Người thiết kế Kỳ đài Độc lập

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình Ảnh: TL

Nhớ đến ngày Lễ Độc lập (2/9/1945), mỗi chúng ta đều không quên được hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên Kỳ đài giữa Ba Đình lịch sử, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Người vinh dự được giao nhiệm vụ thiết kế Kỳ đài trong buổi lễ lịch sử đó là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh quê làng Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

Sáng 1/9/1945, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đang làm việc ở văn phòng thì được ông Phạm Văn Khoa, cán bộ của Ban Văn hóa Cứu quốc đến truyền đạt yêu cầu của Kỳ bộ Việt minh về việc thiết kế Kỳ đài để chiều 2/9 Hồ Chủ tịch lên đọc Tuyên ngôn Độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Ba Đình. Ông Phạm Văn Khoa nêu yêu cầu: Kỳ đài làm giản dị nhưng phải trang nghiêm; trên có thể đứng được hơn 30 người.

Nghe xong yêu cầu thiết kế Kỳ đài, ông Ngô Huy Quỳnh liếc nhìn đồng hồ và nhẩm tính: “Thời gian quá gấp”, tuy vậy ông vẫn hẹn ông Phạm Văn Khoa 12 giờ trưa hôm ấy đến xem bản vẽ phác thảo của ông. Nói xong, ông nhanh chóng chuẩn bị mấy thứ đồ nghề rồi vội đạp xe đến vườn hoa Ba Đình để khảo sát thực địa. Đứng ngắm toàn cảnh vườn hoa Ba Đình, khảo sát tất cả các địa điểm, mặt bằng, những hình khối xung quanh vườn hoa có liên quan rồi ngồi ngay tại hiện trường phác thảo nhanh 3 phương án thiết kế, xong lại hối hả đạp xe về văn phòng để kịp thời gian để ông Phạm Văn Khoa và anh em trong cơ quan tham gia ý kiến. Đúng 12 giờ trưa ngày 01/9, ông Phạm Văn Khoa và anh em trong văn phòng có mặt đông đủ để nghe kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trình bày bản vẽ phác thảo Kỳ đài.

Sau khi nghe ông Quỳnh báo cáo, mọi người đều nhất trí chọn phương án thi công đơn giản nhưng lại toát lên được ý tưởng của tác giả đó là sự hài hòa giữa không gian của vườn hoa Ba Đình với biển người đứng trong khu vực, mọi người đều có thể nhìn được Hồ Chủ tịch và các thành viên Chính phủ lâm thời. Mọi người thống nhất cao và đúng 12 giờ 30 ngày 1/9/1945, Kỳ đài bắt đầu được thi công. Là người thiết kế nhưng vì thời gian quá gấp nên Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trực tiếp cùng mọi người thi công Kỳ đài. Cũng buổi sáng hôm đó, ông Phạm Văn Khoa đến mời thêm ông Quyến là thợ mộc rất giỏi ở phố Hàng Hành để cùng với kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thi công Kỳ đài.. Xem qua bản vẽ, ông Quyến tính số khung, số ván, số đinh và một số vật liệu khác để Ban Tổ chức chuẩn bị. Ông Phạm Văn Khoa nhờ luôn ông Quyến huy động thêm 10 người thợ mộc cùng 40 anh em ở Ban Cổ động, Ban Khánh tiết, Ban Khoa giáo đến giúp việc. Không khí làm việc khẩn trương, mọi người làm việc luôn tay, không thấy mệt, chỗ này cưa, chỗ kia dọc gỗ. Tiếng đục, tiếng đóng đinh chan chát vang cả không gian. Lúc bấy giờ vườn hoa Ba Đình chỉ là khoảng đất phẳng, nên mọi người chôn các trụ của Kỳ đài xuống đất, như thế vừa tiết kiệm gỗ lại không phải cưa và tạo cho Kỳ đài vững chắc.

Khi Kỳ đài vừa được dựng lên, anh em trong ban Khánh tiết bọc vải, ken hoa và chuẩn bị hệ thống âm thanh. Gần 6 giờ sáng hôm sau (ngày 2/9/1945) Kỳ đài được hoàn thành. Kỳ đài cao hơn 4m, rộng và sâu 4m, trên có 1 cột cờ cao hơn 10 m, hai bên có hai lư hương lớn bằng gỗ. Khi đứng trên Kỳ đài để kiểm tra lần cuối cùng, ông Ngô Huy Quỳnh thấy đồng bào khắp nơi đang đổ về với khí thế cách mạng hừng hực, cờ hoa, biểu ngữ giăng khắp. Mùi trầm từ hai lư hương lớn tỏa hương ngào ngạt, ông thấy lòng thanh thản vì vừa hoàn thành một trọng trách to lớn – Kỳ đài biểu tượng của ý chí độc lập dân tộc đã kịp hoàn thành phục vụ cho Lễ Độc lập đầu tiên của nước nhà, cứ thế nước mắt kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trào ra vì sung sướng, hạnh phúc…

Hà Nội, mùa thu năm 2011
Đặng Bình Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement