Nhớ lời Bác dặn: “Học lấy cái bằng làm người”

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng bài viết dưới đây của Thiếu tướng Tiến sĩ Đặng Nam Điền, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, Người đã khẳng định mọi công việc từ to đến nhỏ có thành công hay không yếu tố con người vẫn là quyết định. Trong cuốn Sổ vàng truyền thống Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tại Chiến khu Việt Bắc năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Học để làm người, làm việc, làm cán bộ”. Khi Bác đến thăm thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người đã chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, điều đầu tiên, Người vẫn giành tình cảm thương yêu cho đồng bào, đồng chí, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng yêu quý….Phải chăng đây chính là cái gốc của đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời hy sinh cống hiến, trở thành tấm gương mẫu mực cho các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

Mỗi người chúng ta đều thấy rõ ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong 15 năm từ 1955 đến 1969, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã có hơn 700 lần đi cơ sở. Người đến các địa phương, các công trường, nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị bộ đội, công an, trường học và các cơ quan…

Hình ảnh một vị Chủ tịch nước tuy tuổi đã cao nhưng vẫn sắn quần lội ruộng cùng nông dân, đến bên bờ ruộng thăm hỏi nhân dân thu hoạch, trao đổi về mùa vụ với người ngư dân ngay tại bãi biển, kiểm tra tình hình sản xuất trong xưởng máy, động viên bộ đội tại trận địa, đến thăm học sinh, sinh viên tại giảng đường… lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người dân bình thường nhất, động viên kịp thời từng gương tốt, phê bình góp ý cho cán bộ, lãnh đạo ngay tại địa bàn… đấy không phải chỉ là tác phong sâu sát mà còn là thái độ “yêu dân, kính dân”, “gắn bó máu thịt với nhân dân”.

Hàng năm Tết đến, Xuân về chúng ta ai ai cũng háo hức chờ nghe thơ chúc Tết của Người, nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có làm thơ Tết mà còn lo có Tết cho mọi nhà, vì vậy mà trước giao thừa năm nào Người cũng có những chuyến thăm tất niên, trong nh÷ng đối tượng được Người đến bao giờ cũng có những gia đình nghèo. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn đến với những người dân nghèo cần có sự quan tâm đúng lúc cũng như Bác muốn nhìn thấu đáo tới một sự thật để khẳng định trách nhiệm của Đảng cầm quyền: Không chỉ chăm lo đến đường lối chính sách mà Đảng còn phải chăm lo đến tương cà, mắm muối cho dân. Hễ dân đói là Đảng có lỗi, dân rét là Đảng có lỗi, dân còn bệnh tật là Đảng có lỗi….

Nhớ câu chuyện cảm động do đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể lại: Khi chuẩn bị viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: Cán bộ đảng viên là cái gương để quần chúng soi vào, cho nên dân ta mới có câu nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau!” muốn làm được điều đó thì cán bộ đảng viên phải tu dưỡng rèn luyện để khổ mấy cũng chịu được, nhưng sướng mấy cũng phải chịu được. Người còn nói tiếp: Bác rất lo khi đã có chính quyền rồi, có điều kiện kinh tế khác thời kháng chiến rồi cán bộ dễ bị sa ngã, dễ quan liêu, tham nhũng, hư hỏng, đó là những cán bộ đảng viên không chịu được “sướng” đấy. Vì vậy, kinh tế càng phát triển, đời sống càng được nâng cao thì càng phải chống chủ nghĩa cá nhân, càng phải rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng. Càng phải tôn trọng và gắn bó máu thịt với nhân dân, phải giữ gìn và xứng đáng là những tấm gương để quần chúng nhân dân soi vào. Nói đi đôi với làm, chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là con người như vậy. Vì sao trong tủ quần áo của Người chỉ với mấy bộ kaki, có chiếc đã sờn cổ, sờn tay dùng để hội họp và tiếp khách, vài bộ quần áo phụ để đi thăm đồng bào? Vì sao vị Chủ tịch không chịu diện những đôi giầy da bóng lộn mà quen với đôi dép cao su vẹt gót? Vì sao không ô không lọng mà đi đâu cũng với chiếc mũ “cát” quen thuộc? Không thích kỷ đài, không ưa khẩu hiệu đến đâu cũng quan tâm đến chỗ ăn, chỗ ở, nơi vệ sinh, thăm hỏi để thấm tận tâm tư chứ không xã giao sáo rỗng? Vì sao trọn đời cống hiến hy sinh mà vẫn một mực chối từ những tấm Huân chương rất xứng đáng của Quốc hội và của các quốc gia khác trao tặng? Vì Tổ quốc chưa được độc lập hoàn toàn, nhân dân còn đói khổ, đất nước ta còn nghèo lắm thì không ai được tự cho mình cái đặc quyền đặc lợi, không ai được tự cho mình cái quyền sống trên sự đau khổ của đồng bào mình.

Năm 1960, khi đoàn 72 sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp Đại học lên báo cáo kết quả học tập với Quốc hội. Sau khi nghe báo cáo, động viên khen ngợi, thay mặt Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các cô, các chú đã cã bằng Đại học rồi, bây giờ hãy về bệnh viện, trường học, nhà máy, công trường để học lấy cái “bằng làm người” nữa. Có như vậy mới phục vụ nhân dân và đất nước được lâu dài”. Những lời Bác dặn năm xưa, mỗi chúng ta cùng suy ngẫm để mãi mãi noi gương học tập và làm theo lời Người./.

Tháng 11, năm 2011
Đặng Nam Điền

bqllang.gov.v

Advertisement