Đồng chí Hoàng Thanh Vân - Bí thư huyện uỷ Ba Vì - Hà Tây
Tuổi trẻ các dân tộc huyện Ba Vì rất vinh dự và tự hào được sinh ra và lớn lên trên một vùng đất “địa linh, nhân kiệt” giàu tiềm năng, nhiều sự tích anh hùng và những truyền thống cực kỳ quý báu. Từ giữa năm 1950, vinh dự và tự hào hơn địa danh Đá Chông trên đất Ba Vì còn gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn của nhân loại, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bác Hồ kính yêu của chúng ta được toàn thể dân tộc Việt Nam và cả loài người kính phục.
Lịch sử còn ghi ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946) Bác Hồ rời làng Vạn Phúc trong không khí sục sôi:
“Cờ đỏ sao vàng bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông”
Tối 3/3/1947 Bác Hồ rời Hoàng Xá (Quốc Oai) qua Trung Quốc
“Xa xa núi Tản mây vờn
Sông Đà gợn sóng con thuyền nhẹ trôi”
Bác Hồ ra đi giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã và đang giành được những thắng lợi to lớn, song vẫn còn phải trải qua nhiều gian khổ hi sinh để đến thắng lợi hoàn toàn. Niềm tin tất thắng đó của Người đã động viên, thúc giục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không ngừng phấn đấu vượt mọi khó khăn giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong những năm tháng hào hùng đó có địa danh Đá Chông (Ba Vì) được Bộ Chính trị quyết định chọn làm nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác.
Ba Vì là huyện vinh dự được Bác Hồ nhiều lần tới thăm. Từ trên sườn Núi Tản viên tới bờ bãi Sông Hồng, từ đồi cây đến hồ nước, từ cánh đồng lúa đến khúc đê sung yếu, nhiều nơi trên mảnh đất này đã từng in dấu chân Bác.
Mùa hè năm 1957 trên đường công tác, Bác dừng chân ở một gốc đa ven đường thuộc xã Ba Trại (dân tộc Mường), Bác mong muốn gốc đa này có một ghế đá để bà con nông dân đi làm đồng trưa nắng vào nghỉ ngơi dưới gốc cây hoặc khách bộ hành mệt mỏi vào trú nắng, tấm lòng nhân ái của Bác sau đó đã được thực hiện. Ngày 8/7/1958 Bác đến thăm xã Cổ Đô Người đã ra đồng lội ruộng thăm bà con nông dân bắt sâu phá hoại lúa. Bác căn dặn, động viên nhân dân địa phương khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, quyết giành thắng lợi trong sản xuất để đảm bảo đời sống và đóng góp với đất nước. Trên bờ bãi Sông Hồng, Bác đã tới thăm kè Cổ Đô, Vu Chu, những đoạn kè trọng yếu trên đê Sông Hồng, Bác thăm hỏi động viên nhân dân xã Cam Thượng đang tập trung chống lụt … Ngày 26/01/1964 nhân chuyến công tác nghỉ ăn cơm trưa trên đồi Chu Mật, xã Thái Hoà, Bác nhắc nhở: Phong cảnh Ba Vì “Sơn thuỷ hữu tình” nếu trồng thêm được nhiều cây xanh, bóng mát thì vẻ đẹp còn tăng nhiều hơn nữa. Ngày 15/4/1964 Bác đến thăm đập Suối Hai, một công trình thuỷ lợi nhân tạo lớn mới được xây dựng. Nhờ công trình thuỷ lợi này, hàng nghìn ha từ ruộng 1 vụ thành ruộng 2 vụ, hàng trăm ha gieo trồng 3 vụ, Bác ân cần hỏi han việc đưa nước vào đồng. Ngày 16/2/1969 nhân ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu, Bác về thăm gặp gỡ chúc tết cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Sau đó Bác đã trồng cây Đa trên đồi cây Yên Bồ xã Vật Lại để khuyến khích phong trào Tết trồng cây của cả nước. Đây là lần cuối cùng Bác thăm nông dân và trồng cây trước lúc Người đi xa.
Có thể nói những địa bàn Bác đã tới thăm, những việc làm và những lời dạy bảo ân tình của Bác đối với nhân dân trong huyện không chỉ để lại những dấu ấn sâu sắc, những kỷ niệm không thể phai mờ mà còn dấy lên cả những cao trào quần chúng ở địa phương, hình thành những chủ trương lớn của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở.
Trong những lần Bác tới thăm Ba Vì, Bác quan tâm nhiều mặt, căn dặn nhiều điều như xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, phòng chống thiên tai bảo vệ sản xuất, đắp đê phòng lụt, trồng cây gây rừng, chăm lo đời sống nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, chăm sóc bảo vệ thiếu nhi, tôn trọng phụ nữ, đào tạo cán bộ, rèn luyện đảng viên. Đặc biệt Bác rất quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Được giáo dục và trưởng thành qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng sôi nổi, thế hệ trẻ Ba Vì mà nòng cốt là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã động viên cổ vũ, tập hợp đông đảo các tầng lớp thanh niên trong huyện phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tuổi trẻ các dân tộc trong huyện đã kề vai sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ vừa sản xuất, vừa chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc. Hàng vạn thanh niên Ba Vì đã tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trên khắp các mặt trận, chiến trường. Rất nhiều đoàn viên thanh niên đã nêu gương chiến đấu dũng cảm, không ngại gian khổ hy sinh, xứng đáng với truyền thống thanh niên Ba Vì anh hùng, lực lượng trẻ ở hậu phương thi đua sản xuất giỏi, đấu tranh kiên cường chống thiên tai, địch hoạ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao phó.
Trong lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa xã hội, tuổi trẻ ba dân tộc Kinh, Mường, Dao trong huyện luôn gắn bó đoàn kết, phấn đấu đi đầu trong các phong trào từ cải tiến công cụ, ngâm ủ giống theo phương thức khoa học, đẩy mạnh sản xuất phân bón, đẩy mạnh phong trào làm thuỷ lợi, tạo lên làn gió “đại phong” nổi tiếng một thời tuổi trẻ, tích cực lao động sản xuất trong phong trào thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965)… Tuy còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm sản xuất về tay nghề nghiệp vụ quản lý nhưng do nhận thức được vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên lại hăng hái tiến quân vào khoa học, kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, xây dựng lên những “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”, phong trào “luyện tay nghề thi thợ giỏi” những công trình thanh niên phấn đấu trở thành các tổ, đội lao động dự bị tin cậy của Đảng.
Cùng với việc xây dựng và phát huy truyền thống xung kích cách mạng qua các thời kỳ, đoàn viên thanh niên huyện Ba Vì luôn đặt nhiệm vụ dìu dắt, chăm sóc giáo dục lớp thiếu niên nhi đồng thành công việc thường xuyên, cùng gia đình nhà trường và xã hội, đoàn thanh niên đã góp phần dìu dắt, bồi dưỡng giáo dục về mọi mặt, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ măng non đợc phát triển toàn diện, giữ vững phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu chon lọc văn hoá tinh hoa nhân loại, chuẩn bị nguồn lực thực hiện CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Bác Hồ đã đi xa nhưng Đảng bộ, nhân dân và thế hệ trẻ Ba Vì luôn ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy, những vùng đất trống đồi trọc, cằn khô sỏi đá, nay là những cánh rừng xanh ngắt của trang trại, vườn rừng của vườn cây ăn quả, lợi ích của việc trồng cây, không chỉ mang lại nguồn lợi thiết thực cho đời sống trước mắt mà còn tạo ra lợi ích lâu dài và rộng lớn đem lại lợi ích nhiều mặt dân sinh, kinh tế, văn hoá – xã hội, sinh thái, môi trường.
Trồng cây cũng vì lợi ích của dân, trồng cây cúng góp phần vào nhiệm vụ “trồng người”. Địa danh nào trên đất Ba Vì Bác đã tới thăm đều để lại những bài học sâu sắc về sự quan tâm đến con người, quý trọng con người, coi con người là trung tâm của mọi chủ trương, phương pháp hành động, mục tiêu phục vụ con người, phục vụ nhân dân là mục tiêu phấn đấu chủ yếu của các ngành các cấp. Thấm nhuần tư tưởng của Bác nhiều năm qua nhiệm vụ trồng người đã trở thành mục tiêu chủ yếu, thanh nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng bộ và nhân dân toàn huyện.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc, Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đoàn viên thanh niên là đội hậu bị tin cậy của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước. Ngày nay đất nước ta đã và đang trải qua những chuyển biến sâu sắc trong công cuộc đổi mới, với những thành tích và vận hội mới. Lời Bác Hồ dạy “Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó”. Phát huy truyền thống lớp lớp cha anh trong lịch sử, tuổi trẻ Ba Vì không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu vượt qua mọi khó khăn, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo bằng các chương trình hành động cách mạng thiết thực với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” động viên, tập hợp thanh niên trên con đường mưu sinh lập nghiệp, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trên đất Ba Vì miền quê Núi Tản Sông Đà, quê hương của huyền thoại Sơn Tinh. Trong tiếng reo vi vút của rừng thông, tiếng sóng vỗ nhẹ êm của dòng Đà Giang cuộn chảy. Dòng người trên khắp đất nước ngày càng đông đến khu Di tích Đá Chông – nơi Bác Hồ kính yêu đã có thời gian làm việc, nơi từng được chọn để bảo vệ, giữ gìn giấc ngủ vĩnh hằng của Người. Cùng với nhân dân cả nước, tuổi trẻ Ba Vì luôn ghi lòng tạc dạ công ơn của Bác, thực hiện tốt những lời Bác dạy, góp phần bảo vệ thật tốt khu Di tích thiêng liêng này trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Ba Vì và của cả nước.