Ngày 21-5-1928, từ Thủ đô nước Đức, Nguyễn Ái Quốc gửi thư về Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đóng góp ý kiến cho hoạt động của Ban Thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp, nhờ chăm sóc các đồng chí Đông Dương đang học ở Nga và cho biết đã sẵn sàng lên đường tới nơi cần đến.
Cũng trong thời gian này (tháng 5-1928), tập san “Inprekorr” bản tiếng Pháp của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Phong trào công nhân và nông dân mới đây ở Ấn Độ” khảo sát những biến đổi to lớn đang diễn ra tại quốc gia rộng lớn này và bài “Chủ nghĩa đế quốc, kẻ tiêu diệt nòi giống bản xứ” để đi đến kết luận: “Lịch sử của nhiều chế độ thực dân đã cho thấy rằng nhiều dân tộc bản xứ bị tiêu diệt hoàn toàn khi tiếp xúc với nền văn minh của người da trắng… và muốn cứu vãn những nòi giống này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc”.
Ngày 21-5-1939, Nguyễn Ái Quốc đã có mặt tại Quế Lâm (Trung Quốc) và tìm cách liên hệ với phong trào trong nước bằng cách gửi loạt bài “Thư từ Trung Quốc” về đăng trên tờ “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta) của những người cộng sản hoạt động công khai tại Hà Nội. Bài “Những khó khăn của quân đội Nhật” phản ánh những vấn đề thời sự đang diễn ra trong đạo quân Nhật tại Trung Quốc và phân tích nguy cơ của chủ nghĩa phát xít đang ở rất gần Đông Dương.
Ngày 21-5-1964, Tạp chí “Minority of One” của một nhóm nhân sĩ trí thức tiến bộ xuất bản tại Mỹ đăng bài phỏng vấn nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài trả lời, Bác bày tỏ: “Từ nước Việt Nam cách xa Hoa Kỳ hàng vạn cây số, tôi gửi đến các bạn Mỹ lời chào hữu nghị và lời kêu gọi tha thiết này. Tôi mong các bạn sẽ hiểu rõ hơn sự thật cay đắng ngày nay ở miền Nam Việt Nam, một nửa Tổ quốc chúng tôi. Ở đây đang diễn ra một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc, một cuộc chiến tranh lớn nhất, dai dẳng nhất, đẫm máu nhất hiện nay trên trái đất này…
Nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng nhân dân Mỹ muốn sống hòa bình và hữu nghị với các dân tộc khác. Tôi đã đến nước Mỹ, tôi hiểu nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng… Chính những kẻ đang phá hoại nền độc lập tự do của dân tộc chúng tôi cũng là những kẻ phản bội bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ trong đó đã nêu cao chân lý “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” và nêu cao những quyền bất khả xâm phạm của con người: “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”…
Chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào miền Nam chúng tôi phải gian khổ hy sinh, mà chúng tôi cũng thương xót cho những bà mẹ và các người vợ Mỹ đã mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam do bọn quân phiệt Mỹ tiến hành… Tôi mong lời kêu gọi khẩn thiết này sẽ đến tai nhân dân Mỹ”.
Tháng 5-1967, từ Quảng Châu, sau một tháng sang Trung Quốc chữa bệnh, Bác đã viết bài thơ gửi về Bộ Chính trị ở trong nước: “Thời giờ đã chóng tựa đưa thoi/Thấm thoát xa nhà một tháng rồi/Nghìn dặm vui nghe tin thắng lợi/Một mình nằm tính việc xa xôi”.
Theo tvad.com.vn
Huyền Trang (st)