Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Internet
Không chỉ là một chiến sỹ cách mạng xuất sắc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác đã nhận thấy báo chí là thứ vũ khí sắc bén, phương tiện hữu ích phục vụ sự nghiệp cứu nước. Năm 1922, trên hành trình tìm đường cứu nước, tại Pháp, Bác đã tham gia sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) và được coi là “linh hồn” của tờ báo, làm “chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo”. Các công đoạn làm báo đều được Người đảm nhiệm. Mối một số ra là sự lên án chủ nghĩa thực dân, sự kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa cùng nhau đoàn kết giải phóng dân tộc. Năm 1924, Người sáng lập báo
“Quốc tế nông dân”. Đặc biệt, đến năm 1925, tờ báo “Thanh niên” – cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, ra số đầu tiên ngày 21/6/1925 là điểm mốc đáng nhớ, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam hay nói cách khác là sự mở đầu cho cả một dòng báo chí ở Việt Nam. Trên thực tế, báo Thanh niên ra đời nhằm mục đích tuyên truyền đường lối cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời điểm năm 1925, Bác đồng thời sáng lập 2 tờ báo ‘Công nông”, “Lính Kách mệnh” (ở Trung Quốc) và sau đó là các tờ “Thân ái” (tại Thái Lan năm 1928), “Đỏ” – cơ quan của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng (tại Trung Quốc năm 1929). Sau nhiều năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác về nước và thành lập tờ “Việt Nam độc lập” (1941), “Cứu quốc” (1942) và sử dụng chúng làm diễn đàn để đấu tranh cách mạng.
Sau này, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và nêu cao trách nhiệm của báo chí, của nhà báo trước xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 là ngày Báo chí Việt Nam.
Ngay từ đầu, Bác đã coi báo chí là một bộ phận cấu thành văn hóa, là phương tiện cổ vũ, truyền bá và thực thi văn hóa. Đây là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng là diễn đàn của quần chúng nhân dân về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí trong dư luận trong nước và thế giới, đối với riêng bản thân mình, Bác rất cẩn trọng trong từng câu chữ, ý tứ, nội dung các bài báo mình viết. Bác luôn quan niệm phải viết sao cho dân chúng hiểu và quan tâm đọc. Bác có một thói quen là thường đem những bài báo sau khi viết xong cho những người xung quanh nghe và góp ý, kể cả khi Người đã làm Chủ tịch nước. Khi người đọc không hiểu hoặc hiểu không đúng, Bác thường sửa ngay. Vì thế, văn phong của Bác thường ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ mà vẫn thể hiện những nội dung quan trọng cần truyền bá tới người dân.
Bác căn dặn nhà báo trước hết phải là một chiến sỹ cách mạng, các nhà báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cách viết. Trong một lần nói chuyện với cán bộ, phóng viên được cử đi học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Bác có nói “Các chú phải nhớ là viết cho ai, viết cái gì, nhằm mục đích gì. Phải viết cho dân hiểu để dân làm, phải nghe lời phê bình hằng ngày của dân. Đừng cậy mình nhiều chữ rồi dài dòng văn tự, chẳng ai hiểu các chú nói và viết cái gì, rồi lại cho là đàn gảy tai trâu”.
Báo chí cách mạng là tiếng nói đúng và kiên định của Đảng và nhân dân. Để báo chí không đi chệch đường lối chính trị của Đảng, Bác có đề ra 6 điểm chính đối với các nhà báo cũng như các cơ quan báo chí:
“1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.
2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì:
3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:
4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì:
5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:
6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”.
Những lời dạy đó của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Các cơ quan báo chí luôn quán triệt quan điểm có tính nguyên tắc, đó là báo chí đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, chính trị, xã hội, nghề nghiệp vừa là diễn đàn của nhân dân; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới.
Theo dòng chảy của cách mạng, của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Thế giới phát triển không ngừng, các mối quan hệ giao lưu trong nước và quốc tế không ngừng mở rộng, công nghệ thông tin bùng nổ nhưng những nguyên tắc của báo chí cách mạng Việt Nam thì không thay đổi. Trong suốt chặng đường phát triển, báo chí Việt Nam và đội ngũ các nhà báo đã không ngừng cố gắng, cống hiến, làm tốt vai trò là người tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung của sự nghiệp cách mạng nước nhà./.
Huyền Trân (Tổng hợp)