
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và sinh viên Bách khoa
Ngày 20-6-1939, với bí danh là Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Trung Quốc, tham gia khóa 2 lớp huấn luyện cán bộ du kích ở Nam Nhạc, từ đây có thể liên hệ với Văn phòng Bát Lộ Quân đóng ở Quế Lâm và theo dõi thời cuộc qua các phương tiện điện đài được trang bị.
Ngày 20-6-1946, trong thời gian phải lưu lại thành phố Biarritz chờ Chính phủ Pháp tổ chức đón tiếp, Bác đã đi thăm làng chài và ra biển câu cá với dân địa phương. Tối hôm đó, Bác tiếp Bộ trưởng Bộ Quân vụ và 3 nghị sĩ Pháp đến chào để bày tỏ sự thân thiện.
Ngày 20-6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới”, nhân dịp nửa năm kháng chiến, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Với nhân dân Pháp, thư viết: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp đều chung một lý tưởng: Tự do, bình đẳng, bác ái…, có một mục đích chung: Cộng tác thân thiện và bình đẳng giữa hai dân tộc. Vận mệnh của nhân dân Việt Nam và vận mệnh của nhân dân Pháp rất quan hệ với nhau… Chúng tôi rất mong các bạn cùng chúng tôi hành động để ngăn trở bọn thực dân phản động phá hoại cái lý tưởng chung, lợi ích chung và tình nghĩa giữa hai dân tộc chúng ta…”. Với nhân dân châu Á, thư viết: “Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Tranh đấu cho tự do độc lập của Việt Nam tức là tranh đấu cho tự do, độc lập của đại gia đình châu Á”. Còn với “các nhân sĩ dân chủ trên thế giới”, thư kêu gọi: “Mong các bạn lên tiếng ủng hộ hòa bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam!”.
Ngày 20-6-1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác tập hợp những bài viết đăng trên Báo Cứu Quốc thành một cuốn sách mang tên là “Cần kiệm liêm chính”. Cuối sách, Bác viết: “Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt, con cháu mình sung sướng, gia đình mình ấm no, làng xóm mình thịnh vượng, nòi giống mình vẻ vang, nước nhà mình mạnh giàu. Mục đích ấy tuy to lớn nhưng rất thiết thực. Thiết thực vì chúng ta nhất định đạt được. Chúng ta nhất định đạt được, vì mỗi người và tất cả dân ta đều thi đua: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.
Ngày 20-6-1954,nghe tin phu nhân của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, một trí thức Việt kiều ở Nhật về nước phục vụ kháng chiến từ trần, Bác viết thư chia buồn: “…Nhưng sinh tử là lẽ thường của tạo hóa. Bác khuyên chú chớ quá buồn rầu, lấy công tác mà khuây khỏa…”.
Ngày 20-6-1960, Bác đến dự và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ Hà Nội, vạch rõ: “Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí… Muốn uống nước thì phải đào giếng, đào giếng thì phải đổ mồ hôi, nhưng càng khó nhọc vất vả thì giếng càng sâu, càng nhiều nước”./.
Theo tvad.com.vn
Huyền Trang (st)