Đọc Di chúc của Bác Hồ nghĩ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí

(TCTG) – Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn quan tâm đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và điều đó có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập dân tộc cũng như trong hoà bình, xây dựng, kiến thiết nước nhà.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử. Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa, tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người; là những lời dặn chứa chan tình cảm của Người cho toàn Đảng, toàn dân và là di sản tinh thần vô giá để lại cho muôn đời con cháu. Di chúc cũng là những suy nghĩ, trăn trở, tâm huyết của Người về vấn đề xây dựng Đảng, về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, về nhân dân lao động, về bồi dưỡng cách mạng cho thế hệ sau, về phong trào đoàn kết quốc tế…

Bên cạnh đó, Di chúc của Người còn gây xúc động mạnh mẽ cho hàng triệu trái tim người dân Việt Nam khi nói đến việc riêng. Người chỉ dành vài dòng nói về việc riêng của mình “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có điện thì điện táng càng tốt hơn”(1).

Những lời dặn của Người về việc tang lễ khi Người đi xa là việc rất riêng tư nhưng vẫn vì công việc chung của đất nước, vì tình thương yêu vô hạn với đồng bào. Đó chính là những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn quan tâm đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và điều đó có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập dân tộc cũng như trong hoà bình, xây dựng, kiến thiết nước nhà. Không phải đến lúc chuẩn bị cho việc sẽ “đi xa” Bác mới đề cập đến vấn đề này mà chỉ một ngày sau khi thành lập nước, khi nói về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Người đã nhấn mạnh: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện; nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian dảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nghĩa vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta… Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tư tưởng nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”(2).

Theo Bác, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của đạo đức cách mạng, của người cán bộ cách mạng. Người đã chỉ ra một cách cụ thể tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? và ai cần tiết kiệm? Người khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần; là một dân tộc văn minh tiến bộ”(3). Bác dạy “Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to; Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra.” “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm”.(4). Người luôn hiểu rằng “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”.

Đi đôi với việc thực hành tiết kiệm phải chống lãng phí, chống bệnh quan liêu, vì theo Bác, ruộng đất, máy móc không tự nó làm ra của cải mà phải do sức lao động của con người sáng tạo nên. Do đó, nếu làm ra được bao nhiêu lại tiêu xài hết bấy nhiêu thì không lại hoàn không; “sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”. “Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô”. Bác nghiêm khắc phê phán những việc làm gây ra sự lãng phí, tổn thất về thời gian, sức lao động, vật tư, tiền bạc của nhân dân và nhà nước. Bác chỉ rõ, nguồn gốc của việc gây ra bệnh lãng phí, đó là bệnh quan liêu và “hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, hoặc tính toán không cẩn thận”, “hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ phô trương” “hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công”. Vì thế phải kiên quyết chống bệnh lãng phí, chống thói họp lu bù, chống việc làm ẩu để sản phẩm làm ra không sử dụng được, chống việc liên hoan ăn uống bừa bãi. Hoang phí cũng là một tội ác bởi chính nó đã góp phần không nhỏ trong việc gây nên những tiêu cực của xã hội.

Muốn làm tốt việc tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hành trước và phải biến nó thành một phong trào quần chúng rộng rãi. Trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ lần thứ 6 của Đảng, ngày 18-01-1949, Bác nhấn mạnh “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước”(5).

Cùng với những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, cuộc đời của Người chính là tấm gương mẫu mực, minh chứng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm chính để toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo.

Sinh thời, Bác Hồ cũng không dành cho mình một sự ưu đãi nào. Ngay từ những ngày đầu mới dành được chính quyền, Bác vẫn cùng ăn cơm chung với anh em trong cơ quan Bắc Bộ Phủ, cũng một suất ăn bình thường như các đồng chí khác. Trở về Hà Nội lần thứ hai, sau kháng chiến chống Pháp, với cương vị là Chủ tịch nước, nhưng Bác không ở Dinh toàn quuyền lộng lẫy, khang trang mà ở ngôi nhà của một người thợ điện cũ chỉ có 3 phòng nhỏ đơn sơ. Đến ngày 17-5-1958, Bác chuyển hẳn sang ngôi nhà sàn gỗ mà ngày nay đã đi vào huyền thoại đẹp đẽ của cuộc đời Người…

Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, với những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra từ những hạn chế, yếu kém, Đảng ta quyết tâm “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí”; coi đó “là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước”(6). Đây cũng là một nội dung quan trọng của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực hiện được những điều đó không những có ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay mà còn mãi mãi có ý nghĩa, tác dụng to lớn cho các thế hệ mai sau để “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(7), thoả lòng mong muốn cuối cùng của Người trước lúc đi xa./.

Theo tuyengiao.vn
Thu Hiền (st)

_____________________

(1) – Bác Hồ viết Di chúc, Hồi ký của Vũ Kỳ, Thế Kỷ ghi, Nxb Thuận Hoá, Huế 2005, Tr.151.
(2) – Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 4, Tr.8
(3) – Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXb CTQG, H.2002, tập 5, tr.642
(4) – Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, tập 5, tr.637
(5) – Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, tập 5, tr.552

bqllang.gov.vn

Advertisement