Ngày 6-6: Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các năm

Ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc đang sống ở Liên Xô, với bí danh là Lin đã gửi thư cho một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản.

Ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào” gửi tới các tầng lớp nhân dân cả nước nhằm triển khai nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng…”.

Bức thư thực sự là một bài hịch cứu nước: “Việc cứu nước là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài góp tài năng… Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí. Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”.

Ngày 6-6-1946, tiếp tục hành trình sang thăm nước Pháp, máy bay đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Karachi bay 2.610km để tới thành phố Habangna thuộc lãnh thổ Iraq khi đó vẫn là thuộc địa của Anh.

Ngày 6-6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đặt ra 3 loại huân chương cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

Ngày 6-6-1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Phải chống bệnh quan liêu” của Bác, phân tích kết quả cuộc vận động phê bình, trong đó có vai trò của báo chí. Tác giả nhấn mạnh: “Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm… Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống, từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí…”./.

Theo tvad.com.vn
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement