Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP LTS: Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự tổ chức Hội thảo khoa học: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam”, nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5-1957/5-2007) và kỷ niệm 117 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến Hội thảo bản tham luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta”. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung tham luận đã trình bày trong hội thảo.

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – đội quân chủ lực đầu tiên, được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ. Ngay sau khi ra đời, đội đã đánh hai trận đầu toàn thắng. Tiếp đó, đội đã phát triển nhanh chóng thành nhiều đại đội, thống nhất với Cứu quốc quân, với lực lượng vũ trang cả nước, trở thành Việt Nam Giải phóng quân. Từ thời còn non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Việt Nam Giải phóng quân, với lực lượng vũ trang địa phương và dân quân tự vệ cả nước đã cùng với toàn dân vùng lên tổng khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi vĩ đại, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến thần thánh 30 năm, quân và dân ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đánh thắng hai đội quân viễn chinh hùng mạnh, kể cả đội quân mạnh nhất thế giới là thắng lợi vĩ đại của quân đội ta, dân tộc ta. Đây là một thắng lợi mà trên thế giới, từ đối phương cho tới bạn bè đều cho rằng ta không thể làm nổi. Cho đến nay, chiến thắng ấy đã qua một phần ba thế kỷ mà biết bao nhà chiến lược, biết bao viện khoa học đã nghiên cứu, tìm tòi vì sao Việt Nam có thể thắng Pháp, thắng Mỹ. Mãi cho đến gần đây, nhiều chính khách và bạn bè quốc tế đến Việt Nam, gặp tôi, vẫn còn nêu lên câu hỏi: Vì sao Việt Nam có thể thắng Mỹ? Vì sao Việt Nam đánh thắng được B52 của Mỹ? Con trai tổng thống Ken-nơ-đi sang Việt Nam đã lên Pác Bó, khi về, gặp tôi hỏi vì sao các ngài ở trong cái hang núi, cùng với những người dân tộc thiểu số như vậy mà lại tin rằng sẽ chiến thắng? Vì sao Việt Nam có thể thắng, mà lại thắng vào lúc Pháp mạnh nhất, Mỹ mạnh nhất?

Còn đối với ta, là người trong cuộc, đương nhiên chúng ta đã rõ. Nhưng đây là một thắng lợi vĩ đại chưa từng có, do vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, luận giải ngày càng sâu thêm, rút ra những bài học cho sự nghiệp hôm nay và mai sau của đất nước.

Nhân dịp này, tôi muốn nói sâu hơn về Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự ra đời, quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta, góp phần lý giải tiếp điều mà Đại hội lần thứ VII của Đảng đã tổng kết, khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lý luận tiên phong của Đảng Cộng sản.

Có thể nói: Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp truyền thống văn hoá Việt Nam, tinh hoa văn hoá phương Đông, phương Tây với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm cơ sở thế giới quan và phương pháp luận để đề ra đường lối cách mạng Việt Nam, tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, không qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (giai cấp), giải phóng con người.

Như vậy, Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác – Lê-nin, con đường cách mạng Việt Nam đi theo con đường của cách mạng vô sản.

Lâu nay ta thường nói: Thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của chiến tranh cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nói như vậy là đúng, nhưng qua thực tiễn cách mạng ta thấy nói đầy đủ hơn, đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ta cũng thường nói Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nói như vậy cũng đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì, như trên đã nói, Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có sự tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mà còn có truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông, tinh hoa văn hóa khác của phương Tây, còn có tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh phản ánh thực tiễn Việt Nam.

Hồ Chí Minh là người Việt Nam yêu nước đầu tiên trở thành người cộng sản khi đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đỉnh cao của Tư tưởng nhân văn của nhân loại, tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin một cách sáng tạo, có phân tích, có chọn lọc. Từ năm 1924, Người đã suy nghĩ đến những hạn chế lịch sử của chủ nghĩa Mác và thấy cần được bổ sung cho phù hợp với đặc điểm phương Đông, đặc điểm Việt Nam. Người đã tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin những nội dung phù hợp với cách mạng Việt Nam. Cái chủ yếu nhất mà Người tiếp thu về thế giới quan là mục tiêu cách mạng, về phương pháp luận là phép biện chứng duy vật. Có thể nói, Hồ Chí Minh đã “Việt Nam hoá”, “phương Đông hóa” chủ nghĩa Mác – Lê-nin như một số đồng chí đã nêu. Đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã có một sự chuyển biến nhảy vọt về chất, giải phóng dân tộc đã gắn với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước gắn với chủ nghĩa yêu nước chân chính.

Từ những nội dung trình bày trên, ta thấy Tư tưởng Hồ Chí Minh tuyệt đối không có gì đối lập với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp thu nội dung chủ yếu của chủ nghĩa Mác – Lê nin, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nếu cho rằng nêu cao Tư tưởng Hồ Chí Minh là hạ thấp chủ nghĩa Mác – Lê-nin là không hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh, là xuyên tạc Tư tưởng Hồ Chí Minh, là hạn chế phổ biến Tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải khẳng định, ở Việt Nam, nêu cao Tư tưởng Hồ Chí Minh là cách có hiệu quả nhất để bảo vệ và nêu cao chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Như vậy, điều đầu tiên, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh to lớn cho quân và dân ta chiến thắng mọi kẻ thù, đó là Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, với mục tiêu cách mạng là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu cách mạng ấy cũng là mục tiêu của chiến tranh cách mạng, gắn cứu nước với cứu dân, giải phóng Tổ quốc và xây dựng chế độ mới tốt đẹp, thật sự đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu ấy đã đáp ứng khát vọng của toàn dân và khát vọng của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội ta.

Trước đây, nhiều triều đại phong kiến cũng đã phát huy được truyền thống yêu nước của nhân dân và quân đội, đánh thắng kẻ thù lớn mạnh, nhưng đánh giặc xong thì đế vương là chủ, chứ dân không phải là chủ nên vẫn còn những hạn chế.

Từ khi có Bác Hồ và có Đảng, công cuộc giải phóng dân tộc đã gắn với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nên sức mạnh ấy đã được nhân lên gấp bội.

Với mục tiêu chiến đấu đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại luôn coi trọng giáo dục cho quân đội ta truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của dân tộc, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Người dạy cán bộ, chiến sĩ ta phải trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Tư tưởng và tấm gương vì nước, vì dân của Người đã khơi dậy cho cán bộ, chiến sĩ ta lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Đó là một động lực to lớn động viên quân đội ta nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Điều thứ hai, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh to lớn cho quân đội ta trưởng thành và chiến thắng, đó chính là Người đã lãnh đạo, xây dựng một quân đội luôn gắn bó với dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Thật sự là quân đội của nhân dân, của dân tộc, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, mang bản chất của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam.

Lực lượng tham gia quân đội là những thanh niên yêu nước, con em của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại bộ phận là con em công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Qua giáo dục, rèn luyện trong quân đội, họ đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội.

Người dạy quân đội là con em của nhân dân nên phải có quan hệ gắn bó như ruột thịt với nhân dân, phải làm cho quân đội hết lòng thương yêu nhân dân, kính trọng, giúp đỡ, bảo vệ dân, được dân tin, dân phục, dân yêu. Quân đội không những đánh giặc giỏi mà còn biết dân vận giỏi, sản xuất giỏi. Phải luôn luôn “dựa vào dân” vì “có dân là có tất cả”. Sức mạnh của quân đội, sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân, kết hợp với sức mạnh của toàn dân, tạo thành sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.

Quân đội của dân, chiến đấu vì dân, quan hệ với dân như cá với nước là một vấn đề thuộc bản chất của một quân đội kiểu mới, quân đội dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta thật sự tự hào không những trong chiến tranh, mà trong hòa bình xây dựng, đặc biệt trong cuộc chống thiên tai khốc liệt diễn ra ở miền Trung, quân đội ta đã hết lòng thương yêu nhân dân, không quản hiểm nguy, đem hết sức mình cứu giúp nhân dân trong cơn hoạn nạn, một số đồng chí đã hy sinh vì nhiệm vụ để lại trong lòng nhân dân ta niềm thương tiếc vô hạn, đó là biểu hiện sáng ngời của truyền thống đoàn kết quân dân, của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Điều thứ ba, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã chỉ cho quân đội ta phát huy tài thao lược, cách đánh giặc của dân tộc và học tập kinh nghiệm của các nước, đánh giặc với sức mạnh toàn dân, toàn diện, dám lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, kiên cường, dũng cảm, kết hợp với mưu trí, sáng tạo. Người thường nhắc nhở: đánh giặc phải “gan” và “khéo”, bởi vì quân đội ta luôn phải đánh với kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội. Có dám đánh, quyết đánh mới tìm ra cách đánh sáng tạo, tức là biết đánh. Lấy yếu chống mạnh bao giờ cũng phải hết sức mưu trí, sáng tạo. Với cách đánh thông minh, sáng tạo, lực lượng nhỏ có thể tiêu diệt được kẻ địch lớn; vũ khí thô sơ, kém hiện đại có thể đánh bại vũ khí hiện đại. Một chính khách cao cấp của Mỹ đã từng nói: Nếu dân tộc các ngài chỉ anh hùng thôi, thì vũ khí hiện đại của chúng tôi có thể đè bẹp nhưng vì các ngài thông minh quá. Dũng cảm và thông minh đã làm cho sức 1 thành 10, thành 100. Những chiến công kỳ diệu của đặc công, biệt động, của trận Điện Biên Phủ, của “Điện Biên Phủ trên không”, của Xuân 1968, Xuân 1975 là những đỉnh cao của cách đánh giặc dũng cảm, kết hợp mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta.

Điều thứ tư, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh để quân đội ta chiến thắng, đó là quan điểm thực tiễn, luôn xuất phát từ thực tiễn. Hồ Chí Minh coi trọng lý luận, nhưng luôn gắn lý luận với thực tiễn, luôn xuất phát từ thực tiễn để vận dụng lý luận, không giáo điều, máy móc.

Nhờ xuất phát từ thực tiễn, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đề ra những chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam và xu thế thời đại, tạo ra sức mạnh to lớn để giành thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh, nếu không thường xuyên bám sát thực tiễn, phân tích thực tiễn đúng đắn, đề ra quyết sách không phù hợp với thực tiễn thì nhất định bị thực tiễn “phê phán” ngay, phải trả giá ngay bằng xương máu, vì vậy, càng đòi hỏi phải nắm vững quan điểm thực tiễn.

Người luôn dạy cán bộ: Làm cách mạng tuyệt đối không được chủ quan, phải sâu sát thực tế, đánh giặc mà hiểu rõ địch, ta thì trăm trận trăm thắng.

Khi tình hình thực tiễn đã thay đổi, thì phải dám đổi mới, thay đổi quyết sách cũ, đề ra quyết sách mới cho phù hợp thực tiễn, có như vậy mới giành thắng lợi. Quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ; quyết định kịp thời chuyển kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm sang kế hoạch thời cơ một năm, sáu tháng, hai tháng trước mùa mưa và ra lệnh tấn công thần tốc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là những ví dụ điển hình của sự vận dụng quan điển thực tiễn trong chỉ đạo đánh giặc.

Cuộc chiến đấu lâu dài 30 năm đánh thắng hai đế quốc to là một kỳ tích lịch sử hết sức vẻ vang đối với quân và dân ta. Thực tiễn này là một kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý giá, đòi hỏi chúng ta phải hết sức coi trọng tổng kết, tiếp tục tổng kết một cách sâu sắc, toàn diện. Phải tổng kết một cách khách quan, khoa học với trách nhiệm cao đối với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, làm rõ những kinh nghiệm thành công để tiếp tục kế thừa, vận dụng và phát huy, đồng thời làm cho rõ những kinh nghiệm không thành công để biết tránh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Bám sát thực tiễn, phân tích nghiên cứu đúng thực tiễn, phát hiện ra quy luật, hành động theo quy luật, tuyệt đối không được giáo điều, máy móc, chống chủ quan duy ý chí là một yêu cầu cực kỳ quan trọng trong lãnh đạo cách mạng, cũng như lãnh đạo chiến tranh để giành thắng lợi.

Điều thứ năm, chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là điều Bác Hồ luôn nhắc nhở, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đối với thắng lợi của quân đội. Quân đội là lực lượng tin cậy của Đảng, của nhân dân để chống lại kẻ thù. Vì vậy, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân đội ta mới giữ vững bản chất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, một đội quân thực sự của dân, luôn giữ vững mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Vì vậy, Người coi việc đặt quân đội dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng là vấn đề nguyên tắc, coi việc chăm lo giáo dục đảng viên, cán bộ về phẩm chất cách mạng, để phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong quân đội là nhân tố có ý nghĩa quyết định để đánh thắng kẻ thù.

Trên đây là những nội dung nói về Tư tưởng Hồ Chí Minh mà tôi cho là sâu sắc nhất đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn cho quân đội ta đánh thắng mọi kẻ thù, hoàn thành mọi nhiệm vụ, làm nên những kỳ tích tưởng chừng như không làm nổi.

Đó cũng là năm bài học mà chúng ta cần nắm vững để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Ngày nay, Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, đang ra sức xây dựng đất nước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chúng ta tiến vào thế kỷ XXI với cục diện thế giới đầy biến động. Cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển với nhịp độ siêu tốc. Cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc, xung đột tôn giáo diễn ra phức tạp, gay gắt. Xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa, với mặt tích cực và tiêu cực của nó, đang phát triển mạnh mẽ.

Trước tình hình ấy, quân và dân ta càng phải nắm vững quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, chúng ta càng phải nâng cao chất lượng chiến đấu của LLVT nhân dân, cả chủ lực, địa phương, dân quân tự vệ và công an nhân dân; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, với bản lĩnh chính trị vững vàng và tri thức quân sự cao; coi trọng lực lượng thường trực, đồng thời coi trọng lực lượng hậu bị, coi đào tạo cán bộ là công tác trung tâm. Tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quân sự, kể cả kỹ thuật công nghệ cao, phát triển lên một bước mới học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh- học thuyết chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh với một đường lối tổng hợp, kết hợp quân sự với kinh tế, văn hoá và chính sách đối ngoại. Nắm vững xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm trong thời bình, bởi vì có kinh tế mạnh mới có quốc phòng mạnh. Tạo nên một sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đại đoàn kết toàn dân, đủ sức để ngăn chặn mọi mưu đồ “diễn biến hòa bình”, hoặc gây ra chiến tranh, giữ vững hòa bình lâu dài, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN trên đất liền, trên không và trên biển.

Nhân dịp kỷ niệm lịch sử, ngày mà trong giấy khai sinh của đội quân chủ lực đầu tiên, nhân dân ta, dân tộc ta đã ghi vào cái tên trìu mến là “Bộ đội Cụ Hồ”, với tư cách là người mà Bác và Đảng đã trao nhiệm vụ thành lập, lãnh đạo và chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu, là một nhân chứng lịch sử đã đi suốt thế kỷ XX, một thế kỷ đầy thử thách khốc liệt và thắng lợi vẻ vang đối với dân tộc ta, tôi muốn nói với đồng bào, đồng chí, đặc biệt là thế hệ trẻ một chân lý đã ăn sâu trong tâm tư và tình cảm của tôi.

Chân lý ấy là: Làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo những điều mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lê-nin thì thắng lợi. Làm sai Tư tưởng Hồ Chí Minh thì thất bại.

Thế giới còn đổi thay, nhưng Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi.
Thế giới còn đổi thay, nhưng chủ nghĩa Mác-Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi.

(Bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên báo Quân đội)

bqllang.gov.vn

Advertisement