
Bác Hồ với học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) nǎm1956
(TCTG)- Chăm lo cho con người, để con người được giải phóng hoàn toàn là hạt nhân, đồng thời cũng là mục tiêu cuối cùng, sâu thẳm nhất trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh nói riêng. Vì vậy, một trong những lời dặn lại đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề con người và chính sách đối với con người.
Lời dặn “đầu tiên là công việc đối với con người”
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi quyết sách, mỗi việc Người làm đều toát lên tình thương yêu vô hạn, sự tôn trọng, thái độ bao dung và lòng tin yêu con người.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người vừa tồn tại với tư cách cá nhân, vừa là thành viên của gia đình và của cộng đồng, nên định nghĩa về con người của Hồ Chí Minh thật đặc biệt: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”(1). Suốt hành trình đi khắp năm châu, bốn biển, ôm ấp một hoài bão lớn lao về giải phóng dân tộc mình, góp phần giải phóng loài người, Người đã khởi đầu từ cái cụ thể tưởng như nhỏ nhất, để rồi tạo dựng một công trình vĩ đại mang ý nghĩa thời đại, ý nghĩa lịch sử. Đó là đặt niềm tin vào con người, vào nhân dân và dân tộc mình, nâng niu trân trọng từng cá nhân con người; không quản ngại khó khăn, nhẫn nại thức tỉnh, giác ngộ, dìu dắt đồng bào, tiếp đó là giúp đỡ họ, đào tạo họ, cổ vũ và động viên họ trực tiếp tham gia sự nghiệp cách mạng, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” để đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng chính bản thân mình.
Người luôn thấu hiểu sâu sắc rằng, giải phóng con người, đem lại lợi ích cho con người chính là tạo ra động lực vô cùng lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh: Con người cụ thể là những người dân Việt Nam lao động nghèo khổ bị áp bức cùng cực dưới ách thống trị của phong kiến, đế quốc; là dân tộc Việt Nam đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ và mở rộng hơn là những người nô lệ mất nước – “người cùng khổ”. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh rằng quyền cơ bản nhất của mỗi con người là quyền được sống, được sung sướng, được tự do, mà trước hết hết là cần có ăn, có mặc, có nhà ở, được chữa bệnh và được học hành. Những nhu cầu tối thiểu cũng là những quyền tối thiểu đối với con người ấy luôn luôn được đặt ra như một mục tiêu phấn đấu của bất cứ xã hội nào muốn đem lại hạnh phúc thật sự cho con người.
Không chỉ tìm đường, chỉ lối và lãnh đạo họ tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của con người với những nhu cầu chính đáng ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Ngay sau ngày tuyên bố Việt Nam độc lập, chính vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta phải làm ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”(2). Mục tiêu đó tiếp tục được xác định ngay cả trong hoàn cảnh cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Chương trình nội chính của Chính phủ và của quân dân ta chỉ có 3 điều mà thôi: a) Tăng gia sản xuất để làm cho dân ai cũng đủ mặc đủ ăn. b) Mở mang giáo dục để ai nấy cũng đều biết đọc, biết viết. c) Thực hành dân chủ để làm cho dân ta ai cùng được hưởng quyền dân chủ tự do”(3).
Giá trị của tự do, độc lập, định hướng của nhà nước dân chủ nhân dân do Hồ Chí Minh sáng lập và dày công xây dựng là tiến tới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó. Bởi theo lời Người, nếu nước được tự do, độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, hưởng những quyền cơ bản của con người, thì độc lập, tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh luôn đề cao những quyền cơ bản của con người, nhưng Người không dừng ở việc đề cao quyền cá nhân cực đoan theo quan điểm tư sản, mà chỉ rõ quyền cá nhân chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở thực hiện quyền của dân tộc.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, cả dân tộc Việt Nam đồng hành trong 21 năm trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cũng trong hành trình gian khó ấy, Hồ Chí Minh có một niềm tin lớn lao ở sức mạnh sáng tạo của quần chúng nhân dân, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng, nên đã kêu gọi, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng đồng thời vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Vẫn luôn đau đáu niềm suy tư vì con người, trước khi trở về với cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh dặn lại trong Di chúc: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”, đồng thời “phải có kế hoạch để xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân… Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(4).
Còn “đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong …), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cách sinh”.
Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(5).
Tiếp tục thực hiện lời dặn của Hồ Chí Minh về chăm lo cho con người
Khẳng định sự nghiệp cách mạng mà chúng ta đang tiến hành sau chiến tranh là xóa bỏ cái cũ để xây dựng cái mới, cải tạo xã hội cũ để xây dựng một xã hội mới, Hồ Chí Minh chỉ rõ công việc phải làm đầu tiên là “đối với con người”. Công việc to tát, lớn lao ấy xuất phát từ lòng dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân và hợp với thời đại, bởi không chỉ quan tâm và chăm lo đến những cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, các gia đình liệt sĩ, cha mẹ vợ con của thương binh, liệt sĩ… mà còn quan tâm cả đến những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…
Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng, nhà nước đã từng bước đề ra các chính sách xã hội chăm lo cho con người, nhất là các đối tượng chính sách có một cuộc sống ngày càng được nâng cao về cả vật chất và tinh thần. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Các ngành, các cấp đã thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, cứu tế xã hội để trợ giúp những người yếu thế và dễ bị tổn thương như người tàn tật, người già cô đơn, trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ, giúp đỡ những người bị thiệt hại nặng do thiên tai, địch họa hoặc rủi ro trong cuộc sống… Thông qua các hình thức, các chương trình, cả nước đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái trong cộng đồng, đoàn kết để giúp nhau vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống.
Công tác thương binh, liệt sỹ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội cũng đã được triển khai toàn diện, thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả thiết thực. Một số lượng lớn các văn bản pháp luật quy định về chế độ, chính sách đối với công tác thương binh, liệt sỹ, chính sách hậu phương quân đội và người có công với cách mạng, với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,v.v… đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả.
Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện khẩn trương và có kết quả cao. Các đơn vị quân đội đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được trên 910.000 hài cốt liệt sỹ về an táng trong gần 3.000 Nghĩa trang liệt sỹ, bảo đảm đúng nghi thức quân đội; trong đó, nhiều hài cốt đã xác minh được tên, tuổi… Những việc làm đầy tình nghĩa đó đã góp phần giữ ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và các đối tượng chính sách. Một mặt, tạo động lực quan trọng để xây dựng quân đội vững mạnh trong tình hình mới, mặt khác góp phần ổn định chính trị – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh.
Đặc biệt, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cả nước đã có nhiều việc làm phong phú, thiết thực, để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ. Cuộc vận động toàn dân ủng hộ xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được khơi dậy và ngày càng phát triển mạnh. Nhiều phong trào được xã hội hoá, nổi bật nhất là phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, làm mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà các gia đình có công với cách mạng…
Con người và chính sách xã hội với con người trong Nghị quyết Đại hội XI
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, Đảng ta luôn chăm lo cho con người, coi con người là trung tâm, là động lực của sự phát triển, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hoà đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất, gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội. Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”(6). Đồng thời Cương lĩnh cũng nhấn mạnh: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”(7).
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 cũng khẳng định việc mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; “phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện”(8). Trong chính sách xã hội đối với con người, Đảng ta đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao của thế giới, tốc độ tăng dân số ổn định ở mức khoảng 1%, tuổi thọ đạt bình quân 75 tuổi, đạt 9 bác sỹ và 26 giường bệnh trên một vạn dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, lao động qua đào tạo đạt trên 70%, đào tạo nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội”, “Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5-2%/năm; phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được bảo đảm. Thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010; thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư. Xoá nhà ở đơn sơ, tỉ lệ nhà ở kiên cố đạt 70%, bình quân 25 m2 sàn xây dựng nhà ở tính trên một người dân”(9); “thực hiện tốt chính sách khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em và người dân tộc thiểu số, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi”(10) và “có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách và người có thu nhập thấp”(11).
Làm được như vậy, sẽ không chỉ làm thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tiến tới xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững vàng hội nhập quốc tế/.
Theo tuyengiao.vn
Đỗ Hoàng Linh – Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Huyền Trang (st)