Bác Hồ trong thơ các nhà sư

Tôi dừng lại khá lâu trong phòng thờ Bác Hồ mà theo sư bà là gian thờ đặc biệt. Tôi chăm chú xem những bài thơ của sư bà viết về Bác.

GIAO HƯỞNG

Chùa Cần Linh dù tên chữ hàm nghĩa rất hay, rất đẹp, song người dân thành phố Vinh vẫn thích gọi là chùa Sư Nữ, bởi vì từ trước đến nay các nhà sư trụ trì đều là sư nữ.

Sinh thời, “quan đốc học” Nguyễn Tài Đại (1921- 2005) có lần bộc bạch với tôi: Năm 1945 chừng mới 20 tuổi, sư cô Thích Diệu Niệm đã về trụ trì chùa Cần Linh. Ngôi chùa vốn đẹp nổi tiếng, từ ngày có sư cô “sắc nước hương trời” về trụ trì, chùa càng rực rỡ giữa hữu tình sông nước trời mây, càng nổi tiếng trong tâm thức người đời. Rồi một đồn mười mười, đồn trăm, hầu như tháng nào anh Đại cũng rủ mấy bạn trai vào chùa vãng cảnh để “tiện thể” được ngắm dung nhan “hơn hẳn các mỹ nhân trong tranh ta lẫn tranh Tàu” của sư cô trụ trì, nhờ đó anh Đại biết sư Thích Diệu Niệm có tài làm thơ.

Mùa thu Bính Tý (1996) mấy chủ nhật liền tôi chủ định vãng cảnh chùa Sư Nữ. Trong dòng người đến chùa sáng chủ nhật ấy, tôi nêu nguyện vọng muốn được gặp sư bà Thích Diệu Niệm, người suốt đời gắn bó với ngôi chùa này. Một ni cô lẳng lặng đi vào trong, lát sau ni cô ấy trở ra chắp hai tay trước ngực:

– Sư bà Thích Diệu Niệm mời lữ khách vào tham quan nội thất.

Sáng ấy, sư bà Thích Diệu Niệm dẫn tôi đi xem các công trình kiến trúc của chùa. Chùa được dựng cuối thời Lê, có gần 100 pho tượng. Năm 1992, chùa được xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.

Sư bà vui vẻ cho tôi biết: Chắp tay chào nhau cung kính không phải là đặc trưng của riêng nhà Phật, từ xưa cách chào này đã rất thông dụng trong xã hội Việt Nam. Hình ảnh chắp tay thể hiện ý nghĩa hiệp chưởng – liên hoa thủ. “Hiệp chưởng” (hai bàn tay chụm lại) biểu trưng cho sự hòa hợp bình đẳng, hiệp sức chung lòng vì mục đích tốt đẹp cao cả. “Liên hoa thủ” (bàn tay hoa sen), chắp tay là biểu trưng của nụ búp sen, tuy chưa nở nhưng vẫn đủ đầy đặc trưng tốt đẹp của hoa sen – loài hoa biểu trưng nhiều ý nghĩa trong giáo lý đạo Phật. Chắp tay xã giao là “trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật”, hiểu nôm na là chúc mọi người đạo đức vẹn toàn, được vậy thì sẽ tiến tới thành Phật! Sau ngày người Pháp sang đô hộ nước ta, họ mang theo động tác bắt tay, kiểu chào của người phương Tây, dần người mình chạy theo mốt của người Tây mà đánh mất cái đặc trưng rất đẹp của tổ tiên mình!

Tôi dừng lại khá lâu trong gian phòng thờ Bác Hồ mà theo sư bà là gian thờ đặc biệt. Tôi chăm chú xem hết những bài thơ của sư bà viết về Bác và về tu hành. Những bài thơ được thể hiện trên giấy khổ lớn, có bài đã lồng vào khung lớn, có bài được sư bà dán trực tiếp lên tường của gian thờ. Dường như đoán biết vị khách lãng du tìm hiểu nội dung những bài thơ là có chủ địch, sư bà cho phép tôi chép vào sổ tay cả 9 bài thơ: Bác Hồ là Bồ Tát giáng Việt Nam, Ơn Bác Hồ, Kính viếng bà Hoàng Thị Loan từ mẫu, Kính viếng hương hồn liệt sĩ, Mùa Xuân đến, Đệ tử, Hòa đàm, Khuyên tu, Không đề.

Sư bà Thích Diệu Niệm đã viên tịch hơn 10 năm rồi, như một nén tâm nhang kính dâng hương hồn bà, tôi xin lược trích giới thiệu 4 khổ thơ thứ 1,4,5,9 và 2 câu kết bài thơ Bác Hồ là Bồ Tát giáng Việt Nam của sư bà khả kính:

BÁC HỒ LÀ BỒ TÁT GIÁNG VIỆT NAM

Có chính sách của Bác Hồ bảo đảm
Được tự do tín ngưỡng hợp lòng dân
Cả Việt Nam Phật giáo vững tinh thần
Tin tưởng Bác như mùa xuân hoa nở…
Lời Di chúc của Bác Hồ ghi tạc
Đoàn kết nhau gánh vác lấy non sông
Có tài năng và đạo đức chung lòng
Xây dựng nước nhà thành công vững chắc.
Công và của bỏ ra không ngần ngại
Quyết treo gương bác ái giữa toàn dần
Nghiên cứu trong đạo đức với tinh thần
Hồ Chủ tịch chí công – nhân độ nhất…
Bác đưa lại tự do và hạnh phúc
Phá xích xiềng áp bức, chống xâm lăng
Là vĩ nhân văn hóa vượt tài năng
Dựng lại nước phải chăng tài bậc Thánh
Nhìn ảnh Bác, cảm thấy người đạo hạnh
Bác Hồ là Bồ Tát giáng Việt Nam.

Ngày 23/1/2010, tôi và một đồng nghiệp đến Ban Quản lý dự án tôn tạo, mở rộng Khu Di tích lịch sử – văn hóa Nam Đàn. Sau đó, chúng tôi cùng ông Nguyễn Vương Lộc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An, lên Khu Di tích Kim Liên dâng hương viếng Bác. Từ làng Chùa, Hoàng Trù quê ngoại, khi chúng tôi chuẩn bị lên xe sang làng Sen, Kim Liên quê nội, bỗng gặp một đám khách từ ngoài cổng đang tiến vào, người vận áo dài cà sa màu vàng dẫn đầu, tiếp sau là các vị tăng ni, phật tử vận áo dài màu nâu.

Người dẫn đường đưa đoàn khách từ Vinh lên cho hay: Đây là đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh ra, là khách của cơ quan anh, người dẫn đầu vận áo dài cà sa màu vàng là Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, Phó Ban Từ thiện – xã hội trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Kỳ Quang 2, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Đoàn ra Vinh mấy ngày, đầu chiều đoàn sẽ bay vào TP Hồ Chí Minh. Sáng nay, anh thay mặt cơ quan tháp tùng Thượng tọa Thích Thiện Chiếu và các thành viên trong đoàn lên dâng hương viếng Bác.

Từ giờ phút đó chúng tôi sáp nhập vào đoàn khách đến từ TP Hồ Chí Minh để cùng sang làng Sen, lên núi Động Tranh, xã Nam Giang viếng mộ bà Hoàng Thị Loan. Khi đoàn dừng nghỉ dưới chân núi Động Tranh, tôi thấy Thượng tọa Thích Thiện Chiếu sử dụng đầu ô-tô làm bàn và ông đứng viết. Lát sau Thượng tọa cùng với mọi người trong đoàn vào quán ngồi uống nước chè xanh, ăn kẹo lạc, Thượng tọa xúc động đọc bài thơ ông vừa sáng tác trên đường từ làng Chùa, làng Sen đến núi Động Tranh. Đọc xong, Thượng tọa đồng ý cho bấm ảnh bản gốc bài thơ để lưu giữ một kỷ niệm đáng nhớ được gặp vị Thượng tọa phương nam trên vùng đất thiêng liêng quê Bác.

SÁNG MÃI ƠN NGƯỜI

Chủ trương đoàn kết đến thành công
Tịch mặc vẫn yên quyết một lòng
Bác dạy tự do duy hữu nhất
Hồ công độc lập thị vô song
Chí linh hòa kiệt lừng Âu Á
Minh trí hùng anh giống Lạc Hồng
Vĩ tận ơn Người lưu sử sách
Đại đồng chủ nghĩ khắp non sông.

Theo dvt.vn
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement