(ĐCSVN) – Lý luận giáo dục học cho chúng ta thấy rằng, nội dung giáo dục quyết định phương pháp giáo dục. Để chuyển tải tốt nội dung đòi hỏi nhà giáo dục phải biết kết hợp có hiệu quả nhiều phương pháp giáo dục phù hợp.
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tư tưởng về giáo dục lý luận chính trị của Hồ Chí Minh không bó hẹp trong việc giáo dục tri thức cho người học, mà còn có tính bao quát, sâu xa nhưng vô cùng sinh động, thiết thực nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ toàn diện, vừa hồng vừa chuyên, có chuyên môn, lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng, sức khỏe, thẩm mỹ…
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân. Người yêu cầu: Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình.
Để giáo dục lý luận chính trị đạt kết quả tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một số phương pháp cơ bản, chủ yếu trong giáo dục lý luận chính trị.
Thứ nhất, Người xác định: Dạy và học lý luận chính trị“phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”, “phải biết tự động học tập”, phải“lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo mà giúp vào”. Hồ Chí Minh đề cao vấn đề tự học trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Người nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già, cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời” [Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.92]. Phải dành nhiều thời gian cho khâu tự học của học viên, bao gồm tự nghiên cứu làm đề cương, thảo luận, tranh luận, sinh hoạt tập thể theo nhóm, tổ hay cả lớp với những chủ đề thích hợp theo sự hướng dẫn của giảng viên.
Hai là, trong giáo dục và học lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý phải thực hành phương pháp “nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ ”. Hồ Chí Minh dạy: “Phải khiêm tốn, thật thà. …, cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” [Sđd, T.8, tr.499]. Đối với phương pháp này, Người không chỉ yêu cầu đối với người học mà còn đòi hỏi đối với người dạy phải độc lập suy nghĩ, đào sâu hiểu kỹ, suy nghĩ chín chắn mới có thể hiểu sâu lý luận, nâng cao tư tưởng, giữ vững lập trường. Hồ Chí Minh yêu cầu trong giảng dạy cần xác định nội dung cốt lõi trong toàn hệ thống. Chỉ có trên cơ sở bao quát toàn bộ thì mới xác định được vấn đề cốt lõi, nội dung chính, trọng tâm cần nắm vững và vận dụng; có như vậy mới khắc phục được tình trạng phiến diện, nhìn cây mà không thấy rừng hoặctình trạng chung chung, đại khái, chỉ biết rừng mà không biết các loại cây cụ thể. Đồng thời, trong huấn luyện phải chú ý vào rèn luyện phương pháp, kỹ năng, tạo cho người học nắm được bản chất của các quan điểm lý luận, có thể độc lập, tự chủ xử trí đúng công việc trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ba là, công tác đào tạo lý luận chính trị phải thiết thực, cụ thể, phù hợp với đối tượng, với thực tiễn. Hồ Chí Minh cho rằng, công tác giảng dạy phải xuất phát từ tình hình cụ thể, phù hợp với từng đối tượng cán bộ… Nhằm “cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: có cách hiểu thấu thật tỉ mỉ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ. Trái lại cũng có cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được” [Sđd, T.6, tr.47]. Giảng viên cần hiểu rõ và nắm chắc nhu cầu nhận thức của người học và mối liên hệ giữa nội dung học tập với chức trách, nhiệm vụ của người học và thực tiễn địa phương, đơn vị công tác của họ.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Điều kiện có ý nghĩa quyết định hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị là đội ngũ và chất lượng giảng viên. Đội ngũ này phải đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phải được lựa chọn cẩn thận, đòi hỏi phải được đào tạo cơ bản, có hệ thống, được bồi dưỡng thường xuyên, được tổ chức và quản lý chặt chẽ; phải đảm bảo về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Người giảng viên lý luận chính trị phải là những người trung thành với đường lối chính trị của Đảng, tận tụy phục vụ lợi ích của nhân dân, có khả năng tổ chức và vận động thuyết phục quần chúng, có trình độ sư phạm.
Năm là, tổ chức quản lý học viên trong quá trình đào tạo. Muốn huấn luyện lý luận chính trị trước hết phải có tổ chức, có lãnh đạo sâu sát, tỉ mỉ và chu đáo. Tổ chức huấn luyện phải bám sát cả yêu cầu số lượng và chất lượng; đồng thời, Hồ Chí Minh quan tâm đến cách thức tổ chức lớp. “Đông quá thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch, nên thu nhận không đều. Trình độ công tác thực tế của người học cũng khác nhau, nên chương trình không sát” [Sđd, tr.52].
Người phê phán việc mở lớp lung tung, chồng chéo lẫn nhau, tốn sức, tốn của của Đảng, Nhà nước và nhân dân, rời rạc không đâu vào đâu. Người cho rằng: “Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi “bắt phu”, vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như “chuồn chuồn đạp nước”, dạy không được chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải “bịt lỗ”, người “bịt lỗ” năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho Đoàn thể. Rốt cuộc chỉ tốn gạo mà học thì học táp nhoang” [Sđd, tr.52]. Các lớp huấn luyện phải được tổ chức thường xuyên; chương trình, giáo trình phải có tính hệ thống theo từng mức độ từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Sáu là, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập của đội ngũ giảng viên và học viên của trường. Ngoài nguồn lực con người như là nhân tố quyết định, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị còn phụ thuộc vào phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật trực tiếp phục vụ cho việc dạy và học; là các loại tài liệu, giáo khoa, giáo trình, lớp học, bàn ghế, đồ dùng dạy học v.v… Đặc biệt, về tài liệu, Hồ Chí Minh cho rằng: “Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc. Nhưng tài liệu phải lựa chọn, xếp đặt lại, vì trình độ người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp với từng hạng. Tài liệu không thích hợp thì học không có ích lợi gì” [Sđd, T.6, tr.49]; các nhà kinh điển mácxít đã để lại một kho tàng kinh điển đồ sộ thông qua những bài nói, bài viết và những tác phẩm phản ánh những vấn đề – những nguyên lý cơ bản trên mặt trận lý luận, tư tưởng nhưng không phải là một bộ sách giáo khoa hay một bài giảng có sẵn. Vì vậy, sử dụng như thế nào cho có hiệu quả, cần phải có sự nghiên cứu, chọn lọc; nhưng không thể có chung một loại tài liệu cho mọi đối tượng.
Bác Hồ là người đã vận dụng tốt vấn đề này, tiêu biểu là việc Người biên soạn tác phẩm Đường Cách mệnh trong những năm 1925-1927 để huấn luyện các lớp đào tạo cán bộ đầu tiên của Đảng; một quyển sách vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu, vừa có sức thuyết phục phù hợp cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, ngoài những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin, Bác còn đề cập đến một loại tài liệu khác, đó là: “Những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đoàn thể và Chính phủ” [Sđd, tr.50].
Trong công tác giáo dục lý luận chính trị, cán bộ không nên viết dài, nói dài, trừu tượng, mà phải nói và viết cho ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu, súc tích và sinh động thì người học mới tiếp thu được. Người dặn: “Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài” [Sđd, T.5, tr.300].
Để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn nhiều vấn đề cần phải bàn và cần phải làm rất nhiều công việc mới có thể biến phương pháp của Người thành hiện thực. Thiết nghĩ, cần phải nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục lý luận chính trị, tập trung đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng trong Đảng, trước hết cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt các cấp; đổi mới nội dung, phương pháp học tập và giảng dạytrong hệ thống Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị, trong hệ thống giáo dục quốc dân; không ngừng nâng cao tính thiết thực và hiệu quả của chương trình học tập các môn lý luận chính trị. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; kiên định lập trường giai cấp công nhân, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng; năng động, sáng tạo, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách;đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, tận tụy, sáng tạo./.
Theo http://www.cpv.org.vn
Tâm Trang (st)