Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vinh dự và trách nhiệm

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta. Người tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho những giá trị cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam; Người là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng; là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ thân thiết gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân. Công lao và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ uyên bác và tầm nhìn sâu rộng của Người, một nhân cách lớn, một tấm lòng độ lượng bao dung đã đưa Người trở thành Người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là giữ gìn lâu dài thi hài Bác và sớm xây dựng Lăng của Người để ghi lại mãi mãi hình ảnh, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và công ơn trời biển của Hồ Chủ tịch muôn vàn kính yêu – Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do hạnh phúc của nhân dân ta, cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới và cho lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa. Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong phiên họp ngày 29/11/1969 Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Quyết nghị của Bộ Chính trị đã phản ánh lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch. Đồng thời cũng phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc vốn có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, thờ phụng ông bà tổ tiên, xây dựng Lăng mộ để tưởng nhớ những người có công với dân, với nước. Đáp ứng nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam là được tận mắt trông thấy Người, được thường xuyên đến thăm Người, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn đối với Người. Đặc biệt là tình cảm của đồng bào, chiến sỹ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù, chưa một lần được gặp Bác; để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau được đến chiêm ngưỡng, học tập và nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng được Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao cho nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn thi hài Bác. Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay) đã ra đời và vinh dự được nhận nhiệm vụ chính trị đặc biệt này.

Nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác là một khoa học tổng hợp bao gồm nhiều lĩnh vực và chưa có tiền lệ ở nước ta như: Y học, sinh học, hoá học, kỹ thuật kiến trúc…… với những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt; nhất là giữ gìn thi hài để đưa ra chiêm ngưỡng. Riêng ở nước ta nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác thêm khó khăn phức tạp bởi điều kiện chiến tranh, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm khắc nghiệt và thiên tai liên tiếp. Ngay sau ngày Bác Hồ qua đời, mặc dù trong lúc đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng việc xây dựng Lăng Bác đã trở thành nguyện vọng thiết tha của toàn dân, toàn quân ta. Đồng bào và chiến sỹ cả nước đều mong muốn có một nơi an nghỉ cuối cùng của Bác để tôn vinh công lao và sự nghiệp vĩ đại của Người, để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau có điều kiện tới viếng Bác và nguyện đi tiếp con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Ngay từ những ngày đầu khi Bác mất, kìm nén những tình cảm đau thương, mất mát một bộ phận cán bộ, bác sỹ, kỹ sư đã cùng các đồng chí chuyên gia Liên Xô thực hiện những công việc đầu tiên để giữ gìn lâu dài thi hài Bác, phục vụ Lễ viếng Bác tại Hội trường Ba Đình và Lễ quốc tang tại Quảng trường Ba Đình. Đó là bước khởi đầu vô cùng quan trọng quyết định việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Những năm tiếp theo, để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ Chính trị giao, Bộ Quốc phòng đã bổ sung thêm lực lượng và thành lập Đoàn 69 để đảm nhiệm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, một nhiệm vụ khó khăn, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt trên cả nước, trực tiếp đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại trên quy mô lớn, có tính chất hủy diệt của không lực Hoa Kỳ đối với miền Bắc, cộng với điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, lũ lụt lớn xảy ra vào năm 1971 và điều kiện kỹ thuật còn rất thiếu thốn, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69 đã vừa học vừa làm, vừa bí mật tổ chức nghiên cứu, vừa phải tổ chức hành quân di chuyển để bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Bác.

Trong 6 năm từ 1969 đến 1975, đã tổ chức 6 lần di chuyển thi hài Bác tới 4 địa điểm khác nhau trong hoàn cảnh chiến tranh đang diễn ra gay go, ác liệt; thiên tai đe dọa, song đội ngũ cán bộ, bác sỹ Việt Nam sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học y tế Liên Xô, bảo quản giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác, tạo ra những tiền đề rất quan trọng cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác sau này.

Cũng thời gian này, ngày 2/9/1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử và sau 2 năm thi công khẩn trương liên tục, ngôi nhà vĩnh cửu của Người đã hoàn thành đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tưng bừng chào đón thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ngày 18 tháng 7 năm 1975 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đón Bác về Lăng – nơi yên nghỉ cuối cùng của Người. Lực lượng quân đội tham gia thi công xây dựng công trình Lăng, trực tiếp tham gia lắp đặt các thiết bị máy móc công trình và sau đó lực lượng này được tuyển chọn giữ lại thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành thiết bị công trình Lăng. Ngày 29 tháng 8 năm 1975, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, ngày lịch sử đó đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua gần 42 năm giữ gìn thi hài Bác và gần 36 năm mở cửa Lăng đón đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác; các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, tự lực tự cường vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội tin tưởng giao phó. Thi hài Bác được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi “lắng hồn núi sông” – một công trình của “lòng dân, ý Đảng” – một công trình kiến trúc văn hoá độc đáo, niềm tự hào của người Việt Nam được tôn tạo, duy tu, bảo vệ đã đón tiếp tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm sâu nặng, đời đời biết ơn công lao trời, biển của Người đối với dân, với nước và nguyện đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. “Cả cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu, nay Bác ngủ, chúng con canh giấc ngủ”. Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và công trình Lăng của Người là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm đặc biệt của mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quá trình xây dựng và trưởng thành của đơn vị là quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn thách thức với những chiến công thầm lặng. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn ý thức sâu sắc được niềm vinh dự và tự hào, trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đơn vị cũng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác; nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ, sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Liên Xô sụp đổ, nguồn viện trợ không còn nữa, nhiệm vụ của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thử thách. Song thử thách của giai đoạn này cũng là thời cơ để đơn vị từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, triển khai nhiều nội dung công tác lớn, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài với những bước đi phù hợp. Với phương châm vừa phát huy kinh nghiệm đã được tích lũy và truyền thống đơn vị, vừa tranh thủ hợp tác với các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia Nga của Trung tâm nghiên cứu Y sinh Matxcơva – Liên bang Nga chủ động vươn lên từng bước làm chủ vững chắc khoa học công nghệ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Đồng thời đơn vị đã tập trung đầu tư xây dựng tiềm lực của Viện 69 từng bước đủ sức tự đảm nhiệm công tác y tế chăm sóc giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Từ chỗ ta phụ thuộc hoàn toàn vào Bạn, sau thời gian ngắn ta đã làm chủ được các quy trình làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn thi hài Bác; phục vụ lễ viếng thường xuyên và đột xuất bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đặc biệt từ năm 2004, đơn vị đã chủ động chuẩn bị về mọi mặt, phối hợp với các chuyên gia Nga, pha chế thành công dung dịch đặc biệt tại Việt Nam và đưa vào sử dụng trong dịp làm thuốc lớn cho thi hài Bác. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đơn vị, khảng định khả năng từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác và phục vụ lễ viếng, đơn vị đã tích cực, chủ động vươn lên làm chủ hoàn toàn hệ thống thiết bị kỹ thuật của công trình Lăng. Đơn vị đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, từng bước cải tạo, thay thế những thiết bị chính theo hướng hiện đại, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Song song với nhiệm vụ y tế, kỹ thuật; nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ, sẵn sàng chiến đấu được đặc biệt quan tâm và luôn hoàn thành xuất sắc, góp phần vào bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình Lăng, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, các buổi lễ viếng, các sinh hoạt chính trị văn hóa diễn ra ở khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình. Đơn vị đã chủ động tham mưu, đề xuất và được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, từ ngày 19 tháng 5 năm 2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày được tiến hành trang trọng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy tốt tác dụng giáo dục truyền thống, giáo dục niềm tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc, với Bác Hồ kính yêu. Hình ảnh của Tổ quốc với lãnh tụ được hoà quyện vào nhau, càng tôn thêm giá trị văn hoá, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhận thức rõ niềm vinh dự và trách nhiện lớn lao trước Đảng, trước dân. Từ ngày khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích Lịch sử – Văn hóa Ba Đình từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa; tham quan khu vực Lăng và Khu Di tích K9. Từ ngày mở của Lăng đến nay, đã đón tiếp hơn 40 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách nước ngoài của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Trong những năm qua, số lượng người đến viếng Bác ngày càng đông, có ngày lên tới hơn 30 nghìn người, nhưng đều được đón tiếp an toàn, tận tình, chu đáo. Đón tiếp, phục vụ hơn 1500 buổi sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng Bác; chiếu phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tặng Huy hiệu Bác Hồ cho nhiều đoàn và các đại biểu. Đặc biệt là từ năm 2003 đến nay, đơn vị đã chủ động đề xuất với cấp trên, phối hợp với các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương tổ chức đón tiếp được nhiều đoàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách ở các địa phương về Lăng viếng Bác. Tại Khu Di tích K9, chỉ tính từ năm 1998 đến nay, đơn vị đã đón tiếp gần 20.000 đoàn tới tưởng niệm Bác và tham quan Khu Di tích. Trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là thời cơ để tạo sự chuyển biến toàn diện về đạo đức lối sống, phương pháp tác phong công tác. Mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, gương mẫu “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công tác đón tiếp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan Lăng, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan Khu Di tích K9 làm cho phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” bên Lăng Bác ngày càng được củng cố, toả sáng, lan toả trong các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác. Bên cạnh việc thực hiện tốt Cuộc vận động trong đơn vị, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động làm tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, và phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị trong cả nước nhằm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Tổ chức Lễ báo công dâng Bác, giao ước thi đua, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội, lễ khai giảng, tuyên thệ, lễ rước đuốc lấy lửa truyền thống…Từ khi tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có nhiều buổi lễ báo công, phát động thi đua, lễ tuyên dương các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động, đã tạo được sức lan toả trong các ngành và các địa phương cả nước.

Với niềm vinh dự tự hào, với tình cảm và trách nhiệm được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội tin tưởng giao cho thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, đơn vị luôn coi trọng và làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng tổ chức đảng TSVM gắn với xây dựng đơn vị VMTD. Kết hợp chặt chẽ việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng; nhiệm vụ của cách mạng, quân đội và đơn vị, làm cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành, gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, trung thực, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và kỷ luật quân đội. Hơn 35 năm qua, lớp lớp cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của đơn vị đã xây đắp nên truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bước vào giai đoạn mới của cách mạng, nhiệm vụ chính trị của đơn vị có bước phát triển và có yêu cầu rất cao. Để hoàn thành được trọng trách nặng nề và vẻ vang mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội đã tin tưởng giao phó; mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nêu cao ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực, chủ động sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, hoàn thiện những vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về khoa học ướp, bảo quản thi thể trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng Viện 69 trở thành Viện chuyên ngành chính quy, khoa học và từng bước hiện đại. Quản lý, vận hành an toàn các hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng và các công trình có liên quan. Thực hiện tốt công tác nghi lễ, tập trung huấn luyện, rèn luyện nâng cao trình độ khả năng chiến đấu của bộ đội, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án tác chiến. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động phòng chống có hiệu quả mọi âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích Lịch sử – Văn hóa Ba Đình, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho công trình; thuận tiện, chu đáo cho đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, các sinh hoạt chính trị, văn hoá tại Lăng và tham quan Khu Di tích K9.

Chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện thực sự chính quy, mẫu mực, tinh nhuệ tương xứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Tăng cường quản lý rèn luyện kỷ luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước và kỷ luật Quân đội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới. Thực hiện tốt các phong trào thi đua, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và làm tốt chính sách hậu phương Quân đội. Thực hiện thắng lợi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để Lăng Bác mãi mãi là nơi tôn nghiêm nhất, là không gian thiêng liêng của toàn dân tộc, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, chí anh hùng và phẩm chất tốt đẹp nhất của các thế hệ người Việt Nam./.

Đại tá Nguyễn Văn Lâm
Phó Chủ nhiệm Chính trị
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement