“Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 161-162.).
Đó là câu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo nước ngoài, đầu năm 1946, ở thời điểm nước ta mới giành được độc lập, đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài, cùng những khó khăn chồng chất về kinh tế tài chính kiệt quệ… Gửi thông điệp này tới các nhà báo, chính là Hồ Chí Minh muốn tuyên bố với quốc dân đồng bào mục đích phấn đấu của cả đời Người là vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, không màng tới danh lợi. Lời tuyên bố trên của Bác đã trở thành khát vọng của cả dân tộc Việt Nam và đã từng bước được thực hiện. Còn phần sau của lời tuyên bố, là ước nguyện của riêng Người, một mong muốn hết sức bình dị, tự nhiên, đời thường, nhưng đã tạo nên một nét văn hoá Hồ Chí Minh, chính là điều chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này.
1.Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến sức lực và trí tuệ để thực hiện mong muốn tột bậc cho Tổ quốc, nhân dân và nhân loại. Còn ước nguyện cho riêng mình chưa được thực hiện. Người không thể:
“Thảnh thơi vui thú thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao”
(Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđ d, t.11, tr.245)
Tuy nhiên, trong những điều kiện và hoàn cảnh cho phép, Người vẫn tìm và tạo được cho mình một không gian nho nhỏ để tận hưởng cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, hưởng thụ những giá trị cuộc sống do thiên nhiên ban tặng. Đồng thời, vì sự phát triển chung của đất nước, Người cũng sớm đưa ra những chủ trương bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên… Cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có hai người Bạn Lớn, đó là Con người và Thiên nhiên. Yêu thương quý trọng con người, đồng thời rất yêu quý thiên nhiên. Đó cũng chính là cội nguồn của tình yêu Tổ quốc. Triết lý sống hài hòa với thiên nhiên, giản dị, yêu lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một giá trị vĩnh hằng. Chúng ta có thể hiểu được điều này qua những di sản mà Người để lại trên hành trình tìm đường cứu nước, trong những năm kháng chiến và qua những câu chuyện kể về cuộc sống đời thường của Bác…
Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, khi dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã để lại nhiều dấu ấn ở Phan Thiết, trong đó có cây khế anh chăm sóc từ 100 năm trước, hiện nay vẫn tốt tươi. Khi hoạt động ở vùng Đông Bắc Thái Lan trong những năm 1928, 1929, tại các địa điểm có nhiều Việt kiều như Phì Chịt, Uđon Thani, Sacon Nakhon, bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon Phanom còn để lại nhiều dấu ấn của Nguyễn Ái Quốc. Tháng 1 năm 2004, Làng Hữu nghị Việt – Thái ở bản Mạy, trong đó trung tâm hoạt động là di tích Nhà Hợp tác, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc đã được xây dựng lại. Tham quan địa điểm di tích này, chúng ta sẽ bắt gặp cây dừa, cây khế Bác trồng từ 80 năm về trước.
Trở về nước, hoạt động ở vùng biên giới Việt – Trung, hay ở chiến khu Việt Bắc, khi sống ở thành phố, hay ở vùng rừng núi, Bác vẫn duy trì một cuộc sống, sinh hoạt, làm việc gần gũi với thiên nhiên. Ở Côn Minh, sáng nào Người cũng đi bộ một vòng quanh thành phố. Ở Liễu Châu, mùa đông Người vẫn tắm sông. Ở vùng núi, Người thích đi bộ, tắm suối. Do yêu cầu của công việc kháng chiến, một ngày Người đi bộ 40, 50 cây số là thường, và có thể đi như thế ngày nọ qua ngày kia. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ở rừng, Bác chủ trương tránh ăn no, không ngủ trưa và hoạt động thân thể nhiều. Ngoài giờ làm việc, buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn, lúc cần đi vác củi cùng đồng bào.
Ở chiến khu Việt Bắc, Bác chỉ thị cho các đồng chí giúp việc chọn địa điểm làm nhà cho Người phải đảm bảo các yếu tố sau:
“Trên có núi
Dưới có sông
Có đất ta trồng
Có bãi ta vui.
Tiện đường sang tổng bộ
Thuận lối tới Trung ương
Nhà thoáng, ráo, kín mái
Gần dân, không gần đường.”
Bác còn nói làm lán chỉ được dựa vào cây, không được chặt cây. Đoàn công tác của Bác đi đến đâu thì lại dựng lán ở, cuốc đất trồng rau, trồng bầu, bí. Nhiều khi rau chưa kịp thu hoạch thì đã phải di chuyển. Những lúc rảnh rỗi, Người cùng các chiến sĩ ra suối câu cá, bắt cua, bắt ốc để cải thiện bữa ăn vốn chỉ có rau rừng, nổi tiếng là rau tàu bay, tuy “ăn nhẹ cả người, nhưng lại ngửi thấy mùi xăng”, như Bác vẫn đùa. Dọc đường kháng chiến, Người qua nhiều miền quê của đất nước, từ đồng bằng, đến vùng núi cao, rừng rậm, suối sâu… càng đi càng thấy đất nước tươi đẹp. Những lúc dừng chân nghỉ ở dọc đường, gối đầu trên ba lô, Người lại mơ về một ngày không xa, đất nước sạch bóng quân xâm lược, để toàn dân cùng chung tay xây dựng đất nước đẹp giàu.
Trở về Thủ đô Hà Nội, ở khu Phủ Chủ tịch, Người vẫn sống như ở chiến khu, ở trong nhà sàn quen thuộc, chứ không ở trong ngôi nhà Phủ Chủ tịch lộng lẫy cao sang. Cõi Bác xưa giờ đây là nơi tụ họp của hàng trăm loài cây, có đường xoài hoa trắng nắng đu đưa, hồ nước lặng sôi tăm cá, bưởi cam, thơm cạnh cây dừa nghiêng nghiêng soi bóng nước; có hàng bụt mọc chân trong nước, cạnh rễ đa kiên trì. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao.
Yêu thiên nhiên là tình cảm vốn có của Bác. Nó không chỉ biểu lộ hàng ngày trong cuộc sống, trong lối sống, mà khi có dịp đã biểu lộ thành thơ. Nhạy cảm và tinh tế, Bác đã để lại cho chúng ta nhiều bài thơ tức cảnh bằng chữ Hán thấm đẫm tình yêu, tri kỷ với thiên nhiên, những bài thơ không chỉ có hình ảnh “trăng”, “sông, suối”, “chim rừng”, “hoa núi”, “nghiên mực”, mà có cả những sản vật của thiên nhiên “cháo bẹ”, “rau măng”, “thịt rừng quay”, “ngô nếp nướng”. Tất cả phản ánh hiện thực cuộc sống ở chiến khu Việt Bắc.
Khi mới về nước, Bác ở Pác Bó, suối Lênin, nơi đầu nguồn cách mạng, chỉ với mấy câu thơ, đã miêu tả chân thực hoạt động cách mạng của Người, tràn đầy lạc quan, giữa núi rừng thiên nhiên. Bác đã vẽ nên cho chúng ta bức tranh thiên nhiên phong cảnh núi rừng miền Bắc: non xanh, nước biếc; cảnh vật yên bình thanh cao. Và đặc biệt thiên nhiên trong thơ Bác đã giao hoà với nhịp sống của người chiến sỹ cách mạng. Cháo bẹ, rau măng là những sản vật từ thiên nhiên đã cùng Bác sống trong những ngày gian khổ nhất:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông trên dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
Tập thơ “Nhật ký trong tù”, được Bác sáng tác trong điều kiện lao tù khắc nghiệt, vậy mà có nhiều bài thơ vẫn tràn ngập hình ảnh của thiên nhiên, Người đã lấy cái hiền dịu của thiên nhiên mà đối kháng với ác nghiệt của nhà tù. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai nhận xét: “Trong Nhật ký trong tù thiên nhiên chiếm một địa vị danh dự”. Thiên nhiên đẹp trong thơ Bác còn tượng trưng cho mơ ước, niềm vui, tương lai tươi sáng, khát vọng tự do, có thể dẫn ra đây một số bài thơ tiêu biểu, mà chắc rằng có rất nhiều người đã thuộc, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ.
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
“Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng
Vui say ai cấm ta đừng
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu”
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc sống khắc khổ khó khăn. Bác phải di chuyển chỗ ở liên tục. Lo kháng chiến, đánh giặc, nhưng trước cảnh đẹp của thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc, tâm hồn thơ của Người lại rung động và những tuyệt tác thơ chữ Hán ra đời. Bài Lên núi, Bác làm ở Lũng Dẻ, Lam Sơn:
Hai mươi tư tháng sáu,
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ,
Bên suối một nhành mai.
Bức tranh thiên nhiên cảnh vật Việt Bắc:
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”
Hay như bài Nguyên tiêu Bác làm năm 1948:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
Bài Vô đề, Bác viết năm 1949, dường như công việc kháng chiến đã sang một giai đoạn mới, Bác có phần yên tâm hơn trước đà thắng lợi của quân dân ta, nên mới có hình ảnh đẹp hết sức dung dị:
“Đường non, khách tới hoa đầy
Rừng sâu, quân đến tung bay chim ngàn
Việc quân, việc nước đã bàn
Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”
Họa sĩ Diệp Minh Châu, người được ở cạnh để vẽ Bác trong thời gian ở Việt Bắc, nhận xét: Bác là một nhà nghệ thuật lớn, có một tâm hồn lớn về nghệ thuật mang đầy tính chất của nhà thơ Á Đông… trong cuộc sống Bác rất chú ý đến cái đẹp. Trong khi tìm chỗ làm nhà, ngoài việc đảm bảo an toàn, Bác còn chú ý tới vẻ đẹp thiên nhiên. Trên đường đi công tác, nếu chỗ nào có cảnh đẹp Bác thường dừng lại giây lát để thưởng thức. Có đêm hai Bác cháu đang nghe đài. Chợt Bác kéo hoạ sĩ trỏ ra khung cửa sổ. Một mảnh trăng lưỡi liềm vừa nhô ra khỏi núi, toả sắc huyền ảo xuống cánh rừng xa xa. Bác nói: của chú đấy. Cái gì đẹp và thơ mộng thì Bác cũng cho là của nghệ sĩ. Nhưng hoạ sĩ Diệp Minh Châu thì cho rằng thật ra là của Bác. Bác đã tạo ra một sắc thái mới cho trời đất, núi sông, cây cỏ và cả dân tộc.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người có nhiều thời gian được sống và làm việc cạnh Bác thì lại rất hiểu về cuộc sống và tâm hồn nghệ sĩ của Người, ông liên tưởng đến hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Gió trăng chứa một thuyền đầy. Của kho vô tận biết ngay nào vơi” và nhận xét: “Hai câu thơ từ hàng trăm năm trước rất phù hợp với khung cảnh sống và lối sống của Hồ Chí Minh, thể hiện nguyện vọng và xu hướng của cuộc sống văn minh chân chính” (Trích Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh – Tinh hoa khí phách của dân tộc, nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tr. 210)
Trong xã hội ngày nay, cuộc sống này dường như khác biệt. Nhịp sống đô thị, với những thành phố khổng lồ, nhà cao chọc trời, đầy tiện nghi nhân tạo, nhưng tiềm ẩn những nỗi bất an cho con người như môi trường ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên, an toàn giao thông không đảm bảo. Xã hội “văn minh” như vậy lại tước đoạt đi của con người sự yên bình, thanh thản. Vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp, đã bao năm che chở bộ đội, vây hãm quân thù, giờ đây đang bị chặt phá bừa bãi, để xảy ra bao hệ lụy tiếp theo như lũ lụt, sạt lở. Tất cả đều do con người không biết trân trọng, yêu quý thiên nhiên, coi thiên nhiên là bạn… Chúng ta hãy trở về với những lời căn dặn của Bác. Học tập tấm gương yêu thiên nhiên của Bác.
2. “Mây gió trăng hoa tuyết núi sông” là thiên tạo, không dành cho riêng ai. Ai có tâm hồn tha hồ mà rung động, tận hưởng. Bác của chúng ta không muốn riêng mình hưởng lộc, mà muốn tạo ra một thiên nhiên giàu đẹp cho cả nhân dân Việt Nam được chung hưởng. Cả cuộc đời Bác là một cuộc hành trình không biết mỏi vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Từ ngôi nhà tranh ở Kim Liên, Nam Đàn ra đi hơn 30 năm, Bác mới trở về Tổ quốc, thêm 15 năm nữa mới về đến Phủ Chủ tịch, Hà Nội. Con đường Người đã đi xuyên qua 3 đại dương, 4 châu lục, qua hơn 30 quốc gia, gặp gỡ bao nhiêu người, là tiếp xúc bấy nhiêu vùng đất mới. Về nước lãnh đạo cách mạng, khắp nẻo đường kháng chiến in dấu chân Người. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, làm việc và sống ở Thủ đô Hà Nội. Cuộc sống của Bác rất mộc mạc đơn sơ. Bữa ăn của Người cũng giản dị, từ những sản vật thiên nhiên như dưa, cà, mắm, ớt. Và cũng với cơm nắm, muối vừng, cùng đoàn tuỳ tùng gọn nhẹ, Người đã có gần 700 cuộc đi thăm các địa phương, nhà máy, công trường… Trong những cuộc đi ấy, được gặp gỡ tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, gần gũi với thiên nhiên, dường như tình yêu đất nước, con người trong Bác lại được nhân lên gấp bội. Người luôn nghĩ cho dân, cho nước. Thăm mỗi địa phương, Bác rất quan tâm đến đời sống của nhân dân. Từ thực tế của mỗi địa phương, Bác chỉ đạo cho các đồng chí lãnh đạo chú ý đến phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản. Người nói:
“Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt,
Rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu.
Nhân dân dũng cảm và cần kiệm,
Các nước anh em giúp đỡ nhiều”
(Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.543)
Người nhắc các địa phường cần có kế hoạch khai thác, sử dụng thiên nhiên để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Thăm nước bạn, bắt gặp những cây xanh, bốn mùa không rụng lá, Bác lại nhớ tiếng chổi tre của người công nhân quét rác đêm khuya. Người đã nghĩ nhắc xin giống cây này về trồng ở Việt Nam để có mát cho mọi người, và để người lao công đỡ phải quét rác. Thương người nông dân vất vả sớm hôm, một nắng hai sương mà vẫn đói khổ không đủ ăn, trong những lần đi thăm Trung Quốc, Người đã nghiên cứu nền nông nghiệp của Trung Quốc và viết nhiều bài báo về những kinh nghiệm cấy và chăm sóc giống lúa nước của nông dân Trung Quốc để bà con nông dân ta học tập.
Một lão nông ở hợp tác xã Đại Xuân, xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là một trong 27 người được Bác chọn cử đi học làm lúa xuân với nông dân Trung Quốc. Đại Xuân cũng là nơi áp dụng cấy lúa xuân đầu tiên ở miền Bắc nước ta, mở ra hướng mới cho sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu thời vụ, tránh được mùa mưa bão. Từ kết quả cấy lúa xuân ở Đại Xuân đã phát triển sang các địa phương khác ở miền Bắc. Đời sống nông dân được nâng cao. ở Đại Xuân bà con vẫn gọi vụ lúa xuân là vụ lúa Bác Hồ.
Ngắm nhìn những tấm ảnh Bác Hồ đạp guồng chống úng, cầm gầu tát nước chống hạn với dân, lội ruộng cấy lúa, thăm bà con nông dân trong mùa gặt, tay Người nâng bông lúa xem từng hạt mẩy, hạt lép, lúc này Bác như một lão nông thực sự rất gần gũi với cuộc sống đời thường của bà con nông dân.
Những năm cuối đời, tại ngôi nhà sàn đơn sơ, Bác đã viết những dòng Di chúc gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân. Và những dòng Bác viết cho riêng mình, lại làm cho chúng ta xúc động vô cùng. Người đề nghị thi hài của mình được hoả táng, tro đem chôn trên đồi, rồi xây nhà trồng cây để nhân dân đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Dẫu không còn ở trên đời, Người vẫn luôn luôn nghĩ đến nhân dân, thuận lợi cho người sống, đảm bảo vệ sinh môi trường, và để khi trở về cát bụi, Người vẫn được sống cùng thiên nhiên.
“Bác sống như trời đất của ta, yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa”. Không chỉ yêu thương, mà tình yêu đã được thể hiện bằng hành động, ngay từ rất sớm Bác đã có những chủ trương về bảo vệ môi trường. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc Bác vẫn dành sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp “trồng cây” và “trồng người”. Đó là tầm nhìn của một vĩ nhân, với tầm nhìn xa trông rộng về lợi ích của việc trồng cây, ngoài việc lấy gỗ, ăn quả, cây còn có tác dụng chắn gió, chống xói mòn, bảo vệ cuộc sống. Mặt khác đây là một công việc từ cụ già đến các cháu thiếu nhi đều có thể tham gia, từ đó mà Người phát động thành phong trào lớn trong nhân dân. Bên cạnh những bài viết về Tết trồng cây giúp mọi người nhận biết về việc làm “tốn kém ít mà lợi ích nhiều” cả về kinh tế lẫn quốc phòng; Người còn nêu tấm gương mẫu mực cho phong trào trồng cây mà Người khởi xướng từ năm 1960.
Trồng cây làm kỷ niệm là một nét đẹp văn hoá, một việc làm lưu lại kỷ niệm lâu bền. Đi thăm các địa phương, Bác đã trồng cây kỷ niệm. Thăm các nước bạn Bác cũng trồng cây. Những cây xanh Bác Hồ trồng ở Việt Nam, hay trên đất bạn sẽ trường tồn với thời gian và còn mãi những kỷ niệm để nhớ về Người – một nét danh nhân của thời đại.
3. Tổ tiên, cha ông ta đã tốn biết bao xương máu để khai khẩn, giữ gìn bờ cõi. Chúng ta được thừa hưởng một đất nước Việt Nam tươi đẹp, liền một dải, từ mục Nam quan đến mũi Cà Mau. Ngày nay, chúng ta có điều kiện thuận lợi: thiên thời, địa lợi và nhân hoà để xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân ta. Tuy nhiên, chúng ta phải biết khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, thiên nhiên môi trường để xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, nhưng không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại môi trường sống. Vấn đề sử dụng và khai thác thiên nhiên một cách hợp lý không chỉ là mối bận tâm của các lãnh đạo mà những người dân bình thường cũng cần quan tâm. Tốc độ đô thị hoá như hôm nay lại càng ngăn trở con người được tiếp cận và gần gũi với thiên nhiên. Do vậy phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên như thế nào để nguồn tài nguyên không bị cạn kiệt mà ngày càng giàu và đa dạng hơn.
Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Con người là tinh anh của thiên nhiên, thiên nhiên như cha mẹ của con người. Nhưng không phải mỗi ai đều biết yêu thiên nhiên, đều biết gắn thiên nhiên với cuộc sống chiến đấu của mình. Biết yêu thiên nhiên, biết gắn thiên nhiên với cuộc sống chiến đấu là một biểu hiện của sự tiến bộ văn hoá, của trạng thái quân bình trong tâm hồn” (Trích Giáo sư nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu, Nxb. Giáo dục 1996, tr.458). Cuộc sống, chiến đấu của Bác luôn gắn bó với thiên nhiên. Người luôn coi thiên nhiên là bạn, luôn quan tâm, chăm lo và đề ra chiến lược bảo vệ người bạn thiên nhiên. Thế kỷ XXI, con người càng có xu hướng tiến gần hơn đến thiên nhiên, mong muốn sống chung với thiên nhiên với một xã hội ngày càng giàu mạnh và công bằng hơn, xanh sạch đẹp hơn, văn minh hơn. Càng thấy tầm nhìn xuyên thế kỷ của một vĩ nhân.
Một nét văn hóa Hồ Chí Minh – văn hóa ứng xử với thiên nhiên, cảnh vật, cỏ cây quanh ta mà chúng tôi phác hoạ vài nét trên đây, chính là một trong những giá trị văn hoá mà chúng ta cần khai thác và phát huy.
Theo Phạm Thị Lai, Bảo tàng Hồ Chí Minh
Tâm Trang (st)