Tình cảm của Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một ngày Tổ quốc chưa thống nhất, miền Nam chưa được giải phóng, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Người luôn dành tình cảm sâu đậm với miền Nam, quan tâm, theo dõi và cổ vũ từng bước tiến của cách mạng miền Nam. Tình cảm của Người luôn một lòng đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong hai câu thơ: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

Mong ước ấy cũng là nguyện vọng thiết tha của dân tộc và trở thành sức mạnh thôi thúc toàn dân và toàn quân ta chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng. Với người dân thành phố mang tên Bác nói riêng và đồng bào miền Nam nói chung, đã từ lâu, hình ảnh vị Cha già dân tộc luôn soi sáng trên từng bước đường đi tới và là niềm tin lớn lao trong lòng mọi thế hệ người dân.

Bác Hồ – Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả cuộc đời Bác chỉ có một niềm mong ước là “làm sao cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do” và vì lẽ đó con người ấy luôn sống trọn đời vì dân vì nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, quê hương giàu truyền thống cách mạng. Cha của Bác, cụ Nguyễn Sinh Sắc, muốn con mình theo tấm gương của những bậc hiển nhân, cống hiến cuộc đời cho lý tưởng vì dân. Mẹ của Bác, bà Hoàng Thị Loan, tần tảo nuôi dưỡng những người con khôn lớn, trưởng thành. Thời thơ bé, cuộc sống của Bác trôi qua với lời ru đau đáu về thân phận người dân mất nước. Làng Dương Nỗ, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung được học chữ trong lớp học do chính cha mình giảng dạy, là bạn học với những người mà khi đến tuổi trưởng thành đều là những nhà yêu nước. Bởi vậy, ngay từ nhỏ, Người đã được hấp thụ tinh thần yêu nước bất khuất của phong trào đấu tranh chống Pháp, Người thấu hiểu được nỗi thống khổ của người dân, không cam chịu để dân tộc mình sống cuộc đời nô lệ, lầm than dưới ách đô hộ của chế độ thực dân phong kiến. Tình cảm yêu quê hương đất nước, căm thù giặc sâu sắc đã hun đúc lên hoài bão lớn lao của Người.

Sau khi tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ và bị đuổi học, Người lên đường vào Nam, dừng lại ở Phan Thiết làm nghề dạy học ở trường Dục Thanh. Theo như kể lại, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dạy dỗ học trò bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết, hướng học trò của mình suy ngẫm về thân phận của người dân trong cảnh nước mất nhà tan. Năm 1910, tạm biệt trường Dục Thanh, Người tiếp tục con đường của mình, dừng chân ở Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn hồi đầu thế kỷ XX là một Cảng thị sầm uất với Bến cảng Sài Gòn – nơi những con tàu tấp nập từ muôn phương đến và đi. Có lẽ không biết bao nhiều lần, Người đứng nơi Bến cảng, ngắm những con tàu và tự hỏi: “Không biết ở phía bên kia đường chân trời, những điều gì đang xảy ra?”. Vượt khỏi tầm nhìn của những nhà yêu nước đương thời, năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Hình ảnh ấy đã được Chế Lan Viên khắc họa vô cùng xúc động trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”:

“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi.
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”

Ngày Bác ra đi, cả đất nước vẫn chìm trong đêm đen nô lệ. Chế độ thực dân tạo dựng nên quyền uy trên mồ hôi và xương máu của nhân dân Việt Nam. Sau bao nhiêu năm bôn ba nơi đất khách quê người, chứng kiến bao nhiêu cảnh lầm than của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, Người nhận ra rằng chỉ có con đường cách mạng vô sản theo ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin mới đem lại no ấm hạnh phúc cho dân tộc. Ngày trở về, người thanh niên Nguyễn Tất Thành trở thành người cộng sản yêu nước Nguyễn Ái Quốc, cùng với cả dân tộc làm nên cuộc cách mạng Tháng tám lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Sau ngày tuyên bố độc lập (2-9-1945) chưa đầy một tháng, đồng bào miền Nam đã phải cầm vũ khí để bảo vệ nền độc lập của nước nhà khi thực dân Pháp lén lút đánh úp, chiếm trụ sở UBND Nam bộ tại Sài Gòn. Ngày 30-10-1945, Hồ Chủ tịch đã ra “Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ” với những tình cảm thân thiết và một ý chí sắt đá quyết đồng tâm, hiệp lực vì sự sống còn của dân tộc. Người viết: “Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu…”.

Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam! Nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ, hàng nghìn, hàng nghìn chiến sỹ giải phóng quân miền Bắc đã xung phong Nam tiến, sát cánh cùng đồng bào Nam bộ anh dũng chiến đấu. Biết bao người đã ra đi không hẹn ngày về. Không ít người còn sống, ở lại trong đó suốt đời, trở thành những đứa con của các ba, các má nơi Thành đồng Tổ quốc. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi không trọn vẹn, miền Bắc được giải phóng nhưng miền Nam còn phải tiếp tục đấu tranh. Năm 1954, sông Bến Hải trở thành dòng sông chia cắt đất nước. Những người cùng chung một Tổ quốc, một lịch sử, cùng nhau đứng lên chiến đấu vì lợi ích chung của dân tộc, vì một đất nước giải phóng, tự do. Đồng bào miền Bắc hướng vào miền Nam, đồng bào miền Nam hướng ra đất Bắc. Tuân theo những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Cuộc hẹn gặp sau 2 năm, phải mất 30 năm mới trở thành hiện thực. 30 năm – 10 ngàn ngày, miền Nam luôn sống trong trái tim dân tộc, luôn sống trong trái tim của Bác.

Tết Ất Mùi năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động nhận được cây vú sữa, là món quà của đồng bào vùng tận cùng của Tổ quốc gửi tặng. Cây vú sữa trở thành biểu tượng của tấm lòng Bác Hồ đối với miền Nam, và của miền Nam đối với Bác. Bao nhiêu năm vẫn thế, miền Nam luôn hướng về Người, sâu nặng và nghĩa tình. Mong ước cho nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp, được vào thăm miền Nam ruột thịt cũng luôn là mối trăn trở của Người. Hình ảnh Người vui mừng khi nghe tin miền Nam lại “thắng to” cho thấy tấm lòng thiết tha của Người đối với đồng bào miền Nam. Mỗi khi nghe tin có đoàn cán bộ ở miền Nam ra, Bác vội đến thăm ngay và hỏi han tình hình rất kỹ. Những chiến thắng của đồng bào miền Nam đã tiếp thêm sức mạnh cho Bác. Có một câu chuyện cảm động thế này:

Ngày 10/5/1969, đồng chí Vũ Kỳ báo cáo với Bác việc anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đề nghị mời Bác chiều mai tiếp số cán bộ quân sự cao cấp sắp vào chiến trường miền Nam. Nghe nói được gặp gỡ cán bộ Quân đội, Bác đồng ý ngay. Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ cố làm sao để các đồng chí Quân đội không biết là Bác đã yếu. Bác lo điều đó sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng toàn quân. Đây là một việc không dễ gì, vì đến lúc này, Bác đi lại đã rất khó khăn. Lại còn giọng nói của Bác nữa. Từ năm ngoái, đã có hiện tượng bị lạc tiếng. Bác sĩ Trần Hữu Tước đã được gọi vào để chữa cho Bác, nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào. Sau đó Bác phải luyện tiếng cả một tuần liền để thu thanh lời chúc mừng năm mới. Đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe lời chúc mừng năm mới của Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” không thể biết được rằng Bác đã phải kiên trì tập luyện như thế nào mới giữ được giọng nói tỏ ra vẫn khoẻ như thế. Thực ra Bác đã cố gắng rất nhiều, vì niềm vui của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Bác không nề hà một việc gì. Nhớ hôm đồng chí Nguyễn Văn Linh vừa ở miền Nam ra, vào thăm Bác, được Bác mời ở lại cùng ăn cơm. Hôm đó đồng chí Phó Bí thư Trung ương Cục thấy Bác ăn ngon cả bát cơm đầy nên rất yên tâm. Sau này, đồng chí Nguyễn Văn Linh có tâm sự, khi biết chuyện Bác Hồ cố ăn cho đồng bào miền Nam yên tâm, đồng chí Linh đã không ngăn được nước mắt. Đồng chí đã kể cho nhiều người khác nghe và ai cũng xúc động bởi tấm lòng của Bác với miền Nam. Cho đến những ngày cuối đời, Bác Hồ cầm bát cơm ăn cũng là vì miền Nam.

Năm 1966, khi tiếp một nhà báo Cuba, Bác đã đặt một bàn tay lên ngực mình và nói: “Nhân dân miền Nam, mỗi người, mỗi nhà đều có một nỗi đau. Đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại, thì đấy là nỗi đau của tôi”. Kể từ lúc rời Bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước đến ngày giành được độc lập, chưa một lần Bác trở lại miền Nam, để nỗi niềm thương nhớ ngày đêm canh cánh bên lòng không một phút giây nào nguôi. Từ ngọn núi, dòng sông, đến con người miền Nam anh dũng; tất cả hòa trong tim Bác, đồng nghĩa với hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển. Đồng bào miền Nam luôn khắc sâu chân lý: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, thực hiện được lời dạy thiêng liêng của Người “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Nhưng niềm vui chưa được trọn vẹn, Người ra đi khi nước nhà còn chưa thống nhất, ước nguyện một lần vào miền Nam thăm các chiến sỹ, đồng bào đã không thực hiện được. Nỗi niềm ấy gửi trọn vào Di chúc thiêng liêng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Nhập tâm sâu sắc Di chúc Bác Hồ, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và đồng bào Sài Gòn – Gia Định nêu cao khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đạp bằng muôn trùng gian nguy, chiến đấu ngoan cường, vượt qua giai đoạn ác liệt nhất từ giữa năm 1968 đến đầu năm 1970, củng cố thế và lực cách mạng, đập tan chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, chủ động và tích cực tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của “Thành đồng Tổ quốc”, góp phần viết nên những trang huy hoàng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc vẻ vang cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng và nhân dân ta; thành phố Sài Gòn – Gia Định được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và bước vào kỷ nguyên mới, cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhằm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thực hiện lời dạy của Bác, sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục những hậu quả nặng nề do tàn dư của chủ nghĩa thực dân để lại. Đồng thời, dốc toàn lực để vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt: Chính sách cấm vận, bao vây kinh tế của các thế lực thù địch, thiên tai xảy ra dồn dập, chiến tranh trên biên giới Tây Nam, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp…

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã kiên trì tìm tòi, thử nghiệm, phát kiến ra những mô hình mới, biện pháp mới, cách làm mới, nhằm “tháo gỡ” khó khăn, vướng mắc, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, xóa dần cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp; tiến hành cải cách mạnh mẽ về kinh tế trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng; từ đó, đã dần dần thực hiện được mục tiêu ổn định đời sống, ổn định kinh tế – xã hội. Chính trong thời điểm này, đã xuất hiện hàng loạt mô hình mới về sản xuất – kinh doanh, hàng vạn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa; hàng ngàn tổ dân phố, tổ nhân dân tiên tiến cấp thành phố với hàng ngàn sáng kiến có giá trị đã được phát hiện để nhân rộng điển hình.

Thành phố đã nỗ lực từng bước kiến tạo được nền tảng cơ sở vật chất – kỹ thuật của một đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, làm cho diện mạo thành phố mang tên Bác ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, xứng đáng là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Một hệ thống liên hoàn các dự án lớn về những công trình trọng điểm đã và đang được xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động kinh tế và dân sinh, đóng vai trò trọng yếu trong việc nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất xã hội, đã biến thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế như: Mạng lưới cầu đường, hệ thống bến cảng và kho bãi, mạng bưu chính viễn thông; nguồn điện cung ứng cho thành phố và khu vực phía Nam; sự xuất hiện các trung tâm thương mại – dịch vụ lớn; các khu đô thị mới, các khu chế xuất – khu công nghiệp tập trung…

Nhờ kinh tế tăng trưởng khá nhanh cùng với sự phát triển của kết cấu hạ tầng đô thị, các chương trình an sinh xã hội đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả thiết thực. Hoạt động văn hóa – xã hội có điều kiện để phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng yêu cầu cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và phổ biến pháp luật. Hệ thống trường, lớp được phát triển không ngừng, số lượng học sinh các cấp đã tăng lên đều đặn, từ xóa xong nạn mù chữ đến phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, đang phấn đấu phổ cập bậc trung học phổ thông, từng bước nâng cao trình độ dân trí.

Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư mở rộng và nâng cao năng lực điều trị, cùng với việc thực hiện bảo hiểm y tế cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi đã góp phần đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống các nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp hát được củng cố; việc xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa – nghệ thuật được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng tăng của nhân dân. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động ở thành phố có sức lan tỏa rộng như: Phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xây dựng nhà tình nghĩa”, “xây dựng nhà tình thương”, “phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng”, chăm lo các gia đình chính sách, người khuyết tật…

Đặc biệt, theo số liệu thống kê, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt 2.800USD/người/năm; chương trình xóa đói, giảm nghèo đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Từ gần 122.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17% tổng số hộ dân thành phố vào năm 1992, đến cuối năm 2010, cơ bản không còn hộ nghèo có mức thu nhập gấp đôi tiêu chí cũ và phấn đấu đến năm 2015 thành phố cơ bản không còn số hộ nghèo theo tiêu chí mới là dưới 12 triệu đồng/người/năm.

Đảng bộ thành phố luôn quan tâm lãnh đạo gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với an ninh, quốc phòng và đối ngoại trong quy hoạch và các kế hoạch phát triển thành phố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ và lực lượng võ trang vững mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ thành phố và đất nước.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Đảng bộ thành phố luôn tăng cường lãnh đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo tham gia các phong trào hành động cách mạng, gắn với phong trào thi đua yêu nước. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc về dân sinh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, không ngừng củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Như vậy, sau 36 năm kể từ ngày giải phóng, thực hiện Di chúc Bác Hồ, thành phố Hồ Chí Minh đã “cùng cả nước” không ngừng nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn để ổn định và phát triển đi lên. Và “vì cả nước”, thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực đóng góp vào quá trình tìm tòi sáng tạo và thử nghiệm, vận dụng nhiều mô hình, cơ chế quản lý mới, nhằm góp phần có ý nghĩa vào việc hình thành, phát triển và thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng ta.

Có thể để khẳng định, một trong những nguyên nhân hàng đầu giúp cho Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là do Đảng bộ và nhân dân đã ra sức thực hiện những lời di huấn quý báu trong Di chúc của Bác Hồ về công tác xây dựng Đảng, nỗ lực phấn đấu thực hiện lời thề thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân khi vĩnh biệt Người: Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nguyện “Suốt đời học tập đạo đức tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”.

Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Đảng bộ thành phố đã tự giác và có nhiều nỗ lực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng bộ, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đã mang lại kết quả bước đầu với những chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân thành phố.

Chuyển biến lớn nhất qua các đợt học tập, là “nỗ lực làm theo” tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên, chất lượng sinh hoạt của chi bộ, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy cũng như thực hiện tự phê bình, phê bình, thực hành dân chủ, đoàn kết trong nội bộ được nâng cao. Đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân thực hiện tốt, nhất là trong việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; trong công tác phòng, chống tham nhũng; trong cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc ở các cấp, trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của dân, chăm lo cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân và qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hàng trăm cán bộ, đảng viên, công chức ở các cấp được biểu dương khen thưởng vì đã “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân”, góp phần củng cố, tạo thêm lòng tin của người dân đối với cơ quan chính quyền các cấp.

Thực hiện lời dặn dò có tính chiến lược cách mạng và tư tưởng nhân văn sâu sắc trong Di chúc của Bác đối với đoàn viên, thanh niên, trong nhiều năm qua, Đảng bộ thành phố đặc biệt quan tâm đến việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, thường xuyên giáo dục, xây dựng và phát huy thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế, có sức khỏe, tri thức và tác phong công nghiệp trong lao động để trở thành những công dân tốt, những người chủ hiện tại và tương lai của thành phố và đất nước, kế thừa trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Lòng tôn kính Bác Hồ của người dân còn thể hiện trong từng nếp sống văn hóa truyền thống của mỗi gia đình người dân. Trên bàn thờ tổ tiên của một số gia đình, bức chân dung Bác Hồ luôn đặt ở vị trí trang trọng nhất, nhân dân thờ Người bằng tất cả tấm lòng kính yêu vị Cha già của dân tộc.

Từ sau khi nước nhà độc lập, dù nắng hay mưa, ngày ngày từng dòng người tấp nập vẫn xếp hàng để được vào Lăng viếng Bác, trong đó có biết bao đồng bào, chiến sỹ, nhân dân miền Nam lần đầu tiên mới được thỏa lòng ước nguyện nhìn thấy Bác kính yêu. Chúng ta không thể quên hình ảnh Đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng từ miền Nam ra Lăng viếng Bác. Nhiều Mẹ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, bước đi chậm chạp, khó khăn, sự chịu đựng hy sinh, mất mát đã in hằn trên khuôn mặt khắc khổ của các Mẹ, đôi mắt giờ đã không còn tinh tường nhưng khi được nhìn thấy Bác, xem những thước phim tư liệu về giờ phút cuối đời của Bác, Mẹ nào cũng nước mắt rưng rưng.

Để tỏ lòng thành kính với Người, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, như đã thành thông lệ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân Nam bộ nói chung lại về Lăng báo công với Bác những thành tích đã đạt được trong một năm qua và gửi tình Nam ra Bắc qua những đóa hoa Mai vàng rực rỡ thay lời chúc mừng năm mới đến tập thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ làm việc tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân cả nước. Miền Nam của Người, niềm mong mỏi cháy lòng của Người lại về bên Người, chào đất nước thêm một mùa xuân mới. Đó là những cây Mai vàng tượng trưng cho tấm lòng người con miền Nam trở về bên Người như về với chính cội nguồn bằng tình cảm thân thương, kính trọng nhất đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Với công lao to lớn của Người, với tư tưởng đạo đức cách mạng và nhân cách trong sáng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi xứng đáng là một con người vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tấm gương hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước; tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người luôn cổ vũ, động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người và dân tộc đã lựa chọn. Giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng Lăng của Người là góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là giữ gìn một di sản vô giá của dân tộc và toàn nhân loại. Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình, nhân dân trong nước và khách quốc tế lại về bên Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ung dung, giản dị như vừa chợp mắt sau một ngày làm việc…

Trong dòng mạch văn hóa đời sống của người dân miền Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, hình ảnh Bác luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất và luôn ở trong tim mỗi người. Đảng bộ và nhân dân thành phố hôm nay nguyện phấn đấu làm theo Lời Bác dạy để rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức của Người nhằm góp phần cùng cả nước xây dựng “Đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Bác đã mong ước và căn dặn, mãi xứng đáng là thành phố được mang tên Người./.

Nguyễn Thị Hồng Vượng
Phòng Pháp chế, Văn phòng Ban Quản lý Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement