QĐND – Thế là đã 65 năm Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta, ngày 9-11-1946. Thời gian là vị quan tòa nghiêm khắc và công minh nhất thẩm định sự đúng sai của những tư tưởng, những quyết sách và nhất là hướng đi. Nhìn lại một chặng đường lịch sử gần hai phần ba thế kỷ, càng hiểu ra sự minh triết của Hồ Chí Minh, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cha đẻ của Hiến pháp 1946 đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền đích thực của quốc gia ấy.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”! Trong bộn bề những việc cấp bách hằng ngày với thù trong giặc ngoài, Hồ Chí Minh vẫn trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp và cho ra đời bản Hiến pháp 1946 mà cho đến nay, giới nghiên cứu về luật pháp đánh giá là bản Hiến pháp mẫu mực nhất: Một hiến pháp dân chủ.
Là người bôn ba khắp năm châu bốn biển, thông hiểu nền văn hóa Tây phương từ một sự hiểu biết sâu sắc triết lý phương Đông và truyền thống văn hóa nước mình, Hồ Chí Minh có điều kiện trải nghiệm để nhìn ra những điều mà người khác có thể không nhìn thấy. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ dân tộc mình, nhân dân mình cần cái gì nhất. Điều đó quy định nội dung của Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 và Hiến pháp 1946 – lời tuyên bố đĩnh đạc của nhân dân Việt Nam trước thế giới, khẳng định ý chí và khát vọng của dân tộc mình.
Dân chủ nằm ngay trong tên nước và mục tiêu hướng tới, tức cũng là hướng đi, được ghi rõ ngay dưới tên nước: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Nước có độc lập thì dân mới có tự do để làm ăn sinh sống, tự do suy nghĩ và hành động để mưu cầu hạnh phúc. Dân chủ là điều kiện tiên quyết để có tự do và có tự do mới thực sự có hạnh phúc!
Bác Hồ bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh tư liệu.
Thế nhưng, “dân chủ không thể được áp đặt bởi sự màu nhiệm những cơ chế của chính nó, dân chủ cần những người mang nó, sống động trong con người họ, và làm cho nó tồn tại sống động đối với tất cả mọi người”(1), ý tưởng ấy có sức gợi mở cho những tìm tòi về phương thức thực hành dân chủ mà Hồ Chí Minh tìm cách thực hiện. Hiến pháp 1946 là một minh chứng cho điều đó.
Thực ra Hồ Chí Minh hiểu rằng: “trong nhiều xã hội ngoài châu Âu, thông điệp đấu tranh giai cấp nghe xuôi tai hơn thông điệp dân chủ; sự phê phán nhân quyền dễ trót lọt hơn ý tưởng về dân quyền. Và như vậy là vì những lý do lịch sử: Ý tưởng về nhân quyền do bọn thực dân mang tới cho họ, áp đặt bằng nòng súng. Nhân quyền thuộc về kẻ chiến thắng, đương nhiên, trước mắt kẻ thua trận, đó là thứ ngụy trang cho sự thống trị thực dân”(2). Tuy nhiên, trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã dẫn ra tư tưởng về nhân quyền, bởi vì “ý tưởng xây dựng xã hội trên nền tảng quyền con người… là một ý tưởng phổ quát, đáp ứng một hy vọng toàn cầu”(3).
Cần nhớ rằng, trong “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội nghị Véc-xây năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã đòi “thay đổi chế độ sắc luật bằng chế độ luật…”. Trong “Việt Nam yêu cầu ca” cũng đã có câu: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(4) [phải chăng đây là từ nguyên ngữ “l’esprit des lois” của Montesquieu?].
Trước đó, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra: “nếu có một đảng độc lập tồn tại thì đảng này không phải đi ăn xin một vài quyền tự do mà thiếu nó thì con người là một tên nô lệ khốn khổ”… “Rất ôn hòa cả về nội dung lẫn hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi, và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn”(5).
Dẫn ra những điều trên để hiểu rằng, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã mở đầu Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước dân chủ cộng hòa của mình bằng những câu tiêu biểu nhất về quyền con người, về khát vọng cháy bỏng của con người trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ “quyền con người”, quyền đương nhiên không phải do ai ban phát cả, Hồ Chí Minh dẫn đến quyền của dân tộc với nội dung như đã dẫn ra ở trên.
Những ý tưởng tiêu biểu ấy được thể hiện một cách thật giản dị, dễ hiểu trong Hiến pháp 1946 với 70 điều. Nội dung tập trung về xác lập quyền của công dân và quyền của nhà nước, quyền giữa các cơ quan nhà nước với nhau, ở đó nổi bật lên hai vấn đề cơ bản nhất: Ngăn cấm sự lạm quyền của quyền lực nhà nước và đảm bảo quyền tự do dân chủ của công dân.
Để làm được điều đó, nội dung của Hiến pháp 1946 làm nổi bật lên nguyên tắc cơ bản: Đặt pháp quyền ở trên nhà nước và quyền phúc quyết Hiến pháp thuộc về nhân dân. Nhà nước pháp quyền ấy phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” để kiểm tra nhau. Cơ quan Nhà nước và công chức chỉ làm được những điều luật pháp cho phép còn dân thì được phép làm tất cả những điều gì mà luật pháp không cấm. Những yếu tố pháp quyền nổi lên trên nguyên tắc quyền lực và tổ chức quyền lực là điều mà những Hiến pháp sau này không làm rõ được, thậm chí bỏ quên! Công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch trước dân, dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát…
Trong nội dung của Hiến pháp 1946, nét nổi bật là việc kiểm soát quyền lực nhà nước chứa đựng tinh thần khoan dung của truyền thống Việt Nam. Ngay tại Điều 1 đã nổi rõ lên tinh thần ấy. “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả các quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Những điểm khác như Hội đồng nhân dân cũng được xác định như một cơ quan “tự quản” của nhân dân địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương, do nhân dân địa phương bầu chọn và chịu trách nhiệm trước họ. Ở đây đã thấp thoáng bóng dáng những đường nét tư duy về cái mà ngày nay ta gọi là “xã hội dân sự”. Định chế luật sư cũng đã được đề ra. Thậm chí, trong bối cảnh của một nhà nước mới thành lập, đang phải đối phó với thù trong giặc ngoài mà đã chững chạc khẳng định: “Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam” trong Điều 16 của Hiến pháp 1946! Càng nghĩ càng thấm thía về tầm nhìn Hồ Chí Minh.
Và rồi, ở một đất nước mà nhà nước mang nặng “truyền thống” quan liêu, Hồ Chí Minh đã đòi hỏi xây dựng một “nhà nước đày tớ của dân”, điều mà nhiều nhà tư tưởng lớn của loài người đã từng ấp ủ, nhưng vấn đề là Hồ Chí Minh đã sớm đưa ngay ý tưởng đó vào việc tổ chức nhà nước và cố gắng thực hiện. Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc cảnh báo ngay từ ngày chính quyền còn trong trứng nước: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân… Dân chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Có thể nói, cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước được thể hiện trong Hiến pháp 1946 đã đặt nền móng cho một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, trong đó các quyền tự do, bình đẳng về chính trị và xã hội của người công dân được công nhận và được bảo đảm bằng luật pháp. Hiến pháp năm 1946 thể hiện rất tập trung tư duy của Hồ Chí Minh về Nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới chỉ có ý nghĩa khi trung thực và nghiêm cẩn quán triệt điều ấy. Cũng có nghĩa là phải dám chỉ ra những bất cập của các bản Hiến pháp ra đời sau Hiến pháp 1946 và nguyên nhân cơ bản về những bất cập đó. Có như vậy thì việc sửa đổi Hiến pháp 1992 mới có ý nghĩa thiết thực, khỏi lãng phí sức người, sức của khi mà cuộc sống của dân đang còn quá nhiều khó khăn. Mọi sự khoa trương hình thức đều đi ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh và sẽ đánh mất niềm tin của dân.
(1) Đại bách khoa toàn thư Pháp
(2, 3) Francois Furet. “Số phận một ý tưởng”. Người đưa tin UNESCO. Hà Nội, 1989, số 6, tr.5
(4, 5) Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 1. NXBCTQG Hà Nội 1995, tr.5 và tr.10
GS Tương Lai