối thượng của cách mạng. Nói khái quát, đó là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh có cội nguồn từ chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, đồng thời đã đưa chủ nghĩa nhân văn Việt Nam lên một giai đoạn phát triển chất lượng mới, có thể tóm lược nội dung như sau:
– Yêu thương con người.
– Tôn trọng con người.
– Trọng dụng con người, nhất là những người tài đức.
– Khoan dung.
– Tranh đấu vì con người – giải phóng con người.
Sau một thời gian nghiên cứu, chúng tôi đề xuất: Hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế (gọi tắt là Hệ giá trị chung) mà chúng ta cần xây dựng. Đó là: 1. Các giá trị chung của loài người: tính người, tình người, Chân-Thiện-Mỹ; 2. Các giá trị toàn cầu: hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; 3. Các giá trị dân tộc: tinh thần dân tộc, yêu nước, trách nhiệm cộng đồng; tích cực đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 4. Các giá trị gia đình: hoà thuận, hiếu thảo; 5. Giá trị bản thân:
– Yêu nước.- Dân chủ.
– Trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, gia đình, bản thân.
– Cần cù: chăm học, chăm làm.
– Khoa học: tư duy duy lý, tác phong công nghiệp, tay nghề thành thạo.
– Chính trực: chân thật, đứng đắn, liêm khiết
– Lương thiện: quan hệ người – người tốt đẹp, tôn trọng và thương người, tương trợ giúp đỡ nhau.
– Gia đình hoà thuận, hiếu thảo.
– Thích nghi và sáng tạo.
– Chí hướng: cầu tiến.
Vấn đề cốt lõi nhất là từng người, với sự hỗ trợ của nhà trường, gia đình, xã hội, tạo lập, phát huy được giá trị bản thân, Nhà nước có chính sách sử dụng tốt giá trị bản thân của mọi người, xã hội có môi trường thuận lợi cho giá trị bản thân của mọi người phát triển, theo quan điểm phát triển Đại hội XI đã xây dựng: “… phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”(3)
——————
(1) – Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG – Sự thật, 2011, tr. 173.(2) – Sđd, tr.77.(3) – Sđd, tr.30.
GS.VS Phạm Minh Hạc
Theo Tạp chí tuyên giáo
Tâm trang (st)