Tại diễn đàn Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội – 1990), Tiến sĩ A.Atmet, Giám đốc Unesco khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc Unesco đã khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không chỉ là người giải phóng cho tổ quốc và nhân dân bị áp bức mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một tương lai hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
Trọn cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cho hạnh phúc của cả dân tộc. Người quan tâm đến cuộc sống của mỗi con người nhưng không đòi hỏi gì cho riêng mình, không muốn nói về mình, không muốn nghe mọi người ca ngợi mình. Tất cả những phẩm chất cao quý, những nét đặc sắc thanh cao ấy đã kết thành sự vĩ đại của Người – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Chính vì vậy, ngay cả khi Người còn sống và sau khi Người qua đời đã có hàng ngàn, hàng vạn bài viết, những lời phát biểu đánh giá cao về sự nghiệp cách mạng, tư tưởng và đạo đức của Người.
Quảng trường Ba Đình vẫn vẹn nguyên như khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập của cả dân tộc trước sự chứng kiến của nửa triệu người Hà Nội ngày 2-9-1945, chỉ khác biệt ở chỗ là sự hiển diện của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trang ngiêm đứng ở phía Tây của Quảng trường. Lòng tin và sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể nhìn thấy trên gương mặt của từng người khách tham quan đến từ mọi miền đất nước Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, những người đã xếp hàng dài vài trăm mét để chờ đợi đến lượt mình bày tỏ lòng kính trọng đối với Người. Những dòng người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một thêm dài bất tận. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Lăng, từ ngày mở cửa Lăng 29-8-1975 đến nay đã có hơn 40 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác, trong đó có hơn 7 triệu lượt người nước ngoài đến từ 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế. Không phân biệt quốc tịch, màu da, không phân biệt tôn giáo, đảng phái chính trị, mọi người đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều với một tình cảm kính trọng và yêu mến. Hầu hết các Đoàn nguyên thủ quốc gia, các đoàn đại biểu cấp cao các nước, khách du lịch khi đến thăm chính thức Việt Nam, đến làm việc hoặc tham quan Thủ đô Hà Nội đều dành thời gian đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để viếng Người.
Có nhiều cách bạn bè quốc tế thể hiện tình cảm đối với Người: Có những dân tộc theo phong tục không được gặp mặt người đã mất, nhưng với lòng kính yêu Bác Hồ, họ vẫn đến trước Lăng để đặt vòng hoa tưởng niệm Người; có những đất nước như nước Cộng hoà U-krai-na, với mỗi đoàn đến viếng Bác, họ đều đặt vòng hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đúng màu cờ của nước mình. Nhưng nhiều nhất vẫn là những dòng cảm tưởng khi đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh của khách tham quan, của bè bạn quốc tế ngày một thêm trang phần nào nói lên tình cảm của bè bạn quốc tế đối với Người.
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta. Nhân dân Việt Nam và cả thế giới tiếc thương Người:
Ngài Hu-a-ri Bu-mê-điêng – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa An-giê-ri dân chủ, đã ghi vào trang đầu sổ tang ngày 4-9-1969: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng đầu tiên đã chiến đấu chống những hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và là một trong những người mà bằng lời nói và hành động của mình, đã đập tan cơ cấu của sự tàn bạo và góp phần vào sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, đã giành lại nhân cách của mình trên lĩnh vực tinh thần, ngôn ngữ và kinh tế để làm cho các dân tộc đoàn kết lại với nhau, tiến tới một nền hòa bình mà đặc điểm của nó là tự do và đoàn kết, thống nhất.
Người mất đi là thế giới thứ ba mất một người dũng cảm vì cuộc chiến đấu của Người cũng là cuộc chiến đấu của tất cả các dân tộc bị áp bức của châu Phi, của Pa-le-xtin, của Việt Nam, của Châu Á và của thế giới thứ ba, để giành lại phẩm cách và danh dự cho mình. Cuộc đấu tranh đó sẽ còn tiếp tục cho đến thắng lợi hoàn toàn và Người sẽ vẫn là tượng trưng cao cả nhất cho cuộc đấu tranh này.
Mong rằng tấm gương của Người và cuộc chiến đấu của Người sẽ là kim chỉ nam hành động cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh, cho thanh niên và cho các nhà lãnh đạo trên thế giới”.
Ngài Ap-đen Rát-man Ê-li-ri-a-li – Chủ tịch nước Cộng hòa Y-ê-men đã gửi điện chia buồn ngày 5-9-1969: “Chủ tịch Chủ Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ và người chiến sỹ vĩ đại đã dâng hiến cả cuộc đời cho tự do và công lý. Chúng tôi cảm thấy Châu Á đã mất đi một vị tư lệnh kiên cường, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng sự nghiệp vĩ đại của Người mà nhân dân Việt Nam anh hùng cùng nhân dân các nước đang tiếp tục phấn đấu để thực hiện nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn”.
Thủ tướng Ấn Độ, P.J.Nê-ru đã viết trên Báo “Người yêu nước” của Ấn Độ, ngày 14-9-1969: “Người không chỉ là một con người yêu hòa bình mà còn là một nhân vật đặc biệt đáng yêu và hữu nghị, một con người không nghĩ gì đến mình, giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người không chỉ giam mình trong tháp ngà. Về cơ bản, Người là một con người quần chúng, một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên quyết. Nhận xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào Người cũng là một nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”.
Chủ tịch Hội đồng Hoà bình thế giới Rô-met Chan-dra đã phát biểu nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“ Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.
Bất cứ nơi nào chiến đấu cho hoà bình và công lý
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.
Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao…”.
Sau khi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, số lượng khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm này luôn cao hơn năm trước. Dưới đây là những dòng cảm tưởng khi bè bạn quốc tế đến viếng Người:
Đoàn đại biểu Uỷ ban Văn hoá Đảng Cộng sản Mỹ, ngày 5-3-1983 đã ghi vào sổ cảm tưởng: “Chúng tôi có vinh dự lớn được thay mặt cho Uỷ ban Văn hoá Đảng Cộng sản Mỹ, cùng với nhân dân Việt Nam anh hùng đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh bất tử. Người luôn là nguồn cổ vũ lớn đối với nhân dân yêu chuộng hoà bình, với tất cả những người đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc và với tất cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Hôm nay là một ngày xúc động nhất và tôi chia sẻ điều đó với Đảng và nhân dân nước tôi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam anh dũng và để tưởng nhớ Người, chúng tôi luôn mong muốn cho sự đoàn kết bền chặt giữa hai dân tộc Mỹ – Việt”.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, ngày 19-12-1989: “Được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một niềm vinh dự to lớn của chúng tôi. Xin được bày tỏ lòng kính trọng của mình tới một nhân cách vĩ đại – Người đã cổ vũ và lãnh đạo nhân dân đất nước mình giành độc lập tự do cho dân tộc. Người đã đóng góp công lớn cho hoà bình và đoàn kết giữa các nước trên thế giới”.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Trương Đức Duy, ngày 30-12-1990 đã viết: “Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời cách mạng, cuộc đời vĩ đại, cuộc đời vẻ vang. Thật đáng khâm phục và đáng kính trọng biết bao nhiêu! Sau khi viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi thật vô cùng xúc động. Xin viết mấy dòng tỏ lòng tưởng nhớ:
Lãnh tụ vĩ đại
Công bộc nhân dân
Anh hùng dân tộc
Chiến sỹ quốc tế
Cả đời cách mạng
Cống hiến hết mình
Đức cao vọng trọng
Sáng như nhật nguyệt
Quý tình trọng nghĩa
Hữu nghị Trung – Việt
Bạn thân Hoa Hạ
Muôn đời truyền mãi”.
Đoàn đại biểu Cơ quan Giám sát hành chính Ai Cập, ngày 10-3-1998: “Thay mặt cho Cơ quan Giám sát hành chính Ai Cập, xin cảm ơn đất nước Việt Nam đã đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt. Đây là nơi ghi lại cuộc đấu tranh chống đế quốc và đây là biểu tượng của các dân tộc thế giới thứ ba, biểu tượng đó chính là Hồ Chí Minh vĩ đại – là biểu tượng tình đoàn kết giữa hai nước để đạt được những tiến bộ không ngừng vì lợi ích của nhân dân hai dân tộc Ai Cập – Việt Nam”.
Ngài Mohamad Ismail Mahshoor – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ap-ga-ni-xtan tại Việt Nam: “Ở nước tôi, nhân dân biết tới Bác Hồ như một người chiến sỹ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và sự tàn bạo. Bác Hồ là tấm gương sáng cho thanh niên Ap-ga-ni-xtan vì lòng yêu nước và sự cống hiến vô hạn cho nhân dân. Trẻ em Ap-ga-ni-xtan biết về Người như biểu tượng của lòng tốt, một người ông yêu trẻ. Trong sách báo chúng tôi có in rất nhiều hình ảnh Bác Hồ gặp thanh, thiếu niên với tình cảm rất mực yêu thương. Sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, cứu nước của Bác Hồ là chủ đề nghiên cứu của những người yêu nước chúng tôi. Bác Hồ sẽ sống mãi trong trái tim của nhân loại”.
Gặp gỡ những vị khách nước ngoài đến thăm Cụm Di tích Lịch sử – Văn hóa Ba Đình trong những ngày tháng Tư này, chúng tôi đều thấy sự ngưỡng mộ và lòng kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt nam.
Anh Giôn Hatđinh, người Ô-xtrây-lia, đang làm việc tại tờ Thời báo kinh tế Việt Nam nói: “Ông là một người có ảnh hưởng rất lớn không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với nhân dân của rất nhiều nước trên thế giới, không chỉ khi ông còn sống mà ngày nay cũng vậy. Mặc dù mỗi nước có một ngôn ngữ riêng nhưng khi bạn hỏi người nước ngoài về Việt Nam thì chắc chắn rằng họ sẽ nhắc đến Hồ Chí Minh trong câu trả lời”.
Anh Hatđinh đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Charisma”, từ chỉ những vị lãnh tụ có uy tín, có sức hút đối với quần chúng nhân dân. Theo anh, nhiều dân tộc trên thế giới có các anh hùng dân tộc nhưng không phải nước nào cũng có “Charisma”.
Anh Lơgêrốt, người Pháp, đang làm việc cho một dự án tại Hà Nội, khoe rằng anh rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh nên mỗi lần đến Hà Nội anh đều dành thời gian đi thăm quần thể Lăng, Bảo tàng và Khu Di tích của Người. Anh nói: “Hồ Chí Minh là biểu tượng cách mạng không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Vai trò của ông đối với đất nước Việt Nam là hết sức to lớn. Thật ấn tượng khi ông đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hòa bình, vì hạnh phúc cho người dân trong khi không mảy may nghĩ đến lợi ích riêng tư”.
Một vài dòng trên đây cũng không nói được nhiều, chỉ mong rằng qua đây mọi người thấy rõ thêm phần nào về tình cảm và sự kính trọng của bè bạn thế giới đối với Bác kính yêu.
Nguyễn Thị Lan Hương
Văn phòng Ban Quản lý Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh